Elisabeth Schwarzkopf: Giọng ca thiên thần của opera và lieder
Elisabeth Schwarzkopf là một trong những soprano nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Vẻ đẹp tinh khôi và sự quyến rũ của giọng soprano trữ tình kết hợp với sự chăm chỉ rèn luyện và trí thông minh bẩm sinh đã tạo ra những màn trình diễn vô cùng đặc sắc và ấn tượng.
Elisabeth Schwarzkopf.
Lận đận với “bệ phóng” Đức Quốc xã
Olga Maria Elisabeth Frederike Schwarzkopf sinh ngày 9/12/1915, tại Jarotschin, Đức, nơi ngày nay là phía Tây Ba Lan. Cả cha mẹ cô đều là người Phổ. Cha Elisabeth, ông Friedrich là một hiệu trưởng còn mẹ cô Elisabeth là nội trợ, người phụ trách việc giáo dục đứa con duy nhất và sự nghiệp âm nhạc mới chớm nở của cô. Công việc dạy học của ông Friedrich khiến họ phải chuyển nhà nhiều lần. Khi Elisabeth lên 13 tuổi, gia đình chuyển tới Magdeburg, Đức. Tại đây, cô theo học piano, viola, guitar, organ và phát triển giọng hát cao, nhẹ, tự nhiên của mình tại các buổi hòa nhạc ở trường và địa phương. Năm 1928, Schwarzkopf có vai diễn opera đầu tiên của mình khi hát Eurydice (Orfeo và Euridice, Gluck) tại trường. Năm 1933, gia đình cô chuyển tới Berlin, đúng giai đoạn Hitler lên nắm quyền. Cô theo học tại Berlin Royal Augusta và sau đó trúng tuyển vào trường Hochschule für Musik. Năm 1934, trước khi được đào tạo chính thức, Schwarzkopf đã giành được tài trợ từ Liên đoàn Sinh viên Xã hội chủ nghĩa Quốc gia cho một chuyến đi xe đạp và cắm trại tại Anh. Cô đã học tiếng Anh trong thời gian này.
Sau khi trở về Đức và theo học tại Hochschule für Musik, Schwarzkopf cũng như các sinh viên khác, bị bắt buộc tham gia các bài học hằng ngày về Chủ nghĩa xã hội Quốc gia của Hitler. Chỉ một năm sau, 1935, khi chuẩn bị 20 tuổi, cô gia nhập hiệp hội sinh viên của Đảng Xã hội Quốc gia. Alan Jefferson, một người nghiên cứu về tiểu sử Schwarzkopf cho biết sau đó Schwarzkopf đã trở thành giám đốc của tổ chức này và một trong những trách nhiệm của cô với tư cách nhà lãnh đạo là “để mắt tới các sinh viên khác”. Về việc học tập, giáo viên hướng dẫn của cô tại Hochschule für Musik, Lula Mysz-Gmeiner, người khá nổi tiếng thời kỳ đó lại đưa ra nhận định rằng giọng của Schwarzkopf là mezzo-soprano. Tuy nhiên, mẹ của cô không đồng ý và yêu cầu thay đổi giáo viên. Schwarzkopf chuyển sang học với Egonolf và ông đã nhận ra chất giọng nữ cao trữ tình màu sắc tuyệt vời của cô. Năm 1938, Schwarzkopf chính thức bước vào sự nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp với việc hát tại Deutsche Oper Berlin. Trong thời gian này, Schwarzkopf đã cho thấy rõ quyết tâm vươn lên của mình từ những vai nhỏ cho đến việc chiếm lĩnh những vai diễn lớn hơn. Vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp chuyên nghiệp của cô là nàng tiên hoa thứ hai (nhóm đầu tiên) xuất hiện trong màn II vở Parsifal của Wagner vào ngày 15/4/1938.
Cho đến những năm 1980, Schwarzkopf vẫn luôn phủ nhận mình đã gia nhập đảng Quốc xã. Lý do bà đưa ra cho việc hợp tác với đảng này chỉ đơn giản là giám đốc nhà hát khi đó, Wilhelm Rode là người của Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels và cả nhà hát đều ủng hộ đảng Quốc xã. Trong các bản câu hỏi của quân Đồng minh vào năm 1945, bà đều khẳng định mình chưa từng là thành viên của đảng này. Tuy nhiên, vào năm 1982, một nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc tại Đại học Vienna, Oliver Rathkolb, đã công bố luận án tiến sĩ tiết lộ chi tiết về tư cách đảng viên của bà. Thông tin này đến từ các tài liệu được phát hiện tại Cục phân loại của Đồng minh ở Vienna và sau đó được chuyển đến Cơ quan Lưu trữ Quốc gia tại Washington. Theo những hồ sơ này, Schwarzkopf đã nộp đơn xin gia nhập vào ngày 26/1/1940, và được chấp nhận vào ngày 1/3 năm đó, trở thành thành viên Đức Quốc xã số 7548960. Khi những bằng chứng này được đưa ra, Schwarzkopf đã phải thừa nhận. Tuy nhiên, bà giải thích với New York Times vào năm 1983: “Chúng tôi không nghĩ gì đến nó, chỉ đơn giản là thực hiện. Nó giống như việc tham gia một công đoàn, chỉ vì một lý do: công việc”. Trong một cuộc phỏng vấn khác, Schwarzkopf đã trích một câu hát nổi tiếng trong Tosca “Vissi d’arte”, có nghĩa là “Tôi sống vì nghệ thuật”. Trong cuốn sách về tiểu sử của bà “Elisabeth Schwarzkopf”, Jefferson cho biết trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, bà là một ca sĩ đầy tham vọng, luôn nỗ lực tập trung để phát triển sự nghiệp của mình. Schwarzkopf đã biểu diễn tại các bữa tiệc cũng như cho quân đội Đức trên mặt trận.
Một bản thu âm của Elisabeth Schwarzkopf.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, việc gia nhập đảng Quốc xã dường như không giúp Schwarzkopf nhiều trong việc thăng tiến tại Deutsche Oper Berlin. Cô chỉ được giao những vai nhỏ trong Carmen (Bizet), Die Fledermaus (Johann Strauss) và những vở operetta phù phiếm khác. Sự đột phá của Schwarzkopf đến vào cuối năm 1940 khi cô vào vai Zerbinetta trong (Ariadne auf Naxos, Richard Strauss). Vai diễn giọng trữ tình màu sắc này đã thu hút được sự chú ý của Maria Ivogün, một soprano đàn chị rất nổi tiếng thời kỳ đó và chồng bà Michael Raucheisen, một nghệ sĩ piano. Ivogün đã nhận dạy Schwarzkopf các bài học thanh nhạc tư, dạy cô các vai dành cho các giọng nữ cao và hướng cô vào địa hạt của các ca khúc thính phòng. Còn đích thân Raucheisen đã đệm đàn cho cô trong nhiều chương trình thính phòng. Năm 1942, Schwarzkopf đã sẵn sàng rời khỏi Deutsche Oper Berlin khi cô giành được sự quan tâm của Karl Böhm, người sắp trở thành giám đốc của Vienna State Opera. Nhưng Goebbels đã ra lệnh cho Schwarzkopf ở lại Berlin.
Sau đó, Schwarzkopf chỉ được tham gia vào các dự án của Vienna State Opera kể từ cuối năm 1944 và nhận ra rằng tương lai của mình nằm ở các vai giọng nữ cao trữ tình. Màn trình diễn đầu tiên của cô với Vienna State Opera là trong vai Rosina (Thợ cạo thành Seville, Rossini). Schwarzkopf đã nhận được lời bình luận: “Một giọng hát tuyệt vời, tươi trẻ dù không đồ sộ, truyền đến tiếng cười với những nốt cao đầy mê hoặc”. Cô tham gia liên hoan Salzburg đầu tiên sau chiến tranh vào năm 1947 cùng nhạc trưởng Wilhelm Furtwängler. Và trong những mùa hè tiếp theo đó là mối quan hệ khăng khít với Herbert von Karajan, vị nhạc trưởng sẽ còn tiếp tục cộng tác với cô trong nhiều dự án âm nhạc khác. Cô cũng tham gia chuyến lưu diễn của Vienna State Opera tại Covent Garden, London trong các vai Donna Elvira (Don Giovanni, Mozart) và Marzelline (Fidelio, Beethoven). Ngày 28/12/1948, lần đầu Schwarzkopf ra mắt La Scala với vai diễn Marschallin (Der Rosenkavalier), một trong những đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của bà. Sau này, cô còn nhiều dịp cộng tác với nhà hát trong những vai như Elsa (Lohengrin, Wagner), Marguerite (Faust, Gounod) hay Mélisande (Pelléas và Mélisande, Debussy).
Những buổi biểu diễn ở London đã thành công rực rỡ. Schwarzkopf đã được mời cộng tác với Công ty quản lý Covent Garden vừa mới được thành lập. Bà đã gắn bó với nhà hát này năm năm sau đó, không chỉ trong các vở opera của Đức mà còn trong các vai Violetta (La traviata, Verdi), Gilda (Rigoletto, Verdi), Mimì (La bohème, Puccini) hay Manon (Manon, Massenet), tất cả đều bằng tiếng Anh. Giờ đây, việc lựa chọn tiết mục và định hướng cho sự nghiệp của Schwarzkopf phụ thuộc vào một nhà quản lý và phê bình âm nhạc người Anh sinh năm 1906. Walter Legge không được đào tạo về âm nhạc nhưng tự học và có một tri thức về âm nhạc vô cùng phong phú. Ông đã từng làm trợ lý cho nhạc trưởng Thomas Beecham và là người chịu trách nhiệm chính trong việc thành lập dàn nhạc và dàn hợp xướng Philharmonia nhưng khi kết thúc chiến tranh, Legge chủ yếu làm việc cho các công ty thu âm.
Sau một chuyến công tác tại Vienna với mục đích tìm kiếm tài năng âm nhạc mới cho EMI, người đàn ông có vẻ ngoài nghiêm nghị, đeo kính cận này đã được tiếp xúc với Schwarzkopf trong một buổi thử giọng. Từ đó giữa hai người bắt đầu một mối quan hệ trong công việc và phát triển dần thành mối quan hệ trong cuộc sống. Năm 1948, Legge ly hôn người vợ đầu, Nancy Evans, cũng là một giọng nữ cao và kết hôn với Schwarzkopf vào năm 1953. Sau khi kết hôn, bà đã được nhập quốc tịch Anh. Với tư cách giám đốc nghệ thuật của EMI Records, Legge đã thực hiện cho vợ mình vô số bản thu âm, yêu cầu các kỹ sư âm thanh hướng dẫn một cách chi tiết, giám sát và đảm bảo họ nắm bắt được giọng hát của Schwarzkopf một cách tốt nhất. Cũng chính Legge là người đưa Schwarzkopf tới các ca khúc thính phòng của Hugo Wolf, vốn ít được biểu diễn khi đó. Chính những tác phẩm tưởng chừng lạ lẫm này đã góp phần làm nên tên tuổi bà. Trên thực tế, hai người lần đầu gặp nhau là vào năm 1938 khi Schwarzkopf hát hợp xướng trong vở opera Cây sáo thần của Mozart trong khi Legge giúp đỡ Beecham thu âm. Sau này Legge nhớ lại: “Tôi thậm chí không chú ý đến cô ấy. Tôi đã bị mù”.
Dietrich Fischer-Dieskau, Elisabeth Schwarzkopf, Victoria de los Ángeles và Gerald Moore (ngồi bên đàn) tập dượt cho chương trình “Homage to Gerald Moore” vào năm 1967.
Ngày 11/9/1951, Schwarzkopf vào vai Anne Trulove trong lần công diễn đầu tiên vở opera The Rake’s Progress của Stravinsky tại nhà hát Le Fenice, Venice. Cũng trong năm này, đánh dấu lần xuất hiện duy nhất của bà tại Bayreuth khi hát trong bản giao hưởng số 9 của Beethoven do nhạc trưởng Furtwängler chỉ huy. Cả hai đêm diễn này đều được chồng bà thực hiện ghi âm.
Một thời kỳ đỉnh cao
Với mối quan hệ trong quá khứ của Schwarzkopf với Đức Quốc xã, đã có những nghi ngờ cho sự phát triển sự nghiệp của bà tại Mỹ. Buổi ra mắt của bà tại đây bị trì hoãn tới tháng 10/1953, tại Town Hall, New York. Chương trình đã gặt hái được thành công to lớn, được những nhà phê bình và khán giả đón nhận. Tiếp theo là một chuyến lưu diễn trong cuối năm 1954, kết thúc cũng tại Town Hall với một chương trình có bốn bài hát cuối cùng và cảnh cuối cùng trong vở opera Capriccio của Richard Strauss cùng Chicago Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Fritz Reiner. Một nhà phê bình đã viết trên Musical America miêu tả buổi biểu diễn của Schwarzkopf “đã thể hiện sự tinh tế, kỹ thuật thành thạo và khéo léo”. Năm 1955, bà có vai diễn opera đầu tiên của mình tại San Francisco, Mỹ với Marschallin (Der Rosenkavalier). Mildred Norton, một nhà phê bình của The Saturday Review đã bình luận: “Công chúa Werdenberg mới đáng nhớ, sở hữu một phong cách mới đĩnh đạc, sôi nổi với giọng hát rạng rỡ và những nét duyên dáng riêng”. Ngày 25/11/1956, lần đầu tiên Carnegie Hall chứng kiến một chương trình lieder được bán hết sạch vé với sự xuất hiện của Schwarzkopf.
Ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp, Schwarzkopf đã có sự phân chia cụ thể và khoa học giữa sân khấu opera và các chương trình hòa nhạc. Bà thực sự tỏa sáng ở cả hai lĩnh vực. Về opera, bà tập trung chủ yếu vào Mozart và Richard Strauss mặc dù cũng tham gia vào khá nhiều các vở operetta. Trong lĩnh vực hòa nhạc, bà là ca sĩ hát lieder hàng đầu trong số những nữ nghệ sĩ cùng thế hệ, chia sẻ vị trí đỉnh cao với người đồng nghiệp nam đáng kính Dietrich Fischer-Dieskau, mà bà thường xuất hiện cùng trong các buổi hòa nhạc. Giống như Fischer-Diesaku, Schwarzkopf sở hữu một kho tàng các tác phẩm lieder giàu có và nhiều tham vọng hơn các thế hệ đi trước, tận dụng ưu thế của thời kỳ ghi âm để bảo tồn và phát huy khối lượng tác phẩm biểu diễn của mình. Schwarzkopf dành nhiều sự quan tâm tới Wolf, người mà Legge đặc biệt yêu thích. Những buổi biểu diễn và ghi âm các lieder của Wolf thực sự đã trở thành huyền thoại. Bên cạnh đó, Schwarzkopf cũng hát nhiều trong các tác phẩm thanh nhạc lớn. Với Bach, bà cho thấy một sự thành kính hoàn hảo trong phong cách và chất giọng. Trong Ein Deutsches Requiem của Brahms, phần dành cho nữ cao solo của bà vô cùng đáng yêu và dịu dàng. Nhưng tác phẩm mà thường được gắn liền với tên tuổi của bà nhất chính là bộ bốn bài hát cuối cùng của Richard Strauss. Schwarzkopf luôn được coi là ca sĩ thể hiện xuất sắc nhất tác phẩm nổi tiếng này của Strauss. Bản thu âm cuối cùng tác phẩm này vào năm 1966 của bà trong tổng số ba bản, cùng Radio Symphony Orchestra Berlin và nhạc trưởng Georges Szell đã được nhận xét là: “Một bản thu âm đến từ thiên đường. Đẹp đến mức dập tắt mọi ý định phân tích nó”.
Là một ca sĩ điển hình cho phong cách Đức, giọng hát của bà không đẹp một cách lộng lẫy hay thể hiện tác phẩm theo một phong cách trữ tình, ngọt ngào. Giống như Fischer-Dieskau, cách tiếp cận âm nhạc của Schwarzkopf dựa trên một trí thông minh tuyệt vời, một tư duy thấu đáo và kỹ càng. Bà nghiên cứu kỹ lời hát, cố gắng tìm hiểu ý tưởng của nhà soạn nhạc và không để cảm xúc lấn át. Trong thập niên 60, bà thu dần danh mục chỉ còn khoảng dưới 10 vở opera, chủ yếu tập trung vào Donna Elvira (Don Giovanni), Rosina (Đám cưới Figaro, Mozart), Fiordiligi (Così fan tutte, Mozart), Madeleine (Capriccio), Marschallin (Der Rosenkavalier) hay Alice Ford (Falstaff, Verdi). Tuy nhiên, bà cũng thu âm các vở operetta vui nhộn, hài hước như The Merry Widow (Lehár) và Der Zigeunerbaron (Johann Strauss). Ngày 13/10/1964, bà có màn ra mắt tại Metropolitan Opera với vai Marschallin trong Der Rosenkavalier cùng Lisa Della Casa, một giọng nữ cao nổi tiếng khác. Đây cũng chính là vai opera đầu tiên của bà tại Mỹ chín năm trước đó. Sau đêm diễn, bà đã nhận được lời nhận xét: “Giọng nữ cao đã chinh phục được người nghe và tiếng hô vang vọng khắp nhà hát khi bà cúi đầu chào chính là thứ mà một prima donna kiêu kỳ nhất có thể đòi hỏi. Khi hát trong Der Rosenkavalier ở nơi khác, cách diễn giải của Schwarzkopf đã gây ra một số tranh cãi. Đêm qua, màn trình diễn của cô đáng ngưỡng mộ và gây xúc động mạnh. Với mái tóc vàng rạng rỡ, cô ấy trông thật xinh đẹp và cư xử với phong thái quý tộc đúng với cách mọi người mong đợi ở Marschallin”. Ngoài Der Rosenkavalier, vở còn lại Schwarzkopf hát tại Metropolitan là Donna Elvira (Don Giovanni) trong đêm diễn cuối cùng của bà tại đây vào ngày 29/1/1966.
Buổi biểu diễn opera cuối cùng của bà diễn ra vào ngày 31/12/1971 tại La Monnaie, Brussels khi bà hát trong màn 1 vai diễn quen thuộc Marschallin. Tuy nhiên, sau đó bà vẫn biểu diễn lieder của các nhà soạn nhạc như Schubert, Schumann, Brahms, Wolf… cho đến năm 1979. Ngày 17/3/1979, Legge lên một cơn đau tim nặng nhưng ông từ chối lời khuyên nghỉ ngơi của các bác sĩ, vẫn đến xem một buổi hòa nhạc của vợ mình hai ngày sau đó tại Zurich. Ba ngày sau ông qua đời. Ngay sau khi Legge mất, Schwarzkopf hầu như cũng kết thúc sự nghiệp biểu diễn của mình. Bà tập trung vào việc giảng dạy các lớp master class trên khắp thế giới, chủ yếu tại Juilliard School, New York. Bà tỏ ra khá thất vọng với thế hệ ca sĩ sau này. Trong một lần trả lời phỏng vấn Opera News vào năm 1995, bà cho biết: “Như một sự bán rẻ tài năng. Tính toàn vẹn trong nghề của chúng ta đang tan rã. Một thế hệ ca sĩ dần biến mất vì họ phải hát quá khả năng của mình”. Sau một thời gian dài sống tại Thụy Sĩ, cuối đời bà định cư tại Schruns, một thung lũng nhỏ ở vùng Vorarlberg, phía Nam nước Áo. Bà qua đời trong giấc ngủ vào rạng sáng ngày 3/8/2006 tại nhà riêng ở tuổi 90. Sau khi qua đời, tro của bà và Legge được chôn cạnh mộ của cha mẹ bà tại Zumikon, gần Zurich.
Năm 1976, bà được phong tặng làm tiến sĩ âm nhạc tại Đại học Cambridge và bất chấp sự liên kết với Đức Quốc xã trong quá khứ, bà vẫn được Nữ hoàng Anh phong tước hiệu phu nhân (Dame) vào năm 1992. Tỏa sáng trong thập niên 50 và 60 của thế kỷ 20, thời kỳ đỉnh cao của bà cũng là thời đại của Callas và Tebaldi, Gedda và Corelli, Gobbi và Fischer-Dieskau, Schwarzkopf không hề mờ nhạt. Đôi khi vì mối quan hệ với Legge, một trong những ông chủ thu âm quyền lực nhất thế giới, sự nổi tiếng của bà được đánh giá là không công bằng. Nhưng nhìn lại sự nghiệp của bà, với các vở opera của Mozart, Richard Strauss hay địa hạt các ca khúc thính phòng, Schwarzkopf đã nhận được những đánh giá vô cùng tích cực từ phía nhà bình và sự tôn sùng từ khá giả. Bà đã để lại nhiều đỉnh cao không dễ gì vượt qua như Rosina (Đám cưới Figaro), Madeleine (Capriccio), Marschallin (Der Rosenkavalier) hay bốn bài hát cuối cùng (Richard Strauss) và là nữ vô địch trong thế giới lieder. Cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ, hầu như không phạm phải sai lầm luôn là dấu ấn đặc trưng trong những buổi biểu diễn của bà. Không chỉ có giọng hát thiên thần, bà còn sở hữu vẻ đẹp tuyệt vời với mái tóc màu sáng và đôi mắt xám, một khe trống nhỏ giữa hai chiếc răng cửa khá ngộ nghĩnh mà bà không bao giờ nghĩ đến việc chỉnh sửa. Schwarzkopf và Legge không có con nhưng trong một lần trả lời phỏng vấn New York Times, bà cho biết: “Tôi có 500 đứa con, những ca khúc tôi hát”. □