Ga0|Zerostation: Kết nối công chúng địa phương

Mỗi dự án tại Ga0|Zerostation, một không gian nghệ thuật phá cách ở TP Hồ Chí Minh, đều nỗ lực kết nối với công chúng địa phương, bởi với các nghệ sĩ ở đây, sự tiếp cận và cách thức diễn giải của công chúng với nghệ thuật đương đại mở ra cho họ những trải nghiệm mới.

Người ta hay e dè nghệ thuật đương đại ở chỗ: nó luôn bất định. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đương đại nằm ở cách nó được diễn giải, được đọc chứ không còn ở nội tại chính nó như đối với những tác phẩm nghệ thuật truyền thống. Nỗi e dè của công chúng với nghệ thuật đương đại gợi nhắc đến câu chuyện cái áo của hoàng đế. Không gian nghệ thuật đương đại cũng toát lên cảm giác bất định. Chúng luôn sẵn sàng thay đổi và thích ứng với môi trường chung quanh, với những thời điểm – hoàn cảnh cụ thể,…

Được điều hành chính bởi ba thành viên: Nguyễn Như Huy (giám tuyển, nghệ sĩ thị giác, dịch giả), Phan Minh Tuấn – Liar Ben (nghệ sĩ đường phố) và Trương Minh Quý (người làm phim), Ga0 giống như một công xưởng chế tác đủ loại sản phẩm, nơi thoạt nhìn tưởng như thật hỗn độn, không có bản sắc, và điều kết nối mọi thứ chính là cái cảm giác bất định.

Ga0 là một hỗn hợp bao gồm studio làm việc/không gian trưng bày và phòng ở dành cho các nghệ sỹ lưu trú. Nhiệm vụ chính của Ga0 là tạo thêm nhiều cơ hội thảo luận, tư duy và làm việc cho nghệ sỹ trẻ tại TP Hồ Chí Minh và xa hơn. Ga0 cũng nhắm tới việc tìm/tạo ra thêm nhiều cuộc đối thoại giữa nghệ thuật đương đại và đời sống. Triết lý hoạt động của Ga0 là “Tìm lại mình trong sự đánh mất bản sắc”.

“Bất định” theo nghĩa mọi hành động và ý tưởng đều hướng vào, không phải kết quả – thành phẩm hoàn chỉnh sau cùng, mà là vào quá trình nơi hành động và ý tưởng đó được hình thành. Hướng vào quá trình hình thành cũng chính là chấp nhận sự tạm bợ và hoang mang. Nhưng chính ở bên trên những thao tác lưỡng lự và những suy tư chọn lựa, một điều khác lạ nảy sinh: trải nghiệm. Trải nghiệm là sự cởi mở của người nghệ sĩ và công chúng đối với những điều chưa – không thể biết, nhưng lại dễ bị bỏ sót khi nghệ thuật chỉ được nhìn nhận thông qua tác phẩm hoàn thiện sau cùng.

Mỗi dự án nghệ thuật tại Ga0 đều nỗ lực kết nối với công chúng địa phương – những công chúng gần gũi và bình thường nhất. Dự án “Khi tất cả là âm nhạc” (2013), hợp tác giữa Ga0 và Busan Noridan (Hàn Quốc), là một ví dụ về sự kết nối không gian và công chúng địa phương. Trong ba tuần dự án, không chỉ studio của Ga0 được biến thành công xưởng chế tác nhạc cụ từ những vật liệu phế thải, mà khu phố hàng xóm cũng trở thành sàn diễn cho các nghệ sĩ. Vào cuối mỗi chiều, các nghệ sĩ luôn có màn trình diễn ngẫu hứng với các đồ vật bất kỳ ở không gian sinh hoạt chung của khu phố. Thoạt đầu, cư dân có vẻ không thoải mái với sự can thiệp của các nghệ sĩ vào dòng chảy bình lặng của họ, nhưng khi sự can thiệp trở nên thân quen, họ dần thích nghi và tham gia vào chính sự can thiệp ấy.

Sự tiếp cận và cách thức diễn giải của công chúng với nghệ thuật đương đại mở ra một trải nghiệm mới cho bản thân người làm nghệ thuật. Chính sự giao thoa giữa tác phẩm nghệ thuật đương đại và cuộc sống đời thường, giữa nghệ sĩ và công chúng thể hiện một triết lý hoạt động khác của Ga0: phi-thuần khiết tác phẩm nghệ thuật. Phi-thuần khiết để tác phẩm trở thành một trò chơi dang dở, một lời mời diễn giải và chia sẻ.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)