Gấp và mở thế giới

Không chịu bó buộc trong các quy luật của nghệ thuật gấp giấy truyền thống, Vincent Floderer sáng tạo ra các tác phẩm độc đáo, rất gần với tự nhiên.

Trong vườn của Vincent Floderer, ở Saint Aulaire, gần Brive-la-Gaillarde, có một cây nấm lạ rất đẹp. Ở giữa đám cây xanh, một cây nấm khác đang khoe chiếc mũ rỗ và đỏ ửng vì nóng của nó.

Những ai đã đọc và thực hành nghệ thuật gấp giấy hẳn sẽ rất ngạc nhiên, bởi vì các tác phẩm của nghệ sỹ người Pháp này không giống với những gì người ta quen nghe, quen làm, và vượt ra ngoài mọi nguyên tắc nền tảng của môn nghệ thuật gấp giấy truyền thống lâu đời của Nhật Bản.
 
Trong tác ph ẩm của Vincent, giấy không chỉ được gấp. Nó còn được vò nhàu, tẩm ướt, đôi khi đốt cho cháy dở, và sau khi qua những ngón tay khéo léo của người nghệ sỹ, nó trở thành một cây bị gió uốn cong, một hạt phấn hoa, một bọt biển hay một con cá ngoài Trái đất kỳ dị đầy vây. Với một chút gì đó mỏng manh đưa vào trong các tác phẩm của mình, Vincent gần với tự nhiên hơn, điều mà nghệ thuật gấp giấy truyền thống chưa làm được. Anh giải thích: ” Tôi không tìm cách sao chép tự nhiên, tôi chỉ quan sát các hình dạng dưới góc độ các nếp gấp và các chuyển động dẫn đến sự sáng tạo của tự nhiên. Đó là các chuyển động đóng và mở “.
 
Trong phòng của Vincent đầy những tác phẩm giấy gấp. Trên các xà nhà là hàng chục mô hình được treo bằng chỉ. Khung cảnh sao Hỏa, các màng, các vật thể không xác định, các băng nhỏ xoắn… Một số cái anh hút hơi ra, một số cái khác anh lại thổi hơi vào. Các hình gấp phồng lên, xẹp xuống trở lại hình dáng ban đầu. Một số lộn ngược như chiếc tất, cái gờ trên bề mặt của chúng hõm xuống khi giảm áp suất. Anh dùng mô hình này để giải thích hình học fractal, dùng mô hình kia để giải thích công thức số học. Người ta khó có thể tin rằng tất cả đều được làm chỉ bằng một tờ giấy duy nhất, không kéo, không hồ dán; chỉ với 10 ngón tay, sự kiên trì và rất nhiều tưởng tượng.
 
Người nghệ sỹ liên tục tìm kiếm. Một cuộc tìm kiếm không kể thời gian. Để một ý tưởng trở thành hiện thực, anh thường mất khoảng 2 năm, đôi khi phải mất 5 năm, nhưng anh không bao giờ từ bỏ một ý tưởng nào. Cây nấm xép, một trong những cây nấm mà cho tới nay anh vẫn chưa làm được, đã nhiều lần làm anh bật dậy lúc nửa đêm khi trong mơ anh thấy xuất hiện một đường gấp mới. Cách làm của anh là thử nghiệm nhiều lần, không ngại thất bại. Rất nhiều khi, một ý tưởng gấp ban đầu tưởng là hay nhưng không tạo ra kết quả mong muốn, nhưng một cái gấp khác, tình cờ, lại cho phép hoàn thành một dự định ấp ủ từ lâu chưa thực hiện được.

Vincent Floderer là người thích đi tìm những ý tưởng độc đáo, chứ không chạy theo những kỹ thuật cầu kỳ như trong nghệ thuật gấp giấy truyền thống. Anh khẳng định: “Khi kỹ thuật gấp quá nặng nề, người ta sẽ mất đi sự thanh thoát của hình gấp. Con bướm bằng giấy của Robert Lang, nghệ sỹ gấp giấy được coi là nổi tiếng nhất thế giới, rất đẹp, rất phong phú các chi tiết, nhưng tôi không tìm thấy được ở đó sự nhẹ nhàng của loài bướm. Con bướm giấy của ông trông nặng như một con bò mộng. Điều làm tôi quan tâm, đó là các chuyển động cho phép tái tạo các đường gân, các cấu trúc tự nhiên”.
 
Khi nằm trong tay của Vincent, giấy có các đặc tính ma quái và trở thành một vật vừa mềm, vừa cứng. Vincent cũng gấp các hạt phấn hoa. Đây là các hình gấp được nén đến tột độ cho tới tận khi ra đời các dạng hạt cực kỳ nhẵn. Nhưng, khi thả xuống nước, chúng liền nở ra, giải phóng cấu trúc bị cầm tù trong lòng chúng như những nụ hoa đẫm sương mai hé nở khi bắt gặp những tia nắng đầu tiên.

Là người đam mê các kỳ quan thiên nhiên, anh vẫn cảm thấy còn nhiều thách thức chưa vượt qua được. Cụ thể như các đường gân lá, các vây và vẩy cá. Loài ốc từ lâu cũng làm anh quan tâm. Anh đã phát hiện được một số nét tổng quát nhưng vẫn chưa hài lòng. Anh vẫn đang đi tìm cái chìa khóa giúp anh tiếp cận được cấu trúc khoáng phức tạp này. “Việc tìm hiểu các hình dạng của thiên nhiên tạo cho tôi cảm giác được sống trong một môi trường phong phú hơn. Như thể là tôi đang mở thế giới.”
 
 Hiện trong Trung tâm Crimp, nơi Vincent đang làm việc, vẫn chưa có nhà sinh vật học, nhưng đã có các kỹ sư, các kiến trúc sư và một nhà nữ toán học là Elisabeth Pinzutti, giảng dạy tại Limoge. “Sự gần gũi giữa nghệ thuật gấp giấy và toán học làm tôi thích thú. Đối với tôi, đó thực sự là một phương pháp khoa học. Tôi ra các bài tập cho học sinh của tôi dựa theo các mô hình gấp này. Bọn trẻ rất thích thú và nhiệt tình tham gia thực hiện môn nghệ thuật giải phóng sức tưởng tượng này”. Sự gặp gỡ giữa một giáo viên toán và nghệ sỹ gấp giấy đã cho ra đời một cuộc triển lãm, mang tên Plythagore, tại Brive, năm 2002 và 2003, giới thiệu các mối quan hệ giữa nghệ thuật gấp giấy và các khái niệm toán học như các hình đối xứng, các phương trình hay các công thức đại số. Học sinh được tiếp cận với nghệ thuật gấp giấy thấy việc học môn toán nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn, còn bản thân người nghệ sỹ cũng thấy “nghệ thuật gấp giấy giúp tôi yêu thích môn toán trở lại”.

Ngô Vũ theo Science & Vie

 
Chú thích ảnh:
 
ảnh 1: Vincent Floderer

ảnh 2: Hai năm suy nghĩ để tạo ra được hình bí ẩn này.

ảnh 3: Vincent và một trong các vật thể lạ bay không xác định bằng giấy của anh.

ảnh 4 (cụm gồm bốn ảnh): Thật hay Giả? Một con sao biển (a) biến thành cây áctisô (b) bằng cách lộn ngược chiều gấp như một chiếc tất. Một con san hô tuyệt đẹp (c) được làm bằng một tờ giấy khổ một mét vuông. Nó có thể được nén thành một hạt rất nhẵn và nở ra khi được ngâm xuống nước. Và đây nữa, một san hô tảng (d), tạo thành từ các cấu trúc hình lục lăng bằng giấy.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)