Georg Solti – một tượng đài âm nhạc
Nhạc trưởng người Anh gốc Hungary Georg Solti (1912-1997) là một trong những nhân vật quan trọng bậc nhất của âm nhạc thế kỷ 20. Tháng Mười này, lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông diễn ra tại Carnegie Hall, New York và Chicago Symphony Centre vào ngày 19 và 21 với màn trình diễn của dàn nhạc World Orchestra for Peace do chính ông thành lập.
Nhưng Solti còn làm được nhiều hơn thế: ông tạo ra thứ âm nhạc kỳ diệu, xoắn kết sức mạnh và sự trong sáng mà không nhạc trưởng nào cùng thời với ông – ngay cả Karajan, Jansons, Ancerl, Böhm hay Bernstein – còn được gọi là thời đại vàng của âm nhạc – có thể sánh được. Solti là cái tên duy nhất có thể nói cùng ngôn ngữ với thế hệ tài năng trước ông – Evgeny Mravinsky ở Leningrad và Wilhelm Furtwängler ở Berlin. Solti là người thừa kế đích thực gia tài của họ trong các bản thu âm và cả cách truyền lửa cho các buổi biểu diễn trực tiếp khi pha trộn sự hoàn hảo với cái phóng khoáng.
Tên khai sinh của Georg Solti là György Stern. Cuối chiến tranh thế giới thứ nhất, những người Hungary mang họ Đức thường được khuyến khích đổi sang tên Hungary. Bố mẹ ông quyết định đổi tên các con, hy vọng thuận lợi cho cuộc sống của chúng sau này. Cái tên Solti đã được chọn một cách ngẫu nhiên – đó là tên của một thị trấn nhỏ ở Hungary. Solti trẻ tuổi được nhận vào Học viện Âm nhạc Budapest, nơi ông học piano và sáng tác, sau đó trở thành người đệm đàn tại nhà hát opera.
Nhưng là người Do Thái, Solti và nhiều thành viên khác của nhà hát đã bị sa thải khi luật bài Do Thái bắt đầu có hiệu lực. Cũng giống như ngày nay, các nhạc trưởng trẻ rất khó tìm việc, bởi vậy Solti đã tới Karlsruhe ở Đức, nơi ông được Josef Krips [nhạc trưởng và nghệ sĩ violin vĩ đại người Áo], người từng bị tố cáo là thuê người Do Thái. nhận vào làm việc. Năm 1937, khi đang diễn tập ở Festival Salzburg, ông được mời thay thế vị trí một trợ lý bị ốm của Toscanini. Năm 1938, ban lãnh đạo Nhà hát opera Hungary nghe tin Solti làm việc cho Toscanini, đã mời ông tới chỉ huy “Đám cưới Figaro”. Đó là ngày 11-3-1938, ngày trọng đại với Solti và gia đình ông. Đang giữa buổi diễn thì có tin quân Đức đã tiến vào Vienna. Buổi diễn buộc phải dừng lại và sau đó ông không bao giờ còn chỉ huy vở opera nào ở nhà hát này nữa.
Nhà soạn nhạc người Hungary Antal Doráti biết được tình thế tiến thoái lưỡng nan của người bạn trẻ nên mời ông tham gia làm việc cùng với mình hai tuần ở London, chỉ huy “Colonel de Basil” của đoàn Ballets Nga. Từ London, ông về nhà để rồi vào tháng 8-1939, “ở tuổi 26”, ông viết, “tôi từ biệt mẹ và chị gái”. Cha ông tiễn ông đến nhà ga Budapest để đi Thụy Sỹ vào đúng ngày chiến tranh được tuyên bố. “Tôi không bao giờ còn thấy ông ấy một lần nào nữa,” Solti viết.
Ông tự miêu tả mình trong những ngày sống tị nạn ở Zurich như “một kẻ cô đơn và phiền muộn”, dẫu cho thỉnh thoảng ông vẫn chỉ huy Dàn nhạc Zurich ở Nhà hát Kleine Tonhalle.
Sau khi phát xít Đức thất bại, Solti được mời tới Munich. Quyết định sống như một người Do Thái giữa những đổ nát của Đức quốc xã là một quyết định có tầm nhìn xa đáng kinh ngạc; ông thuộc số ít những người hiểu được nước Đức và châu Âu thời hậu chiến vào đúng thời điểm bài diễn văn của Winston Churchill ở Zurich thúc giục Đức và Pháp cùng xây dựng một “châu Âu mới” trên đống tro tàn của cuộc chiến. Ông cũng thú nhận “Giống như Faust, tôi đã sẵn sàng ký một thỏa ước với ma quỷ và đi xuống địa ngục, miễn sao được làm nhạc trưởng.” Chức Giám đốc Nhà hát Bavarian State Opera vào năm 1946 là công việc quan trọng đầu tiên của ông. “Đó là quãng thời gian hào hùng, với cả nước Đức và bản thân tôi”, ông viết. Bà Solti kể thêm: “Mọi người hỏi: ‘Nhưng sao anh, một người Do thái, lại có thể đến Đức?’ Tôi nghĩ Gyuri [tên gọi tắt của György] thấy rằng: hãy nhìn xem, chúng tôi là những người trẻ mới ngoài 30, sứ mệnh của chúng tôi là không để điều đó tái diễn ở châu Âu nữa. [Chúng tôi] phải làm gì với nước Đức? Đặt một hàng rào dây thép gai xung quanh đó ư?”
Solti chuyển tới Frankfurt, sau đó tới London – kế tục Rafael Kubelík trong vai trò Giám đốc Nhà hát Covent Garden vào năm 1961, và đưa Nhà hát tới tột đỉnh vinh quang vào giữa những năm 1960. Nhưng ông chưa bao giờ thật sự định cư ở bất cứ đâu: ông là một người Hungary từng lánh nạn tại Thụy Sỹ, sau đó lập gia đình ở London, sở hữu một ngôi nhà ở Italia và chỉ huy một dàn nhạc ở Mỹ. Nhưng theo bà Solti, “Ông ấy ghét từ ‘chủ nghĩa thế giới’. Nói thế nào nhỉ, ông ấy đã bị mất gia đình và quê hương, nên quê hương là bất cứ nơi nào gia đình ông ấy sống và bất cứ nơi nào ông ấy có thể làm âm nhạc.”
Solti đã đóng dấu ấn của mình lên tác phẩm của một số nhạc sĩ với sự khác biệt chưa từng có, và cũng hầu như chắc chắn sẽ không bao giờ có, đến nỗi cách ông truyền đạt ý tưởng của các nhà soạn nhạc đã trở thành không thể thiếu mỗi khi lắng nghe những tác phẩm đó: Wagner, Strauss, Mozart và không nghi ngờ gì nữa – Mahler. Tôi nhớ thời trẻ có lần ngồi nghe như bị mê hoặc Bản giao hưởng Phục sinh (Resurrection Symphony) của Mahler mới được phát hành mà tôi đã mua bằng tiền túi của mình. Và bản giao hưởng số 9 của Mahler do Solti chỉ huy Dàn nhạc Chicago biểu diễn tại Royal Festival Hall năm 1981 khiến bất kỳ ai nghe nó đều choáng váng, bàng hoàng. Không quá khi nói rằng Solti đã đưa âm nhạc của Mahler từ chỗ ít được để ý vào những năm đầu 1960 đến chỗ thường xuyên có mặt trong danh mục biểu diễn như hiện nay.
Bà Solti say sưa nói về những khám phá của chồng mình đối với Mahler: “Tôi nghĩ rằng ông đã nhận ra những âm thanh trong âm nhạc của Mahler như thể ông sống trong thời đại đó. Ông biết rõ những âm thanh ấy bằng trực giác, những chiếc chuông treo cổ bò, chúng đánh thức trực giác ở ông, và rất gần gũi với ông. Ông nói: thứ âm nhạc này thật tuyệt vời nhưng chúng ta không bao giờ được nghe nó.”
Solti thấu hiểu nước Đức mới trong khi hầu hết mọi người (trong lĩnh vực của ông và các lĩnh vực khác) vẫn còn sa lầy trong lối tư duy thời chiến, ông cũng hiểu rõ sự cần thiết phải trình diễn và thu âm Wagner. Sau chiến tranh, Richard Wagner bị xem như một nhà soạn nhạc mà thái độ bài Do thái và cách ông diễn giải những câu chuyện thần thoại Giéc-manh được Đức quốc xã ca ngợi. Thế nhưng Solti giờ đây đã trình diễn âm nhạc của Wagner với một tiêu chuẩn mà có lẽ không ai ngoài Fürtwangler [nhạc trưởng của Berlin Philharmonic dưới thời Đức quốc xã] đạt tới.
“Có thể,” bà Solti nói, “ông ấy hiểu sâu sắc tác phẩm và quyết định không cần để ý đến điều gì khác. Hoặc có thể ông ấy chỉ muốn gạt bỏ mọi chuyện khỏi tâm trí khi đến với Wagner. Thành thật tôi cũng không rõ nữa. Nhưng tôi chắc chắn một điều là mọi người không muốn nói về những nỗi kinh hoàng vào thời điểm đó. Họ không nhìn lại phía sau bởi vì họ chỉ muốn nhìn về phía trước với bổn phận xây dựng một thế giới mới và tốt đẹp hơn.”
Bà tiếp tục nói về chồng mình: “Ông cảm nhận được cái đẹp ở mọi thứ, tôi nghĩ điều đó thuộc về tâm linh hơn là tôn giáo. Ông kể với tôi là cha ông vẫn cầu nguyện mỗi khi ăn trái quả đầu mùa. Tôi nhớ rõ đối với Solti được ăn quả mơ, quả anh đào hay quả đào đầu tiên ở Italy đều là khoảnh khắc đặc biệt. Ông ấy yêu các loài chim thú và thường hỏi, ‘Sao con người có thể giết chim thú để ăn?’ Ông thích nghe tiếng chim hót trên cây, và huýt sáo để chúng đáp lại, bởi vì ông có chất giọng tuyệt vời. Ông yêu biển – thích ngắm nhìn và bơi trong đó nhưng lại không thích đua thuyền trên biển.”
“Về cơ bản, ông là một nghệ sỹ của công việc,” bà Solti tiếp tục, “Dù đã trở thành một ngôi sao, ông vẫn là một thợ thủ công, lao động với âm nhạc và cho âm nhạc. Ông thường nói, ‘Không quan trọng việc tôi nói gì, quen biết ai, đến những buổi tiệc như thế nào, tôi trước hết và trên hết là một nghệ sĩ – người phục vụ cho các nhà soạn nhạc mà mà tôi chơi.’”
Trong cuốn tiểu sử của mình, Solti miêu tả ông đã học hỏi được từ Fürtwangler – nhà soạn nhạc ông vẫn xem như người thầy mà ông chưa bao giờ gặp – rằng “tất cả những nghệ sỹ nghiêm túc thường không thỏa mãn với kết quả công việc của mình”.
Còn có một dòng chảy khác ở phía dưới sự không thỏa mãn này: “Gyuri thường nói rằng các chỉ huy chỉ là kẻ giúp việc của nhà soạn nhạc, và không ai có thể đoan chắc nhà soạn nhạc định nói gì, họ chỉ có thể cố gắng hết sức. Có lẽ đó là lý do tại sao ông không bao giờ thấy thỏa mãn,” bà Solti cho biết. Mặc dù thích thú những giải thưởng nhưng ông vẫn luôn nói rằng trong suốt sự nghiệp của mình không điều gì lại khiến ông hạnh phúc hơn lần chơi piano trong một buổi diễn tập ở Salzburg năm 1937, và chợt cảm thấy có ai đó đứng sau mình. Đó chính là Toscanini, và Toscanini chỉ nói đơn giản: “Bene.” [nghĩa là “Tốt” trong tiếng Latin]. “Gyuri luôn nói rằng không có giải thưởng nào trong cả đời ông có thể sánh với một từ đó của Toscanini.”
Năm 1969, Solti trở thành giám đốc âm nhạc của Chicago Symphony Orchestra. Chính ở thành phố lộng gió này, Solti đã trở nên nổi tiếng đến nỗi hình ảnh của ông xuất hiện trên các tấm áp phích quảng cáo cho cả dàn nhạc và đội bóng bầu dục The Bears, với chung một câu khẩu hiệu: “Hai ta đều biết thế nào là chơi hay” (“We both know a good score” – một cách nói chơi chữ, score vừa có nghĩa là bàn thắng vừa có nghĩa là bản nhạc).
“Nếu ông ấy có một ngôi nhà âm nhạc,” bà Solti nói, “thì chỉ có thể là Chicago.”
Hai mươi năm cuối đời, Solti làm việc cùng một người có vai trò như một MC, kiêm giám đốc điều hành với trách nhiệm đảm bảo mọi sự chuẩn bị cần thiết cho các chương trình âm nhạc, người giữ cổng cả về tiền bạc lẫn hậu cần.
Charles Kaye, người giờ đây là giám đốc của World Orchestra for Peace, nhớ lại, Solti đã hỏi ông: “Tôi đang tìm người có thể đảm nhiệm những việc này,” và Kaye đã nghĩ: “Tôi từng làm việc với Lucia Popp, Nicolai Gedda, Askenazy – nhưng Solti thực sự là Chúa tể.”
Kaye miêu tả Solti ở nơi làm việc: “Ông thường xem xét một tác phẩm mà ông đã chỉ huy hàng trăm lần trước đó, nhưng vẫn bị kích thích khi thấy một bản tổng phổ mới chưa được đánh dấu. Và ông bắt đầu ghi chú; đầu tiên bằng chì đen, sau đó bằng chì đỏ,” Kaye đưa ra một bản nhạc của Brahms, chằng chịt lời chú giải bằng chì đen mềm mại có lẽ là chì 2B, sau đó là nét chì đỏ.
Không thể chối cãi rằng Solti đã cách mạng hóa cả âm nhạc lẫn các bản thu âm, đưa ra những tiêu chuẩn chưa bao giờ có trước đó. Bộ Ring của Wagner từ những năm 1960 mới đây đã được Tạp chí Âm nhạc BBC vinh danh như một bản thu âm xuất sắc nhất mọi thời đại. Solti đã tập hợp quanh ông một nhóm các nhà sản xuất và kỹ sư nổi tiếng được gọi là “Những chàng trai Decca” dưới sự chỉ đạo của John Culshaw vào thời điểm hãng thu âm Anh này đang ở đỉnh cao. “Tại thời điểm đó,” bà Solti nhớ lại, “truyền hình còn mới mẻ, sau đó truyền hình màu ra đời và video phát triển, người ta phấn khích chờ đợi bước tiến triển tiếp theo của công nghệ thu âm.” Vì thế, Solti cùng các chuyên gia kỹ thuật đã miệt mài tìm cách đưa âm nhạc [hàn lâm] đến với các gia đình với chất lượng cao nhất. Tham gia hãng Decca từ khi còn là một kỹ sư trẻ tuổi, John Pellowe hồi tưởng: “Ý tưởng cho rằng chúng tôi có thể ghi lại âm nhạc với toàn bộ bề sâu và bề rộng của nó đã mở đường cho một thế hệ toàn toàn mới, một kỷ nguyên mới trong âm nhạc. Solti có một niềm đam mê thực sự đối với phòng thu – ông ấy hiểu rõ không gian âm học có thể đóng vai trò quan trọng như các nốt trong bản nhạc hoặc phẩm chất của nghệ sỹ.”
Năm 1997, BBC thực hiện một bộ phim về Solti. Ở phần cuối phim, ông ngồi xuống, nhìn ra mặt hồ Balaton, nơi ông từng bơi khi còn là một đứa trẻ. Ông qua đời vài tuần sau đó và được chôn cất tại Hungary. Trên bia mộ chỉ ghi một từ duy nhất “Hazat” (Đã về nhà).1
Thanh Nhàn lược dịch