Giấc mộng tôi kể không phải là một giấc mộng
Một đêm tháng Mười lộng lẫy. Mùa mang đã thu hoạch xong. Thôn quê thanh sạch như chưa từng như vậy. Đó là một đêm trăng kỳ lạ. Chưa bao giờ tôi thấy dòng sông Đáy hiện lên như đêm nay. Hai bờ sông ảo huyền sương khói như chốn thiên thai. Cả dòng sông như một dòng vàng lấp lánh trôi và tỏa hương ngào ngạt. Một đám rước lớn từ mặt đê đi xuống bến sông. Trống chiêng cùng đàn sáo rộn vang. Tất cả những người chơi trong tốp nhạc đi đầu là những người đã từng chơi nhạc trong đội bát âm của làng. Sau tốp nhạc công là tất cả người làng tôi. Cả người sống và người đã chết từ xa xa mà tôi chưa bao giờ biết.
Đêm nay, tất cả trở về đầy đủ. Tôi nhận ra tất cả mọi người đều không mặc quần áo. Thân thể họ như được dát trăng. Cả đàn ông đàn bà đều không có bộ phận sinh dục trên người. Tôi vội nhìn thân thể tôi. Và tôi nhận thấy thân thể tôi cũng vậy. Trăng lấp lánh như nước trên da thịt mọi người. Những sợi tóc lấp lánh như những tia sáng. Tôi thấy bà nội tôi đi trong đám rước. Bà tôi vẫn nhai trầu như ngày xưa. Tôi chạy đến bên bà tôi và hỏi cả làng ra sông làm gì. Bà tôi cười và bảo: Ngày xa, từ thời nào chẳng rõ, làng mình có tục tắm sông sau vụ mùa bội thu và không tội lỗi. Vụ mùa năm nay làng bội thu và không có ai mắc tội lỗi gì nên hội tắm sông trăng lại được mở. Hồi còn bé, đã có lần tôi nghe nói về hội tắm sông trăng. Nhưng tôi đã quên câu chuyện ấy từ lâu lắm rồi.
Khi đám rước xuống đến bờ sông thì tôi nhận thấy từ dưới lòng sông và từ phía nguồn sông chảy ra biển từ từ hiện lên những con thuyền. Mười mấy năm trước tôi đã viết một bài thơ về những con thuyền sông Đáy đi ra khỏi dòng sông:
Biển quá cô đơn nên đã đánh lừa
Con quá khổ đau nên con dễ dãi
Để những con thuyền đi quá cả dòng sông
Bây giờ tất cả thuyền xưa đã trở về. Những con cá cũng lũ lượt trở về. Chúng bơi thành từng luồng và sáng lấp lánh như những mảnh trăng. Người làng ùa xuống dòng sông. Những giọt nước lung linh như những viên ngọc trong chuyện cổ tích tung lên. Dòng sông như cũng dâng cao hơn cùng tiếng đàn tiếng sáo và chiêng trống tưng bừng. Những nhạc công ngồi bên mép nước say đắm chơi nhạc. Bầy trẻ rực rỡ té nước vào nhau và cười vang. Những người đàn bà xõa tóc trong nước. Tóc họ bồng bềnh tỏa sáng trên mặt sông. Những người đàn ông cười sáng lóa hai hàm răng bơi lẫn vào những dòng cá lấp lánh. Một tháng Mười như không phải của thế gian. Thóc vàng rực trên những cánh đồng và trên những sân phơi. Những ngọn gió của tháng Mười cũng như nhìn thấy được. Những ngọn gió giống như những dải lụa mỏng đến mơ hồ bồng bềnh trôi trên những cánh đồng, những ngôi nhà và dọc hai triền sông. Những con chuột đồng lấp lánh như những giọt nước lớn trôi trên những lối mòn ven chân đê. Dòng sông vẫn dịu dàng chảy ra biển cả. Những người làng vừa tắm trên dòng sông vừa hát. Tôi nhận ra những bài hát họ hát phảng phất những làm điệu chèo cổ. Có những lời bài hát tôi không hiểu nổi. Trong khi hát, các cô gái làng nâng trên tay họ những con cá chép vàng rực. Những con cá nhìn họ với đôi mắt lấp lánh. Rồi chúng trườn khỏi vòng tay các cô gái bơi xuống dòng nước. Chúng xoè đôi vây và cái đuôi rực rỡ lượn quanh các cô gái làng thành những vòng tròn theo một điệu vũ. Những con trai từ đáy sông từ từ mở ra và thả những viên ngọc trai. Những viên ngọc trai lóng lánh từ từ nổi lên mặt sông quanh các cô gái. Tôi khỏa đôi tay như một đôi vây cá bơi chầm chậm qua những những người làng. Ai ai cũng mỉm cười nhìn tôi. Tôi thấy hương thơm của nước sông tỏa ngào ngạt và thấm vào da thịt tôi. Trăng mỗi lúc như một xuống gần hơn. Vầng trăng hình như cũng mang hương thơm của mùa màng ấm áp.
Bỗng có tiếng kêu thất thanh của một cô gái giữa dòng sông. Các nhạc công ngừng chơi nhạc. Trẻ con ngừng té nước. Những người đàn bà ngừng hát. Bầy cá ngừng bơi. Tất cả vụt trở nên im lặng. Mặt sông hình như chợt mờ đi. Một đám mây đen đang trôi về phía vầng trăng. Mọi người nhìn về phía cô gái vừa kêu. Và tất cả nhận ra một người đàn ông đang tiến về phía cô gái. Thân thể người đàn ông lông lá đen cứng đang tua tủa mọc ra và đang mọc ra bộ phận sinh dục và tiếng gầm gừ của nó. Lông lá đang từ từ phủ kín thân thể người đàn ông. Gã đã dùng bạo lực hòng chiếm đoạt cô gái. Đến lúc đó, tôi nhận ra dòng sông đang dần dần đục và sẫm tối. Những người làng tắm sông dần dần biến mất. Đầu tiên là những người già và các nhạc công. Rồi đến những người đàn bà, các cô gái và bầy trẻ. Những con thuyền từ từ chìm xuống nước. Chỉ trong khoảng khắc tất cả đã biến mất. Dòng sông vụt trở nên hoang vắng. Nước sông từ từ rút xuống. Rác rưởi từ đâu đó nổi lên dọc hai bờ sông. Tôi bị bùn sông chôn chặt đôi chân không thể nào rút ra được. Tôi gọi bà tôi. Nhưng bà tôi đã biến mất từ lúc nào. Tôi hoảng sợ kêu lên.
Tôi tỉnh giấc và lần mò bật công tắc đèn đầu giường. Tôi nhìn đồng hồ thấy đã ba giờ sáng. Tôi ngồi dậy và thở nặng nhọc. Tôi đang ở trong căn phòng của khách sạn có tên là Iowa House Hotel. Bên cạnh khách sạn là sông Iowa. Suốt chiều qua tôi đi lang thang dọc bờ sông Iowa. Hai bờ sông giống như một công viên. Hoa nở rực rỡ khắp nơi. Gió xuân dào dạt thổi. Từng đôi vịt trời và thiên nga đang tắm trên sông. Thi thoảng tiếng kêu của một con thiên nga cất lên như tiếng kèn đồng, dội vào mặt nước và lan rộng dọc hai bờ sông. Trong lúc lang thang dọc bờ sông Iowa, tôi lại nhớ về con sông Đáy làng mình.
Tôi dời giường ngủ đến bên cửa sổ. Ngoài kia sông Iowa lấp lánh trong ánh đèn đêm. Tôi nghe tiếng gió thổi qua những vòm lá của những cái cây bên bờ sông. Có lẽ giấc mơ của tôi sinh ra bởi nỗi nhớ con sông làng mình. Những năm tháng này, tôi thường mơ thấy cố hương và cố nhân. Giấc mơ về một đêm tắm trên dòng sông trăng có phải chính là giấc mơ về một cuộc sống thanh bình nơi thôn dã? Thực ra, đã có những khoảnh khắc thanh bình và lộng lẫy như thế nơi cố hương tôi. Những khoảnh khắc như thế thật ngắn ngủi nhưng có thật. Đã có những buổi chiều tháng Mười kỳ diệu nào đấy ở làng tôi trong ký ức. Tôi lang thang trên cánh đồng sau vụ gặt. Hương lúa mới vẫn còn thoang thoảng trên cánh đồng. Đất đai khô sạch. Tôi đã từng nằm trên một đống rạ khô trên cánh đồng và ngủ thiếp đi cho tới lúc hoàng hôn. Những giây phút ấy, tôi chẳng có gì phải phiền muộn, phải lo âu, chỉ còn lại cảm giác thanh sạch và yên bình bất tận. Đã có những đêm trăng tôi về quê nghỉ hè và ra sông tắm. Dòng nước trong đêm trăng mát rượi chảy qua tôi làm tan đi mọi u phiền, mệt mỏi. Nơi cố hương tôi, con sông là hình ảnh kỳ vĩ nhất trong ký ức. Tôi đã sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy. Bên triền sông là những gò đất mọc đầy những bụi hoa tầm xuân. Vào những ngày đầu xuân, khi nắng ấm hừng lên, hoa tầm xuân nở như không thể nào kìm giữ. Con gái làng tôi rất đa tình. Bà tôi bảo: Vì lũ con gái từ bé đã ngắm sắc hoa tầm xuân, đã ngửi hương tầm xuân, chính thế mà lớn lên chúng đa tình. Sau này đã lớn, khi nhớ đến câu nói của bà, tôi thường mỉm cười một mình. Tôi không biết câu nói của bà tôi có đúng như thế không. Nhưng tôi biết rằng; khi tôi lang thang trên những gò sông vào mùa hoa tầm xuân nở rộ, tôi không thể cầm lòng. Tôi muốn chạy về làng nói với bất kỳ cô gái làng nào đó rằng tôi yêu làng và yêu cô. Cảm giác ấy là có thật. Đôi khi đến tận bây giờ tôi vẫn mang cảm giác ấy.
Và ngày ấy, tôi nghe nói ở khúc sông phía dưới khúc sông làng tôi có một cô gái trẻ ra sông tắm đêm bị một gã đàn ông cưỡng hiếp và dìm chết. Nghe nói gã đàn ông này từng theo đuổi cô gái nhưng bị cô chối từ. Oan hồn cô gái trẻ vẫn luẩn quẩn ở khúc sông. Người ta nói vẫn nhìn thấy một cô gái khỏa thân tắm giữa sông trong những đêm trăng đẹp. Oan hồn cô gái rủ rê những người đàn ông háo sắc và dìm chết họ. Những năm trước kia, không năm nào là không có những người đàn ông chết đuối ở khúc sông đó. Và thế là người ta không tắm ở khúc sông ấy nữa. Những người sống hai bên bờ của khúc sông ấy đã làm lễ cúng hồn cô gái và thả đồ cúng xuống sông. Một trong những nơi sinh ra nhiều câu chuyện kỳ bí là những xóm cư dân dọc hai bờ của những dòng sông. Hồi truyện ngắn Mùa Hoa Cải Bên Sông của tôi in ra, có người cho là tôi lấy cốt truyện của một tác giả nước ngoài nào đó và viết lại. Có lẽ họ đã dời bỏ làng quê trong tâm trí họ lâu quá rồi nên họ không còn nhớ gì về làng quê của họ nữa. Nếu chúng ta nghe và chúng ta nhớ thì chúng ta có cả một kho chuyện về làng quê của mình. Chúng ta không có những nhà văn lang thang và lắng nghe rồi ghi chép hoặc nhớ những câu chuyện như thế để rồi sáng tạo ra một câu chuyện với tư tưởng của mình. Chúng ta mất quá nhiều thời gian đi thực tế để viết về một người chăn bò, chăn lợn hay một giám đốc nông trường đã chăn nuôi hay sản xuất như thế nào. Văn học không bao giờ bỏ qua họ nhưng không phải viết về họ như thế. Khi bà tôi còn sống, bà tôi là một kho những câu chuyện kỳ bí mà tôi chưa hề thấy trong sách bao giờ. Sau cuốn sách này, tôi sẽ bắt tay vào viết cuốn sách về một số những người đã khuất của làng tôi. Họ là ông nội tôi, là bà nội tôi, là một người thợ may lừng danh chốn Hà Thành thuở xa hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng trở về quê sống trong ngèo khó một cách im lặng, là một gia đình Việt kiều ở Thái Lan đã trở về làng sống và chết thật kỳ bí chỉ còn lại một người, là một cô dâu thường mơ thấy người bố chồng đã chết về và nằm xuống chiếc giường của mình đến khi gà gáy sáng lại lặng lẽ trở về nghiã địa, là người anh con bác tôi đã báo tử những vẫn có tin còn sống không còn chân tay và bị mù ở một trại thương binh… Ôi, đời sống ở thời nào và nơi nào cũng chứa đựng những câu chuyện lớn bi thương.
Gã đàn ông giữa đêm trăng trên trong dòng sông kia có trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta chỉ đi đến cái đẹp khi chúng ta giam cầm được gã bằng chính tâm hồn chúng ta. Gã không bao giờ tự rời bỏ chúng ta. Gã nằm sâu tưởng như thiếp ngủ vĩnh viễn đâu đó trong bóng tối còn vương vãi trong con người chúng ta. Và khi chúng ta để cho bóng tối hoàn toàn chiếm ngự chúng ta thì gã thức dậy và trở thành một Ma Vương trong xứ sở bóng tối trong con người ta và biến ta trở thành nô lệ hung bạo của gã dù chỉ là khoảng khắc. Cô gái kia là biểu tượng của Cái đẹp và gã đàn ông kia là sự hiện diện của bao lực. Bạo lực là một thứ nhục dục tồi tệ nhất mà nhân loại đã và đang phải gánh chịu.
Trong bài thơ Đoản ca về buổi tối, tôi viết cứ khi đêm xuống thì những linh hồn người chết và những bóng ma từ nghĩa địa trở về và mượn chúng ta để làm những gì mà chưa làm được khi còn sống. Còn các Thiên thần từ những ngôi sao xanh bay về mượn tâm hồn trẻ thơ để trú ngụ để bảo vệ và dạy dỗ chúng. Những linh hồn thánh thiện và những bóng ma mượn thân thể, mượn gịong nói, mượn chứng minh thư, mượn phương tiện và mượn cả lý do của người sống để thực hiện khát muốn của họ. Lòng ai nhiều ánh sáng thì những linh hồn thánh thiện mượn, lòng ai nhiều bóng tối thì ma quỉ mượn. Tôi thực sự sợ hãi điều này. Bởi có thể một lúc nào đó trên đường đời dài dằng dặc với quá nhiều thử thách nghiệt ngã, quá nhiều cám dỗ, quá nhiều mệt mỏi mà quỵ xuống thì ngay lập tức bóng tối phủ kín lòng mình và ma quỉ bước vào. Không ai đang sống hiển hiện bằng xương bằng thịt trên thế gian này kể cả các vị Thượng sư có thể nói rằng lòng họ sẽ không bao giờ có bóng tối dù chỉ như là một thoáng mờ lướt qua. Bởi khi chúng ta còn mang theo thân xác nặng nề này thì còn cơ hội cho ma quỉ bước vào. Vì chính thân xác ấy là thức ăn ngon miệng nhất của bóng tối nhục dục. Chúng ta biết được điều ấy và điều ấy phải luôn luôn ngự trị trong lòng chúng ta như chính nhịp đập trái tim thì chúng mới có thể thoát khỏi bóng tối ấy. Thiên thần cũng từng mượn chúng ta để song hành liên tục cùng chúng ta trong một đoạn đường dài. Đó là đoạn đường từ lúc ta sinh ra cho hết thời thơ ấu. Khi chúng ta vừa chớm chân qua thời thơ ấu thì các Thiên thần không dắt tay chúng ta đi nữa. Chúng ta phải tự đi một mình trên đoạn đường còn lại. Bởi Thiên thần đã dạy chúng ta biết Cái đẹp và sự Thánh thiện. Nhưng các thiên thần ngày ngày vẫn đi qua chúng ta như khách thập phương. Chúng ta chỉ được các Thiên thần ghé thăm khi tâm hồn chúng ta phải tự dọn dẹp như một ngôi nhà tràn ngập ánh sáng giống như tâm hồn của một đứa trẻ. Chính vậy mà cuộc đời chúng ta trên thế gian này là một cuộc hành hương đau đớn nhưng kỳ vỹ. Thế gian vừa là Thiên đường vừa là Địa ngục của chúng ta mà đường đến một trong hai nơi ấy không bao giờ có một biển chỉ đường hiện lộ. Biển chỉ đường ấy chỉ hiện ra trong một nỗ lực phi thường của chúng ta. Nó không bao giờ có sẵn bằng một sự may mắn, bằng một khái niệm hay bằng một giáo lý in trên da thuộc thủ công hoặc giấy của thời văn minh công nghiệp.
(Trích bản thảo cuốn sách “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng”)
Khi đám rước xuống đến bờ sông thì tôi nhận thấy từ dưới lòng sông và từ phía nguồn sông chảy ra biển từ từ hiện lên những con thuyền. Mười mấy năm trước tôi đã viết một bài thơ về những con thuyền sông Đáy đi ra khỏi dòng sông:
Biển quá cô đơn nên đã đánh lừa
Con quá khổ đau nên con dễ dãi
Để những con thuyền đi quá cả dòng sông
Bây giờ tất cả thuyền xưa đã trở về. Những con cá cũng lũ lượt trở về. Chúng bơi thành từng luồng và sáng lấp lánh như những mảnh trăng. Người làng ùa xuống dòng sông. Những giọt nước lung linh như những viên ngọc trong chuyện cổ tích tung lên. Dòng sông như cũng dâng cao hơn cùng tiếng đàn tiếng sáo và chiêng trống tưng bừng. Những nhạc công ngồi bên mép nước say đắm chơi nhạc. Bầy trẻ rực rỡ té nước vào nhau và cười vang. Những người đàn bà xõa tóc trong nước. Tóc họ bồng bềnh tỏa sáng trên mặt sông. Những người đàn ông cười sáng lóa hai hàm răng bơi lẫn vào những dòng cá lấp lánh. Một tháng Mười như không phải của thế gian. Thóc vàng rực trên những cánh đồng và trên những sân phơi. Những ngọn gió của tháng Mười cũng như nhìn thấy được. Những ngọn gió giống như những dải lụa mỏng đến mơ hồ bồng bềnh trôi trên những cánh đồng, những ngôi nhà và dọc hai triền sông. Những con chuột đồng lấp lánh như những giọt nước lớn trôi trên những lối mòn ven chân đê. Dòng sông vẫn dịu dàng chảy ra biển cả. Những người làng vừa tắm trên dòng sông vừa hát. Tôi nhận ra những bài hát họ hát phảng phất những làm điệu chèo cổ. Có những lời bài hát tôi không hiểu nổi. Trong khi hát, các cô gái làng nâng trên tay họ những con cá chép vàng rực. Những con cá nhìn họ với đôi mắt lấp lánh. Rồi chúng trườn khỏi vòng tay các cô gái bơi xuống dòng nước. Chúng xoè đôi vây và cái đuôi rực rỡ lượn quanh các cô gái làng thành những vòng tròn theo một điệu vũ. Những con trai từ đáy sông từ từ mở ra và thả những viên ngọc trai. Những viên ngọc trai lóng lánh từ từ nổi lên mặt sông quanh các cô gái. Tôi khỏa đôi tay như một đôi vây cá bơi chầm chậm qua những những người làng. Ai ai cũng mỉm cười nhìn tôi. Tôi thấy hương thơm của nước sông tỏa ngào ngạt và thấm vào da thịt tôi. Trăng mỗi lúc như một xuống gần hơn. Vầng trăng hình như cũng mang hương thơm của mùa màng ấm áp.
Bỗng có tiếng kêu thất thanh của một cô gái giữa dòng sông. Các nhạc công ngừng chơi nhạc. Trẻ con ngừng té nước. Những người đàn bà ngừng hát. Bầy cá ngừng bơi. Tất cả vụt trở nên im lặng. Mặt sông hình như chợt mờ đi. Một đám mây đen đang trôi về phía vầng trăng. Mọi người nhìn về phía cô gái vừa kêu. Và tất cả nhận ra một người đàn ông đang tiến về phía cô gái. Thân thể người đàn ông lông lá đen cứng đang tua tủa mọc ra và đang mọc ra bộ phận sinh dục và tiếng gầm gừ của nó. Lông lá đang từ từ phủ kín thân thể người đàn ông. Gã đã dùng bạo lực hòng chiếm đoạt cô gái. Đến lúc đó, tôi nhận ra dòng sông đang dần dần đục và sẫm tối. Những người làng tắm sông dần dần biến mất. Đầu tiên là những người già và các nhạc công. Rồi đến những người đàn bà, các cô gái và bầy trẻ. Những con thuyền từ từ chìm xuống nước. Chỉ trong khoảng khắc tất cả đã biến mất. Dòng sông vụt trở nên hoang vắng. Nước sông từ từ rút xuống. Rác rưởi từ đâu đó nổi lên dọc hai bờ sông. Tôi bị bùn sông chôn chặt đôi chân không thể nào rút ra được. Tôi gọi bà tôi. Nhưng bà tôi đã biến mất từ lúc nào. Tôi hoảng sợ kêu lên.
Tôi tỉnh giấc và lần mò bật công tắc đèn đầu giường. Tôi nhìn đồng hồ thấy đã ba giờ sáng. Tôi ngồi dậy và thở nặng nhọc. Tôi đang ở trong căn phòng của khách sạn có tên là Iowa House Hotel. Bên cạnh khách sạn là sông Iowa. Suốt chiều qua tôi đi lang thang dọc bờ sông Iowa. Hai bờ sông giống như một công viên. Hoa nở rực rỡ khắp nơi. Gió xuân dào dạt thổi. Từng đôi vịt trời và thiên nga đang tắm trên sông. Thi thoảng tiếng kêu của một con thiên nga cất lên như tiếng kèn đồng, dội vào mặt nước và lan rộng dọc hai bờ sông. Trong lúc lang thang dọc bờ sông Iowa, tôi lại nhớ về con sông Đáy làng mình.
Tôi dời giường ngủ đến bên cửa sổ. Ngoài kia sông Iowa lấp lánh trong ánh đèn đêm. Tôi nghe tiếng gió thổi qua những vòm lá của những cái cây bên bờ sông. Có lẽ giấc mơ của tôi sinh ra bởi nỗi nhớ con sông làng mình. Những năm tháng này, tôi thường mơ thấy cố hương và cố nhân. Giấc mơ về một đêm tắm trên dòng sông trăng có phải chính là giấc mơ về một cuộc sống thanh bình nơi thôn dã? Thực ra, đã có những khoảnh khắc thanh bình và lộng lẫy như thế nơi cố hương tôi. Những khoảnh khắc như thế thật ngắn ngủi nhưng có thật. Đã có những buổi chiều tháng Mười kỳ diệu nào đấy ở làng tôi trong ký ức. Tôi lang thang trên cánh đồng sau vụ gặt. Hương lúa mới vẫn còn thoang thoảng trên cánh đồng. Đất đai khô sạch. Tôi đã từng nằm trên một đống rạ khô trên cánh đồng và ngủ thiếp đi cho tới lúc hoàng hôn. Những giây phút ấy, tôi chẳng có gì phải phiền muộn, phải lo âu, chỉ còn lại cảm giác thanh sạch và yên bình bất tận. Đã có những đêm trăng tôi về quê nghỉ hè và ra sông tắm. Dòng nước trong đêm trăng mát rượi chảy qua tôi làm tan đi mọi u phiền, mệt mỏi. Nơi cố hương tôi, con sông là hình ảnh kỳ vĩ nhất trong ký ức. Tôi đã sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy. Bên triền sông là những gò đất mọc đầy những bụi hoa tầm xuân. Vào những ngày đầu xuân, khi nắng ấm hừng lên, hoa tầm xuân nở như không thể nào kìm giữ. Con gái làng tôi rất đa tình. Bà tôi bảo: Vì lũ con gái từ bé đã ngắm sắc hoa tầm xuân, đã ngửi hương tầm xuân, chính thế mà lớn lên chúng đa tình. Sau này đã lớn, khi nhớ đến câu nói của bà, tôi thường mỉm cười một mình. Tôi không biết câu nói của bà tôi có đúng như thế không. Nhưng tôi biết rằng; khi tôi lang thang trên những gò sông vào mùa hoa tầm xuân nở rộ, tôi không thể cầm lòng. Tôi muốn chạy về làng nói với bất kỳ cô gái làng nào đó rằng tôi yêu làng và yêu cô. Cảm giác ấy là có thật. Đôi khi đến tận bây giờ tôi vẫn mang cảm giác ấy.
Và ngày ấy, tôi nghe nói ở khúc sông phía dưới khúc sông làng tôi có một cô gái trẻ ra sông tắm đêm bị một gã đàn ông cưỡng hiếp và dìm chết. Nghe nói gã đàn ông này từng theo đuổi cô gái nhưng bị cô chối từ. Oan hồn cô gái trẻ vẫn luẩn quẩn ở khúc sông. Người ta nói vẫn nhìn thấy một cô gái khỏa thân tắm giữa sông trong những đêm trăng đẹp. Oan hồn cô gái rủ rê những người đàn ông háo sắc và dìm chết họ. Những năm trước kia, không năm nào là không có những người đàn ông chết đuối ở khúc sông đó. Và thế là người ta không tắm ở khúc sông ấy nữa. Những người sống hai bên bờ của khúc sông ấy đã làm lễ cúng hồn cô gái và thả đồ cúng xuống sông. Một trong những nơi sinh ra nhiều câu chuyện kỳ bí là những xóm cư dân dọc hai bờ của những dòng sông. Hồi truyện ngắn Mùa Hoa Cải Bên Sông của tôi in ra, có người cho là tôi lấy cốt truyện của một tác giả nước ngoài nào đó và viết lại. Có lẽ họ đã dời bỏ làng quê trong tâm trí họ lâu quá rồi nên họ không còn nhớ gì về làng quê của họ nữa. Nếu chúng ta nghe và chúng ta nhớ thì chúng ta có cả một kho chuyện về làng quê của mình. Chúng ta không có những nhà văn lang thang và lắng nghe rồi ghi chép hoặc nhớ những câu chuyện như thế để rồi sáng tạo ra một câu chuyện với tư tưởng của mình. Chúng ta mất quá nhiều thời gian đi thực tế để viết về một người chăn bò, chăn lợn hay một giám đốc nông trường đã chăn nuôi hay sản xuất như thế nào. Văn học không bao giờ bỏ qua họ nhưng không phải viết về họ như thế. Khi bà tôi còn sống, bà tôi là một kho những câu chuyện kỳ bí mà tôi chưa hề thấy trong sách bao giờ. Sau cuốn sách này, tôi sẽ bắt tay vào viết cuốn sách về một số những người đã khuất của làng tôi. Họ là ông nội tôi, là bà nội tôi, là một người thợ may lừng danh chốn Hà Thành thuở xa hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng trở về quê sống trong ngèo khó một cách im lặng, là một gia đình Việt kiều ở Thái Lan đã trở về làng sống và chết thật kỳ bí chỉ còn lại một người, là một cô dâu thường mơ thấy người bố chồng đã chết về và nằm xuống chiếc giường của mình đến khi gà gáy sáng lại lặng lẽ trở về nghiã địa, là người anh con bác tôi đã báo tử những vẫn có tin còn sống không còn chân tay và bị mù ở một trại thương binh… Ôi, đời sống ở thời nào và nơi nào cũng chứa đựng những câu chuyện lớn bi thương.
Gã đàn ông giữa đêm trăng trên trong dòng sông kia có trong mỗi con người chúng ta. Chúng ta chỉ đi đến cái đẹp khi chúng ta giam cầm được gã bằng chính tâm hồn chúng ta. Gã không bao giờ tự rời bỏ chúng ta. Gã nằm sâu tưởng như thiếp ngủ vĩnh viễn đâu đó trong bóng tối còn vương vãi trong con người chúng ta. Và khi chúng ta để cho bóng tối hoàn toàn chiếm ngự chúng ta thì gã thức dậy và trở thành một Ma Vương trong xứ sở bóng tối trong con người ta và biến ta trở thành nô lệ hung bạo của gã dù chỉ là khoảng khắc. Cô gái kia là biểu tượng của Cái đẹp và gã đàn ông kia là sự hiện diện của bao lực. Bạo lực là một thứ nhục dục tồi tệ nhất mà nhân loại đã và đang phải gánh chịu.
Trong bài thơ Đoản ca về buổi tối, tôi viết cứ khi đêm xuống thì những linh hồn người chết và những bóng ma từ nghĩa địa trở về và mượn chúng ta để làm những gì mà chưa làm được khi còn sống. Còn các Thiên thần từ những ngôi sao xanh bay về mượn tâm hồn trẻ thơ để trú ngụ để bảo vệ và dạy dỗ chúng. Những linh hồn thánh thiện và những bóng ma mượn thân thể, mượn gịong nói, mượn chứng minh thư, mượn phương tiện và mượn cả lý do của người sống để thực hiện khát muốn của họ. Lòng ai nhiều ánh sáng thì những linh hồn thánh thiện mượn, lòng ai nhiều bóng tối thì ma quỉ mượn. Tôi thực sự sợ hãi điều này. Bởi có thể một lúc nào đó trên đường đời dài dằng dặc với quá nhiều thử thách nghiệt ngã, quá nhiều cám dỗ, quá nhiều mệt mỏi mà quỵ xuống thì ngay lập tức bóng tối phủ kín lòng mình và ma quỉ bước vào. Không ai đang sống hiển hiện bằng xương bằng thịt trên thế gian này kể cả các vị Thượng sư có thể nói rằng lòng họ sẽ không bao giờ có bóng tối dù chỉ như là một thoáng mờ lướt qua. Bởi khi chúng ta còn mang theo thân xác nặng nề này thì còn cơ hội cho ma quỉ bước vào. Vì chính thân xác ấy là thức ăn ngon miệng nhất của bóng tối nhục dục. Chúng ta biết được điều ấy và điều ấy phải luôn luôn ngự trị trong lòng chúng ta như chính nhịp đập trái tim thì chúng mới có thể thoát khỏi bóng tối ấy. Thiên thần cũng từng mượn chúng ta để song hành liên tục cùng chúng ta trong một đoạn đường dài. Đó là đoạn đường từ lúc ta sinh ra cho hết thời thơ ấu. Khi chúng ta vừa chớm chân qua thời thơ ấu thì các Thiên thần không dắt tay chúng ta đi nữa. Chúng ta phải tự đi một mình trên đoạn đường còn lại. Bởi Thiên thần đã dạy chúng ta biết Cái đẹp và sự Thánh thiện. Nhưng các thiên thần ngày ngày vẫn đi qua chúng ta như khách thập phương. Chúng ta chỉ được các Thiên thần ghé thăm khi tâm hồn chúng ta phải tự dọn dẹp như một ngôi nhà tràn ngập ánh sáng giống như tâm hồn của một đứa trẻ. Chính vậy mà cuộc đời chúng ta trên thế gian này là một cuộc hành hương đau đớn nhưng kỳ vỹ. Thế gian vừa là Thiên đường vừa là Địa ngục của chúng ta mà đường đến một trong hai nơi ấy không bao giờ có một biển chỉ đường hiện lộ. Biển chỉ đường ấy chỉ hiện ra trong một nỗ lực phi thường của chúng ta. Nó không bao giờ có sẵn bằng một sự may mắn, bằng một khái niệm hay bằng một giáo lý in trên da thuộc thủ công hoặc giấy của thời văn minh công nghiệp.
(Trích bản thảo cuốn sách “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng”)
Nguyễn Quang Thiều
(Visited 2 times, 1 visits today)