Gieo hi vọng từ phím đàn
Nghệ sĩ piano, nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh [Trịnh Mai Trang] trò chuyện với Tia Sáng về con đường đưa cô đến với âm nhạc và vì sao cô quyết tâm thực hiện bằng được những dự án âm nhạc dành cho cộng đồng.
Được biết Trang học nhạc từ năm bốn tuổi – năm 1990, khi đó đất nước nhìn chung còn khó khăn, hẳn gia đình Trang có truyền thống âm nhạc nên định hướng cho bạn sớm như vậy?
Gia đình Trang không có truyền thống âm nhạc, mẹ Trang là họa sĩ dạy ở trường Mĩ thuật Công nghiệp, còn bố Trang làm về Tin học. Có lần bố mẹ một chương trình nghiên cứu phát trên truyền hình nói rằng trẻ em được học nhạc trước năm sáu tuổi thì sẽ thông minh hơn. Thế nên, lên bốn tuổi, Trang bắt đầu được bố mẹ cho học đàn Organ với cô giáo dạy tại nhà.
Điều gì quyết định việc bạn sẽ theo đuổi âm nhạc, cụ thể là trở thành một nghệ sĩ dương cầm?
Sau khi học Organ khoảng năm-sáu tháng, cô giáo nhận thấy khả năng của Trang nên khuyên bố mẹ cho Trang học Piano. Trang học đàn đúng kiểu một đứa con ngoan, nghe lời bố mẹ, cho đến cuối cấp 2, cảm thấy bị áp lực rất lớn vì vừa phải học nhạc vừa phải học văn hóa, Trang đã khóc rất nhiều và nói rằng, bố mẹ ơi con không muốn học đàn nữa.
Khi Trang khóc lóc mà cô giáo đàn nhất quyết không cho bỏ, bố mẹ mới quyết định cho Trang sang châu Âu để biết Trang có khả năng theo đuổi nhạc cổ điển hay không.
Sang Anh, Trang gặp giáo sư Christopher Elton, người đã khiến Trang, ở tuổi 16, thật sự quyết định đi theo âm nhạc và mong muốn được sống trong thế giới đó.
Điều gì thầy mang lại khiến bạn có cảm hứng mãnh liệt đó?
Trang Trịnh tốt nghiệp xuất sắc bằng Thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu hiễn tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (Royal Academy of Music, London) năm 2010. Trước đó, cô từng giành giải cao tại một số cuộc thi piano như RAM, Lilian Davis, Jacque Samuel và biểu diễn ở nhiều liên hoan âm nhạc quốc tế. Là một trong 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi ở Việt Nam năm 2014 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. |
Không phải ngay từ đầu Trang đã biết rằng âm nhạc, tự bản thân cũng có nghĩa của nó (Musical meaning). Trước đó, khi đàn, Trang thường liên tưởng cái này, cái kia, đánh cho giống cái này, cái kia, chơi cho có cảm xúc, chơi cho nó giống vui, giống buồn. Những cái đó do người khác nói với mình chứ không phải do âm nhạc đòi hỏi mình. Khi học với giáo sư, ông đã chỉ cho mình biết là âm nhạc có nghĩa ở đằng sau và điều đó thật tuyệt vời. Nó giống như phép ẩn dụ trong văn học. Bản thân từ metaphor [phép ẩn dụ] cũng được ghép bởi hai từ meta có nghĩa là cao hơn, sâu hơn, phor là chuyển, là mang theo, tức là chuyển thành cái nghĩa cao hơn.
Trong nhiều chương trình biểu diễn, ngoài âm nhạc, Trang rất chú ý tương tác với khán giả, vậy đó có phải cũng là một sự sáng tạo?
Nhạc cổ điển có một bất lợi là nó trừu tượng; hơn nữa, nó đòi hỏi thời gian, thứ mà con người trong thế giới hiện đại thường thiếu. Để đến được trái tim khán giả trong thời gian ít ỏi họ có, Trang dùng một số cách khác để tiếp cận. Đó là lí do vì sao Trang có một số chương trình thử nghiệm, một số chương trình sáng tạo về phương pháp tiếp cận ngoài việc chơi đàn như: nói chuyện về tác phẩm, trình chiếu video, hoặc có những hòa tấu hội họa.
Sự tương tác đó ngoài lợi ích là dễ đến trái tim khán giả, nó cũng dễ tạo ra sự ồn ào – một bất lợi đối với môi trường mà nghệ sĩ biểu diễn nhạc cổ điển cần có, Trang nghĩ gì về điều đó?
Âm nhạc cổ điển thể hiện tuyệt vời nhất trên nền trắng là sự im lặng, như Leopold Stokowski từng nói: Họa sĩ thì vẽ trên giấy trắng còn âm nhạc vẽ trên sự im lặng. Nhưng nếu được chọn đánh đàn trong một phòng thu và đánh đàn ở trước mặt khán giả thì Trang chọn ở trước mặt khán giả. Bởi sự im lặng khi có người, nó khác với sự im lặng không có người. Có một năng lượng nào đấy trong sự tập trung của khán giả, cái năng lượng ấy rất cần cho sáng tạo.
Được gọi là một nghệ sĩ dương cầm hạnh phúc, nhưng chắc hẳn trong đời ai cũng có những nỗi buồn nào đó. Nỗi buồn lớn nhất bạn trải qua và nó ảnh hưởng đến bạn như thế nào?
Có lẽ nỗi buồn lớn nhất là trong thời gian học ở Anh, Trang bị chấn thương ở vai không chơi đàn được trong bảy tháng và có nguy cơ phải từ giã việc chơi Piano. Nhưng buồn không chỉ vì không được chơi đàn, mà buồn vì cái nhân dạng của mình nó phụ thuộc quá nhiều vào âm nhạc.
Câu hỏi Tôi là ai, cho đến khi Trang bị chấn thương ở vai, luôn luôn được trả lời rằng Tôi là một nghệ sĩ chơi đàn Piano. Chưa bao giờ Trang nghĩ khi bị tước đi khả năng chơi đàn thì mình còn lại gì.
Sau khi Trang nhận ra rằng mình không biết mình là ai cả, mình không biết cái nhân dạng thực sự của mình, Trang nghĩ mình cần phải sống sâu sắc hơn.
Nếu tất cả những gì của mình chỉ phụ thuộc vào công việc mình làm, vào khả năng của mình, gia đình của mình như thế nào, người bạn đời của mình là ai thì chưa đủ.
Mà là chính bản thân mình, lí do mình tồn tại, mình là ai.
Khi khỏi chấn thương, giáo sư của mình nhận xét sau bảy tháng không chơi đàn giờ lại chơi hay hơn. Có lẽ mình lớn lên nhiều sau khi trải qua điều đấy.
Vũ khí của niềm hi vọng
Điều gì khiến Trang muốn đưa nhạc cổ điển tới công chúng rộng rãi?
Trang muốn chia sẻ niềm vui của mình khi trải nghiệm những điều đẹp đẽ. Trang vẫn nhớ buổi học đầu tiên với giáo sư Elton đã vui thế nào, thấy âm nhạc đẹp và tuyệt vời thế nào.
Trang cảm thấy rất cô đơn khi mình chơi đàn mà mọi người, vì rào cản nào đó về suy nghĩ hoặc do chưa được tiếp cận nhiều với âm nhạc, nên không chia sẻ được cùng với Trang vẻ đẹp của tác phẩm. Trang vượt qua cái đó bằng cách tổ chức các lớp học về nhạc cổ điển, trò chuyện với khán giả…
Ra đời từ tháng 11- 2013, Dàn hợp xướng Kì Diệu, mà nay là Dàn hợp xướng và giao hưởng Kì Diệu, hướng tới các em nhỏ khó khăn ở một số trung tâm bảo trợ xã hội hẳn cũng là một cách để chia sẻ niềm vui đó?
Ban đầu, Trang không đủ tự tin, không biết dự án có được ủng hộ không, có đủ tiền duy trì lớp học không. Nhưng bất ngờ lớn là dự án vẫn chạy và nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ của mọi người cũng như sự quan tâm của báo giới. Điều thứ hai, không hẳn là bất ngờ, nhưng là điều Trang muốn trải nghiệm, là âm nhạc có khả năng gắn kết và khiến mọi người trở nên yêu thương và hòa hợp với nhau như thế nào.
Âm nhạc trong một dàn nhạc giống như mô hình xã hội thu nhỏ, mỗi người có một nhạc cụ khác nhau, ở vị trí khác nhau, làm việc khác nhau, có thể có lúc cãi nhau, nhưng mọi người đều cố gắng làm việc để đi đến sự hòa hợp và hoàn thiện.
Những em bị sang chấn tâm lí khi bị bỏ rơi dễ có xu hướng bỏ rơi người khác, những em bị đánh dễ có xu hướng giải quyết bằng cách đánh người khác. Qua dự án, các em được trải nghiệm cảm giác tôi có giọng nói, tôi có thể hát và rất nhiều người phải lắng nghe tôi. Hiệu ứng âm nhạc khiến các em cảm nhận được giá trị của mình và tự tin lên rất nhiều. Các em cũng học được cách yêu thương nhau, biết trân trọng cái đẹp của cuộc sống.
Công việc của dự án giống như công việc của người gieo hạt – chọn mảnh đất tốt, tưới tắm, chăm lo và chờ đợi hạt nảy mầm. Mình hi vọng và tin là sẽ có những cái hạt nảy lên thành những cái cây đẹp.
Hi vọng đó có giống hi vọng đối với sự phát triển đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay?
Trang cảm thấy có một nghịch lý rất lớn trong đời sống âm nhạc Việt Nam, đó là rất nhiều người nghe nhạc nhưng rất ít người chơi được nhạc. Ở Anh, ngay các thành viên của một gia đình bình thường cũng có thể chơi các nhạc cụ khác nhau. Trang lo lắng tại sao ở ta việc chơi nhạc vẫn là một thứ xa hoa đến thế. Bởi nếu không chơi nhạc thì sẽ không cảm nhận hết vẻ đẹp của âm nhạc.
Theo bạn vì sao lại có nghịch lý đó?
Lí do có thể là trên các sân khấu, thói quen dành sự ưu ái dành cho người hát nhiều hơn hơn là cho những người chơi nhạc ở phía sau. Nhưng lí do lớn hơn là chúng ta vẫn nghĩ việc chơi nhạc đòi hỏi những khả năng đặc biệt, trời phú.
Như Trang biết, Giáo dục âm nhạc đã được triển khai trong các trường phổ thông trên toàn quốc từ năm 2002. Nhưng trong chín năm học nhạc, học sinh hầu như chỉ học hát mà không được “sờ” vào nhạc cụ nào – điều này sẽ khiến các em thấy việc chơi nhạc dường như là điều bất khả đối với số đông. Mà học hát chỉ là một phần trong âm nhạc. Giống như chỉ được vẽ bút chì mà không được vẽ bút màu, những đứa trẻ sẽ không biết được đỏ cộng với vàng thì ra da cam, tương tự như thế Violin cộng với Piano thì sẽ cho ra hòa âm như thế nào.
Dĩ nhiên, âm nhạc cần sự cố gắng, âm nhạc là vũ khí của niềm hi vọng, chỉ có người nào có niềm hi vọng và cố gắng đạt được nó mới chơi được nhạc. Trang nghĩ những ai muốn chơi nhạc thì đều phải nỗ lực rèn luyện đấy.
Xin cảm ơn Trang về cuộc trò chuyện và chúc bạn thành công với những dự định của mình!
Dự án Dàn hợp xướng Kì Diệu, nay là Dàn hợp xướng và giao hưởng Kì Diệu, được Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc tại Việt Nam đỡ đầu. Trong ảnh: Ca sĩ Park Sung Min dạy hát cho các em nhỏ trong một buổi học của Dàn hợp xướng (Hảo Linh). Dàn hợp xướng Kỳ Diệu do vợ chồng nghệ sĩ piano Trang Trịnh và nghệ sĩ opera Park Sung Min khởi xướng vào tháng 10 – 2013 với các buổi tập hát diễn ra hằng tuần vào chiều chủ nhật tại Trường quốc tế Hàn Quốc. Tại đây, các em có một phòng tập khép kín với đầy đủ phương tiện luyện thanh cần thiết. Việc đi lại của các em từ các trung tâm bảo trợ xã hội tới địa điểm tập luyện và ngược lại cũng được hoàn toàn hỗ trợ. Vào tháng Ba vừa qua, dự án đã tiến một bước lớn với việc quyên góp các loại nhạc cụ như đàn piano, violin, guitar, trống, ukulele v.v. để bắt đầu chương trình dạy nhạc cụ cho các em và chính thức đổi tên thành Dàn hợp xướng và giao hưởng Kỳ Diệu. |