Giáng sinh, mùa để nhớ

Mấy hôm trước, bạn ở nhà nhắn đôi dòng: Hà Nội lạnh rồi. Thời tiết trong thế giới ô nhiễm này đỏng đảnh khó lường, Hà Nội lạnh, vào tiết Noel, cũng là một tin vui để gửi khắp muôn phương cho nhau đấy.

Sống cũng đã lâu xứ này, vậy mà tôi vẫn thích dùng hai chữ giáng sinh, hay Noel hơn là Weihnacht. Những tiếng thân quen gọi cả mùa cũ lại. Tuổi nhỏ một thời bom đạn, xa cha mẹ, chị em theo bà đi sơ tán, sống ở một làng nhỏ ven sông. Làng tôi toàn dân lương, thế nào lại lọt giữa hai làng công giáo. Những buổi chiều đông nghe tiếng chuông nhà thờ từ hai đầu làng dội lại, loang xa trên mặt sông hơi nước dâng đầy, trái tim nhỏ thắt lại trong nỗi nhớ một Hà Nội lúc lên đèn, một phố nhỏ, một cửa nhà thờ mà lũ chúng tôi đi học về hay bám ngoài song sắt ngắm nghía mỗi lúc có đám cưới cô dâu mặc váy, là cái gì rất lạ thời ấy – nhà thờ Hàm Long. Hà Nội có nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Lớn đồ sộ hơn, hoành tráng hơn rất nhiều, nhưng thân thuộc nhất với tôi lại là nhà thờ này, có thể, vì bao trưa bao chiều tôi đã đặt gót nhỏ của mình qua đó, nghe tiếng chuông nơi đó đổ hồi, biết Noel tới không chỉ qua những cơn gió mùa đông bắc tràn về mà là qua sự tấp nập của giáo dân, qua cánh cửa nhà thờ mở thường xuyên hơn, từ đó lung linh và huyền bí ánh nến hắt từ máng cỏ vừa được trang hoàng.

Hay nhỉ, cái ngày xa xưa ấy. Lương với giáo cùng là người Việt mà sao nhìn nhau cứ thấy ngài ngại, xa xa, chen với tò mò. Thời xưa xóm nhỏ, đêm Noel theo mấy chị cùng làng xuôi đê đi xem lễ ở nhà thờ, tôi đã ngỡ ngàng khi nhìn mấy đứa trạc tuổi mình trong chiếc áo dài vải trắng thành kính đứng hát thánh ca. Trời ạ, ngày thường chúng nó nhem nhuốc có khác gì trẻ con ở làng tôi, trưa tan học về cũng gồng cũng gánh đi hót phân trâu y như những đứa trẻ không phải là con Chúa. Cái con bé cứ mỗi bận bị trẻ con làng tôi đuổi lại lệt xệt đôi quang gánh lắp bắp mấy chữ Giesuma lạ lẫm nay ngước mắt … Ave Maria … trông sao mà thanh khiết. Tiếng chuông nhà thờ đổ đúng lúc chúa ra đời, vời vợi ngân nga, và sự thành kính của bà con giáo dân gieo vào lòng đứa bé lúc đó là tôi một điều đến tận tuổi này mới hiểu: niềm tin thật sự phải cao khiết vô cùng, và không hiểu vì sao, còn cả cảm giác cô đơn. Cảm giác cô đơn này, bao nhiêu người Việt chúng ta đã trải trong bao nhiêu giáng sinh xứ tuyết.

Sau này, trở về với phố, không bao giờ tôi tìm cách chen chân vào nhà thờ đêm giáng sinh như thế nữa. Noel với tuổi con gái của tôi là náo nức chờ ngày nghỉ, là hẹn bạn bè. Hà Nội ngày đó vắng, vẫn còn vương lại một tàn hoa sữa đâu đây, gió khô khô dồn lá trên mặt phố. Cả lũ con gái con trai chưa biết hẹn hò riêng chia ra rồi họp lại. Ðứa rủ bạn nhất định chen lên thềm nhà thờ Lớn để nhìn máng cỏ, đứa lại bàn ra bờ hồ ngóng tiếng chuông lúc chúa ra đời, nghe xa xa mới đã. Ðứa giục phóng nhanh lên nhà thờ cửa Bắc, hi vọng vào hẳn được trong nhà thờ nghe hát thánh ca. Một lũ con gái con trai mười bảy mười tám, tuổi trẻ nằm trọn vẹn trong thời hậu chiến, không biết tin gì ngoài chính tuổi trẻ của mình, cầu ước điều gì là mồm năm miệng mười lạy Trời lạy Phật lạy Chúa lạy cả bác nữa. Chia ra rồi hợp lại, hai ba giờ sáng mới từ quán bánh trôi nóng tứ tán ra về. Hôm nay đây, vang mãi bên hồn một lời ca buồn thấm thía: Lời thánh ca đó còn nhớ không em – Noel năm nào chúng mình… Chẳng biết có đứa nào ngày ấy đúng lúc chuông ngân nhớ mà lẩm bẩm cầu chúa cho mình điều gì không? Và những đứa bạn thời xanh rất xanh xưa mười mấy năm rồi không gặp lại, Noel này có chợt nhớ một ngày tít tắp? Khi trên phố đám con gái con trai cũng tuổi chúng mình ngày ấy náo nức chờ thiên chúa giáng sinh? Hà Nội vẫn còn đêm lạnh, tiếng chuông xưa chắc cũng y nguyên. Nhưng, thời mở cửa, xe máy đùng đùng, những khoảng phố khuya êm đềm để người ta có thể trở lại với mình với những người trẻ tuổi trong đêm Noel này chắc là thiếu lắm.

Vậy đấy, bao nhiêu giáng sinh đã đi qua đời, bao nhiêu niềm vui đã trải, nhưng đó là niềm vui của người ngoài cuộc. Nếu không có một ngày tới đây và ở lại, dễ gì thấu được nỗi êm đềm náo nức của một mùa giáng sinh. Ðất lạ thành quen, khi mỗi Weihnacht tới, vợ chồng con cái cùng bàn thảo chuyện mua cây thông, sắm qùa, đón khách, đi nhà thờ dự lễ.

Nơi tôi ở sao mà lắm nhà thờ. Những nhà thờ đồ sộ xây bằng gạch đỏ trông vừa đường bệ vừa ấm áp, sáng trưa chiều đua nhau thả tiếng chuông ngân. Tiếng chuông dồn trên phố đông đúc người xe không gợi lắm nôn nao như tiếng chuông ở thành phố nhỏ mà gia đình tôi vừa rời đi năm trước. Nôn nao thật, vì từng ngày con trẻ lại háo hức kể đủ thứ chuyện, đủ thứ việc chuẩn bị cho Advent, rồi giáng sinh, vì từng ngày đi qua phố cổ, nơi có chợ Noel, lòng lại bừng bừng ấm vì mùi rượu vang nóng, vì mùi bánh ngọt, mùi xúc xích nướng thơm lừng, vì những mặt người vừa hồ hởi vừa bình thản, vì dáng bà lão lụ khụ khệ nệ túi nọ túi kia qùa qùa cáp cáp. Bầy trẻ bị cuốn vào trong bao nhiêu việc, liên hoan trước kì nghỉ, tham gia dàn đồng ca nhà thờ, hát cho đến đúng đêm thiêng. Cả một dàn đồng ca thầm thì, rồi bất chợt vút cao giai điệu bài Stille Nacht.

Tiếng hát non tơ lồng lộng vòm mái nhà thờ cao vọi, buông phủ lấy người ngồi đó, như yên ủi, vỗ về. Ðã gần hai trăm năm nay bài hát này được hát, bắt đầu từ nước Áo. Ðấy không phải là lời Chúa nói với con người. Ðấy là lời con người nói với nhau, dựng lại cho nhau hi vọng, từ đói rét, từ đống điêu tàn của cuộc chiến tranh vừa đi qua, bằng giai điệu của một thầy giáo, Franz Xaver Gruber, và thơ, của một ông linh mục, Josef Mohr. Không có đàn Orgel, dàn đồng ca đã hát trên nền của tiếng ghita. Kể từ bấy đến nay, gần hai trăm năm, bài hát đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đã được hát trên toàn thế giới. Chúa hiện diện qua tấm lòng con người hướng tới Ngài, cầu xin ở ngài hòa bình. Phải bao nhiêu thế kỉ, phải bao nhiêu máu đã đổ để con người hiểu ra điều đó.

Ðêm nay, đêm giáng sinh, người Việt mình chưa xong một mùa làm ăn vất vả. Ðất Berlin này, mấy năm nay, đi tới góc phố nào cũng thấy những tiệm hoa của người mình. Mùa giáng sinh, tiệm nào cũng đầy ắp những thông, thông kết vòng đi tảo mộ đã bán hết rồi, lại đến thông cây để trang hoàng phòng khách. Năm nay Berlin được mùa thông, vì mốt mới. Người độc thân cũng mua thông. Các gia đình còn thửa tới hai cây. Cái mùi thông mới chặt thơm hăng hăng man mát trong khí lạnh với người phương Tây cũng thể sắc mai vàng phương Nam, sắc đào phai xứ Bắc quê ta. Nhưng mấy người bán hoa bán thông có được thời gian để nghĩ tới một căn phòng riêng với thông và hoa cho riêng mình và gia đình. Tối mặt tối mày vì hàng họ. Vào cái lúc người bản xứ rủ nhau đưa con trẻ đi dự lễ chiều, rồi chuẩn bị cho cuộc lễ lúc nửa đêm, có lẽ người mình mới đóng cửa tiệm về với bữa cơm nhà, đủ mặt vợ chồng con cái. Xin buông tay ngơi nghỉ, và yên lặng, lắng nghe: Ðêm thanh tĩnh, đêm thiêng liêng, vạn vật ngủ yên, đấng Cứu thế đã ra đời.

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)