“Đường hẹp lên miền Bắc thẳm”: Sống được nhờ ảo ảnh
Có khi nào cái đẹp chỉ là ảo ảnh giữa cuộc đời?
“Sao anh lại yêu chữ thế?”, Amy hỏi Dorrigo Evans. Câu hỏi này xuất hiện phần đầu trong cuốn tiểu thuyết của Richard Flanagan, lúc ấy ta chưa biết Amy là ai, vì sao họ quen nhau, vì sao họ ở bên nhau, ta cũng không biết họ rồi sẽ chia biệt, ta cũng chưa biết số phận của Evans sẽ trôi dạt tới tận Miến Điện, sẽ sống cùng với con người và cứt đái của họ, sẽ biến thành một người anh hùng nhưng ngay cả điều đó cũng không khiến anh trở lại làm một con người như anh đã xứng đáng làm, đã mơ mộng được trở thành. Khi câu hỏi được đặt ra, ta chỉ biết Dorrigo Evans là một chàng thanh niên lớn lên trong gia đình nghèo vùng nông thôn nước Úc, với “thành tích chủ yếu là sống sót”. Và anh đáp: “Đấy là cái đẹp đầu tiên anh được biết.”
Cũng có thể đó là cái đẹp cuối cùng, cái đẹp duy nhất thuộc về anh. Và không chỉ anh, mà còn là rất nhiều những người đàn ông khác, cả nô lệ lẫn tướng lĩnh, cả kẻ tra tấn và kẻ bị tra tấn, cả kẻ sống sót và kẻ bỏ mạng.
Nói về chủ đề Thế chiến II, đã có không ít tuyệt tác về sự diệt chủng người Do Thái, về Holocaust, về những trại tập trung trên khắp châu Âu, về những buồng hơi ngạt. Bản thân lịch sử cũng luôn có đối tượng yêu thích của riêng mình. Những đối tượng khác, dù cũng bị dày vò trong chừng ấy tàn khốc, nhưng lại không là tâm điểm. Đường hẹp lên miền Bắc thẳm (theo bản dịch của Nguyễn An Lý) nói về một đối tượng thường bị ghẻ lạnh như vậy: công cuộc xây dựng tuyến đường sắt Miến Điện từ Bangkok tới Rangoon của Đế quốc Nhật trước khi bại trận, khiến hàng trăm ngàn lao động thiệt mạng, chủ yếu là người châu Á và những tù binh chiến tranh từ phe Đồng Minh.
Mà gọi phe phát xít hay phe Đồng Minh cũng không thực sự chính xác. Dorrigo Evans thuộc về phe nào? Anh đến từ một hải đảo xa xôi của nước Úc, và chỉ vì nước Úc thuộc khối Thịnh vượng chung, anh đã bị đẩy về một phe. Và trong truyện sẽ xuất hiện một người quản tù Triều Tiên, đi làm thuê cho Đế quốc Nhật chỉ vì đồng lương 50 yên một tháng mà sau khi phát xít sụp đổ anh còn không được trả, anh ta thuộc về phe nào? Anh ta cuối cùng bị xử tử, nhưng người đã trả tiền cho anh, người thuê anh – Thiên Hoàng – thì không ai kết tội. Thiên Hoàng có phải phe phát xít hay không?
Người ta dễ dàng biến một cuốn tiểu thuyết về tội ác chiến tranh trở thành một cuốn sách kể khổ. Nhưng Đường hẹp lên miền Bắc thẳm thì không. Kể về những vết hoại thư, kể về tình trạng “không đủ tư cách làm người”, kể về những nhát gươm chặt đầu tù nhân, kể về dịch tả, kể về những hố phân nơi người ta ngã lộn nhào xuống và chết, kể rất nhiều, nhưng tuyệt nhiên không phải kể khổ.
Nếu là kể khổ thì hẳn phải có một kẻ cụ thể gây ra đau khổ để trút mọi giận dữ và căm hờn. Không có kẻ nào như thế ở đây, thứ gây ra đau khổ là những ý niệm – tinh thần Nhật Bản, tinh thần võ sĩ đạo, lòng trung thành với Thiên Hoàng – mà ý niệm thì không có hình thù, không có cơ thể để quất roi, không có cổ để chặt đầu, không có chân để cụt, không có ruột để tiêu chảy. Còn tất cả những kẻ có thể xác thì đều đau khổ như nhau, bất luận là khổ sớm hay khổ muộn, bất luận là bị người đày hay bị trời đày. Và vì ai cũng đau khổ như nhau, nỗi đau khổ được chia đều, nên ta không biết căm hờn ai cả.
Sự yếu đuối của thân xác là trung tâm trong cuốn tiểu thuyết của Flanagan. Thân xác vụn vỡ, tan nát, sưng tấy, mưng mủ, thối rữa trong mọi hoàn cảnh. Đó là cái chân hoại tử của người nô lệ Jack Rainbow mà bác sĩ Dorrigo Evans dù khâu lại bằng cách nào thì động mạch vẫn cứ bục ra trơn nhớt, khâu bao nhiêu mũi máu vẫn đổ lênh láng và hòa vào đống bùn lầy châu Á; đó là cái cơ thể đã bủng beo vì tả của Gardiner Đen bị tay cai Triều Tiên đấm đá đến bầm dập, vẫn cố lê tới chuồng xí và cuối cùng rơi vào hố phân, chết ngộp trong đó; và đến lượt mình, đó là cơ thể của tay cai Triều Tiên bị thòng vào sợi dây thừng, chụp đầu bằng bao rồi bị xử tử như tội phạm chiến tranh, và ý nghĩ cuối cùng trong gã là năm mươi yên bị quỵt không cách nào đòi được cùng cơn ngứa trên cánh mũi không thể nào gãi nổi – trong giây phút cuối cùng của sự sống thì thịt da vẫn cứ là nguồn cơn của mọi nhức nhối; và rồi đó là cơ thể bị muỗi rừng đốt của người tướng Nhật, cái cơ thể đã từng chặt biết bao đầu người ở Mãn Châu, nhưng chính nó cũng không thoát khỏi sự đọa đày khi một khối u ác tính nhú lên trong họng.
Đối lập với sự băng hoại của thể xác, chỉ có một sợi chỉ duy nhất, dù mong manh, nhưng không bao giờ đứt phựt để giữ cho cái mẩu cụt còn sót lại của tính người không què quặt hẳn: thi ca và nghệ thuật. So với thể xác luôn luôn biến đổi và suy đồi, thi ca và nghệ thuật không bao giờ biết đến quá trình lão hóa, không bao giờ bại hoại. Những bức tranh của một người tù khổ sai vẫn sống cả sau khi người ấy chết, từ chối bị hỏa thiêu. Những bài thơ của Tennyson, Brown và Kipling vẫn là như thế dù có ai đọc hay không ai đọc, và thơ haiku, dù là một kẻ bị coi là đồ tể đọc lên thì Issa vẫn là Issa, và Basho vẫn cứ là Basho không đổi. Thơ, vì không hình hài, không thân xác, nên cũng không thể bị nhục hình hay treo cổ, không thể bị chặt đầu, không thể ung thư hay nhiễm khuẩn, và thơ đương nhiên không cần phóng uế. Không một giây nào thơ trở nên tầm thường được.
Hãy đọc đoạn khi người tướng Nhật vung gươm suýt chút nữa xử trảm một con người bằng xương bằng thịt, ngay sau đó lại đọc một bài thơ haiku của Basho: “Sa bà vẫn khổ / nếu đào nở hoa / thì đào vẫn nở hoa mà”. Đáng ra đó là cảnh khiến ta nghĩ đến cảnh bác sĩ ăn thịt người Hannibal Lector vừa ăn lưỡi sống của nạn nhân, vừa đung đưa theo nhạc cổ điển – một cảnh trí khi cái đẹp và cái ác tay trong tay lấy mạng con người. Nhưng trong cuốn sách của Flanagan, ta lại không cảm thấy tàn nhẫn đến thế. Phải chăng là vì ta đã được thấy vị tướng ấy ngứa ngáy ra sao vì những vết muỗi sưng, đã vật vã ra sao khi thiếu ma túy đá, đã chịu hành hạ thế nào vì căn bệnh ung thư không nhân nhượng, và ta biết đó cũng là một con người, cũng không miễn nhiễm trước cái chết, trước bệnh tật, tuổi già, nghiện ngập, nghiệp chướng.
Sa bà vẫn khổ, và hoa đào vẫn nở. Sự tuyệt diệu của cuốn sách này nằm ở chỗ nó có cả những đoạn khiến ta buồn nôn vì sự tù hãm, dơ dáy, xú uế, bốc mùi của thân thể người, nhưng lại cũng có những đoạn ấm áp như một bát súp nóng, như một chiếc lò sưởi giữa băng giá, như khi một người chủ quán ăn tiếp đãi những chàng trai từ trại lao động trở về, cho họ ăn thật ngon, uống thật say dù cho họ phá hoại quán của ông. Cái ác vẫn nở trên cái ác, nhưng lòng tốt cũng có tuyến đường thẳm của riêng mình.
Tựa đề Đường hẹp lên miền Bắc thẳm dựa theo tên tác phẩm kinh điển của Basho, Oku no Hosomichi (Con đường hẹp vào chiều sâu tâm thức, theo bản dịch của Nguyễn Nam Trân), viết về một chuyến đi dài năm tháng hòng cầu đạo của thi sĩ. Đường Basho đi là đường bậc tao nhân mặc khách. Đường lên miền Bắc thẳm đầy dấu khổ đọa. Nếu có gì chung, thì là đi hết cũng thấy được hết muôn mặt đời này, sống và chết, thắng và thua, vinh quang và ngục hãm, cũng đều là bể khổ. Trong tập sách của mình, có một đoạn Basho viết rằng: “Biết rằng cuộc đời này lắm sự thay đổi đột ngột, bến sông này cũng là một nơi mộng ảo, nước mắt chia ly có nhỏ xuống cầm bằng vô ích, thế mà chúng ta cùng nhau đổ lệ nuối tiếc vì phải rời nhau.” Dẫu cái đẹp chỉ là mộng ảo, thi ca trong cuốn sách của Flanagan chắc cũng giống như bến sông mộng ảo kia thôi, nhưng nếu không phải vì mộng ảo, thì đời còn sống được sao?□
Bài đăng Tia Sáng số 4/2024