“Ðêm hát Trịnh Công Sơn“ với phác họa Bửu Chỉ, Ðinh Cường

Hôm nay khi nói đến “Ðêm hát Trịnh Công Sơn“, có lẽ mọi người đều tưởng tượng những đêm nhạc tưng bừng lúc phong trào nhạc Trịnh Công Sơn nở rộ ở miền Nam cùng với phong trào sinh viên với những đêm không ngủ, hay những buổi nhạc trong những năm 90 hoặc những năm sau ngày mất, trong khoảng thời gian nhạc sĩ họ Trịnh đã lừng danh, với lượng khán giả hàng ngàn người, với bầu không khí đam mê sôi động, với dàn nhạc âm hưởng rầm rộ và với sự say sưa ái mộ một thần tượng âm nhạc của mọi lớp người trên khắp đất nước từ Nam ra Bắc.

Hôm nay khi nói đến “Ðêm hát Trịnh Công Sơn“, có lẽ mọi người đều tưởng tượng những đêm nhạc tưng bừng lúc phong trào nhạc Trịnh Công Sơn nở rộ ở miền Nam cùng với phong trào sinh viên với những đêm không ngủ, hay những buổi nhạc trong những năm 90 hoặc những năm sau ngày mất, trong khoảng thời gian nhạc sĩ họ Trịnh đã lừng danh, với lượng khán giả hàng ngàn người, với bầu không khí đam mê sôi động, với dàn nhạc âm hưởng rầm rộ và với sự say sưa ái mộ một thần tượng âm nhạc của mọi lớp người trên khắp đất nước từ Nam ra Bắc.

Ðêm nhạc Trịnh Công Sơn mà tôi sắp kể ra đây hoàn toàn khác hẳn, nó nhỏ bé, đơn sơ, đạm bạc, và có thể nói nó âm thầm như bóng đêm của “đêm hôm ấy“, đêm 8 tháng 3 năm 1977. Sở dĩ tôi nhớ rõ ngày tháng năm của đêm ấy, cũng nhờ tay bút của Ðinh Cường và Bửu Chỉ đã ghi lại trên phác họa của các anh hiện đang treo trong phòng khách nhà. Nếu không có những phác họa này, ngày tháng đã phôi pha, đã nhòa đi, đã biến mất. Cũng như nếu không có sự ghé mắt nhìn vào những phác họa ấy của một người bạn đến thăm hôm qua, với ánh mắt hỏi han, thì có lẽ đã không có những bồi hồi nhớ lại sau khi người bạn giã từ.

Hoài niệm đến tình cờ như thế, tình cờ nhưng thật là lạ lùng, như một chu kỳ thời gian nhắc để nhớ, như một lời đánh thức nhẹ nhàng: sự tình cờ rơi vào đầu tháng tư, ngày mất của Trịnh Công Sơn, phác họa nằm đó bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng bao nhiêu năm, bỗng như lên tiếng. Sau khi tiễn bạn, trở về nhà, việc đầu tiên là sục sạo tìm kiếm, lật lại cuốn sổ nhật ký năm 1977, ghi chuyến trở về Huế đầu tiên sau mười mấy năm du học.

Nhật ký ghi vắn tắt mấy dòng: “5.3. Gặp Sơn. Sơn và vấn đề sáng tác. Bửu Chỉ“
                                                 “8. 3. 77 Buổi cơm thân mật với những người bạn cũ…Có tiếng hát trầm của anh Trần Hiếu (bài Con voi). Có tiếng hát T.C.Sơn và những nét vẽ nhanh và tài hoa của Ðinh Cường, Bửu Chỉ. Một buổi tối cảm động và thi vị, đúng là tôi đang ở trong lòng của Huế và những người con Huế. Ăn uống, thơ, nhạc họa cùng một lúc : đúng với hai chữ đồng tình. Những câu chuyện bên lề… nghe cay đắng…“
                                                “9. 3. 77 …Sơn đến chơi. Những mẫu chuyện xưa và nay. Những khó khăn xưa và nay…“

Nhật ký ngắn ngủi, chỉ ghi những điểm mấu chốt, với chủ ý để sau này viết lại chi tiết hơn, với sự dè dặt, cẩn thận, là những lời tâm sự đầy âu lo của TCS về vấn đề sáng tác của chính anh, của các nghệ sĩ m sau 1975. Vào thời điểm ấy, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn lưu hành bán công khai, mặc dù đã bị ngăn không cho hát trong các buổi trình diễn văn nghệ  quần chúng.

Sau ngày Sơn đến thăm, chúng tôi hẹn gặp nhau và mời các anh em bạn bè quen thân đến nghe nhạc Trịnh Công Sơn nhân ngày hội ngộ. Ðinh Cường đã ghi hai câu thơ sau bức phác họa của anh:

“Chị trở về, nhớ mầu áo lụa xưa,
Vẫn tiếng cười Kim Lan trên thành phố mới.“

Cuộc hội ngộ do Sơn đề nghị và tôi mừng rỡ hưởng ứng. Ngưòi này “ới“ người kia một tiếng, thế là anh em tụ lại như ngày trước. Thuở ấy bạn bè thường đến nhà dùng cơm chung vào buổi chiều, như mẹ tôi đã thường nấu cho anh em trong thời học trò. Nhưng lần này âm thầm hơn, không háo hức như thuở nào. Số người đến dự Ðinh Cường cũng đã ghi trên mẩu giấy phác họa của anh, ngoài ra còn có Cao Hữu Ðiền, Thái Nguyên Hạnh, Phan Ðạm Hiệp, Lý Văn Nghiên, chị Xuân Quế, Như Ngân, Ngọc Trinh, Tuyết Mai, Tứ… Tất cả không quá 20 người.

Căn phố cũ nơi bờ sông Bạch Ðằng dưới cầu Ðông Ba hồi ấy không xa lạ với anh em nghệ sĩ quen thân nhau khoảng đầu thập niên 60. Ðó là một căn nhà gỗ theo kiểu xưa, bề ngang hẹp cỡ 8 mét, bề dài thật là dài đến hơn 30 mét, gồm có năm căn nối nhau, nhà trước với cửa gỗ chính hai cánh to thường được cài bằng cái đòn tay, hai bên hông là hai cửa “hông“ khá rộng. được đóng bằng từng tấm gỗ dài gát ngang theo con mộng (chốt gỗ), ban đêm được đóng kín, ban ngày có thể hạ xuống để trống mặt tiền làm thành quầy hàng buôn bán. Ðây là kiểu nhà xưa vừa để ở vừa dùng mặt tiền cho việc thương mãi, thuận tiện cho việc đưa hàng hóa vào kho hay đẩy xe kéo vào tận nhà. Phố Hàng Ðường, tên cũ của phố Bạch Ðằng, từ xưa đã là nơi tiếp thị hàng hóa đi đường thủy từ cửa Thuận An qua Bao Vinh lên chợ Ðông Ba.

Ði qua nhà trước là đến nhà vỏ cua với sân trong, rồi đến hai căn nhà chính và sau cùng là nhà bếp. Buổi họp mặt được tổ chức trong nhà vỏ cua. Hôm ấy sau tết, sau cả Nguyên tiêu, trời còn mưa lất phất nhưng không lạnh mấy, chúng tôi quây quần quanh bàn trong nhà vỏ cua, nhìn ra sân ngắm sao trời lẩn khuất khi có khi không, nghe thơ nhạc thật là lý tưởng. Căn nhà cũ, rêu phong mọc đầy, tường nhà vỏ cua phủ rêu loang lổ như những bức tranh lập thể, cột nhà thủng nhiều lỗ vì mối mọt, rêu xanh bám nền gạch nung đỏ.

Buổi gọi là “tiệc họp mặt“chẳng có gì hào nhoáng, mà có vẻ nghèo nàn, tội nghiệp với ngọn đèn điện duy nhất treo lòng thòng ở xà ngang. Trong nhà bóng tối nhiều hơn ánh sáng, nếu ai ngồi khuất sau dãy cột chạy song song hành lang sẽ được thỏa thích ẩn mình. Bóng điện yếu ớt rung rung theo với gió lùa nên phải thắp thêm đèn dầu. Mẹ tôi lục lọi trong tủ tìm đâu ra được một mẩu đèn sáp còn sót lại của mấy năm trước đem ra thắp ở giữa bàn. Một cảnh tượng thiếu thốn bỗng nhiên hóa ra thơ mộng, kiểu à la chandelle miễn cưỡng, bị bắt buộc… Chỉ duy món ăn của mẹ nấu tuy không phải sơn hào hải vị nhưng lúc nào cũng đậm đà thấm tháp, anh em đều ưa thích tính hào sảng rộng lượng của mẹ nên ăn uống thiệt tình.

“Mưa vẫn hay mưa trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…“ Sơn đã dạo bài „Diễm xưa“ vì biết tôi thích bài ca ấy, mặc dù trong thời điểm ấy những bài hát như thế đang bị phê bình “tiêu cực“, nhưng Sơn vẫn hát…

Giữa buổi ăn, có người chợt đề nghị ta vừa ăn vừa hát. Ðề nghị này hợp với ý của Sơn bởi vì hình như Sơn đến để hát hơn để ăn, có lẽ anh thèm hát hơn thèm ăn, dù thời ấy cơn đói đang bắt đầu, chế độ lương thực càng ngày càng siết chặt, ai cũng gầy ốm xanh xao. Hình như đối với Sơn thời ấy, việc cấm hát nhạc của anh là một thứ thắt cổ nghệ sĩ chẳng khác chi buộc túm cái dạ dày theo chế độ hộ khẩu, ngăn sông cấm chợ, sắp hàng mua thức ăn theo phiếu lương thực…Cho nên sau lời đề nghị, Sơn không từ chối một tiếng nào mà bỏ đũa ngay, tay với lấy cây đàn đã dựng sẵn cạnh cột, miệng mỉm cười không nói. Nụ cười của Sơn thường có sẵn trên môi như thế, nhu mì, khả ái, thân thiết. Anh đưa một tay gỡ cái mũ casquette vẫn còn đội trên đầu, điếu thuốc lá lại dính môi, rồi cúi đầu sát cây đàn anh bấm nốt vặn phím, lên dây. Chúng tôi chỉ có một cây đàn guitare cũ kỹ, dây đã rỉ sét. Tôi còn nhớ, sau buổi hát, khi hỏi Sơn tôi có thể gửi thứ gì cần cho Sơn khi trở lại Ðức, Sơn bảo một bộ dây đàn là quí nhất. Ngoài cây đàn, có ai đó đem theo một cây sáo, có người dẫn thêm một hai người bạn ca sĩ mà tôi không quen. Chúng tôi gặp nhau chào hỏi đơn sơ, không ồn ào nhưng thân thiết như trong thời trẻ, tuồng như chưa có lần đã xa. Bóng tối ngoài sân nhàn nhạt trong cơn mưa bụi gợi nhớ thời thanh xuân mười tám.  

Bài ca là cả tâm sự của Huế một thời để yêu một thời để mê say, chúng tôi chẳng có ai muốn chết, thế mà người mất đã rất nhiều, kẻ sống còn cảm thấy bao nỗi bơ vơ hốt hoảng khi trở về không gặp lại người thân yêu. Trong suốt khoảng thời gian trở về Huế năm ấy, tôi nhớ mình đã buồn đến quặn ruột mỗi đêm, trong căn phòng thời con gái, nhớ đến người chị yêu quí không còn nữa.

Khi Sơn bắt đầu nhấn mấy nốt dạo, cảm giác hạnh phúc đột ngột làm lạnh cả sống lưng, tim chùng đến ngưng đập. Khuya hôm ấy tôi ghi vào cuốn sổ nhật ký hành trình “Có tiếng hát Trịnh Công Sơn“, mà không ghi một chút nào cảm xúc riêng tư, có lẽ cảm xúc ấy không thể diễn tả bằng lời, nó tràn ngập hôm ấy nhưng lại rỗng không mênh mông như bây giờ khi ngồi viết lại. Chỉ nhớ mỗi lần nghe Sơn hát là cả bọn ngưng thần, như bị thu hút vào một điểm rất sâu, thăm thẳm, như đang đuổi theo một chấm sáng ở bên kia thế giới hiện thực, ở đó bỗng nhiên con đường rộng thênh thanh, cho ta thảnh thơi, cho ta ngẫu hứng, cho ta bay bổng, cho ta phiêu bồng. Mỗi khi nghe tiếng ca của Sơn, người nghe cứ có cảm tưởng chính mình cũng đang hát. Có một nỗi xôn xao trỗi lên từ sự uể oải của cuộc sống nhàm chán tạm bợ, nhưng từ nhàm chán tạm bợ lại có một nụ cười “môi xinh ở đậu người xinh“, thế rồi… xa xôi bỗng hóa gần…

Tiếng hát như gợi nỗi “đồng tình“, mọi người hát theo Sơn, cả bọn gõ bàn mà ca. Mỗi người đều đứng lên tự nguyện đóng góp “văn nghệ“, kẻ ngâm thơ, người thổi sáo.

Anh Trần Hiếu, một ca sĩ nổi danh miền Bắc vào thăm Huế, dù không quen cũng thấy vui lây, đứng lên cất cao giọng tenor hùng hồn  hát bài “Con voi“. Giờ đây tôi tự hỏi không hiểu sao tôi lại ghi trong nhật ký “bài Con voi“!!! Phải chăng vì bài hát ra ngoài đề tài “Huế nhớ Huế thương“ một thời? Phải chăng vì ấn tượng hiện thực mà tôi cảm nhận khi nghe một bài hát hầu như “trẻ con“ mà thời học tiểu học chúng tôi đã từng hát? Thời thơ ấu con voi là biểu tượng chân chất cao thượng, hiền lành, to xác mà dễ thương nhưng „con voi“ cũng có thể dẫm nát tất cả những bát sứ cổ hiếm quí do cái xác to đùng và sự vụng về của nó. Người Ðức ví bộ dạng dềnh dàng choáng chỗ của nó có thể làm vỡ loảng xoảng tất cả mọi thứ trong nhà bằng hình ảnh “như con voi trong tiệm đồ sứ“.

Con voi ngây ngô nhưng con voi cũng táo tợn, có thể đe dọa kẻ khác bằng thân xác khổng lồ của nó. Phải chăng do nỗi ám ảnh mà Sơn đã tâm sự mấy hôm trước về một chiều hướng văn học nhấn mạnh “tầm cỡ“ theo kiểu to xác của “con voi“ như một hiện thể cần phải nhìn nhận, cho nên tôi đã bị ấn tượng đến nỗi phải ghi “bài hát Con voi“? Ghi chú ấy có phải vì tiếng hát hùng hồn của Trần Hiếu hay vì linh cảm “con voi“ đang đe dọa dẫm nát “đôi chân Thúy Kiều“ trong “Em đi qua chuyến đò“, bài ca mà Sơn đã xem là điểm son sáng tác vào thời ấy qua sự phối hợp nhuần nhuyễn nhạc Soul với ca dao Việt Nam và anh đã hát hôm ấy với tất cả sự thích thú? Tất cả chỉ là những câu hỏi bâng quơ khi viết lại những hồi ức này, nhưng có điều rất rõ không thể quên là qua những thông tin mà tôi nhận được dạo ấy, không những trong âm nhạc mà cả trong hội họa, văn chương, nghệ thuật, những nghệ sĩ mà tôi gặp ngày hôm ấy đã chứng tỏ cho tôi một điều rất rõ: họ được sinh ra để sáng tác dù trong cảnh huống nào, sáng tác là cách thể hiện sống của họ, một thức ăn thức uống không thể thiếu. Hiện sinh là bày tỏ, biểu hiện cách này hay cách khác sự có mặt của con người  trên cõi đời, với  nghệ sĩ, sự bày tỏ trở nên khát khao sống, thở và ước mơ.

Không biết có phải vì tiếng hát của Sơn thúc giục, Bửu Chỉ bỗng “ngứa ngáy“ tay chân, anh đứng lên ngồi xuống, châm thuốc, anh đi ra đi vào, anh muốn vẽ, anh hỏi quanh tìm giấy vẽ và bút chì. Chẳng có ai đem theo dụng cụ gì cả bởi vì chẳng có ai đến với “chủ ý sáng tác“. Ồ! giấy bút để vẽ? Tưởng gì chứ giấy bút thì dễ! Vậy mà chẳng dễ chút nào, hóa ra lại quá khó! Tôi hỏi người nhà đi lục tìm giấy vẽ, nhưng sau chiến tranh, một tờ giấy trắng tìm không ra, nói chi đến giấy vẽ hẳn hoi. Túng quá không biết làm sao, lại thấy Bửu Chỉ cứ bồn chồn, tôi bèn lục trong vali tìm được mấy tờ giấy viết thư trơn cỡ DIN 4 và mấy tấm cartes postales cá nhân đem theo để viết thư đưa cho các anh dùng. Thế là cả hai anh, Bửu Chỉ và Ðinh Cường chia nhau 2 tờ giấy viết thư và 2 tấm cartes postales như bắt được của quí. Trong tiếng ca, trong điệu nhạc, trong tiếng chuyện trò, Bửu Chỉ đã phác họa nhanh chân dung Trịnh Công Sơn trên một mặt giấy, và như người thoát xác anh lại vẽ và vẽ, thiếu giấy anh xoay mặt kia hí hoáy phác họa chân dung người tặng giấy như một cám ơn thông cảm. Mấy phút sau, Ðinh Cường cũng phác họa xong trên tấm carte postale “người trở về“ và ghi tên những người đến tham dự theo ý của anh.

Những phác họa này đối với tôi trở nên quí giá vô song, ngoài kỷ niệm một lần gặp mặt, chúng là chứng tích cho năng lực sáng tạo bộc phát không ngừng của những nghệ sĩ đang ở vào một giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời làm nghệ sĩ: đe dọa phải tự phủ nhận tất cả quá khứ của chính mình trong sáng tác. Nhưng may thay, những trái tim ấy quá trung thực để có thể tự phản bội mình. Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ đã tỏ rõ sức mạnh trung thực ấy trong sức sáng tác không ngừng những năm tháng về sau và Ðinh Cường vẫn là Ðinh Cường đầy phong độ nghệ sĩ với trái tim bằng hữu nhân ái khó có người thứ hai.

Trong đời, tôi đã tham dự nhiều buổi hòa nhạc, hòa tấu tuyệt vời, lắm lúc trong khung cảnh cao sang, lộng lẫy, đã từng đọc, nghe, thấy những ân tình sáng tác của những nghệ sĩ lừng danh thế giới, so với chúng, “đêm hát Trịnh Công Sơn“ năm ấy như một bóng đèn leo lét, với tất cả khó khăn, nhưng dù trong khung cảnh nào, thì ở đó nghệ sĩ vẫn là người ban ơn và thính, khán giả là kẻ biết ơn. Ân huệ của “cho và nhận“ trong văn chương nghệ thuật xẩy ra ở một kích chiều khác hẳn với ba chiều không gian hiện sinh thường nhật, nó như một làn sóng, đưa đi và rút về, không bao giờ hư hao, mất mát, nó là sóng của sóng trong vô lượng của trao và nhận, trong sự nâng lên cao không ngừng nghỉ của giải phóng thân phận hiện sinh giới hạn tiến vào cõi vô cùng, ở đó con người hiện hữu trong tự do. Trong ba đào bão tố, càng chơi vơi trên đầu ngọn gió, sóng vẫn nối sóng để giữ mãi năng lực sáng tạo ngầm chứa trong lòng đại dương, trong vũ trụ đại ngã, để tràn bờ, để đầy rẫy cho đời nay, đời sau, cho hôm qua, hôm nay, cho mai sau.

Trong muôn một, đêm hát ấy như một tiếng chim kêu lẻ trong cuộc đời sáng tác của Trịnh Công Sơn, của Bửu Chỉ, của Ðinh Cường và những ai khác, nó rỗng như “lòng đêm“…luôn hoài vọng một vừng trăng sáng…     

Ôm lòng đêm“ ấy, tôi viết về “Ðêm hát trịnh Công Sơn“ như một tri ân đối với kẻ đã khuất và người đang còn, trong cảm giác bạn hữu đang lững thững đâu đó “từ vườn khuya bước về…tựa hồn những năm xưa…, dấu chân giang hồ, ôi phù du…“ . [1]

“Ôi phù du“ mà sao vẫn mãi hoài…?

Thái Kim Lan

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)