Giới tính trong âm nhạc

Giới tính có ảnh hưởng đến âm nhạc trong cả ba giai đoạn: soạn nhạc, chơi nhạc, và nghe nhạc

Các nhà soạn nhạc nữ thường dành nhiều thời gian cho những chi tiết trong tác phẩm, chẳng hạn như làm sao để tiếng đàn violon trong phần cuối của đoạn kết chương một nối tiếp sang tiếng sáo flute thuộc đoạn đầu chương hai được dịu dàng, mềm mại nhất; hoặc dành phần lớn thời gian trong phòng thu âm để chỉnh giọng của cô ca sĩ này sao cho đừng vang quá, nhưng cũng không mềm quá, mỗi khi cô ấy hát đến từ “anh” ở đầu và cuối đoạn giữa cũng như ở cuối phần kết câu, mà đôi khi chỉ vì cô ca sĩ kia ăn mặc hơi “chóe” cũng làm cho nữ tác giả cảm thấy giọng hát ấy “chua” theo.
Các nữ nhạc công luôn dành nhiều sự quan tâm tới trang phục của mình mỗi khi biểu diễn cũng như tư thế chơi nhạc trên sân khấu, âm nhạc do họ chơi sẽ bị tác động bởi cách bài trí sân khấu, ánh sáng, cách ăn mặc của các cô gái cùng chơi nhạc bên cạnh, và vẻ mặt của nhạc trưởng nữa. Đối với các nữ ca sĩ thì, đương nhiên, trang phục của quan trọng không kém gì âm nhạc mà các cô sẽ hát, thậm chí nhiều khán giả phàn nàn rằng ca sĩ của chúng ta chỉ quan tâm đến phục trang, nhảy và múa, chứ mấy ai để ý đến phần âm nhạc của bài hát, và khán giả cả nam lẫn nữ thì chỉ “xem” nhạc bằng mắt chứ mấy ai đến rạp nghe nhạc bằng tai đâu!
Thực ra không nên quá khe khắt đối với các nữ ca sĩ, bởi phụ nữ làm đẹp là chuyện… đương nhiên. Chỉ có điều quan niệm “đẹp” của các cô so với cái “đẹp” của khán giả đôi khi không trùng nhau, chẳng hạn như muốn khoe đôi chân dài thì phải diện váy ngắn nhưng lại bị chê là “hớ hênh”…; mỗi ca sĩ khi ra trước sân khấu đều chịu nhiều sức ép từ các yếu tố âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, phục trang, khán giả…, trong khi nam ca sĩ tuy có được ít sự lựa chọn về trang phục nhưng lại tập trung hơn vào phần hát, còn nữ ca sĩ thì luôn có nhiều lựa chọn về trang điểm và phục trang lại thường bị phân tâm và khi biểu diễn, luôn phải giữ cân bằng giữa sự “tạo dáng” của cơ thể với sự “tạo âm (nhạc)” của giọng hát.
Khảo sát nhanh một số websites âm nhạc như nhacviet, nhacso, giaidieuxanh, yeuamnhac… có thể nhận thấy ngay rằng tỷ lệ người nghe là nữ yêu cầu những bài hát trữ tình nhiều hơn hẳn phía nam giới, những bài hát xuất xứ từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan thường được thính giả nữ chọn, trong khi bên nhóm nam lại tìm kiếm loại nhạc mạnh hơn trong HipHop, Rock, và Rap…; một điều khá thú vị là đối với các nhóm nhạc nữ (girlband) trong nước, thì khán giả nữ thích được xem họ biểu diễn trực tiếp, trên TV, hay xem qua đĩa hình, trong khi phần lớn khán giả nam chỉ cần nghe là đủ. Đơn giản là vì các cô gái trẻ luôn có nhu cầu về thời trang, khi nghe hát tốt nhất là nên có hình để xem những cô ca sĩ (đã quen hay chưa quen biết nào đó) ăn mặc như thế nào, trong khi đó các nữ khán giả thường rất chịu khó “soi lại” nữ ca sĩ từ dáng của đôi giày cho đến bộ váy, áo, khăn quàng, rồi kiểu tóc, màu son môi và kiểu mi mắt nữa, khá là chi tiết, khá là “phức tạp”…, và chính những điểm đặc trưng phụ nữ đó đã, đang và luôn ảnh hưởng đến trạng thái biểu diễn của các nữ ca sĩ trên sân khấu, bởi họ phải cùng một lúc “thuận theo” nhiều đối tượng khán giả khác nhau, tuổi tác khác nhau, giới tính khác nhau, trên cả ba lĩnh vực là âm nhạc, thời trang và hình dáng
Đối với nam ca sĩ, mọi việc có vẻ đơn giản hơn một chút, do ít bận tâm hơn và cũng ít bị “soi” hơn vào ngoại hình và trang phục, họ có được thời gian và tâm trí dành cho âm nhạc nhiều hơn và mạnh hơn. Những nam ca sĩ giỏi của dòng nhạc Rock và HipHop có thể dành hầu hết khả năng của mình vào việc thể hiện âm nhạc, kéo người nghe vào trong không gian âm nhạc và âm thanh rộng lớn, tập trung nhiều hơn vào lời ca và sự biểu cảm âm nhạc, điều đó giải thích tại sao tại các sân khấu âm nhạc lớn ở Mỹ và Châu Âu, số lượng bài hát do các nam ca sĩ thể hiện lại được ưa chuộng nhiều hơn hẳn so với phía nữ, và tỷ lệ nhóm nhạc nam (boyband) thành công nhiều hơn so với các nhóm nhạc nữ (girlband). Đối với một nhóm nhạc nữ, nếu một cô trong nhóm đi lấy chồng, thì khả năng cô ấy rời bỏ nhóm và phần còn lại đứng trước khả năng tan rã nhiều hơn trong khi đối với nhóm nhạc nam, việc thành lập gia đình của một ai đó trong nhóm hầu như không ảnh hưởng gì tới số lượng thành viên và chất lượng nghệ thuật của nhóm, đôi khi còn tăng thêm chất thi vị trong những tác phẩm mới nữa.
Trong khi nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong việc soạn nhạc, tương đương với nam giới trong quá trình chơi (biểu diễn) nhạc, thì lại áp đảo về số lượng người nghe nhạc. Thực tế cho thấy số lượng phụ nữ (đặc biệt là nhóm trẻ) và thời gian họ dành cho âm nhạc lớn hơn nhiều lần so với phía nam giới. Trong thị trường âm nhạc, đa số luôn mạnh hơn thiểu số, vậy có nghĩa là trong khi nam giới tập trung soạn nhạc, tạo ra nhạc thì phụ nữ có thể đi mua sắm, làm đẹp, và trang điểm, rồi quay lại thưởng thức thế giới âm nhạc vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng ấy…

Vũ Nhật Tân

Tác giả

(Visited 59 times, 1 visits today)