Giấc mơ của Hoàng Phượng Vỹ
Mỗi người mỗi đường, ai có phận của người nấy. Trời ở với tất cả, nghệ thuật cũng vậy. Hoàng Phượng Vỹ và tôi, mỗi người một bảng màu, một lối tạo hình riêng, không lẫn được.
Nhưng sở dĩ là bạn được vì nó vẫn còn một điểm chung, nó làm nền móng cho hình và màu, đó là tư duy hội họa. Chúng tôi cùng thích sự vô lý, thích cái điều không thể là và bất khả giải. Con mèo đi trên mái nhà trong tranh của Hoàng Phượng Vỹ có thể to hơn cả cái nhà, sao đâu? Ở bức khác là chân dung người đàn bà đang đội một con cá… Đó là vẻ đẹp của thi ca, của mơ mộng, của vô lý, của tưởng tượng. Của đồng dao nữa, của những “ông thợ xẻ bú tí mẹ”, của “dắt trẻ đi chơi đến ngõ nhà trời”, của “cái đanh thổi lửa”…
Thi ca là tự do, là vô lý, Hoàng Phượng Vỹ và tôi đều thích thơ.
Tranh của Hoàng Phượng Vỹ thiên về trang trí, màu tươi, hòa sắc tương phản, nóng lạnh, xanh da trời – đỏ son, da cam – nõn chuối, tím – vàng chanh… đối nhau rực rỡ, gọi nhau, màu gọi màu, cộng hưởng cùng nhau, giao duyên với nhau.
Tranh của Hoàng Phượng Vỹ là hội họa/đồ họa, ưu tiên mảng và nét viền, hình với nền, đặc biệt là Vỹ thích dùng nét thô, nét cũng là để chơi màu chứ không chỉ là đường viền tạo hình, nét xanh, nước biển tiếp với nét đỏ cờ, nối nhau tươi rói.
Mỗi bức tranh của Hoàng Phượng Vỹ là một giấc mơ nhỏ, một bài đồng dao. Chỉ mơ mới không còn sai đúng, mới tự do hoàn toàn, mới làm cho cái thật, cái logic, cái lý trí trở nên vô duyên. Cho nên một con bướm bay trong cái quạt giấy, một con rùa không cõng bia đá mà cõng cái đèn dầu…
Giấc mơ là để cân bằng đời sống nội tâm. Vỹ mơ là để bảo toàn cái bản chất mộng mơ trong anh trước những tẻ nhạt và hữu lý của đời thực. Còn mơ là còn được sống. Vỹ mơ bằng hội họa, bằng hình màu. Hội họa là một giấc mơ đời của Hoàng Phượng Vỹ, “mơ khi thức”.□
Bài đăng Tia Sáng số 10/2024