Đười Ươi Chân Kinh

Lần đầu tiên khối lượng tác phẩm đồ sộ của “đười ươi thi sĩ” Bùi Giáng được tuyển chọn và tập hợp trong một tuyển tập thơ văn công phu có tên Đười Ươi Chân Kinh*.

Tuyển tập chủ trương chỉ chọn lọc tất cả những gì “đọc được” trở lên của ‘đười ươi thi sĩ’, và bằng nguyên tắc này, gạt bỏ ra ngoài hết thảy những gì mà những người biên tập cuốn sách cho là tạp nham, không cơ bản, những “sấm ngữ” tối nghĩa, những ám ảnh câu chữ được dùng dai dẳng, được lặp lại liên hồi kỳ trận nhưng không-tiêu-biểu hoặc chỉ-cần-một-đại-diện-là-đủ trong thơ văn Bùi Giáng.

Đười Ươi Chân Kinh cũng giới hạn sự tuyển chọn ở những tác phẩm được xuất bản khi tác giả còn sống mà bỏ qua phần di cảo, và dành phần ưu tiên cho những thi phẩm xuất bản trước 1975, khi Bùi Giáng vẫn còn là một “trung niên thi sĩ” đích thực.

Phần văn của tinh tuyển này gồm nhiều đoản văn, tiểu luận và cả một bản dịch tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Kiếm Điêu Linh.

Ông [Bùi Giáng] như một thiên tài, thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.
– Thanh Tâm Tuyền

Bùi Giáng nổi tiếng với những câu thơ lẻ xuất thần, đặc biệt là lục bát, vì vậy, tuyển tập dành một chương cho những câu thơ lẻ hoặc là bài trọn vẹn hoặc được trích ra từ những bài thơ không có mặt trong tuyển.

Ngoài ra, tuyển tập cũng chọn những bài viết của các tác giả Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Yên Cơ đưa vào phần phụ lục, giúp độc giả có thể qua đó hiểu thêm về tác phẩm của Bùi Giáng.

Sinh năm 1926, mất năm 1998, trong hơn 70 năm cuộc đời mình, Bùi Giáng vừa là một nhà thơ với bút lực phi thường, “vô tiền khoáng hậu”, vừa là một dịch giả và là nhà phê bình văn học. Hơn tất cả những thi sĩ miền Nam đương thời khác, Bùi Giáng có được cái may mắn không đứt đoạn qua cái mốc 1975 lịch sử. Sau 1975, ông vẫn liên tiếp tái bản được thơ và sách dịch. Ngoài ra, sau khi ông mất, một lượng di cảo thơ khổng lồ đã lần lượt được xuất bản, biến Bùi Giáng thành tác giả không bao giờ vắng bóng trên các kệ sách, với một số lượng tác phẩm luôn ở mức độ áp chế độc giả. Đó là chưa kể đến một dịch phẩm như Hoàng Tử Bé, không ngừng được in đi in lại, và cho tới năm 2011 này, vẫn còn được trao giải thưởng!

“Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng ngôn ngữ ảo diệu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời.”
– Mai Thảo

Có thể nói, cái danh tiếng và mức độ ảnh hưởng của Bùi Giáng không ngừng tăng lên với thời gian. Thơ ông được phổ nhạc từ một câu (“Còn hai con mắt khóc người một con” trong “Con mắt còn lại” của Trịnh Công Sơn) cho tới cả bài (“Gái lội qua khe” tức “Tục ca 3” của Phạm Duy)… và bây giờ còn tiếp tục được phổ nhạc nhiều bài… Nhiều nhà thơ, già có trẻ có, hoặc thú nhận hoặc không, đều ít nhiều chịu ảnh hưởng thơ của “đười ươi thi sĩ”. Thơ Bùi Giáng được trích dẫn nhiều, truyền khẩu nhiều, đặc biệt ở cấp độ câu, đến mức có thể nói khó truy tung được nguồn gốc… Nếu lập fan club, Bùi Giáng có lẽ sẽ có một ưu thế lớn hơn rất nhiều so với các thi nhân khác: lượng fan hâm mộ ông hẳn không nhỏ, đặc biệt là số lượng fan “cuồng”. Ở một mức độ nào đó, Bùi Giáng đã thành một truyền thuyết – thật là hợp với cuộc đời kỳ lạ vô tiền khoáng hậu của ông – đến mức Nguyễn Huy Thiệp, trong một sáng tác không xuất bản chính thức, còn mật danh Bùi Giáng là Bùi Lão Đại Điên Kỳ Hiệp!

Nhân dịp tinh tuyển thơ văn này ra mắt, một đêm thơ Bùi Giáng đã được tổ chức vào hồi 18 giờ ngày 20/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, với sự tham gia của các diễn giả: Nguyễn Nhật Anh – người thực hiện tinh tuyển, Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, và Phạm Xuân Nguyên.

* Tác giả:    Bùi Giáng, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành tháng 12/2011; Số trang: 536, Giá bìa: 115.000 VNĐ

Tác giả

(Visited 37 times, 1 visits today)