Giải phẫu cái tự ngã: cá nhân chọi với xã hội

Mỗi nền văn hoá có hệ thống khái niệm, phương thức cảm nhận riêng, mà người lạ phải rất khó khăn mới có thể hiểu được. Nếu muốn tìm hiểu tính cách Nhật, văn hoá Nhật đầy phức tạp thì không thể không biết đến những khái niệm phổ quát của nó.

Cuốn sách được chia làm ba phần: Các khái niệm cơ sở; Con người trong xã hội và Ý nghĩa của bí mật. Takeo Doi đặc biệt chú trọng đến việc giải thích sự liên kết giữa Omote (cái mặt bên ngoài, thấy được) và Ura (cái tình bên trong, không thấy được), hai khái niệm tiêu biểu cho lối nhìn sự vật độc đáo trong văn hóa Nhật, chi phối quan niệm tương tác ứng xử của người Nhật, dẫn tới tính phân hóa phức tạp giữa con người nội tâm và con người xã hội.

Người Nhật rất nhạy cảm với tính đa nghĩa của ngôn từ và hành vi. Bắt nguồn từ câu nói của Pascal: tính hai mặt của con người rõ ràng đến nỗi có kẻ nghĩ rằng chúng ta có hai tâm hồn, Takeo Doi viết nhiều về tâm hồn, cả phương Tây lẫn Nhật Bản, phân tích tâm lý người Nhật tham chiếu với tâm lý người phương Tây: “Và họ không bị đau khổ vì sự xung đột Kitô  giáo giữa tinh thần và thể xác, cũng không bị đè nặng bởi sự lưỡng phân của chủ thể và khách thể cố hữu trong truyền thống triết học phương Tây. Điều đó có thể đúng. Nhưng người Nhật lại bị khổ vì sự chia tách ý thức thành omote và ura, và chúng ta không được quên rằng, chúng ta tìm kiếm sự hợp nhất với thiên nhiên chính là vì nỗi khổ ấy.”

Ông đưa ra những thí dụ cực kỳ thú vị trong ứng xử hàng ngày, như cách mở quà của người Mỹ và người Nhật, để thể hiện những chiều kích ngầm của văn hoá: người Nhật có tục lệ bao gói quà bằng những lớp giấy và vải lụa đẹp đẽ, không mở quà trước mặt người tặng; trong khi đó người Mỹ cho rằng mở quà ngay lập tức và bộc lộ niềm vui được nhận quà mới là cách ứng xử thích hợp. Ví dụ này được liên hệ mở rộng với các khái niệm thần bí (shinpi), tâm (kokoro), u huyền (yūgen), hoa (hana), mặt nạ (o-men)…, dẫn tới kiến giải về sức mê hoặc của bí mật trong cách cảm nhận cuộc sống, tình yêu của người Nhật.

Cuốn sách chứa đựng nhiều khái niệm văn hóa học và mỹ học sâu sắc đa dạng, lại được viết bởi một ngôn ngữ rất trong sáng và tinh tế. Đặc biệt, người đọc có thêm rất nhiều phát hiện thú vị qua những tầng lớp ý nghĩa trong phẩm văn học kinh điển và hiện đại của Nhật Bản như Truyện kể Genji (Murasaki Shikibu); Cậu ấm ngây thơ; Kokoro (Natsume Soseki); Himitsu (Jun’ichirō Tanizaki)…

Chỉ dày hơn 200 trang, nhưng Giải phẫu cái tự ngã có thể kích phát một số lượng lớn ý tưởng trong đầu người đọc, nó cho người ta thấy sự vô tận của đời sống, của nghệ thuật và tâm hồn con người. Khám phá cái tự ngã để thấy sự hoà hợp với thiên nhiên quan trọng ở cả phương Tây lẫn phương Đông, trong cả xã hội cổ điển lẫn hiện đại. Mỗi cá nhân đều là bí ẩn, hiểu tự ngã để mở rộng tự ngã, để hưởng thụ vẻ đẹp của cuộc sống.

Takeo Doi sinh năm 1920 tại Tokyo, tốt nghiệp ĐH Tokyo năm 1942, giữ nhiều cương vị tại các đại học và học viện Mỹ, giảng dạy và nghiên cứu tâm thần học tại Mỹ, từng là lãnh đạo khoa tâm thần học bệnh viện St Luke Tokyo. Hiện ông là Giáo sư ĐH Kitô giáo quốc tế Tokyo và là nhà tâm thần học hàng đầu của Nhật.

(*) Tác giả Takeo Doi, Hoàng Hưng dịch, NXB Tri Thức, 2009, 216 trang

 

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)