ESG tại Việt Nam có đang đi chệch hướng? 

Trong bối cảnh toàn cầu đang tái cấu trúc dòng vốn theo hướng “tài chính khí hậu” – nơi ESG trở thành điều kiện tiên quyết để tiếp cận nguồn vốn xanh – sự mập mờ trong cam kết và năng lực triển khai ESG của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ khiến thị trường mất niềm tin, mà còn đẩy chính các doanh nghiệp vào nguy cơ bị loại khỏi các chuỗi cung ứng và dòng vốn quốc tế.

Ảnh: Shutterstock

ESG đang trở thành một trong những cụm từ “mốt” nhất trong giới doanh nghiệp Việt Nam vài năm gần đây. Từ các tập đoàn lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, ai cũng muốn thể hiện mình “có trách nhiệm” thông qua các báo cáo tác động môi trường, những chiến dịch quảng bá thể hiện sản phẩm và dịch vụ của mình là “xanh” cùng những hoạt động từ thiện nhộn nhịp. Nhưng phía sau những hành động ấy, câu hỏi đặt ra là: liệu các doanh nghiệp có thực sự thay đổi cách vận hành – hay ESG chỉ đơn thuần là một nhãn dán chiến lược tiếp thị?

ESG chỉ là khung treo tường

ESG – viết tắt của Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị) – không phải là một chương trình hành động ngắn hạn, mà là một khung tiêu chí nhằm đánh giá mức độ bền vững và quản trị hiệu quả của một tổ chức. Ba trụ cột của ESG có thể được hiểu như sau: 

– E – Environmental (Môi trường): quản lý và giảm thiểu các tác động môi trường trong quá trình sản xuất – kinh doanh như phát thải khí nhà kính, tiêu thụ năng lượng, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn và bảo vệ đa dạng sinh học.

– S – Social (Xã hội): bảo đảm quyền lợi người lao động, bình đẳng giới, an toàn lao động, tôn trọng quyền cộng đồng và tác động xã hội trong toàn bộ chuỗi giá trị.

– G – Governance (Quản trị): xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, phòng chống tham nhũng, bảo vệ cổ đông thiểu số, và có cơ chế giám sát nội bộ rõ ràng.


Một trong những hiểu nhầm phổ biến hiện nay tại Việt Nam là đánh đồng ESG với các hoạt động xã hội của doanh nghiệp, như từ thiện, bảo trợ xã hội, hoặc các sự kiện vì cộng đồng để truyền thông cho thương hiệu.

Một doanh nghiệp thực hành ESG là doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện tư duy, chuyển từ “quản trị ngắn hạn vì lợi nhuận” sang “quản trị dài hạn về bền vững”. Khác với mô hình vận hành truyền thống, nơi mà hiệu quả được đánh giá chủ yếu qua lợi nhuận và tăng trưởng, cách tiếp cận ESG đòi hỏi doanh nghiệp phải tính đến các tác động lan tỏa – tích cực hoặc tiêu cực – mà mình tạo ra cho xã hội và môi trường. 

Một trong những hiểu nhầm phổ biến hiện nay tại Việt Nam là đánh đồng ESG với các hoạt động xã hội của doanh nghiệp, như từ thiện, bảo trợ xã hội, hoặc các sự kiện vì cộng đồng để truyền thông cho thương hiệu. Các hoạt động xã hội này, hiện nay được gọi bằng cái tên CSR (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – dù khối tư nhân của Việt Nam cũng chưa hiểu đầy đủ khái niệm này), thường do một phòng ban phụ trách. Tuy nhiên, ESG không phải là một phòng ban riêng biệt, mà phải được tích hợp với toàn bộ hệ thống vận hành: từ thiết kế sản phẩm, lựa chọn nhà cung ứng, quy trình tuyển dụng, đến hệ thống báo cáo và kiểm soát rủi ro. Nó đòi hỏi một hệ thống quản trị xuyên suốt. ESG không chỉ “làm điều tốt”, mà là “quản trị rủi ro và cơ hội một cách có hệ thống”. 

Ảnh: Shutterstock

Nhầm lẫn này khiến nhiều doanh nghiệp Việt dừng lại ở các hoạt động mang tính biểu tượng – như trồng cây, phát quà – mà không đầu tư vào năng lực quản trị ESG thực chất. Nhiều doanh nghiệp xem ESG là “phần việc mềm” – nếu có dư ngân sách thì làm các hoạt động xã hội cho đẹp thương hiệu. Kết quả là, dù cụm từ ESG bắt đầu xuất hiện dày đặc trong các chiến lược truyền thông và báo cáo thường niên của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, thực tế, đây phần lớn vẫn là “khung treo tường”: ít tổ chức có hệ thống đo lường và báo cáo bài bản, càng hiếm doanh nghiệp đầu tư thực chất cho quản trị ESG – từ đánh giá rủi ro môi trường, tuân thủ lao động, đến cơ chế nội bộ phòng chống tham nhũng. Hệ thống báo cáo phát thải – một trụ cột của E trong ESG – vẫn là khoảng trống lớn, ngay cả ở các doanh nghiệp niêm yết. 

ESG và tài chính khí hậu ở Việt Nam ± Hai dòng chảy đang lệch nhịp?

Hiện nay, ESG hiện diện như một điều kiện “ngầm định” để tiếp cận dòng vốn phát triển: từ các quỹ đầu tư lớn như BlackRock, đến các định chế tài chính như WB, ADB, hay các quỹ tài chính khí hậu như GCF. Dù không phải lúc nào cũng “nói thẳng” đây là “điểm ESG”, nhưng các yêu cầu về báo cáo phát thải, quyền lao động, phòng chống tham nhũng, minh bạch tài chính… đều là những biểu hiện cụ thể của bộ tiêu chí này.

ESG rồi sẽ ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi, không chỉ với nhà đầu tư, mà còn với các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ và thị trường tiêu dùng. Nó sẽ là yếu tố quyết định khả năng sinh tồn của doanh nghiệp trong tương lai gần. Đặc biệt, dòng tài chính khí hậu – vốn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang tăng trưởng carbon thấp – lại đang tăng tốc với điều kiện ngày càng chặt chẽ về ESG. Các khoản tài trợ và vay ưu đãi từ Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), các chương trình như JETP, hay các khoản tín dụng xanh từ ngân hàng quốc tế đều yêu cầu doanh nghiệp phải minh chứng năng lực quản trị ESG và khả năng theo dõi tác động môi trường – xã hội. Không có ESG, doanh nghiệp rất khó tiếp cận các nguồn lực này.


ESG rồi sẽ ngày càng trở thành yếu tố cốt lõi, không chỉ với nhà đầu tư, mà còn với các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ và thị trường tiêu dùng. Nó sẽ là yếu tố quyết định khả năng sinh tồn của doanh nghiệp trong tương lai gần.

Sự thiếu đồng bộ giữa hai xu hướng này – một bên là “cam kết ESG” mang tính khẩu hiệu, một bên là dòng tài chính khí hậu mang tính hệ thống và yêu cầu cao – đang tạo ra một khoảng lệch đáng lo ngại. Nói cách khác, ESG và tài chính khí hậu đang đi theo hai dòng chảy lệch nhịp: trong khi thế giới xem ESG là điều kiện tiên quyết để phân bổ nguồn lực cho chuyển đổi xanh, thì tại Việt Nam, ESG lại thường xuyên bị xem nhẹ, thực hiện nửa vời hoặc chỉ tồn tại trên giấy.

Nhiều doanh nghiệp Việt hiện vẫn có thể duy trì hoạt động bằng nguồn vốn thương mại trong nước, vốn tự có hoặc tín dụng chưa đòi hỏi khắt khe về ESG. Điều này khiến một số đơn vị cho rằng ESG chưa phải là ưu tiên cấp thiết. Tuy nhiên, đây là tư duy ngắn hạn. Khi các ngân hàng nội địa bắt đầu áp dụng tiêu chí tín dụng xanh, các nhà đầu tư nước ngoài siết yêu cầu về minh bạch môi trường – xã hội – quản trị, và các chuỗi cung ứng toàn cầu yêu cầu truy xuất ESG trong toàn bộ mạng lưới, việc thiếu chuẩn bị sẽ khiến doanh nghiệp bị bỏ lại phía sau. Do không có dữ liệu, không có chiến lược và không có quy trình chuẩn của ESG, doanh nghiệp không có cách nào tiếp cận các dòng vốn quốc tế hay tham dự vào các chuỗi cung ứng lớn.

Tuy vậy, hệ lụy của việc này không chỉ là mất cơ hội tiếp cận vốn, mà còn làm xói mòn niềm tin từ thị trường và nhà đầu tư. Nếu ESG chỉ tồn tại trên báo cáo mà không có hệ thống triển khai thực chất – từ đo lường, kiểm soát đến báo cáo – doanh nghiệp dễ bị đánh giá là “tẩy xanh”, ảnh hưởng đến uy tín, khả năng huy động vốn, và năng lực cạnh tranh trong dài hạn. 


ESG là công cụ để doanh nghiệp “nhìn xa hơn báo cáo tài chính”, thấy được cả những rủi ro vô hình và những cơ hội dài hạn trong bối cảnh thị trường đang chuyển dịch mạnh mẽ vì biến đổi khí hậu, quy định mới, và áp lực từ các bên liên quan. 

Làm gì để ESG trở thành cánh cửa dẫn đến tài chính khí hậu?

Chờ sức ép của thị trường ập đến, doanh nghiệp mới triển khai ESG thì có thể đã quá muộn. Để hai dòng chảy ESG và tài chính khí hậu thực sự gặp nhau, không thể chỉ đòi hỏi nỗ lực đơn lẻ từ phía doanh nghiệp mà còn cần vai trò dẫn dắt, thiết kế chính sách từ phía nhà nước. Thực ra, ESG ở Việt Nam vẫn là một khái niệm mới mẻ, việc thiếu hướng dẫn và chuẩn hóa từ các cơ quan quản lý cũng là một trong những lí do khiến các doanh nghiệp “đứng ngoài cuộc chơi” thay vì chủ động hành động. Ngoài ra, việc nhà nước thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện ESG cũng góp phần thực hiện các cam kết quốc tế như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) và yêu cầu trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA). 

Thứ nhất, cần phổ biến cách hiểu đúng và thực hành ESG có hệ thống. ESG không thể là “thêm vào” sau cùng, mà phải được lồng ghép trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Việt Nam cần xây dựng các bộ chỉ số ESG phù hợp với bối cảnh đất nước – có thể áp dụng ban đầu ở các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp xuất khẩu – sẽ giúp tạo ra chuẩn mực chung cho thị trường.

Thứ hai, cần liên kết ESG với tài chính khí hậu thông qua hệ thống hỗ trợ kỹ thuật và thể chế. Nhà nước có thể đóng vai trò kiến tạo bằng việc ban hành hướng dẫn thực hành ESG đơn giản, thiết lập hệ thống giám sát và báo cáo khí hậu (MRV), và tạo ra các chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp doanh nghiệp chuyển đổi từng bước. Các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư trong nước cũng cần có tiêu chí ESG rõ ràng khi cấp vốn, để tạo ra động lực thay đổi.

Thứ ba, cần thúc đẩy liên minh hành động giữa doanh nghiệp, tổ chức phát triển và khối nghiên cứu – học thuật. ESG không chỉ là yêu cầu của nhà tài trợ, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới mô hình hoạt động, tiếp cận thị trường toàn cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu được tiếp cận đúng cách – qua mạng lưới hỗ trợ, tư vấn, và chia sẻ thực hành tốt – ESG có thể trở thành đòn bẩy giúp doanh nghiệp Việt bứt phá trong quá trình chuyển đổi xanh.

Có thể nói, ESG không phải là rào cản, càng không phải là gánh nặng. Nếu nhìn nhận nghiêm túc, không một tổ chức nào miễn nhiễm với mọi rủi ro. Tổ chức càng lớn thì rủi ro càng cao, đó có thể là rủi ro về môi trường (phát thải cao, khan hiếm tài nguyên, thiên tai…), xã hội (vi phạm quyền lao động, đình công, phản ứng từ cộng đồng…), và quản trị (ví dụ: tham nhũng, xung đột lợi ích, thiếu minh bạch…). Những rủi ro này nếu không được nhận diện và kiểm soát sẽ luôn tiềm ẩn khả năng trở thành một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến uy tín, pháp lý, tài chính và cả khả năng vận hành dài hạn của doanh nghiệp. ESG là công cụ để doanh nghiệp “nhìn xa hơn báo cáo tài chính”, thấy được cả những rủi ro vô hình và những cơ hội dài hạn trong bối cảnh thị trường đang chuyển dịch mạnh mẽ vì biến đổi khí hậu, quy định mới, và áp lực từ các bên liên quan. Cơ hội mà ESG mang tới không chỉ là vốn và sự tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu với những yêu cầu ngày càng cao về trách nhiệm xã hội, mà còn cả sự đổi mới sáng tạo – khi doanh nghiệp buộc phải phát triển sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất để thân thiện hơn với môi trường. 

ESG không phải là điểm đến, mà là hành trình

Trong bối cảnh toàn cầu đang định hình lại dòng chảy tài chính theo hướng xanh, công bằng và minh bạch hơn, ESG đang nổi lên như một “ngôn ngữ chung” của phát triển bền vững. Tại Việt Nam, nếu ESG vẫn tiếp tục bị hiểu sai hoặc thực hiện một cách hình thức, thì không chỉ doanh nghiệp, cả nền kinh tế sẽ đứng ngoài cuộc chơi tài chính khí hậu.

Nhưng con đường không phải không có lối. Những tín hiệu tích cực đã xuất hiện – từ một số doanh nghiệp tiên phong, từ các chương trình thí điểm tài chính khí hậu, đến sự quan tâm ngày càng lớn của công luận. Điều quan trọng lúc này là dịch chuyển từ nhận thức sang hành động, từ khẩu hiệu sang hệ thống, và từ “làm ESG” cho đẹp sang “sống ESG” như một chiến lược dài hạn.

Để làm được điều đó, cần sự đồng hành từ cả ba phía: nhà nước với vai trò kiến tạo và dẫn dắt chính sách, doanh nghiệp với tinh thần chủ động và minh bạch, và các tổ chức phát triển – học thuật với chức năng hỗ trợ và lan tỏa tri thức. Chỉ khi đó, ESG mới thực sự trở thành chiếc cầu nối dẫn tới dòng tài chính khí hậu đang ngày càng quan trọng cho tương lai phát triển của Việt Nam.□

—–

Tác giả Phạm Thu Trang có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, quản trị và phát triển bền vững, từng phụ trách các chương trình do USAID, World Bank và các tổ chức quốc tế tài trợ tại Việt Nam.

Bài đăng Tia Sáng số 14/2025

Tác giả

(Visited 41 times, 1 visits today)