Giai thoại nhạc cổ điển
Nghệ sỹ vĩ đại nhất thế giới Hai danh cầm huyền thoại Jascha Heifetz và Mischa Elman đang ngồi ăn tối cùng nhau thì bỗng thấy một người hầu bàn mang qua một lá thư có đề là: "Gửi tới nghệ sỹ vĩ cầm vĩ đại nhất trên thế giới." Heifetz liếc qua bức thư rồi dúi nó vào tay Elman: "Gửi cho ông đấy, Mischa." Elman luống cuống đẩy nó lại. "Không, không, nó là của ông, Jascha." Sau nhiều lần đẩy qua đẩy lại bức thư, cuối cùng cả hai người thống nhất là cùng mở nó ra và cùng đọc. Dòng đầu của bức thư có viết: "Ngài Fritz Kreisler kính mến...".
Một phụ nữ giàu có hỏi Fritz Kreisler xem ông sẽ lấy bao nhiêu tiền nếu bà ta mời ông đến nhà biểu diễn nhân một buổi tiệc. 5000 đô, Kreisler trả lời rất nhẹ nhàng. Người phụ nữ lưỡng lự đồng ý, nhưng vẫn giao kèo thêm: “Ông phải nhớ là ông chỉ kéo đàn thôi nhé, không được nhảy vào ăn cùng với những người khách của tôi đâu đấy.” “Trong trường hợp đó, thưa bà,” Kreisler mỉm cười, “tiền công của tôi sẽ chỉ là 2000 đô thôi.”
Nhạc cổ điển thời chiến
Nghệ sỹ vĩ cầm kiệt xuất Isaac Stern đã từng có những buổi biểu diễn hoành tráng ở rất nhiều nơi trên thế giới như Iceland, Greeland, Moscow, Trung Quốc, và thậm chí ông cũng từng đến Nam Thái bình dương để kéo đàn cho quân đồng minh nghe hồi chiến tranh thế giới II. Nhưng một trong những buổi biểu diễn đáng nhớ nhất của Stern lại diễn ra ngay trên quê hương Ukraine của ông hồi chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Khi Stern đang say sưa kéo đàn thì một tiếng còi rú lên inh ỏi báo động Iraq chuẩn bị tấn công bằng tên lửa. Stern đành cắp đàn chạy vào trong cánh gà. Sau một vài phút không thấy động tĩnh gì cả, ông lại ra sân khấu và quyết định chơi tiếp khúc Sarabande trong bản Partita Rê thứ của Bach. Stern đã vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy toàn bộ khán giả trong nhà hát đều đeo mặt nạ phòng độc trùm kín mặt.
Lời chỉ bảo của Thượng đế
Người ta kể rằng, Beethoven luôn tin là ông được sự chỉ dẫn của Thượng đế khi sáng tác, cho nên không cần nhiều thời gian và công sức để đạt đến sự hoàn hảo. Có một lần, một nghệ sỹ vĩ cầm phàn nàn với Beethoven về một đoạn nhạc “vừa chán vừa quái gở” của ông. Beethoven trả lời: “Khi viết đoạn đó, tôi biết chắc chắn là tôi đang được sự chỉ bảo của Thượng đế. Thành ra tôi đã không thể xét đến sự kém cỏi của anh để viết cho phù hợp với anh được.”
Không biết đếm
Albert Einstein rất khôn, ông thường rủ người bạn là nghệ sỹ dương cầm kiệt xuất Arthur Rubinstein đến nhà để cùng tập đàn cho hoành tráng. Một lần, khi hai người đang tập một bản sonata cho violin và piano của Mozart, Einstein bị vào sai nhịp. Rubinstein tức quá quát ầm lên: “Albert! Ông không biết đếm à?”.