Giải mã cơn sốt phim tình cảm Hàn Quốc
Vừa qua, các trang báo mạng Việt Nam không ngừng cập nhật thông tin về nội dung và quá trình sản xuất bộ phim truyền hình Hàn Quốc Hạ cánh nơi anh của đài tvN. Hạ cánh nơi anh là một trong số tác phẩm được người Việt xem nhiều nhất trên Netflix dịp đầu năm, cho thấy khả năng chinh phục khán giả nhiều lứa tuổi, nhất là phụ nữ. Bài viết này xin chia sẻ góc nhìn tâm lý – xã hội học đối với cơn sốt phim tình cảm Hàn Quốc nói trên.
Một cảnh trong bộ phim Yêu tinh được yêu thích gần đây.
Chìm đắm trong tình yêu
Nhà xã hội học Eva Illouz, trong một nghiên cứu về tình yêu thời hiện đại (Consuming the Romantic Utopia), đã phỏng vấn người Mỹ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội về ý niệm tình yêu của họ.
Bà “phát hiện” ra một điều mà… ai cũng biết, đó là đối với mọi người, tình yêu và sự lãng mạn luôn là điều gì đó đặc biệt, khác thường, thậm chí vô phương lý giải. Sự lãng mạn có những thành tố cấu thành vô cùng quan trọng, bao gồm sự biệt lập về không gian, thời gian, cảm xúc, và cả những đồ vật đánh dấu sự lãng mạn đó. Biệt lập về không gian nghĩa là, khi ở bên người yêu, người ta thường muốn tách mình ra khỏi phần còn lại của thế giới (một góc biệt lập trong nhà hàng, với ánh sáng hơi mờ ảo, một căn phòng riêng tư, một chiếc thuyền nhỏ giữa hồ vắng người, chiếc ghế trong một góc công viên tĩnh lặng.. ). Biệt lập về thời gian nghĩa là, ta cảm thấy thời gian như ngưng đọng, hoặc, ta mất đi cảm giác về thời gian trôi; khoảng thời gian các đôi tình nhân hẹn hò cũng thường tách biệt với đời sống thường ngày: không có công việc hay trách nhiệm tủn mủn đi kèm (ví dụ cặp đôi đi siêu thị mua đồ ăn thì không thể tính là hẹn hò lãng mạn được). Biệt lập về cảm xúc nghĩa là ta mất đi cảm giác về thế giới còn lại (thế gian này chỉ có riêng ta; ở bên cô ấy tôi không còn thấy điều gì khác). Và đồ vật đánh dấu sự lãng mạn: chiếc váy đỏ người phụ nữ chỉ diện khi đi hẹn hò với người yêu, những kỷ vật, quà tặng tình yêu đôi tình nhân dành cho nhau.
Phim tình cảm Hàn Quốc rất giỏi chinh phục số đông qua việc kiến tạo sự lãng mạn, mang lại cái gọi là “bầu không khí của tình yêu” gắn với các yếu tố biệt lập ấy. Cần nhấn mạnh đây là sự lãng mạn kiểu Á ông mà phim Hollywood không thể đem tới: sự lãng mạn đậm đặc đến tan chảy, cảm giác đau đớn não nề, nỗi khắc khoải chờ mong, và rất nhiều nước mắt. Những cảm xúc đó được kiến tạo qua lớp lang tình huống dẫn đến một mối quan hệ tình cảm: bắt đầu bằng buổi đầu gặp gỡ đầy bỡ ngỡ, giai đoạn tình yêu chớm nở, những hiểu lầm, hờn giận, xa cách, và cuối cùng (thường là), ngày đoàn tụ viên mãn. Thủ thuật phổ biến làm tăng cảm giác gần gũi giữa khán giả và nhân vật là việc khai thác tối đa những cảnh quay cận mặt diễn viên (close-up) – tạo điều kiện cho khán giả “đọc” cảm xúc trên khuôn mặt họ và thổn thức theo những cảm xúc ấy.
Trong Hạ cánh nơi anh có cảnh nàng tài phiệt Seri đi lạc đường, và chàng sĩ quan Bắc Hàn Ri Jeong-hyuk giơ cây nến thơm lên cao để ra dấu tìm nàng. Cảnh phim đó, như nhiều cảnh yêu đương khác trong phim, được làm cho mờ ảo. Thời điểm của khung cảnh là đêm tối – khoảng thời gian của tình yêu vì đêm tối giúp củng cố tình thân mật và khuyến khích sự gần gũi dục tình. Cho dù quanh họ là người đi lại tấp nập, người xem gần như quên mất sự tồn tại của đám đông đó. Ta chỉ nhìn thấy đôi tình nhân nhìn nhau (ta nhìn họ, và ta nhìn cách họ nhìn nhau), và ánh sáng ấm áp của cây nến. Cây nến là kỷ vật tình yêu gắn với câu chuyện họ riêng biết với nhau, dù khi ấy tình yêu chưa được nói thành lời. Đến thời điểm thích hợp, âm nhạc lãng mạn sẽ nổi lên nói hộ tâm tư đôi tình nhân!
Hạ cánh nơi anh đánh trúng nỗi sợ biệt ly của con người, đặc biệt là biệt ly trong tình yêu. Nỗi sầu phân ly nhân đôi khi câu chuyện tình yêu trắc trở được đặt trên nền bi kịch chung của dân tộc Triều Tiên. Khoảnh khắc đôi tình nhân vượt qua rào cản ranh giới để đoàn tụ bên nhau trong nước mắt, dù chỉ trong phút giây, có thể lấy đi nước mắt của nhiều khán giả vì nỗi sầu biệt ly ấy đã có sẵn trong lòng người xem trưởng thành, những người theo cách này hay cách khác hầu như từng đối mặt biệt ly và mất mát.
Chìm đắm trong tình yêu là một trải nghiệm đặc biệt bao gồm nhiều cung bậc cảm xúc. Đối với những người từng trải qua những cảm xúc ấy nhưng đã đánh mất, hay những người chưa từng trải qua nhưng khao khát trải nghiệm đó thì xem phim lãng mạn là một cách để gián tiếp trải nghiệm tình yêu nồng cháy. Đặc biệt, đối với phụ nữ đã kết hôn lâu năm, xem phim tình cảm là một cách để họ “tìm lại thời gian đã mất”, kiếm tìm cảm xúc tuổi trẻ cuồng nhiệt trước kia, hay thậm chí người đàn ông yêu thương mà họ đã đánh mất. Mặc dù, ai cũng biết sự giải tỏa ngắn hạn ấy không đem lại thỏa mãn dài hạn, thậm chí còn khiến sự thỏa mãn dài hạn trở nên bất khả, do sự hữu hạn của tình yêu ở “điểm cao trào.”
Hành động chia sẻ cảm xúc, phiếm luận giữa các khán giả, đặc biệt khán giả nữ với nhau, là cách họ kết nối với “cộng đồng thân mật” (Berlant, 2008) có thật lẫn tưởng tượng của những người cùng chia sẻ ảo mộng tình yêu. Khán giả truyền đạt những cảm xúc rất riêng nhưng đồng thời cũng rất chung về khát khao tình yêu, hay đôi khi là nỗi thất vọng về một thực tại khác xa ảo mộng.
Bộ máy sản xuất “người trong mộng”
Biên kịch của các phim truyền hình tình cảm Hàn Quốc đa phần là phụ nữ. Người xem các phim tình cảm này phần đông cũng là phụ nữ, bao gồm các bà nội trợ. Các phim này dựa trên nhu cầu của phụ nữ để xây dựng câu chuyện tình yêu lãng mạn, nồng nhiệt, vượt lên muôn vàn khó khăn cách trở như phân biệt giàu nghèo, chiến tranh, bệnh tật, thậm chí cả cái chết (một bộ phim được yêu thích gần đây là Yêu tinh thậm chí cho nhân vật chính chờ đợi người yêu hồi sinh ở kiếp sau để được đoàn tụ cùng nàng). Đặc biệt, nam chính trong phim tình cảm Hàn Quốc luôn hội tụ những yếu tố mọi phụ nữ ước ao: từ những phẩm chất hữu hình như gương mặt đẹp, thân hình cao ráo săn chắc, vẻ ngoài sành điệu, giàu sang, cho đến những phẩm chất mà khán giả cần tự khám phá dần dần như đức hy sinh, sự tinh tế, tận tình chu đáo.
Nhà phê bình nghệ thuật John Berger từng viết trong tác phẩm Lối ta nhìn: “sự hiện diện của một người đàn ông phụ thuộc vào hứa hẹn quyền lực mà anh ta mang đến, cho dù quyền lực được hứa hẹn ấy thuộc về đạo đức, thân thể, tính cách, kinh tế, xã hội, hay dục tình.” Một người đàn ông càng sở hữu nhiều thứ quyền lực, thì anh ta càng nổi bật (còn ngược lại, anh ta có thể trở nên vô hình trong mắt phụ nữ và cả đàn ông).
Nam chính trong phim Hàn Quốc đa phần là những biểu tượng quyền lực trong xã hội tư bản hiện đại. Anh ta có thể là một CEO tập đoàn, một bác sĩ xuất chúng, một cảnh sát đặc nhiệm tài ba, hay một ngôi sao nổi tiếng. Sự hiện diện của anh thường đi kèm phô trương quyền lực, nên không có gì ngạc nhiên khi anh hay xuất hiện trong những bộ trang phục thể hiện uy quyền: bộ com-lê đắt tiền mới cóng, bộ quân phục lấp lánh những huân chương, hay chiếc áo blu trắng. Xung quanh anh luôn có những trợ thủ trung thành, các cô thư ký duyên dáng, và đôi khi là vô vàn người hâm mộ. Thế nhưng bất chấp bao cám dỗ, tình yêu của anh dành cho duy nhất một người phụ nữ không bao giờ đổi thay. Anh là đại diện cho ảo mộng tình yêu của người phụ nữ, một ngôi sao chứng thực cho phẩm chất ưu tú của nàng, dù nàng có thể chỉ là một phụ nữ bình thường không quyền lực, địa vị (mô típ nàng Lọ Lem quen thuộc trong văn hóa đại chúng từ Đông sang Tây). Trong thời đại nữ quyền, chìm đắm trong phim tình cảm Hàn Quốc có thể coi như một dạng “thú vui tội lỗi” (guilty pleasure) trong đó người phụ nữ quên đi giấc mơ quyền lực của riêng mình để tận hưởng quyền lực gián tiếp từ đàn ông – cái cảm giác được một người đàn ông uy quyền đeo đuổi, chiều chuộng, thậm chí hy sinh mạng sống vì ta; cảm giác được làm cô gái bé nhỏ trong vòng tay đàn ông mạnh mẽ.
Nam chính trong phim Hàn luôn hội tụ đầy đủ những yếu tố mà mọi phụ nữ đều ước ao như vẻ đẹp ngoại hình, giàu sang cho đến đức hi sinh. Ảnh: Nam và nữ chính trong phim Hạ cánh nơi anh.
Ảo mộng giải cứu (rescue fantasy), trong đó người phụ nữ được đàn ông đến cứu xuất hiện nhan nhản trong phim tình cảm lẫn phim hành động phần nào phản ánh phức cảm về sự thiếu quyền lực của nữ giới cùng nỗi lo âu về thân phận nữ nhi. Ảo mộng ấy dường như đã ăn sâu vào tiềm thức người phụ nữ Á Đông bởi quan niệm cố hữu của xã hội về phụ nữ như phái yếu hay những nạn nhân của số phận. Còn đàn ông, dẫu có bị số phận chà đạp nhường nào, vẫn được kỳ vọng phải có khả năng, hay ít nhất là sự tự tin để “đội trời đạp đất”, chinh phục số phận và làm “trụ cột” trong cuộc đời người phụ nữ. Ít nhất là thế, trong phim tình cảm Hàn Quốc. □
Tài liệu tham khảo
Eva Illouz (1997). Consuming the Romantic Utopia: Love and the Cultural Contradictions of Capitalism.
Lauren Berlant (2008). The Female Complaint: The Unfinished Business of Sentimentality in American Culture.
John Berger (1972). Ways of Seeing.