Gennady Rozhdestvensky – “Nhà khảo cổ” của âm nhạc
Gennady Rozhdestvensky là một nhân cách tốt đẹp, một tài năng to lớn, niềm tự hào của nền âm nhạc cổ điển Xô viết. Ông luôn chọn trong kho tàng âm nhạc những tác phẩm của những nhà soạn nhạc hiếm khi được để ý tới. Vì thế, Rozhdestvensky còn được gọi là nhà khảo cổ trong âm nhạc.
Tình cờ thành nhạc trưởng
Gennady Nikolaevich Anosov sinh ngày 4/5/1931 tại Moscow trong một gia đình âm nhạc. Cha của cậu, Nikolai Anosov là một nhạc trưởng và nhà sư phạm nổi tiếng còn mẹ của Gennady, Natalya Rozhdestvenskaya là soprano của Đài phát thanh Liên Xô. Sau này, khi trở thành một nhạc trưởng chuyên nghiệp, Gennady đã đổi sang dùng họ của mẹ để tránh việc phụ thuộc vào tên tuổi của cha mình. Ngay từ nhỏ, Gennady đã được tiếp xúc với âm nhạc, được cha mẹ dạy dỗ những bài học đầu tiên. Những ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với cậu bé là sự bắt đầu của chiến tranh, di tản và sau đó trở về ngôi nhà của mình, phát hiện ra cây đàn piano được chôn giấu dưới mặt đất vẫn được bảo quản hoàn hảo. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại kết thúc, Gennady được gia đình cho theo học piano tại Gnessin Institute, dưới sự dạy dỗ của đích thân Elena Gnesina, một trong những nhà sáng lập trường. Anh học tại đây cho đến năm 1947, sau đó theo học piano tại nhạc viện Moscow (nay là Nhạc viện Tchaikovsky) với Lev Oborin, người từng đoạt giải nhất trong cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin lần đầu tiên và cũng là một học trò của Gnesina.
Một sự việc tình cờ diễn ra đã khiến Gennady khao khát trở thành một nhạc trưởng. Đi dọc hành lang trong nhạc viện, tình cờ anh nghe thấy một nhóm hòa tấu đang tập dượt sextet “Souvenir de Florence” của Peter Ilyich Tchaikovsky. Anh thấy họ đang gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ. Gennady đã đứng ra chỉ dẫn họ và cảm giác tuyệt vời này đã nhấn chìm anh. Ngay lúc đó, Gennady nhận ra việc trở thành nhạc trưởng sẽ là niềm vui của cả cuộc đời mình. Chính Anosov trở thành thầy giáo của Gennady. Ông Anosov là người đã truyền đạt cho con trai mình cách tiếp xúc và chỉ dẫn dàn nhạc bằng đôi mắt.
Khi vẫn đang là sinh viên tại nhạc viện, Rozhdestvensky đã có nhiều cơ hội được chỉ huy dàn nhạc sinh viên của trường. Anh chỉ huy dàn nhạc này tham gia Liên hoan Thanh niên và Sinh viên lần thứ III (năm 1951 tại Berlin) và giành chiến thắng trong lần thứ IV (năm 1953 tại Bucharest). Anh tốt nghiệp nhạc viện, cả lớp piano và chỉ huy dàn nhạc vào năm 1954, tuy nhiên vẫn theo học sau đại học tại đây. Ngay từ năm 1951, Rozhdestvensky đã được thực tập tại nhà hát Bolshoi. Tại đây, sau một cuộc tuyển chọn gắt gao, anh đã được nhận vào làm việc, chủ yếu trong việc chỉ huy các vở ballet. Tác phẩm đầu tiên của anh cùng nhà hát là Người đẹp ngủ của Tchaikovsky, Rozhdestvensky đã biểu diễn toàn bộ vở ballet mà không sử dụng tổng phổ. Rozhdestvensky đã trở thành nhạc trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhà hát, một sự khởi đầu mỹ mãn. Với Rozhdesvensky, Bolshoi như một “người tình lãng mạn” mà anh đã trải qua một sự biến đổi phức tạp trong hơn nửa thể kỷ. Anh gắn bó với các vở ballet tại Bolshoi cho đến năm 1961. Sau khi Aleksandr Gauk chia tay Symphony Orchestra of All-Union Radio and Television (nay là Tchaikovsky Symphony Orchestra) vào năm 1961, Rozhdestvensky đã được chỉ định làm giám đốc âm nhạc thay thế. Năm 1962, anh lần đầu tiên giới thiệu bản giao hưởng số 4 của Dmitri Shostakovich đến khán giả phương Tây tại liên hoan Edinburgh với sự hiện diện của nhà soạn nhạc.
“Gennady Rozhdestvensky chắc chắn là một trong những nhạc trưởng vĩ đại nhất của thời đại chúng ta. Là một người bạn và người đồng nghiệp, tôi thật may mắn khi được chứng kiến tài năng nghệ thuật, kỹ thuật chỉ huy phi thường của ông”. Arvo Pärt
Kể từ năm 1965, Rozhdestvensky trở thành nhạc trưởng chính tại nhà hát Bolshoi, thay thế cho người tiền nhiệm nổi tiếng Evgeny Svetlanov. Với nhiệm kỳ năm năm đảm nhận cương vị này, ông đã chỉ huy khoảng 40 vở opera và ballet. Lần đầu tiên, Rozhdestvensky đã đưa các vở opera La voix humaine (Francis Poulenc) và A midsummer night’s dream (Benjamin Britten) lên sân khấu Liên Xô. Trong giai đoạn mà mọi hoạt động nghệ thuật đều nằm dưới sự kiểm soát gắt gao của chính quyền, Rozhdestvensky đã thể hiện mình là một người cách tân, tích cực giới thiệu đến khán giả các tác phẩm âm nhạc của những nhà soạn nhạc hiện đại, một điều thường bị các nhạc trưởng “ngoan ngoãn” khác bỏ qua.
Năm 1974, một sự kiện bê bối đã xảy ra trong đời sống Moscow và Rozhdestvensky bắt buộc phải thể hiện quan điểm của mình. Sergey Lapin, Chủ tịch Ủy ban Truyền hình và Phát thanh Quốc gia Liên Xô, là người có thái độ cực kỳ thù địch với người Do Thái. Ông đã yêu cầu Rozhdestvensky sa thải toàn bộ những nhạc công có nguồn gốc Do Thái khỏi Symphony Orchestra of All-Union Radio. Danh sách lên tới 42 người, lý do sa thải được đưa ra sẽ là vi phạm kỷ luật hoặc có sai sót trong quá trình biểu diễn. Rozhdestvensky đã từ chối hành xử thù địch của Lapin, ngay lập tức, sau đó một lá thư nặc danh gửi tới Lapin, công bố rằng dàn nhạc là một trung tâm của chủ nghĩa phục quốc Do Thái và Rozhdestvensky là người mê đắm “chủ nghĩa Do Thái” và bỏ bê các nhạc công Nga. Bị cuốn vào vòng xoáy chính trị với những thủ đoạn đê tiện, Rozhdestvensky đã từ chức Giám đốc âm nhạc tại Symphony Orchestra of All-Union Radio. Vladimir Fedoseyev là người kế nhiệm ông.
Trước đó, ngày 15/11/1972, Rozhdestvensky đã có buổi biểu diễn đầu tiên cùng Stockholm Philharmonic (nay là Royal Stockholm Philharmonic). Thán phục trước tài năng của ông, năm 1974, dàn nhạc chính thức đưa ra lời mời Rozhdestvensky làm nhạc trưởng chính của họ. Trong bối cảnh chính trị nhạy cảm lúc bấy giờ, tất nhiên là chính quyền Liên Xô từ chối. Ngay sau đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin có chuyến thăm chính thức Thụy Điển. Trong một buổi chiêu đãi, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme đã đề nghị Kosygin cho phép Rozhdestvensky sang làm việc tại Thụy Điển.
Trở về Moscow, Kosygin đã đồng ý cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa Yekaterina Furtseva “trả tự do” cho Rozhdestvensky. Rozhdestvensky đã trở thành nhạc trưởng Liên Xô đầu tiên được phụ trách một dàn nhạc ở phương Tây. Một sự thay đổi không ai ngờ tới. Hơn nữa, trường hợp này đã trở thành tiền lệ. Sau ông, một số nhạc trưởng khác đã giành được đãi ngộ tương tự như vậy, điển hình là trường hợp của Mariss Jansons. Cái tên của ông quá khó đọc với các nhạc công và họ đã đặt cho vị nhạc trưởng của mình một cái tên Thụy Điển: Roffe Svensson. Cũng trong năm 1974 này, Rozhdestvensky đã gây được tiếng vang to lớn ở trong nước khi ông cùng với đạo diễn Boris Pokrovsky đã hồi sinh vở opera Cái mũi (Shostakovich) kể từ năm 1930. Buổi biểu diễn đã giành được thành công vang dội và tạo được hiệu ứng rất tích cực trong xã hội.
Một quan điểm khác biệt
Danh mục biểu diễn của Rozhdesvensky hết sức đa dạng, bao gồm tất cả những thời kỳ, trường phái và thể loại của nhạc cổ điển, từ những tác phẩm vô cùng quen thuộc cho đến tiên phong, do những bậc thầy trong quá khứ cho đến những nhà soạn nhạc đương đại sáng tác. Theo một thống kê không đầy đủ, ông có tới hơn 700 bản thu âm với rất nhiều dàn nhạc hàng đầu, ra mắt tại nước Nga khoảng 300 tác phẩm và hơn 150 bản nhạc trên phạm vi toàn thế giới. Ông đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển di sản sáng tạo của Sergei Prokofiev, Igor Stravinsky và Shostakovich. Rozhdestvensky là nhà vô địch trong việc giới thiệu âm nhạc của Sofia Gubaidulina và Alfred Schnittke cũng như nhiều nhà soạn nhạc còn ít được biết đến. Là một người theo chủ nghĩa chiết trung, cách lựa chọn tác phẩm không sợ bị lên án và chỉ trích. Rozhdestvensky luôn chọn trong kho tàng âm nhạc những tác phẩm từ những nhà soạn nhạc mà hiếm người khác chơi. Vì vậy, Rozhdestvensky còn được gọi là nhà khảo cổ trong âm nhạc, ông không ngần ngại giới thiệu cho khán giả về những nhà soạn nhạc của thế kỷ 20 với hàng trăm tác phẩm.
Để cảm ơn sự tận tâm của ông trong việc khám phá những lĩnh vực mà không ai khác động đến, rất nhiều tác phẩm đã được sáng tác để dành tặng cho Rozhdestvensky, trong đó có bản giao hưởng Giọng nói… Yên lặng… của Gubaidulina và các bản giao hưởng số 1, 8 và 9 của Schnittke. Schnittke cho biết: “Tôi đã từng nhẩm tính rằng hiện nay có khoảng 40 sáng tác được viết cho Rozhdestvensky – xuất phát từ ý tưởng của ông hoặc ông ấy là người đầu tiên thực hiện chúng. Tôi không thể tin được, nhưng nó thực sự là như vậy. Tôi thậm chí có thể nói rằng gần như tất cả công việc của riêng tôi với tư cách là một nhà soạn nhạc phụ thuộc vào việc tiếp xúc với ông và vào nhiều cuộc nói chuyện giữa chúng tôi. Chính trong những buổi nói chuyện này, tôi đã hình thành ý tưởng cho nhiều sáng tác của mình. Tôi coi đó là một trong những trường hợp may mắn nhất trong cuộc đời”. Rozhdestvensky cũng dành cho Schnittke những sự tôn kính to lớn: “Sẽ rất khó đánh giá tầm quan trọng của mối quan hệ giữa tôi với Shostakovich và Schnittke, ở chỗ hai người khổng lồ này đã mở ra trước mắt tôi một vũ trụ âm nhạc, giống như một chiếc kính lúp khổng lồ phản chiếu thế giới mong manh của chúng ta”.
Rất ít người – có lẽ chỉ có Gidon Kremer – đã làm được nhiều như vậy để âm nhạc của các nhà soạn nhạc xuất sắc nhất của Liên Xô được nghe ở cả hai bên biên giới. Ngày 22/2/1979, Rozhdestvensky lần đầu chỉ huy New York Philharmonic tại Avery Fisher Hall trong bản giao hưởng số 4 của Shostakovich và 34 của Wolfgang Amadeus Mozart.
Rozhdestvensky được đánh giá là một nhạc trưởng đa năng, có văn hóa cao với kỹ thuật chỉ huy tuyệt vời. Trong việc đúc kết các diễn giải của mình, ông đã đưa ra ý tưởng rõ ràng về đường nét cấu trúc và nội dung cảm xúc của một tác phẩm. Một nhận thức nhạy bén về đặc thù của tư duy hiện đại, khả năng nắm bắt và truyền tải ngay lập tức đến dàn nhạc những gì tinh túy nhất của bất kỳ phong cách mới nào là những điểm nổi bật của ông. Sau khi chia tay Stockholm Philharmonic, ông trở thành nhạc trưởng chính của BBC Symphony Orchestra, kế nhiệm Pierre Boulez. Họ đều là những người cổ xúy tích cực cho âm nhạc thế kỷ 20 và khán giả của dàn nhạc đã liên tục được dấn thân vào những cuộc thám hiểm mới đầy háo hức.
Ông chia tay BBC Symphony Orchestra vào năm 1981 để tập trung cho công việc mới tại Vienna Symphony Orchestra, mà ông đảm nhận trước đó vào năm 1980, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động âm nhạc ở trong nước. Có thể thấy, mỗi giai đoạn hoạt động sáng tạo của Rozhdestvensky là một phần trong của đời sống văn hóa quê hương mình. Bắt đầu công việc chỉ huy khi vẫn còn đang là sinh viên nhạc viện, trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn 60 năm của mình, Rozhdestvensky là một trong những nhà vô địch về việc giới thiệu âm nhạc đương đại của thế kỷ 20, bất chấp việc môi trường hoạt động của ông không quá cởi mở cho điều này.
Trong giai đoạn mọi hoạt động nghệ thuật đều nằm dưới sự kiểm soát gắt gao của chính quyền, Rozhdestvensky vẫn rất tích cực trong việc giới thiệu đến khán giả các tác phẩm âm nhạc của những nhà soạn nhạc hiện đại, một điều không hề dễ dàng.
Rozhdestvensky không thích việc tập luyện quá lâu, ông luôn duy trì thời lượng ngắn trong các buổi dàn dựng: “Tôi chỉ huy. Và nếu nó hoạt động tốt, thì càng tuyệt vời. Tôi không phải là người thích tự phân tích”. Rozhdestvensky cũng cho biết một dàn nhạc nước ngoài có sự phản kháng và độc lập trong suy nghĩ hơn: “Trong một buổi tập, tôi đã đề nghị họ chơi yên lặng hơn, nhưng họ không tạo ra sự khác biệt. Concertmaster nói với tôi tổng phổ ghi là mezzo-forte chứ không phải piano. Tôi trả lời ‘Nếu bạn đang lái xe và thấy đèn đỏ và cũng có một cảnh sát vẫy tay gọi bạn, bạn dừng lại hay đi? Chà, tôi là cảnh sát và âm nhạc là đèn đỏ’”. Rozhdesvensky đã từng nhiều lần biểu diễn với các dàn nhạc hàng đầu thế giới như Berlin Philharmonic, Concertgebouw Orchestra, Boston Symphony Orchestra, Cleveland Orchestra… Năm 1983, Metropolitan Opera đã đưa ra lời mời Rozhdestvensky chỉ huy mở màn mùa diễn với Eugene Onegin (Tchaikovsky) nhưng các quan chức Liên Xô đã không hề thông báo cho ông về đề nghị này, dẫn đến việc hợp tác bị hủy bỏ.
Từ năm 1991-1995, một lần nữa Rozhdestvensky lại trở thành nhạc trưởng chính của Stockholm Philharmonic. Ông vẫn lựa chọn chủ yếu các tác phẩm hiện đại và biểu diễn cũng như thu âm cùng Stockholm Philharmonic âm nhạc của Edison Denisov, Giya Kancheli, Rodion Shchedrin cũng như một số tên tuổi khác. Tổng cộng, ông có 174 buổi hòa nhạc cùng dàn nhạc. Liên Xô tan rã, Rozhdestvensky đã được tự do hơn trong việc lựa chọn các tác phẩm. Ông nhớ lại những khó khăn mà mình đã vấp phải: “Tôi thấy quá khó khăn khi phải làm việc với một bộ máy quan liêu như vậy. Nó cản trở sự sáng tạo và nghệ thuật của tôi. Tôi thích làm việc ở đây, nhưng không phải với họ. Trong tiếng Nga, chúng ta có câu: “Một thìa nhựa đường làm hỏng cả một thùng mật ong””. Với ông, những năm tháng đó không hề dễ dàng.
Một thương hiệu riêng
Năm 2000, một lần nữa Rozhdestvensky lại trở thành nhạc trưởng chính tại nhà hát Bolshoi. Nhưng lần hợp tác này chỉ kéo dài trong hơn một năm. Sau buổi biểu diễn phiên bản cuối cùng vở opera Con bạc (Prokofiev), Rozhdestvensky đã chia tay nhà hát. Một số lý do được đưa ra, trong đó có việc báo chí Moscow đã đối xử bất công với ông. Ông tin rằng những đánh giá mang tính xây dựng về âm nhạc chỉ có thể được đưa ra từ những người hiểu rõ hơn về công việc của một nhạc trưởng. Là một người khá nhạy cảm, Rozhdestvensky thường có những ứng xử cực đoan khi ông cảm thấy được đối xử không trọng thị. Ông đã từng hủy bỏ các buổi biểu diễn tại Boston, Amsterdam và Paris khi các tờ quảng cáo chương trình không đặt ông vào vị trí trung tâm. Ông cho biết: “Tôi không chỉ cảm thấy bị coi thường mà còn phải chịu đựng điều mà người Nga gọi là sự xúc phạm đạo đức”. Đã có cả sự ủng hộ và sự chế nhạo vì quyết định này của Rozhdestvensky.
Mặc dù vẫn sử dụng đũa chỉ huy nhưng phong cách biểu diễn của Rozhdestvensky thật đặc biệt, ông thường xuyên giao tiếp với các nhạc công của dàn nhạc bằng nét mặt, ánh mắt hay những cái nhún vai. Và những cử chỉ này lại toát ra một sự hợp lý và đẹp mắt một cách kỳ lạ, chúng tạo nên thương hiệu riêng của ông. Rozhdestvensky còn được biết đến như một người đa năng, ông giảng dạy, sáng tác và viết một số cuốn sách về những tâm đắc và suy nghĩ của mình trong âm nhạc.
Rozhdestvensky kết hôn hai lần, lần đầu với nghệ sĩ ballet Nina Timofeeva. Năm 1969, ông kết hôn với nghệ sĩ piano tài năng Viktoria Postnikova, người kém ông 13 tuổi. Họ đã nhiều lần biểu diễn và thu âm cùng nhau. Con trai của họ, Sasha Rozhdestvensky, là một nghệ sĩ violin. Schnittke đã sáng tác concerto grosso số 6 cho piano, violin và dàn dây để tặng gia đình ông. Từ năm 2011, Rozhdestvensky trở thành nhạc trưởng khách mời chính của Saint Petersburg Philharmonic, dàn nhạc trước khi thuộc về Evgeny Mravinsky, người rất nể trọng tài năng của ông. Năm 2016, ông là khách mời tại Chicago Symphony Orchestra. Màn trình diễn của ông đã được nhà phê bình John von Rhein ca ngợi: “Sống động, tận tâm và hùng biện cháy bỏng. Ông là một nhạc trưởng độc đáo và là một con người lập dị. Ông không sử dụng bục và dùng đũa chỉ huy giống như cây kiếm của mình để đánh nhịp hơn là chỉ ra các tín hiệu theo mọi hướng. Nhưng ý đồ âm nhạc của ông luôn rõ ràng”. Rozhdestvensky vẫn gắn bó với công việc chỉ huy cho đến khi ông qua đời sau một trận ốm dài vào ngày 16/6/2018 tại Moscow ở tuổi 87 khép lại một sự nghiệp lẫy lừng với khoảng 1.600 tác phẩm từng biểu diễn ở gần 40 quốc gia khác nhau tại 200 thành phố. Trước đó, ông đã mắc bệnh tim, tiểu đường và ung thư. Rozhdestvensky được chôn cất tại nghĩa trang Vvedenskoye, Moscow, gần ngôi mộ của mẹ ông.
Rozhdestvensky gắn bó với công việc dạy học từ năm 1974. Ông giảng dạy tại khoa chỉ huy giao hưởng và opera của Nhạc viện Tchaikovsky, ngôi trường cũ của ông và trở thành trưởng khoa vào năm 2001, góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ các nhạc trưởng. Trong bộ phim tài liệu năm 2003 Gennady Rozhdestvensky: nhạc trưởng hay thầy phù thủy do Bruno Monsaingeon đạo diễn, ông lý giải: “Nếu ai đó có thể giải thích việc chỉ huy, thì sẽ không có 1.000 nhạc trưởng, mà là 10.000. Chúng tôi sẽ xếp họ vào một lớp học và hướng dẫn họ cách xoay cánh tay của mình. May mắn thay, một số thứ không thể giải thích được … Theo ý kiến của tôi, cách tiếp cận tồi tệ nhất mà bạn có thể áp dụng là hạn chế dạy các cử chỉ. Di chuyển cánh tay hầu như không phải là điều bạn phải học. Bạn phải có quan điểm, học cách truyền đạt ý tưởng âm nhạc cho dàn nhạc và thông qua đó, cho người nghe”. Rozhdestvensky cũng từng sáng tác một số tác phẩm, trong đó nổi bật nhất là vở oratorio “Lời nói được lưu giữ cho nhân dân Nga” với phần lời dựa trên tác phẩm của Aleksey Remizov. Sở hữu tài năng văn chương đặc biệt, Rozhdestvensky thường giới thiệu trước các buổi hòa nhạc của mình với phần thuyết minh cho các chương trình sẽ biểu diễn. Ông cũng là tác giả của một số cuốn sách về âm nhạc và nghệ thuật chỉ huy, đúc kết những kinh nghiệm và sự sáng tạo của mình.
Với Rozhdestvensky, “sứ mệnh là mang lại cái đẹp”. Ông luôn nói rằng mình có một sự liên kết bản thân với thế kỷ 20 nhưng Rozhdestvensky đã biết ơn thế kỷ 21 về sự sáng tạo vô biên. Chỉ trong thời đại này, ông mới có thể biểu diễn bất cứ tác phẩm âm nhạc nào mà ông mong muốn, điều không thể tưởng tượng được trong bối cảnh trước đây. □
Nguồn:
https://vmiremusiki.ru/gennadij-rozhdestvenskij.html
https://www.belcanto.ru/rozhdestvensky.html
Bài đăng Tia Sáng số 24/2024