Festival Huế 2008 – Di sản khởi động

Khi nghệ sĩ Ánh Tuyết và nhóm ATB vẫn còn đương say sưa với ca khúc Ô mê ly ở sân khấu giao lưu bia Quốc học, thì bên kia bờ Bắc sông Hương tại khu vực Kỳ đài nghệ sĩ Pierre Alain Hurbert vẫn miệt mài chuẩn bị giàn pháo hoa tinh tế của mình cho đêm bế mạc kỳ Festival lần thứ 5.

Festival Huế lần này mang tinh thần: Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển diễn ra từ ngày 3 đến ngày 11/6 thực sự đã đi hết chặng đường một cách khá suôn sẻ và bình lặng. Nhiều người đã quá lo cho một ngày hội văn hóa quốc tế khi mà sau đêm khai mạc ngày mùng 3.6, một trận giông chiều tràn qua Huế, từ đồi Thiên An vẫn nghe được tiếng sét lớn ở khu vực thành nội. Tối về nghe tin người Huế bảo nhau: Sét đánh sập cửa An Hòa – đấy là tin đồn.
Tối về xem báo điện tử: Sét đánh sập một góc lầu trên cửa An Hòa, quả là có thật; người duy tâm bảo: Sét đánh sập cửa An Hòa đúng ngày mùng một đầu tháng, không hiểu có điềm gì? Kẻ vui miệng bảo: Điềm báo chứng khoán tăng…?
Bế mạc, dòng thác pháo hoa chia tay, Festival bình an lặng lẽ đi hết con đường 9 ngày trong sự phấp phỏng của rất nhiều người Huế.

Một kỳ Festival hiếm khách?
Festival năm nay diễn ra trong cơn biến động giá cổ phiếu đang ở giai đoạn “tâm bão”, chỉ số Vn Index tụt xuống dưới 380 điểm, ắt hẳn trong hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến Huế trong kỳ liên hoan này mà Ban tổ chức vừa thống kê lắm người đi chơi theo cảnh: Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn. Ấy vậy mà những con đò vẫn bàng quan xuôi ngược vén mặt nước sông Hương để đan thành tấm lưới sóng.
Dòng Hương Giang trở nên vô ưu vô lo với chuyện biến động cổ phiếu ở hai đầu đất nước và 9 ngày 2 bận vẫn thì thào kể cho du khách nghe những huyền thoại về mình.
BTC thông báo: Có 30 ngàn lượt khách quốc tế về tham dự, có 180 ngàn lượt khách du lịch đến Huế.
Một anh xích lô trước cửa khách sạn Morin bảo: Năm ni Festival vắng khách, năm nớ có những bữa Việt kiều về đông, đạp một cuốc vô đại nội lúc về khách sạn người ta cho cả trăm ngàn lận, năm ni không được như thế. – Chả biết “năm nớ” số lượng xe xích lô ở Huế là bao nhiêu nhưng “năm ni” đã là 3 ngàn chiếc chưa kể xe ôm và Taxi.
Năm nay không có hiện tượng cháy phòng và giá phòng cũng mền hơn, giảm từ 800 ngàn/phòng/đêm của kỳ liên hoan lần thứ nhất xuống còn 250 ngàn.
Ở Đại nội, muốn tìm một chiếc Taxi gọi từ số 82 đến 89 đều được các cô tổng đài nói giọng Huế nhẹ nhàng: Anh ơi, chúng em hết xe ở khu vực đó… vậy nên hoặc du khách phải bắt Taxi dù, hoặc theo những chào ngọt như “chè hẻm” của cánh xe ôm, xích lô để về khách sạn, tất nhiên có qua trạm trung chuyển tới quán trà cung đình nào đó bên gần cửa Hiển Nhơn.
Có đoàn khách kinh nghiệm lỳ lợm trước những lời mời của đám Taxi dù, của xích lô và xe ôm quyết tâm chờ kỳ được câu trả lời: Anh chờ một xị xe đang đến, đến nỗi bấm nhầm số Taxi Hà Nội gào đến khản cổ điều xe vô Đại nội; mệ bán hàng thương tình chỉ cho phải đi bộ ra đến ngoài thành thì mới bắt được xe. Các xe không dám vô vì sợ tắc đường.
Ở Huế, đêm mọi người đều đổ cả ra đường để ăn mừng Festival, còn ban ngày nếu như không có vài mô hình sắp đặt dọc bờ Nam sông Hương, nếu không có một vài hoạt động nghệ thuật đường phố thì chẳng mấy người biết rằng Huế đang có những ngày hội văn hóa. Hình như 180 ngàn lượt khách du lịch trong nước và 30 ngàn lượt khách du lịch nước ngoài đều sợ cái nắng khốc liệt ở miền Trung mà nằm lì ôm máy điều hòa để đặng tối ra ngoài đường hưởng bù không khí văn hóa của một dịp Festival.
Một phóng viên báo Tuổi trẻ bảo: Những ngày đầu Festival vắng khách, càng về sau khách đổ về càng đông.

Một kỳ Festival với những chiều sâu văn hóa
Không bỗng dưng mà chị bạn bên báo Tuổi trẻ lại nhận xét như vậy. Quả thực nếu chỉ với những màn ca hát thông thường và những hoạt cảnh làng quê trong chương trình đêm khai mạc và bế mạc không tạo nên mấy ấn tượng về một thứ “Di sản hội nhập” sẽ không thể nói lên được điều gì so với các chương trình nghệ thuật thực sự có chất lượng của năm nay.
Với 62 đoàn nghệ thuật đến từ 22 nước trên thế giới hội tụ cả 5 Châu lục đã tạo nên một đẳng cấp cho Festival Huế. Các đoàn nghệ thuật trong nước đến với Festival lần này đã thể hiện một trình độ khác, đặc biệt có những đoàn trẻ như Nhóm Ca trù Tràng An và đội múa Bài Bông Yên Tử đã đem lại một ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách tham dự Festival; một màn tấu phách đem lại một cảm xúc mới khi thưởng thức nghệ thuật Ca trù, lấy cảm hứng từ tiếng phách chính là xương sống của nghệ thuật Ca trù, nghệ sĩ Kim Đức và các học trò của mình đã kết hợp, trộn tiết tấu của 5 khổ phách trong Ca trù thành một màn solo của phách trong vòng hơn 5 phút tạo ra một hiệu quả âm nhạc đặc biệt, người xem tưởng tượng đó như là những lời giục giã các thế hệ nối tiếp nhau để gìn giữ văn hóa, gìn giữ nghệ thuật, những tiếng phách giòn giã đột nhiên ngừng lại khi đang cao trào và tiếng chiêng trống nổi lên thúc dục gọi đội múa Bài Bông tiến ra sân khấu. Tuy điệu múa dài gần nửa tiếng nhưng toàn bộ khán giả ở sân khấu giao lưu bia Quốc học hầu như bị cuốn hút, lượng khán giả mỗi lúc mỗi đông, rất nhiều người sau buổi diễn đã chạy ra phía sau để hỏi về những xuất diễn sắp tới của đoàn.
Festival Huế 2008 bùng nổ các lễ hội cổ được phục dựng hoặc sáng tác khá hoành tráng và có chất lượng 4 Lễ hội cổ được phục dựng: Lễ tế Nam Giao, Lễ đăng quang của vua Quang Trung trên núi Bân, Lễ hội thi Tiến sĩ Võ, Lễ tế Xã tắc; nhiều lễ hội cộng đồng được sáng tác và đưa vào khai thác: Lễ hội Áo dài, Huyền thoại sông Hương, Hương xưa làng cổ, Đêm Hoàng Cung … 9 ngày Festival hầu như Huế kín đặc các chương trình biểu diễn.
Lễ tế Nam Giao năm nay khác với mọi năm; tế năm nay thực sự là tế và tuyệt nhiên không có phần hội, có thể nói Lễ Nam Giao bắt đầu đi vào chiều sâu tâm linh hơn là hình thức sân khấu bên ngoài. Chuẩn bị cho chương trình này, trước vài tháng họa sĩ Trịnh Bách đã phục dựng hoàn chỉnh 128 bộ áo cho đội vũ Bát Dật, BTC cũng yêu cầu ngay cả đội ngũ phóng viên cũng phải mặc quốc phục nếu muốn tác nghiệp trong Lễ tế. Toàn bộ việc tế tự do các bô lão ở 9 làng cổ ven nội thành phố Huế đảm nhiệm với các nghi thức và lễ vật thật sự.
Huyền thoại sông Hương là một lễ hội mới được sáng tác nhưng đã mang được tầm vóc và có quy mô lớn. Trải dọc lộ trình 15km từ lăng Minh Mạng đến Nghinh Lương Đình, đoàn thuyền của lễ hội theo sông Hương xuôi từ thượng đến hạ nguồn con sông và kể lại những câu chuyện từ thuở các chúa Nguyễn mang gươm đi mở cõi, thông qua 13 câu chuyện tái hiện cảnh binh lính đi tuần tại Cao Lăng; một lễ dâng hương tại điện Hòn Chén, hoạt cảnh tung chài ở đồi Vọng Cảnh trong ánh nắng chiều tà, hay một cảnh dâng hương của các tiến sĩ tại Văn Miếu Huế …

Một Festival và những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật
Đâu đó một quán café một nhóm nghệ sĩ đang bàn về Festival, ở Huế không thiếu những bàn tròn như thế này.
Một nghệ sĩ bảo: Năm nay BTC đã thực sự chu đáo với các đoàn nghệ thuật.
Một nhà báo bảo: Các chương trình năm nay, có chất lượng nghệ thuật khá cao nhưng chưa quen với sự tiếp nhận của người dân.
Một nhà phê bình mỹ thuật bảo: Các chương trình năm nay hay nhưng chưa có tính kết nối để tạo thành một sự hài hòa về nội dung trong cả Festival.
Một họa sĩ kể câu chuyện hôm qua vào Đại nội anh gặp một đoàn nghệ thuật đi chơi, cả đoàn mặc áo dài, hỏi ra mới biết đó là đội múa Bài Bông của nhóm Ca trù Tràng An, họ đi bất cứ địa điểm nào ở Huế trong dịp Festival cho dù là đi chơi hay biểu diễn cả đoàn đều mặc áo dài. Anh lại bắt sang câu chuyện Lễ hội áo dài trong Đại nội với những người mẫu đi dọc ngang qua những ánh đèn flash. Tại kỳ thứ 5 của lễ hội Festival, trong con mắt của những người làm tổ chức tà áo dài vẫn ngự trên khung hình có ba vòng chuẩn của các cô người mẫu; đâu đó hai bên hai con đường ngăn những hàng nến hoa sen người vẫn nhìn thấy phía sau cái ánh đèn flash là rất nhiều khán giả mặc áo dài để đi xem áo dài diễn.
Phải chẳng di sản mới chỉ đang khởi động ?
Khu vực Tử Cấm Thành trong Đại nội hằng đêm lung linh với hơn 5 ngàn cây đèn hoa sen thắp nến và chưa kể đến một số lượng lớn các đèn điện, đèn lồng từ các sân khấu biểu diễn, đây là nơi tập trung đông nhất số lượng khách tham quan trên đúng tinh thần Festival: Chỗ nào đẹp thì đến chụp ảnh. Các sân khấu khá ít số lượng khán giả thưởng thức.
Đến với Festival là đến với thời của những chiếc máy ảnh kỹ thuật số, công chúng luôn luôn cố gắng lưu giữ kỷ niệm cho đầy những tấm thẻ nhớ mà nghệ thuật ở đây chỉ làm nền cho những góc hình đẹp.
Báo chí luôn thắc mắc về những Lễ tế mà bắt buộc mọi người tham dự phải mặc quốc phục… “lượng khách sẽ còn đông về sau” – sự hội nhập phải bắt đầu từ hai phía; phải chăng di sản mới chỉ đang khởi động ?

Và một lời kết

Một Festival với 2500 diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp, 5000 diễn viên quần chúng, 62 đoàn nghệ thuật đến từ 22 quốc gia khác nhau, 77 chương trình nghệ thuật trên 20 sân khấu và 366 tình nguyện viên.
Với những tình nguyện viên, họ có thể đang là sinh viên các trường Đại học trong thành phố Huế, là những thầy giáo mới ra trường đang dạy tiểu học nhưng đến Festival tất cả đều thu xếp công việc riêng của mình để làm một công việc chung là phục vụ các bạn bè khắp mọi nơi đến Huế.
Nhóm Ca trù Tràng An kể lại rằng: Khi họ đi diễn chủ khách sạn đã đem hết cả bàn ghế gỗ trong nhà để cho đoàn mượn làm đạo cụ sân khấu, có nơi cho mượn sập; về sân khấu làng cổ Phước Tích không chỉ chính quyền tặng quà lưu niệm là những sản phẩm mỹ nghệ của làng mà vài người còn chạy ra dúi vào tay các nghệ sĩ những túi vả đặc sản của Huế vẫn còn chảy nhựa ở gốc cuống vừa hái trên cây.
Người dân Huế thực sự là chủ của Festival, và họ mới chính là những linh hồn của Festival.

Thần Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)