Giữ cây Ô-liu mãi tươi xanh trong tâm hồn?
Làm sao cứu vãn được nền văn học dân tộc thiểu số? Hay cụ thể hơn: làm sao cho văn chương dân tộc thiểu số có thể phát triển? Hiện đại hóa mà không đánh mất bản sắc dân tộc?
Sau Chiến tranh lạnh, trong khi một nửa thế giới nỗ lực không ngưng nghỉ cho hiện đại hóa về mọi mặt trong thời đại toàn cầu; thì nửa kia vẫn tiếp tục đổ máu để giành quyền xem ai là chủ của cái cây Ô-liu mỏng manh nào đó. Đây là khám phá độc đáo của Th.L.Friedman, sau thời gian dài quan sát biến động của thế giới, trong cuốn sách thời danh: The Lexus and the Olive tree .
Chiếc Lexus tượng trưng cho động lực làm giàu và hiện đại hóa; cây Ô-liu: cho bảo tồn bản sắc truyền thống của một cộng đồng. Cuộc chiến giữa Lexus và Ô-liu đang xảy ra trên phạm vi toàn thế giới, trong một khu vực, một đất nước, một cộng đồng và thậm chí, trong tâm hồn của mỗi cá nhân.
Đó là bi kịch của nhân loại. Ngày xưa, bản sắc này tìm mọi cách loại bỏ bản sắc khác; hay nói cách hình tượng: cây Ô-liu này luôn muốn nhổ bỏ cây Ô-liu kia thì nay, cây Ô-liu còn phải ra sức chống lại sức mạnh ghê gớm đến từ chiếc Lexus – cái Lexus có mặt quanh nó và, trong nó!
Vậy, làm sao cho Ô-liu sống cạnh/chung/với Lexus mà vẫn xanh tươi? Hay, làm sao một cộng đồng, dân tộc, cá nhân,… có thể giữ được bản sắc mà vẫn có thể hiện đại hóa xã hội, có thể dung hòa truyền thống với tiến bộ khoa học kĩ thuật siêu hiện đại?
Đó là câu hỏi sống chết của hôm nay, đặt ra cho mỗi thành viên cộng đồng, nhất là cho mỗi trí thức của cộng đồng ấy – không thể chạy trốn. Chúng ta đã từng sợ hãi: sợ mất bản sắc, mất cái tinh túy nhất do cha ông để lại. Đứng trước thách thức nghiệt ngã đến từ các nền văn hóa lớn hơn, các nước có nền kinh tế mạnh hơn, nền khoa học tiên tiến hơn, chúng ta thấy chúng ta quá lép vế. Chúng ta nhìn các cuồng phong ấy thổi tới với con mắt đầy mặc cảm: vừa khư khư ôm truyền thống vừa lắm lét học đòi hiện đại; vừa ra sức bảo tồn bản sắc vừa thầm hiểu rằng bản sắc kia sẽ bị tiêu vong, không chóng thì chày.
Nhưng sợ hãi, đâu phải chỉ tồn tại nơi tâm hồn Ô-liu mà, sợ hãi còn hiện hữu ngay chính tinh thần của Lexus nữa!
Trẻ em Chăm học kinh Coran |
Frederick Buell, trong Nationalist Postnationalism (1998), cho rằng chính Hoa Kì, quen với thái độ sống “độc văn hóa” (monoculturalism), luôn nhìn bằng con mắt kì thị các nền văn hóa khác, đã phải giật mình khi nhóm di dân đưa văn hóa mình du nhập vào Hoa Kì.
Nhìn vào hiện thực..
Về nền văn hóa Champa, nếu người Chăm biết duy trì truyền thống văn hóa dân tộc (bhap ilimo – từ dùng của Pauh Catwai), chẳng những Chăm không tự đồng hóa để mất hút vào nền văn hóa lớn là văn hóa Việt Nam [và thế giới] mà còn thêm vào đó một sắc thái mới, dòng chảy mới, rất đáng trân trọng. Hậu hiện đại từ chối tinh thần dân tộc chủ nghĩa bài ngoại (xenophobic nationalism), dẹp bỏ bệnh sợ ngoại nhân (xenophobia), thay thế chủ nghĩa dân tộc bằng chủ nghĩa dân tộc mở (open nationalism). Nó kêu gọi tất cả nhập cuộc.
Điều này rất thích hợp với tất cả dân tộc thiểu số khác. Và, rất thiết yếu với mọi nền văn hóa/dân tộc đa số khác.
Lễ hội Ka Tê |
Thế nhưng hiện thực văn học DTTS thế nào? Cụ thể hơn: thơ dân tộc thiểu số?
Thơ Dân tộc thiểu số Việt Nam – từ một hướng nhìn động là vừa đi vừa ngủ: ở đề tài, ngôn ngữ thể hiện lẫn thi pháp. Đó là chưa nói đến thơ được viết bằng tiếng mẹ đẻ. Lượng sáng tác còn quá khiêm tốn, và cũng chưa ai thử làm cái tổng kết!
Thử nêu sơ bộ 10 khuôn mặt văn nghệ dân tộc thiểu số hôm nay, xem họ đã và đang làm gì cho thơ tiếng dân tộc và ngôn ngữ dân tộc?
– Có 3 nhà thơ chỉ thuần sáng tác bằng tiếng Việt: Y Phương, Hơ Vê, Pờ Sảo Mìn.
– Hai người có tham gia nghiên cứu-dịch thuật vốn cổ văn học dân tộc, dù thành tích còn khá khiêm tốn: Triệu Kim Văn, Lò Cao Nhum.
– Dương Thuấn, dẫu thuộc thế hệ trẻ nhưng đã in một thi phẩm sáng tác bằng ngữ Tày, một bằng song ngữ Việt – Tày, là điều rất đáng khích lệ.
– Có 3 nhà thơ vừa sáng tác bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc bên cạnh nghiên cứu văn học và ngôn ngữ dân tộc, dù mỗi người đặt nặng từng khía cạnh mỗi khác: Nông Quốc Chân, Lò Ngân Sủn, Inrasara. Trong đó, đặc biệt nhà thơ quá cố Nông Quốc Chấn là người đã dịch ngược thơ Việt sang tiếng dân tộc.
– Ngoài ra, tôi muốn nêu thêm một tên tuổi quen thuộc: nhà thơ Triệu Lam Châu (sinh 1952, dân tộc Tày), anh còn dịch truyện Nga sang ngữ Tày nữa!
Qua phân tích, ta thấy đa phần nhà thơ người dân tộc thiểu số chú ý đến sáng tác bằng tiếng dân tộc, vẫn còn quan tâm đến đào sâu vào văn chương-ngôn ngữ dân tộc để làm giàu sang tiếng dân tộc đồng thời khai thác khía cạnh độc đáo trong ngôn ngữ dân tộc, từ đó vận dụng vào sáng tác thơ bằng tiếng phổ thông. Đây là điều rất cần thiết, có tác động qua lại mang tính biện chứng trong phát triển thơ song ngữ. Chính nhờ vận dụng lối nói, lối nghĩ dân tộc vào thơ mà các nhà thơ dân tộc thiểu số đã tạo được vài giọng riêng đóng góp vào nền thơ Việt thời gian qua.
Thế nhưng, như vậy vẫn còn là quá yếu so với yêu cầu thực tiễn từ phía ngôn ngữ dân tộc và người đọc là bà con dân tộc thiểu số. Nông Quốc Chấn: 6 tập, Dương Thuấn: 2 tập, Inrasara chỉ mới nửa tập! Đấy là chúng ta chỉ làm cái kê biên đếm đầu sách mà chưa bàn đến chất lượng. Việc nghiên cứu mang tính chiều sâu về ngôn ngữ-văn chương dân tộc càng yếu hơn nữa.
Đó là sáng tác. Còn thành tựu về nghiên cứu văn học dân tộc? Đâu là cái đặc trưng nhất của văn chương Chăm, Êđê? Của Tày, Mông…? Có thể nói, công tác sưu tầm-nghiên cứu của ta còn quá yếu! Chưa có bột thì lấy gì gột nên hồ? Bản sắc truyền thống chưa tìm thấy (hay không có?) thì lấy đâu mà hiện đại?!
Sáng tạo truyền thống…
Truyền thống, bản sắc có lẽ là khái niệm được sử dụng nhiều hơn cả khi nhắc tới văn hóa, thời gian qua. Nhưng thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Chăm? Nó được người Ấn mang tới hay do một nghệ sĩ Chăm nào đó nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã phá nhiều, rất nhiều (tiếp thu sáng tạo, như chúng ta dễ dãi nói thế). Trong hành động “phá” này, vô thức (bản sắc cũ) và ý thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần “phá” càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.
Như vậy, bản sắc chính/đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về là dũng cảm, dám và biết phá càng dũng cảm trăm lần hơn. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc (cũ), chúng ta đã tự cách li và cô lập mình với xung quanh. Và, chẳng nhích lên tới đâu cả!
Ngộ nhận bản sắc, truyền thống là ngộ nhận chung của các nhà thơ dân tộc thiểu số, lâu nay. Ngộ nhận khiến ta bám trụ vào “bản sắc”, kiên trì giữ giọng dân tộc bằng lối nói ngô nghê, ngọng ngịu như: cái ngày, ê hê… hay đùn cơ man từ “thuần” dân tộc dày đặc vào các trang thơ: thắng cố, thổ cẩm, vòng xoè, apsara, buôn, phum…
Ngộ nhận, ta bám vào các đề tài cũ kĩ, rất… nên thơ!
Đang giữa ánh điện rực sáng muôn vẻ muôn màu, không phải là không đẹp, không thích mắt, nhưng ta chỉ xem ánh trăng mới tràn đầy thi tính, mới nên thơ. (“không còn ánh trăng ngà cho thi sĩ làm thơ” – thơ Nguyễn Trọng Tạo). Tà áo dài thì nên thơ, còn váy ngắn: không! Cũng thế: làng quê/chự búa, thanh bạch bần hàn/giàu sang phong phú, yên tĩnh/sôi động, cảm xúc/lí trí… Thơ thì phải “nên thơ”, thế thôi.
Tâm thế bảo thủ mang tính xã hội xem vườn tre, mái nhà gianh, mảnh vườn… là bản sắc, thậm chí nâng cấp chúng thành “quê hương” (Quê hương là chùm khế ngọt…). Bảo thủ, ta đóng cửa lại trước thay đổi: ở Việt Nam, người nông thôn rời bỏ cái cuốc cái cày, đã và đang tràn vào thành phố, góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước; trên thế giới, sự phát triển ồ ạt của mạng thông tin toàn cầu biến thế giới thành một làng: làng toàn cầu. Đóng cửa, ta đẩy tư duy dấn thêm một bước rất lệch lạc: từ bỏ mảnh vườn, ao nhà là “bán quê hương”! Làm như thế giới mãi đứng yên một chỗ! Làm như xã hội Việt Nam chưa hề nhúc nhích, hơn hai thập kỉ qua!
Lối nhìn nhà quê bằng con mắt duy mĩ là thế. Trong lúc nông thôn hôm nay đang chịu một biến động lớn làm rung chuyển và thay đổi tất cả khía cạnh xã hội, nếp sống lẫn tâm thức con người. Nó đòi hỏi chúng ta có cái nhìn “động”.
Nhà thơ gắn bó sinh mệnh mình với nhân dân không chấp nhận nghèo, cực, khổ muôn đời đeo dính đời sống bà con thân thuộc. Ví chúng ta chưa đẩy lui được chúng thì cũng không nên đồng lõa với chúng. Đồng lõa bằng quan niệm sáng tác – dù ý thức hay không – xuất phát từ mĩ học nông nghiệp đã quá lạc thời.
Như vậy, nhà văn DTTS cần nhận biết truyền thống văn chương dân tộc, xem truyền thống là khái niệm mở-động và, nỗ lực “sáng tạo” truyền thống?
Ngôn ngữ là ngôi nhà của Tính thể.
Tư tưởng gia và thi sĩ là kẻ mục tử canh giữ ngôi nhà đó. Thi sĩ tồn tại qua, bởi và cho ngôn ngữ dân tộc. Không thể khác. Dù cho đó là thứ ngôn ngữ chịu phận thiểu số tới đâu, bị bỏ bê hay quên lãng từ bao đời đi nữa. Nó là của hắn. Định mệnh hắn quy thuộc vào nó, sáng tác tác phẩm của hắn vĩ đại hay nhỏ bé, sống đời hay yểu mệnh cũng bởi nó.
Nhưng đâu là ngôi nhà Chăm cho hắn an cư và làm cái nhiệm vụ canh giữ!? Trong lúc mái tranh kia đang bị dông gió của thời gian cùng bão tố của lòng người làm dột nát hay thất tán khắp nơi? Nhìn vào bảng thống kê tỉ lệ từ tiếng Việt đang được độn vào tiếng Chăm trong trao đổi thường ngày, tôi nghĩ trái tim chai cứng đến đâu cũng nao lòng:
– Lứa tuổi 20 – 35: 40 – 50%.
– Lứa tuổi 35 – 50: 30 – 40%.
– Lứa tuổi 50 – 70: 25 – 35%.
– Lứa tuổi trên 70: dưới 20%.
Tiếng Chăm ngày càng bị phủ bụi, lai tạp và đang đứng trước nguy cơ trở thành tử ngữ. Chính thi sĩ là kẻ mang sứ mệnh canh giữ ngôn ngữ dân tộc, phủi bụi, tắm gội và làm mới ngôn ngữ dân tộc. Nhưng lúc này, nhìn tới nhìn lui, còn ai sáng tác (sáng tác theo nghĩa sâu thẳm của sáng tạo) bằng tiếng Chăm? – Không ai cả! Và đâu thế hệ độc giả có thể tiếp nhận các sáng tác mới? Đáp lại câu hỏi nhiệt tình kia vẫn là tiếng vọng không. Cả nền văn học Chăm hình thành suốt 17 thế kỉ cũng đang bị bỏ ẩm mốc hay chưa được khai hoang đúng mức nữa là!
Thế là hắn phải đi, làm cuộc lang thang trở lại. Nhưng từ đây hắn hết còn lang thang không phương hướng, mà lên đường như thể một phiêu lưu mới: phiêu lưu ngược vào lòng ngôn ngữ dân tộc. Đây là biện chứng của ra đi và ở lại, đi mà định; của chuyển dịch và thường hằng, dịch mà hằng. Là cuộc phiêu lưu ngàn lần gian nan hơn, bấp bênh và dễ sa sẩy hơn. “Không chỉ đường trở về chúng ta còn làm quen với khuôn mặt quê hương/không chỉ bước tha phương chúng ta phải yêu thương con đường-bóng tối…” (Inrasara, Tháp nắng). Đó là đường trở về, trở về tắm gội tận suối nguồn của bản thể:
Một câu tục ngữ – một dòng ca dao
nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ
tôi tìm và nhặt
như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa – chắc thế!
(Inrasara, Tháp nắng)
Nhưng làm thế nào có thể gọi sự vật đúng tên khai sinh sự vật, với vốn ngôn ngữ nghèo nàn như thế? Và đâu là chất kích thích sáng tạo, với tầm đón đợi vô tình như thế từ phía người đọc vô hình? Các câu hỏi loại này nói lên sự thể người hỏi vẫn còn mắc kẹt phía bờ này chân trời của kẻ thiếu Quê hương. Chưa đáo bỉ ngạn! Một thi sĩ cư trú và canh giữ ngôn ngữ dân tộc không “chê” ngôn ngữ đó nghèo nàn hay giàu sang. Bởi biết đâu, chính sự giàu sang của ngôn ngữ bạn đang che giấu nghèo nàn bên trong nó, một nghèo nàn không gì hơn tố giác sự sa đọa ngôn ngữ của người sử dụng. Sự múa may quay cuồng của người làm thơ hôm nay trong sự giàu sang-nghèo nàn của ngôn ngữ thơ ca của họ đang làm cho sự sa đọa kia lộ thiên đồng thời che giấu chân tướng của nó. Đã không ít thi sĩ rời bỏ bổn phận canh giữ mái nhà của Tính thể, mà chỉ lo chạy vạy cạnh tranh tăng giá thương hiệu trước công chúng, tự hiến mình làm nô lệ cho đám đông thụy du. Thế hệ thi sĩ thiếu Quê hương bị cuốn phăng vào cuồng lưu ngôn ngữ sa đọa, để cuối cùng chịu thao túng và trôi giạt cùng đám mảnh vỡ của vô số phương tiện truyền thông đại chúng. Họ tự vuốt ve và vuốt ve nhau trong nỗi khốn cùng của kẻ mất nhà, không nơi nương tựa.