Ezio Pinza – Cuộc đời như opera
Cuộc đời của Ezio Pinza, một trong những giọng bass nổi tiếng bậc nhất những năm đầu thế kỷ 20, thậm chí có thể trở thành cốt truyện hấp dẫn cho một vở opera.
Xuất thân nghèo khó, Ezio Pinza không được học hành âm nhạc một cách bài bản, thậm chí không đọc được nốt nhạc nhưng bằng tài năng thiên phú và sự nỗ lực không ngừng của bản thân, Ezio Pinza đã trở thành một trong những giọng bass nổi tiếng nhất thế giới đầu thế kỷ 20. Không những vậy, ông thậm chí còn tỏa sáng trong cả lĩnh vực nhạc kịch Broadway và điện ảnh với một vẻ ngoài hào hoa phong nhã. Là một ngôi sao người Ý nhưng sự nghiệp của Pinza gắn bó chặt chẽ với Metropolitan Opera và nước Mỹ. Sự thành công đồng nghĩa với sự thăng hoa về tiền tài và danh vọng đã khiến cuộc sống đời tư của Pinza trở nên tương đồng với Don Giovanni, một trong những vai diễn nổi tiếng nhất của ông. Những câu chuyện về cuộc đời của ông luôn là chủ đề hấp dẫn của những tờ báo lá cải với những mối tình và nhuốm màu bi kịch lúc cuối đời.
Ước mơ từ xóm nghèo
Ezio Fortunato Pinza sinh ra trong một gia đình bình dân tại Rome vào ngày 18/5/1892. Là đứa con thứ hai trong gia đình có bảy người con nhưng Ezio là người lớn tuổi nhất sống sót. Gia đình cậu thường di chuyển nay đây mai đó, tùy thuộc vào công việc mà họ có được. Vì vậy, Ezio đã lớn lên ở thành phố cổ Ravenna, bờ biển phía Đông nước Ý. Chính cha của Ezio là người đầu tiên nhận ra vẻ đẹp trong giọng hát của con trai mình nên ông đã khuyến khích Ezio theo đuổi sự nghiệp opera. Tuy nhiên, lúc đó Ezio lại nuôi dưỡng ước muốn trở thành vận động viên đua xe chuyên nghiệp khi 18 tuổi. Cậu đã cố gắng thực hiện mơ ước của mình nhưng đành bỏ cuộc sau hai năm. Tuy nhiên như Pinza sau này cho biết, chính việc luyện tập đó đã nâng cao khả năng thở của mình, tạo cho bản thân một làn hơi dài, giúp ích rất nhiều cho việc ca hát. Giã từ việc đua xe đạp, nghe theo lời khuyên của cha mình, Ezio đã theo học tại Nhạc viện Ravenna và sau đó là Conservatorio Giovanni Battista Martini di Bologna vào năm 1910. Tuy nhiên, ngay từ đầu, việc học hát của Ezio đã gặp phải nhiều trắc trở khi nhạc viện đã từ chối nhận anh vì cho rằng anh không có giọng, điều khiến anh từng bị sốc nặng. Nhưng rồi sau đó, chính vị giáo viên này đã cấp cho Pinza học bổng để anh có thể theo học.
Năm 1914, Pinza đã có được vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của mình khi hát Oroveso (Norma, Vincenzo Bellini) tại Cremona. Tuy nhiên, ngay sau đó, mọi thứ đều bị gián đoạn khi anh phải tham gia cuộc Chiến tranh Thế giới lần Thứ nhất, thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong bốn năm, trở thành đại úy trong một đơn vị pháo binh. Sau khi giải ngũ, Pinza đã nhanh chóng gặt hái được thành công khi liên tiếp xuất hiện tại những nhà hát Teatro Verdi, Florence (1919) và Teatro Costanzi, Rome (1920). Những vai diễn của Pinza trong thời gian này là Padre Guardiano (La forza del destino, Verdi), Badoero (La Gioconda, Almicare Ponchielli), Sparafucile (Rigoletto, Verdi) hay Marke (Tristan und Isolde, Richard Wagner). Năm 1921, anh xuất hiện tại Turin trong Mefistofele (Mefistofele, Arrigo Boito), một vai diễn mà sau này anh đã đạt được rất nhiều thành công. Năm 1922, Pinza lần đầu tiên ra mắt tại thánh đường opera thế giới La Scala trong Pogner (Die meistersinger von Nürnberg, Wagner).
Pinza được trời phú cho một giọng bass mượt mà và phong phú, điều khiến cho ông gần như không có đối thủ vào thời của mình. Một Don Giovanni với vẻ ngoài tuấn tú và lịch lãm đã tạo ra sức hút khó cưỡng đối với khán giả, đặc biệt là những cô gái.
Anh gắn bó với nhà hát này cho đến năm 1924 và rất được Arturo Toscanini, người lúc này là Giám đốc âm nhạc của La Scala, ngưỡng mộ. Nhận ra giọng hát tuyệt đẹp hiếm có của Pinza, Toscanini đã góp phần quan trọng và việc tạo cho anh thêm động lực để chinh phục những đỉnh cao trong âm nhạc. Tại La Scala, Pinza đã tham gia vào những buổi công diễn lần đầu tiên các vở opera Dèbora e Jaéle (Ildebrando Pizzetti) trong vai Kinnèreth vào ngày 16/12/1922 và Nerone (Boito), vai Tigellino, ngày 1/5/1924. Cả hai đều dưới sự chỉ huy của Toscanini. Cũng trong năm 1924, Pinza thực hiện các chuyến lưu diễn tại Đức và Thụy Sĩ cùng công ty opera lưu động của ông bầu Max Sauter. Pinza cũng có được những bản thu âm đầu tiên của mình.
Pinza nhanh chóng khẳng định mình là một trong những nam trầm hàng đầu thế giới lúc bấy giờ và là người kế tục xứng đáng của Nazzareno de Angelis, giọng bass người Ý số một tại La Scala đầu thế kỷ 20. So sánh với nghệ sĩ Nga Feodor Chaliapin huyền thoại, Pinza có đôi chút khác biệt. Nếu như Chaliapin là đại diện cho một giọng nam trầm mạnh mẽ, sâu thẳm, đầy uy quyền thì Pinza là một mẫu mực cho basso cantante, nam trầm trữ tình với sự linh hoạt và thanh lịch trong cách diễn đạt. Mặc dù từng theo học tại Conservatorio Giovanni Battista Martini di Bologna nhưng Pinza lại không biết đọc nhạc. Để học những vai mới, Pinza phải nghe piano chơi giai điệu và tiếp nhận âm nhạc bằng đôi tai mình và cũng là điều bất lợi của ông so với những đồng nghiệp khác. Nhưng đổi lại, Pinza lại có một đôi tai nhạy bén và một trí tưởng tượng phong phú. Pinza từng nói: “Tôi không phải là nhạc sĩ, tôi chỉ biết cách tạo ra những âm thanh đẹp”. Điều đó có nghĩa là Pinza sẽ trở thành một người trung thành với các ý tưởng chỉ đạo của nhạc trưởng. Ông là ca sĩ yêu thích của Toscanini, Tullio Serafin và Bruno Walter. Âm vực của Pinza rất rộng, ông có thể hát thoải mái cả vai Sarastro (Die zauberflöte, Wolfgang Amadeus Mozart) dành cho giọng nam trầm đại (bass profundo) hay Escamillo (Carmen, Georges Bizet), vai diễn đòi hỏi âm vực cao hơn của giọng bass-baritone. Pinza còn được biết đến như là một người rất cầu toàn, ông chăm chút cho vai diễn không chỉ trong giọng hát mà còn cả ngoại hình, trang phục và diễn xuất, một trong những thế mạnh của ông. Đối thủ duy nhất của Pinza là Tancredi Pasero, một giọng bass người Ý khác nhưng Pasero bị đánh giá là không xuất sắc bằng Pinza trong ngoại hình và diễn xuất.
Rất yêu mến tài năng của Pinza, Giulio Gatti-Casazza, Tổng Giám đốc của Metropolitan Opera đã mời ông cộng tác với nhà hát. Ngày 1/1/1926, Pinza lần đầu tiên ra mắt tại đây trong vai Pontifex Maximus (La vestale, Gaspare Spontini) bên cạnh Rosa Poselle, Giacomo Lauri-Volpi và Giuseppe de Luca. Nhạc trưởng là Serafin. Met nhanh chóng trở thành ngôi nhà nghệ thuật của Pinza và với tài năng của mình Pinza cũng nối tiếp những ca sĩ tài danh khác của Ý như Enrico Caruso, Titta Ruffo… góp phần tạo nên danh tiếng cho Met. Pinza đã hát tại Met trong hơn 22 năm với gần 900 buổi biểu diễn qua hơn 50 vai. Ta có thể kể đến Boris Godunov (Boris Godunov, Modest Mussorgsky), Figaro (Le nozze di Figaro, Mozart), Méphistophélès (Faust, Charles Gounod) và đặc biệt là Don Giovanni trong vở opera cùng tên của Mozart. Don Giovanni đã tỏ ra đặc biệt phù hợp với một người có lối sống ngoài đời hào hoa, phóng túng như Pinza. Ông trở thành một trong những Don Giovanni vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, chia sẻ vị trí với người hậu bối tài năng khác Cesare Siepi.
Ngày 29/3/1928, Pinza lần đầu tiên hát cùng New York Philharmonic dưới sự chỉ huy của Toscanini trong bản giao hưởng số 9 của Ludwig van Beethoven. Mặc dù gắn bó chặt chẽ với Met trong suốt khoảng thời gian đó nhưng ông vẫn trở lại châu Âu như xuất hiện tại Covent Garden, nhà hát mà ông biểu diễn từ năm 1930-1939 hay liên hoan Salzburg trong những năm 1934-1937 dưới sự chỉ huy của Walter. Nhưng giống như nhiều danh ca Ý lúc bấy giờ, Pinza đã coi nước Mỹ như ngôi nhà của mình.
Don Giovanni của đời thực
Tại Mỹ, Pinza nhanh chóng trở nên nổi tiếng và giàu có. Ông đã bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc ăn chơi và tiệc tùng. Vốn tài năng và sở hữu một vẻ ngoài đẹp trai và nam tính. Pinza trở thành một gã đào hoa khét tiếng, người đã có hàng loạt các mối quan hệ với những người phụ nữ, trong đó có rất nhiều ca sĩ opera, một điều hoàn toàn tương đồng với nhân vật Don Giovanni. Với mái tóc đen gợn sóng được vuốt ngược về sau và chiếc mũ phớt đặc trưng, Pinza là một ngôi sao bảnh bao, luôn có gắng quyến rũ được càng nhiều cô gái càng tốt trong thập niên 1930 và 1940. Ponselle từng gọi ông là một tay chơi đàng điếm. Còn vợ ông, Augusta Cassinelli từng kiện soprano danh tiếng Elisabeth Rethberg vào năm 1935 lên tòa án tối cao New York trong bối cảnh cả hai đang tham gia vào vở opera Faust. Bi kịch cho sự lăng nhăng của Pinza đến vào ngày 21/8/1939 khi Robert Neppach đã giết chết người vợ của mình, Gretel vì ghen tuông với Pinza và sau đó tự sát. Gretel là con gái của Walter. Vợ của Walter rơi vào trầm cảm vĩnh viễn và qua đời vào năm 1945 còn Walter thì không bao giờ tha thứ cho mình khi chính ông là người đã mời Pinza hát trong Don Giovanni tại Liên hoan Salzburg.Mọi thứ dường như lắng xuống với Pinza sau khi ông li dị Cassinelli và kết hôn với một cô gái Mỹ và định cư tại một ngôi nhà ở Westchester, ngoại ô New York vào đầu những năm 1940. Nhưng vào ngày 13/3/1942, một tai họa đã giáng xuống đầu Pinza khi hai đặc vụ FBI ập vào nhà ông “nhân danh tổng thống Mỹ” và bắt ông đi. Nguyên nhân được đưa ra là ông bị tình nghi có quan hệ với phe Trục, đúng vào thời điểm nước Mỹ bắt đầu tham gia vào cuộc Chiến tranh Thế giới lần Thứ hai. Norman Cordon, một đồng nghiệp của Pinza tại Met đã cho biết rằng Pinza từng khoe với ông rằng mình có cảm tình với phe phát xít và là một người bạn của Benito Mussolini. Tuy nhiên, không có bằng chứng xác thực nào được đưa ra. Pinza đã bị giam oan ức trong ba tháng tại đảo Ellis mà không được tiếp xúc với người thân hay luật sư cùng với hàng trăm người có gốc gác Ý khác. Vào thời điểm ông bị bắt giam, chỉ còn bốn tháng nữa là Pinza được nhập quốc tịch Ý. Nhà văn từng đoạt giải Nobel Thomas Mann và nhà báo nổi tiếng vì những bài báo chống phát xít Carlo Tresca đã đứng ra kêu gọi trả tự do cho Pinza. Sau khi rời khỏi nhà tù, Pinza có nghĩa vụ “phải báo cáo hằng tuần cho một công dân Mỹ đáng tin cậy”. Trong trường hợp này là thầy thuốc của ông. Việc bắt giữ này đã khiến Pinza lâm vào khủng hoảng nặng nề và trầm cảm trong một khoảng thời gian dài. Năm 1947, Pinza tham gia bộ phim đầu tay của mình, Carnegie Hall của đạo diễn Edgar G. Ulmer trong một vai diễn khách mời kể về hành trình của một cậu bé trong con đường trở thành một nghệ sĩ piano. Bộ phim còn có sự xuất hiện của rất nhiều ngôi sao âm nhạc nổi tiếng khác như Arthur Rubinstein, Jascha Heifetz, Risë Stevens hay Gregor Piatigorsky. Sau đó Pinza còn tham gia trong một số bộ phim khác, cả điện ảnh và truyền hình, trong đó đáng kể là Tonight we sing của đạo diễn Mitchell Leisen vào năm 1953 nói về sự nghiệp của ông bầu âm nhạc nổi tiếng Sol Hurok. Pinza đã vào vai Chaliapin. Pinza chia tay Met vào ngày 14/5/1948 trong Don Giovanni. Đây cũng gần như là buổi biểu diễn đánh dấu sự chia tay opera của ông. Sau đó, Pinza đã dấn thân vào các vở nhạc kịch Broadway và từ đó cho đến cuối đời, cống hiến hết mình cho thể loại nghệ thuật này. Không có gì ngạc nhiên khi Pinza tiếp tục gặt hái được những thành công to lớn. Vai diễn mang lại danh tiếng lớn nhất cho ông là Emile de Becque (South Pacific) của Richard Rodgers và Oscar Hammerstein II.
Ông trở thành một trong những Don Giovanni vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, chia sẻ vị trí với người hậu bối tài năng khác, Cesare Siepi.
Dù không xuất hiện trên sân khấu opera nhưng ông vẫn tiếp tục thu âm vào những năm 1950 dù giọng hát đã suy giảm đi rõ rệt. Việc bị giam giữ cũng để lại hiệu quả rõ rệt đối với sức khỏe của Pinza. Một loạt các cơn đau tim dẫn đến một cơn đột quỵ vào ngày 1/5/1957. Ông qua đời vào ngày 9/5/1957 sau khi lên cơn đau tim trong giấc ngủ tại Stamford, Connecticut ở tuổi 64. Tang lễ của Pinza được thực hiện tại Cathedral of St. John the Divine, New York. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Putnam, Greenwich, Connecticut. Chỉ ít ngày trước khi qua đời, Pinza đã hoàn thành cuốn hồi ký của mình, được xuất bản một năm sau đó. Met đã vinh danh nghệ sĩ tài ba của mình bằng cách đặt tên ông cho đài phun nước tại nhà hát mới, được đặt tại Lincoln Center.
Pinza được trời phú cho một giọng bass mượt mà và phong phú, điều khiến cho ông gần như không có đối thủ vào thời của mình. Một Don Giovanni với vẻ ngoài tuấn tú và lịch lãm đã tạo ra sức hút khó cưỡng đối với khán giả, đặc biệt là những cô gái. Pinza đã để lại một di sản phong phú với 95 vai diễn opera, trong đó ông là giọng bass người Ý đầu tiên thu âm Boris Godunov. Cùng với những câu chuyện ngoài lề đầy gay cấn, mặc dù chỉ là một giọng nam trầm nhưng Pinza đã trở thành một trong những ca sĩ opera sức hút lớn nhất đối với giới truyền thông thời bấy giờ. Claudia Pinza Bozzolla, con gái của Pinza với người vợ đầu tiên Cassinelli, có cha và mẹ đỡ đầu là Serafin và Claudia Muzio sau này cũng trở thành một soprano nổi tiếng, từng nhiều lần hát chung với cha của mình.□
Nguồn: Đăng số 19 Tia Sáng
https://masterworksbroadway.com/artist/ezio-pinza/https://www.italyonthisday.com/2017/05/ezio-pinza-opera-and-broadway-star.html