Gioachino Rossini: Người khổng lồ của bel canto

Bằng tài năng siêu việt của mình, Gioachino Rossini đã vực dậy nền opera Ý đang trong cơn khủng hoảng và chấn hưng lại nghệ thuật hát bel canto tưởng như đã bị chìm vào quên lãng. Cùng với hai nhạc sĩ đương thời là Gaetano Donizetti và Vincenzo Bellini, Rossini được coi là người khổng lồ của bel canto.

Nhà soạn nhạc Gioachino Rossini. Nguồn: Wikipedia.

Vực dậy nghệ thuật opera Ý

Gần như trong suốt thế kỉ 18, nền opera Ý bị chìm khuất. Thời kì Cổ điển là thời kì lên ngôi của các thể loại giao hưởng, concerto và sonata. Vinh quang trên sân khấu opera lại thuộc về nhà cải cách opera vĩ đại người Đức Christoph Willibald Gluck hay Wolfgang Amadeus Mozart. Và dù rằng những vở opera tiếng Ý vẫn thường xuyên được biểu diễn mà tiêu biểu là Le nozze di FigaroDon Giovanni thì không phủ nhận được thực tế rằng tác giả của chúng – Mozart là một người Áo. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Gioachino Antonio Rossini được coi như ngôi sao sáng trong đêm đen, như ngọn hải đăng giữa đại dương mù mịt bão táp. 

Số phận dường như đã định sẵn cho Rossini làm được điều đó khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại Pesaro, một thành phố nhỏ tại Adriatic ven bờ biển Địa Trung Hải, nước Ý. Giuseppe, cha của ông là nhạc công kèn horn và là thanh tra thú y, mẹ ông Anna, con gái người làm bánh mì và là một ca sĩ. Cha mẹ Gioacchino dạy cậu những bài học âm nhạc đầu tiên từ rất sớm và lên 6 tuổi, cậu đã chơi triangle trong ban nhạc của người cha.

Cha của Rossini là người thân Pháp và ông đã chào mừng quân đội của Napoleon khi chúng tiến vào miền Bắc nước Ý. Vào năm 1796, khi nước Áo khôi phục được thể chế. Cha của Rossini bị tống vào tù và mẹ cậu bé đưa Gioacchino đến Bologna – một trung tâm thanh nhạc của nước Ý thời kì đó và kiếm sống bằng cách hát tại một số nhà hát của vùng Romagna, nơi mà chỉ hai năm sau bà được gặp lại chồng mình. Trong suốt thời gian này, Gioacchino thường xuyên sống với bà nội, người tỏ ra bất lực trong việc dạy dỗ cậu bé.

Rossini là một nhà cách tân lỗi lạc. Ông đã khắc phục được lối hát khoe giọng của các ca sĩ thời đó, tăng sức biểu cảm của dàn nhạc khiến vở opera trở thành một tổng thể hoàn chỉnh. Những cải cách của ông mang tầm cỡ thời đại và ảnh hưởng của ông không hề thua kém Gluck hay Wagner.

Gioachino trông coi những người mổ thịt lợn ở Bologna trong khi cha cậu thổi kèn horn tại nhà hát – nơi mà mẹ cậu cũng tham gia với tư cách ca sĩ. Cậu bé có ba năm học harpsichord với thầy giáo Prinetti ở Novara, nhưng Prinetti chỉ chơi đàn với hai ngón tay, kết hợp việc chơi nhạc của mình với công việc kinh doanh rượu mùi và thường ngủ thiếp đi ngay khi đang đứng, vì vậy hay phải nhận những lời phê phán và chỉ trích của người học trò.

Gioacchino bỏ học ở chỗ Prinetti và theo học nghề thợ rèn. Ở Angelo Tesei, cậu gặp được một thầy giáo cùng sở thích với cậu và học cách thị tấu để có thể đệm piano cũng như học hát để có thể đơn ca tại nhà thờ, khi đó cậu mới lên 10. Năm 1805, khi 13 tuổi, Gioacchino có buổi biểu diễn đầu tiên và cũng là duy nhất với tư cách ca sĩ tại nhà hát Commune trong Camilla của Paër. Cậu cũng thể hiện năng khiếu chơi kèn horn theo bước người cha.

Năm 1807, chàng trai trẻ Rossini được nhận vào lớp học đối vị và phức điệu của thầy Padre P. S. Mattei và ngay sau đó là học cello với Cavedagni tại nhạc viện Bologna. Rossini đã tỏ ra hiểu biết sâu sắc các tứ tấu và giao hưởng của Haydn và Mozart một cách đáng kinh ngạc. Tại Bologna, Rossini được biết đến với cái tên “Il Tedeschino – người Đức” về sự sùng bái mà ông dành cho Mozart. Năm 1808, ông giành giải nhất cuộc thi sáng tác do Nhạc viện Bologna tổ chức với bản cantata “Il pianto d’Armonia sulla morte d’Orfeo”. Hai năm sau, khi mới 18 tuổi, ông tốt nghiệp nhạc viện với vở opera đầu tay của mình La Cambiale di matrimonio (Hóa đơn thanh toán đám cưới). Thông qua sự giúp đỡ của người bạn Marquis Cavalli, vở opera một màn này đã được công diễn tại Venice và gây được tiếng vang nhất định. Với những mối quan hệ của bố mẹ Rossini, vở La Cambiale di Matrimonio tiếp tục được biểu diễn tại một số nhà hát ở phía Bắc nước Ý. Chính những thành công ban đầu này đã khiến Rossini tập trung vào sáng tác opera. Chỉ trong vòng 16 tháng sau, ông đã hoàn thành 7 vở opera trong đó có vở La pietra del paragone đã được biểu diễn tại La Scala vào năm 1812 – tất cả đều là opera buffa (opera hài hước). Dù vậy, cuộc sống của Rossini lúc này khá khó khăn. Ông hồi tưởng lại: “Tôi đi hết thành phố này đến thành phố nọ, viết đủ mọi thứ nhưng vẫn thiếu thốn”.

Vở opera buffa L’Italiana in Algeri (Cô gái Ý ở Algiers) trên sân khấu Met. Nguồn: Met.

Năm 1813, Rossini viết hai vở opera và trở nên nổi tiếng. Tháng hai, Tancredi, vở opera seria đầu tiên của ông dựa trên tác phẩm Gerusalemme liberata của nhà thơ Ý thế kỉ 16, Torquato Tasso được công diễn tại nhà hát La Fenice, Venice. Và ba tháng sau, tại Teatro San Benedetto, Venice, vở opera buffa L’Italiana in Algeri (Cô gái Ý ở Algiers) đã gây ra ấn tượng rất mạnh với khán giả. Tuy nhiên, một vài vở opera sau đó thì lại giành được ít thành công hơn, trong số này có cả vở opera buffa rất thu hút và vui nhộn Il Turco in Italia (Người Thổ Nhĩ Kỳ ở Ý, 1814), một vở có cốt truyện gần giống với L’Italiana in Algeri.

Năm 1815, Rossini được Teatro San Carlo, Naples đặt hàng viết một vở opera và thế là Elisabetta, Regina d’Inghilterra (Elizabeth, nữ hoàng Vương quốc Anh) ra đời. Tác phẩm này được ông chăm chút rất tỉ mỉ vì vai chính được dành cho ca sĩ giọng soprano người Tây Ban Nha Isabella Colbran – người rất được khán giả Naples mến mộ. Cho đến năm 1822, Rossini sống tại Naples. Và đây là thời kì cực thịnh trong sự nghiệp sáng tác của ông. Ông viết gần 20 vở opera theo lời mời của Teatro San Carlo cũng như những nhà hát khác trên toàn nước Ý. Hầu hết những vai nữ chính trong các vở opera này đều do Isabella Colbran hát. Sau khi rời Naples vào cuối năm 1822, hai người đã kết hôn.

Một kho tàng opera rực rỡ

Kiệt tác của Rossini và cũng là kiệt tác trong kho tàng opera thế giới: Il Barbiere di Siviglia (Người thợ cạo thành Seville) dựa theo vở hài kịch cùng tên của Pierre Beaumarchais được hoàn thành chỉ trong ba tuần lễ và được công diễn tại Rome vào đầu năm 1816. Thực ra, trước đó, Giovanni Paisiello – một nhạc sĩ rất nổi tiếng thời đó cũng sáng tác một vở opera lấy đề tài này – và rất được công chúng Ý mến mộ. Chính vì vậy khi Rossini sáng tác Il Barbiere di Siviglia, nhiều người đã dự đoán vở opera sẽ thất bại. Và quả thật, khi công diễn lần đầu tiên, đây là một thất bại vì gặp phải những tiếng la ó, phản đối từ phía những người hâm mộ Paisiello đồng thời tác phẩm vẫn còn nhiều chỗ sai sót. Nhưng chỉ vài hôm sau, Rossini chỉnh sửa là một số chi tiết và vở opera đã được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Il Barbiere di Siviglia đã trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của Rossini, đương thời khi ông sống đã có hơn 500 buổi biểu diễn tác phẩm này. Âm nhạc của Il Barbiere di Siviglia là sự kết hợp hài hòa và tô thêm vẻ đẹp tuyệt vời của các aria, recitativo, dàn nhạc và hợp xướng.

Trong những năm tiếp theo, Rossini vẫn tiếp tục sáng tác opera và những tác phẩm này tiếp tục mang lại danh tiếng cho ông với tư cách là tác giả opera số một đương thời. Cuối năm 1816, ông cho công diễn Otello, dựa theo vở kịch cùng tên của William Shakespeare. Đây cũng là một tác phẩm rất hay của ông (dù rằng không nổi tiếng bằng vở cùng tên của Verdi) và là một trong ba vở opera của mình mà Rossini hài lòng nhất (cùng với Il Barbiere di SivigliaGuillaume Tell). Vở opera tiếp theo của ông, La Cenerentola (Cô bé lọ lem, 1817) thất bại trong lần công diễn đầu tiên nhưng lại gặt hái được thành công tương tự như Il Barbiere di Siviglia tại London vào năm 1820 và New York vào năm 1825. Tuy nhiên, sau đó La Cenerentola bị chìm vào quên lãng và chỉ được nhớ đến vào nửa sau của thế kỉ 20 bằng hàng loạt những buổi trình diễn tại những nhà hát hàng đầu thế giới. Trái ngược lại, La Gazza ladra (Con chim ác là ăn cắp, 1817) rất nổi tiếng ngay từ những buổi đầu nhưng đến ngày nay thì hầu như không được công diễn, ngoại trừ phần overture trứ danh.

Trong năm năm tiếp theo, từ 1818 đến 1823, số lượng các vở opera của Rossini tiếp tục được gia tăng nhưng không có nhiều tác phẩm nổi bật. Chỉ có hai vở được sáng tác tại Naples là đáng chú ý. Năm 1818, Rossini viết Mosè in Egitto (Moses ở Ai Cập) và gây được tiếng vang trên toàn châu Âu. Thậm chí vở opera này còn được biểu diễn bằng tiếng Do Thái. Năm 1823, Semiramide được công diễn tại Venice, và đây được coi là một trong những thành tựu xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Rossini. Đây cũng là vở opera cuối cùng Rossini viết dành tặng cho giọng hát của vợ mình, người ít lâu sau đó cũng nghỉ hưu. Trong những năm này, Rossini thường xuyên cùng những nhà hát opera của Ý đi lưu diễn tại các nước châu Âu. Trong một lần tới Vienna vào năm 1822, Rossini đến thăm Beethoven và nhận được những lời khen ngợi từ nhà soạn nhạc vĩ đại này.

Rossini đi du lịch tới Paris và London vào năm 1823 và nhận lời mời của đích thân Vua nước Pháp Charles X làm Giám đốc Théâtre Italien, Paris với nhiệm vụ sáng tác và chỉ huy những vở opera mới. Bắt đầu nhận nhiệm vụ từ năm 1824 và ông đã phải làm việc rất vất vả để nâng cao trình độ biểu diễn của nhà hát. Năm 1826, Rossini đặt lời Pháp cho một số vở opera cũ của mình, ông sửa lại Maometto secondo (Mohamet đệ nhị) thành Le siège de Corinthe (Cuộc vây hãm ở Corinthe) và Mosè in Egitto thành Moïse et Pharaon (Moïse và Pharaon). Những vở opera cuối cùng của Rossini cũng được viết tại đây, trong đó có Le Comte Ory (Bá tước Ory, 1828) – gần giống với một vở operetta và Guillaume Tell (1829) – viết bằng tiếng Pháp dựa trên vở kịch cùng tên của nhà thơ Đức nổi tiếng Friedrich von Schiller. Vở opera này đã được giới phê bình rất tán thưởng nhưng lại bị công chúng đón chào với thái độ nhạt nhẽo. Nhưng rõ ràng rằng màn 2 là một tuyệt tác, Donizetti đã thốt lên: “Chính Chúa đã viết nên màn 2 này” và phần overture ngày nay luôn được biểu diễn thường xuyên như là một tác phẩm độc lập. Đây là vở opera lấy đề tài từ cuộc chiến tranh của đất nước Thụy Sĩ vào thế kỉ 13 chống lại sự thống trị của nước Áo. Đây là 1 vở opera seria có tới 5 màn và chính là tiền đề cho sự ra đời của trường phái grande opera của Pháp sau này. Ngôi nhà của ông tại Paris luôn có nhiều vị khách viếng thăm như Liszt, Paganini, Auber, Gounod, Thomas, Boito, Dumas cha, Delacroix và đặc biệt là chàng trai trẻ Giuseppe Verdi, người sau này sẽ nối tiếp Rossini với tư cách nhà sáng tác opera xuất sắc nhất nước Ý.

Sau Guillaume Tell, Rossini không viết thêm một vở opera nào nữa mặc dù ông chỉ mới 37 tuổi và còn sống tiếp 39 năm sau đó. Không ai rõ lí do tại sao ông ngừng sáng tác opera khi đang ở đỉnh cao của sự thành công dù rằng nhiều lời giải thích được đưa ra. Có người cho rằng đó là do Rossini không thích sự ái mộ của công chúng yêu opera Paris dành cho nhà soạn nhạc người Đức Giacomo Meyerbeer; người khác lại cho rằng Rossini tức giận khi chính quyền Pháp đã hủy hợp đồng với ông sau khi cuộc cách mạng tháng 7/1830 lật đổ Charles X thành công. Thậm chí có người còn cho rằng sức khỏe yếu và sự lười nhác gia tăng là nguyên nhân chính và họ chỉ ra thực tế rằng sau Guillaume Tell, Rossini đã định viết một vở opera mới dựa trên Faust của Johann Wolfgang von Goethe nhưng đành phải bỏ dở vì lí do sức khỏe.

Dù với lí do nào đi chăng nữa thì Guillaume Tell cũng là vở opera cuối cùng của Rossini. Sau khi rời Paris, Rossini đã quay về sống tại Bologna vào năm 1830. Năm 1831, ông đến Madrid, Tây Ban Nha và tìm thấy nguồn cảm hứng để sáng tác Stabat Mater mà ông hoàn thành vào năm 1842. Năm 1832, ông gặp Olympe Pelissier và đem lòng yêu cô. Sau khi Colbran qua đời năm 1845, một năm sau ông cưới Pelissier và chuyển đến sinh sống tại Florence vào năm 1848. Trong những năm này, Rossini sáng tác khá ít và sống chủ yếu nhờ vào những vinh quang đạt được trong quá khứ. Ông viết một số bài hát, một vài tiểu phẩm ngắn và hóm hỉnh cho piano mà ông gọi vui là Péchés de viellesse (Tội lỗi của tuổi già). Tác phẩm cuối cùng của Rossini là một sáng tác mang màu sắc tôn giáo Petite Messe Solonnelle (1863) dù rằng với âm nhạc đẹp, trong sáng, nó gần gũi với âm nhạc thế tục hơn. Ông không cho xuất bản những tác phẩm này và chúng chỉ được phát hiện vào thập niên 50 của thế kỷ 20. Ông chuyển đến sống tại Paris từ năm 1855 và qua đời tại đây vào ngày 13/11/1868. Rossini được chôn cất tại nghĩa trang Père Lachaise, Paris. Năm 1887, theo nguyện vọng của ông, di hài Rossini được chuyển về nhà thờ Santa Croce, Florence. Ngay sau khi Rossini qua đời, Verdi đã bắt tay vào viết bản Requiem để tưởng nhớ tới người nhạc sĩ vĩ đại.□

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)