Giữ hồn cồng chiêng
Chắc ai cũng biết cồng chiêng (người Tây Nguyên gọi là cing) là nhạc cụ quan trọng nhất ở Tây Nguyên. Nhưng có lẽ chắc không phải ai cũng biết vai trò của cing trong đời sống của người Tây Nguyên cụ thể là như thế nào, quan trọng và sâu sắc đến dường nào. Chính tôi cũng vậy, cho đến lần ấy...
Chúng tôi kéo vào làng. Hóa trang. Bố trí máy móc. Dàn đội hình… Nhưng rồi bỗng xẩy ra một chuyện bất ngờ: đồng bào không chịu đánh cing. Nhất định không. Không đánh, và cũng không cho chúng tôi được đánh, dầu chúng tôi có mượn được cing và mang người đánh cing từ nơi khác đến. “Không được đánh cing trong làng đâu! Yang (Thần linh) không cho đâu!” – cụ già làng nghiêm khắc bảo.
Tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm ở Tây Nguyên, tôi biết thế là không xong rồi: già làng đã nói không thì chẳng còn gì lay chuyển được nữa. Đành giải tán và rút lui.
Đêm đó tôi lại vào làng, và bên bếp lửa nhà sàn, chính cụ già làng sáng nay đã ân cần, chậm rãi và thâm trầm nói với tôi về cing, vai trò và ý nghĩa của nó trong đời sống của con người ở đây. Vô cùng thâm thúy, và cũng thật lạ lùng.
Đối với người Tây Nguyên, cing hoàn toàn không chỉ là một nhạc cụ, đánh cing hoàn toàn không chỉ là chơi nhạc, dù là chơi nhạc với ý nghĩa nghệ thuật sâu sắc đến bao nhiêu đi nữa.
Muốn hiểu cing, trước hết phải hiểu con người Tây Nguyên quan niệm như thế nào về thế giới quanh mình, và chính mình trong thế giới ấy. Đối với người Tây Nguyên, trong vạn vật đều có Thần Linh. Cũng có thể nói Thần Linh chính là Tự nhiên đó, là rừng, là núi, là cây, là đá, là suối, là sông, là gió, là nước, là căn nhà, là bếp lửa, là hạt thóc trên rẫy, là cây knia đứng ở đầu làng…, tất cả đều có hồn. Con người là một bộ phận nhỏ gắn liền, hòa tan trong cái thế giới có hồn ấy, và phải có một ngôn ngữ để giao tiếp với các bộ phận có hồn khác trong thế giới đó. Ngôn ngữ ấy chính là tiếng cing. Nếu đêm đêm bạn đi qua trên những đồi núi bát ngát của Tây Nguyên và nghe vang động sâu thẳm trong không gian mênh mang những tiếng cing lúc trầm lắng lúc sôi động, lúc thầm thì lúc rộn rã…, ấy chính là những con người Tây Nguyên đang nói chuyện với Thần Linh – cũng tức là với Tự Nhiên -, đang tâm sự, đang trao gửi, đang thổn thức, đang bày tỏ với Tự Nhiên. Bởi họ là con đẻ, mà cũng là người bạn thân thiết, máu thịt của của Tự Nhiên mênh mông, vĩnh hằng, vô thủy vô chung, vừa hiển hiện vừa bí ẩn ấy. Đêm đêm họ nói với Tự nhiên, với Thần Linh, như con nói với Mẹ, bằng tiếng cing.
Anh: Tienphong online |
Tây Nguyên mênh mang. Từ làng này qua làng khác thường cách nhau cả từng cụm núi lớn, hay những bình nguyên bát ngát. Con người ở đây nói với nhau bằng cách nào? Chẳng cần điện thoại hữu tuyến hay vô tuyến đâu. Họ nói với nhau qua không gian rừng bằng tiếng cing. Bằng tiếng cing, qua không gian rừng, các làng trò chuyện, tâm sự với nhau, thông báo cho nhau mọi điều, tin vui một đứa bé vừa chào đời, tin buồn một cụ già vừa mất, gửi đến nhau một lời mời tới cuộc lễ hội đang được chuẩn bị, hẹn nhau một cuộc gặp gỡ ngay ngày mai hay trong tuần trăng tới, cấp báo cho nhau một tai họa, cầu mong một sự giúp đỡ, hẹn cùng nhau một cuộc phiêu lưu- một cuộc săn voi trong rừng già, chẳng hạn- hoặc đơn giản nhắn nhau một lời chào bình dị: “Chào bạn, ở chỗ chúng tôi mọi sự vẫn bình thường. Còn ở chỗ bạn?…”
Người ta nói với nhau bằng tiếng cing, và người ta hiểu, bởi người Tây Nguyên, từ trong máu của họ, trong các gen của họ, dường như đã được trang bị một bộ mã bẩm sinh: họ có thể đọc được tiếng cing, như ta đọc một bức điện tín vậy.
Có điều này cần chú ý: vậy thì ngôn ngữ các làng nói với nhau qua không gian rừng cũng chính là ngôn ngữ con người giao tiếp với Thần Linh. Vì sao thế? Đối với người Tây Nguyên chẳng có gì lạ: Thần Linh luôn có mặt trong mọi biểu hiện sống của con người. Và con người cũng thiêng liêng như chính Thần Linh vậy. Ở đây Thần Linh không đứng trên và xa lạ. Họ ở ngay trong cuộc sống của chúng ta, là một bộ phận không thể tách rời của cuộc sống ấy…
Chẳng phải “mê tín” đâu, cả một triết lý sống, phải không?
Cho nên người Tây Nguyên không bao giờ bỗng nhiên vô cớ lại đi đánh cing. Có lẽ cũng giống như người Kinh không bao giờ bỗng nhiên vô cớ lại đi thắp nhang và cắm lên ở bất kỳ đâu đó. Đánh cing là mời gọi Thần Linh về, và người ta chỉ mời gọi Thần Linh khi có việc hệ trọng, thiêng liêng.
Chúng tôi đã dốt nát không hiểu điều đó khi chúng tôi vào làng và “vô cớ” đòi đánh cing trong làng. Già làng, thay mặt làng, đã nhất quyết từ chối chúng tôi là vì vậy đó.
Trong một chuyến đi về vùng Kinh Bắc mới rồi, tôi có được nghe mấy liền chị quan họ bảo rằng bây giờ có đến ba thứ quan họ: “quan họ đài”, hát gần như Tây trên đài, “quan họ đoàn” của các đoàn chuyên nghiệp, hương đồng gió nội cũng đã bay đi ít nhiều. Và “quan họ làng”, chân chất và đằm thắm vô cùng của trai gái làng, chỉ hát chay, không có nhạc đệm bao giờ. Người Kinh Bắc chính cống thực ra chỉ công nhận một thứ quan họ ấy. Cồng chiêng cũng vậy thôi, không thể tách nó ra khỏi đời sống tâm linh của con người ở làng. Cần giữ cho được chính nền cồng chiêng đó.
***
UNESCO vừa công nhận nhạc cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa thế giới. Có thể hơi muộn, song thật xứng đáng, đối với một thực thể văn hóa gắn với cõi tâm linh hiền minh và thâm thuý đến thế của con người ở đây. Để mà hiểu thấu nó hơn và gìn giữ nó tốt hơn. Duy có điều rất cần nhớ: đời sống thật của cồng chiêng là ở trong các làng, gắn với đời sống tâm linh sâu thẳm của con người Tây Nguyên, chứ không phải trên các sân khấu đã được hiện đại hóa.
Nguồn tin: Tia Sáng