Gia tộc trà Mariage Frères và dấu ấn của trà Việt

Nói đến lịch sử trà Pháp, không thể không nói đến vị trí chủ chốt của gia tộc Mariage và hiệu trà Mariage Frères. Hiệu trà này có một quyển sách nói về nghệ thuật thưởng trà của Pháp, lịch sử thương hiệu trong dòng chảy lịch sử trà thế giới, mà trong đó, ta tìm thấy những dấu mốc thú vị của lịch sử Pháp, và cả dấu vết của Việt Nam.

Hiệu trà Mariage Frères ở đường Bourg-Tibourg. Ảnh: Hằng-Wendy.

GIA TỘC TRÀ MARIAGE FRÈRES

Cho đến thế kỷ 20, Mariage là tên một dòng họ nổi tiếng tại Pháp với ít nhất bốn thế hệ, kéo dài bốn thế kỷ, gắn với lịch sử trà của Pháp nói riêng, và của những biến động lịch sử quanh trà nói chung.

Câu chuyện bắt đầu vào những năm 1660, khi Nicolas Mariage được đích thân vua Louis XIV và Công ty Đông Ấn chọn làm đại sứ “săn tìm” trà và có nhiệm vụ thực hiện những ký kết thương mại ấy. Nicolas Mariage đã bắt đầu những chuyến du hành của mình đến Ba Tư, Ấn Độ, và vào đế quốc Mughal, ký hiệp ước với Shah của Ba Tư. Lúc ấy, nước Pháp nói riêng, châu Âu nói chung đang trong cơn sốt ngưỡng mộ đối với những sản phẩm đến từ những xứ nhiệt đới xa xôi: gia vị, trà, gốm sứ, v.v.; mỗi món có giá đắt đỏ bằng cả gia tài. Cùng thời gian đó, một người anh em của ông là Pierre Mariage cũng đi đến những hòn đảo ở Madagascar, với tư cách đặc phái viên của Công ty Đông Ấn. Như vậy, nghề “săn” trà, gia vị, thực phẩm thuộc địa và đàm phán các thương vụ đã bắt đầu và thành nghề truyền thống của gia đình Mariage.

Một thế kỷ sau, Jean-François Mariage, sinh vào năm 1766, tiếp tục nghề gia truyền, huấn luyện bốn người con trai gồm Louis, Aimé, Charles, và Auguste ngay từ nhỏ để thừa kế sản nghiệp. Cả bốn người con trai nối nghiệp nhưng theo hai cách khác nhau: ba người con lớn là Louis, Aimé, Charles tiếp tục làm nghề đàm phán mua bán trà; về sau Aimé và Auguste vốn sống tại phố Bourg-Tibourg ở Paris đã cùng nhau mở công ty buôn bán cố định vào năm 1845, mang tên Auguste Mariage & Compagnie (Đây cũng là một trong những địa chỉ ngày nay của Mariage Frères với bảo tàng trà ở tầng một).

Phải đến đầu thế kỷ 17, trà mới chính thức đến châu Âu qua Công ty Đông Ấn. Trà đến Hà Lan năm 1610, đến Pháp năm 1636, và cuối cùng là đến nước Anh vào năm 1650.

Đến Henri và Edouard, con trai của Aimé Mariage, thì ngày 1/6 /1854 tiệm trà đầu tiên mang tên Mariage Frères chính thức ra đời. Mariage Frères trở thành nhà nhập khẩu trà đầu tiên của Pháp với hình ảnh biểu tượng của trà chất lượng ngon và những chuyến viễn du xa xôi, và đưa những loại trà thượng hạng, quý hiếm nhất từ những xứ sở trà về đến Paris, phân phối cho những khách hàng sành trà và thượng lưu nhất.

Sau 130 năm lịch sử của tiệm trà, hiện tại Mariage Frères có 4 phòng trà và 15 điểm bán trà tại Pháp, 5 phòng trà và 8 điểm tại Nhật, ngoài ra còn ở Anh và Đức. Hiệu này sở hữu bộ sưu tập hơn 1000 loại trà từ trà thuần thượng hạng tốt nhất đến các loại pha chế, ướp hương, của 40 quốc gia và 100 vùng lãnh thổ chuyên về trà.

Riêng địa chỉ tại rue Bourg-Tibourg ở khu Marais, Paris, nơi sinh sống của Aimé và Auguste thuở nào, nơi khởi đầu của tiệm trà sau chặng đường dài làm đàm phán viên của tổ tiên, hiện nay vẫn được giữ gần như nguyên vẹn: ở quầy bán trà vẫn có những bàn cân và trà cụ kiểu cổ, những thùng trà cũ với nhãn dán của thế kỷ trước, lối trang trí và nội thất kiểu thuộc địa, tất cả những ngõ ngách, cột, tường của tiệm đều được phủ hương trà và hương thời gian bao nhiêu thập kỷ qua…

VÀI DẤU MỐC LỊCH SỬ TRÀ PHÁP

Châu Âu nói chung, Pháp nói riêng biết đến trà rất muộn so với châu Á, cụ thể là các nước Viễn Đông như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật bản,…

Trà và các sản vật từ phương Đông theo chân các đội thương thuyền của các công ty Đông Ấn đến châu Âu. Ảnh: Trụ sở Công ty Đông Ấn tại London. Nguồn: Wikipedia

Những thông tin đầu tiên về trà và đồ sứ Trung Quốc được đưa đến châu Âu là vào thế kỷ thứ 9, từ một du khách Ả Rập tên Suleiman viết trong tập bút ký. Đến thế kỷ 13, Marco Polo từng kể lại trong quyển “Những kỳ quan thế giới” về việc Trung Quốc phế truất một vị Thượng thư Bộ Công vì đã tăng thuế trà. Đó chính là những thông tin rời rạc đầu tiên về “trà” ở châu Âu, nhưng không ai có thể hình dung ra nó như thế nào. Những thế kỷ sau đó, trà mới dần được biết đến và được mua bán như một món hàng xa xỉ phẩm cực hạng. Những đoàn thám hiểm được phái đi để tìm kiếm gia vị, trà, tơ lụa,… tạo ra một cuộc chạy đua thương mại giữa các nước châu Âu, trong đó có Pháp. Và Nicolas Mariage là một trong những người đã thực hiện những chuyến viễn du “săn” trà đầu tiên cho Pháp.

Phải đến đầu thế kỷ 17, trà mới chính thức đến châu Âu qua Công ty Đông Ấn. Trà đến Hà Lan năm 1610, đến Pháp năm 1636, và cuối cùng là đến nước Anh vào năm 1650.

Tại Pháp, một trong những người hâm mộ trà đầu tiên là vua Louis XIV. Lịch sử còn ghi nhận rằng vào năm 1665, các thái y cung điện Versailles đã kê trà như thuốc cho vua để “dễ tiêu hóa”. Vua Louis XIV cũng đã biết rằng người Trung Hoa và Nhật bản không bị bệnh gút lẫn tim vì đã dùng trà thường xuyên; và trước đó, năm 1634, cha Dòng Tên Alexandre de Rhodes, người đã sống nhiều thập kỷ ở các nước châu Á và trùng hợp làm sao, là người đóng góp cho việc ra đời của chữ quốc ngữ ở Việt Nam, đã tiết lộ với châu Âu rằng trà có thể làm giảm chứng nhức nửa đầu.

Vào giữa thế kỷ 17, việc uống trà trở thành thời thượng ở Paris. Món uống với lá cây thần thánh này không những thành món uống của các quý ông quý tộc mà còn làm hài lòng những phụ nữ vốn thích chocolate. Những tín đồ nhiệt thành của trà có Thủ tướng Séguier, Racine, Madame de Genlis, hồng y Mazarin,… Bối cảnh ấy được ghi lại qua những bức thư của Madame de Sévigné (1626-1696) gửi bạn bè, và bà cũng được lịch sử trà châu Âu ghi nhận là người bắt đầu thói quen thêm sữa vào trà, thói quen này chưa bao giờ lỗi thời cho đến nay.

Ở Anh, đến thế kỷ 19, trà trở thành thức uống toàn quốc, Nữ hoàng Anh Victoria là người khởi xướng cho việc uống trà chiều vào lúc năm giờ.

Cho đến đầu thế kỷ 19, các nước châu Âu vẫn là những quốc gia tiêu thụ trà và Trung Quốc vẫn là nước duy nhất cung cấp trà cho toàn thế giới. Chỉ đến năm 1834, Ấn Độ mới bắt đầu trồng trà, và gần 20 năm sau, vào năm 1857, việc trồng trà mới đến Ceylan, sau đó dần lan đến những quốc gia khác tại châu Phi và Nam Mỹ.

Ngày nay, người Pháp uống trung bình 210 gram trà mỗi người mỗi năm, tương đương 100 tách trà.

PHÁP – VIỆT NAM VÀ HIỆU TRÀ MARIAGE FRÈRES – HY VỌNG PHÁT TRIỂN

Những nghiên cứu về việc trồng và khai thác trà đầu tiên của Pháp tại Việt Nam bắt đầu vào năm 1825 ở vùng sông Đà miền Bắc và sông Mekong ở miền Nam. Đến năm 1890, những đồn điền trà đầu tiên được hình thành ở tỉnh Phú Thọ, với kỹ thuật trồng, canh tác, thu hoạch lấy từ Indonesia và Sri Lanka, và nguyên vật liệu nhập từ Vương quốc Anh.

Một tấm áp phích giới thiệu trà Đông Dương vào năm 1919 tại Pháp của Hiệp hội những người trồng trà ở Đông Dương. Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại (ANOM).

Vào những năm đầu thế kỷ 20, Liên hiệp những người trồng trà của Đông Dương (Union des Planteurs de Thé d’Indochine) được lập tại Pháp. Toàn quyền Đông Dương trong nhiều nhiệm kỳ đã nỗ lực phát triển và quảng bá trà của Việt Nam, đặc biệt ở Trung Kỳ. Cùng với Việt Nam, trà cũng được thử trồng ở đảo Réunion thuộc địa Pháp nhưng không lần nào thành công.

Sau nhiều năm nghiên cứu với những nhận định tích cực đối với trà Việt Nam cũng như điều kiện địa lý lý tưởng cho việc phát triển ngành công nghiệp trà chính quy, một trung tâm nghiên cứu nông-lâm nghiệp được xây dựng tại Phú Thọ vào năm 1918, sau đó ở Gia Lai vào năm 1927, và cuối cùng là ở Lâm Đồng vào năm 1930-1931.

Nhà máy sản xuất trà đầu tiên được cơ khí hóa xuất hiện vào năm 1923, chuyên sản xuất trà xanh, trà đen, trà sen. Trong khi trà xanh Việt Nam chỉ được người sành trà châu Âu nhận định ở chất lượng ngon dưới trà xanh Trung Hoa, thì trà đen Việt Nam cùng với trà sen rất được ưa chuộng, đặc biệt loại trà Shan được giới nghiên cứu sành trà Pháp đánh giá đặc biệt cao.

Trong bản đồ lịch sử trà Việt của Mariage Frères được ghi chú lại cho tới nay, trà Việt vẫn chưa phải là một địa điểm có sự đa dạng về trà. Mariage Frères nhận định trà Việt nổi tiếng nhất có vùng trà Đà Lạt với loại trà xanh tươi mát có thể uống cả ngày để giải mệt; ngoài ra, còn có trà Ô Long của vùng cao nguyên Pleiku với hương hoa lan dại và vị lá như mùi hương hạt dẻ, dùng để uống kèm với các bữa ăn, và cuối cùng là trà đen, hay còn gọi là hồng trà đối với người Việt, với hương vị mạnh mà khá êm cùng những nhấn nhá hương đất, có thể uống cả ngày.

Do những biến động lịch sử, xã hội tại Việt Nam liên tục những thập niên sau đó nên mức độ phát triển trà ở đây không có điểm đột phá. Nhưng từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã chú trọng phát triển hơn về trà, thậm chí ở nhiều tỉnh, trà được xem là sản phẩm nông nghiệp chủ đạo để xóa đói giảm nghèo, hòa nhập chuyển giao công nghệ và thương mại quốc tế.

Ngày nay, Mariage Frères là một thương hiệu xa xỉ phẩm không chỉ tại Pháp mà của cả thế giới, luôn nằm trong danh sách TOP 10 những thương hiệu sang trọng hàng đầu toàn cầu, đặc biệt là từ khi họ đưa quyền quản lý mở rộng cho những người ngoài gia đình có tầm chiến lược giỏi. Cho đến năm 2022, họ đã đưa vào danh mục bộ sưu tập trà của mình bốn loại trà của Việt Nam từ mức ngon đến thượng hạng, mà giá cao nhất là dành cho trà sen Bắc Bộ với mức giá 130 euro/100 gram, tương đương 1.300 euro cho 1 ký trà. Những loại trà này đã vượt qua những kiểm định chất lượng nghiêm ngặt nhất của châu Âu dành cho sản phẩm cao cấp. Và đây chính là một trong những con đường mà trà Việt, với chất lượng của mình, với những đánh giá cao đã có đối với giới trà Pháp cũng như châu Âu, có thể tìm kiếm cách thức để ngày càng để lại dấu ấn của mình, phát triển hơn nữa ra thế giới. □

Tài liệu tham khảo:

L’Art français du thé, Mariage Frères, 2006.

Lịch sử của trà, Laura C. Martin, NXB Dân Trí, 2018.

Observation sur la culture du Théier en Indochine, M. J. Goubeaux, Journal d’agriculture traditionnelle et de botanique appliquée, 1934.

L’invention du luxe à la française, ARTE, 2022.

– https://kinhtedouong.vn/10-thuong-hieu-tra-sang-trong-hang-dau-toan-cau-nam-2021-74536.html

Tác giả