Giữ lửa cho đời sau…

Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến nay làng gốm Thanh Hà (Hội An) – một làng nghề lâu đời, có tính chuyên môn hóa cao - vẫn bảo tồn được nguyên vẹn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, đặc biệt là những tri thức dân gian về nghề.

Đến với di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An, hẳn không ít người đã từng một lần ghé thăm một làng gốm nhỏ ven sông Thu Bồn, nơi cách nay hơn nửa thiên niên niên kỷ là một trung tâm sản xuất, buôn bán đồ gốm đất nung có tiếng, cung cấp sản phẩm cho các tỉnh miền Trung.

Câu ca dân gian xứ Quảng:

“Lửa chi lửa rực sáng lòa
Nghề gốm, nghề gạch Thanh Hà là đây”

đã phần nào phản ánh sự phát triển sôi động của nghề gốm Thanh Hà trong lịch sử.

Ngày nay, cùng với làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà tạo thành một hệ thống vành đai làng nghề bao quanh khu phố cổ.

Thanh Hà cũng như bao làng gốm cổ truyền khác ở Bắc – Trung bộ có địa thế giao thương thuận lợi – vừa gần sông (sông Thu Bồn, sông Lai Nghi), vừa cận biển (biển Cửa Đại), lại kề với cảng thị Hội An nên sớm trở thành một trung tâm sản xuất gốm đất nung nổi tiếng, cung cấp sản phẩm cho Quảng Nam và các tỉnh lân cận.

Vào khoảng thế kỷ XVII, XVII, một số người di cư từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Thanh Hà lập làng, đem theo nghề làm gốm đến nơi đất mới1. Theo chân của những người đến khai phá, nghề gốm nhanh chóng phát triển, ban đầu gốm được sản xuất chủ yếu tại làng Thanh Chiêm (nay thuộc khối V phường Thanh Hà), sau đó chuyển dần lên các ấp Nam Diêu2, An Bang (nay thuộc khối V, phường Thanh Hà).

Từ thế kỷ XVII, do việc xây dựng các kiến trúc dân dụng ở đô thị cổ Hội An phát triển nhanh, kéo theo nhu cầu về gạch ngói và vật liệu xây dựng đất nung tăng cao. Đây là giai đoạn phát triển thịnh đạt nhất của làng nghề gốm Thanh Hà. Gạch ngói và các vật dụng đất nung từ các lò gốm Thanh Hà trở thành mặt hàng được các lái buôn theo đường sông đưa đến khắp các tỉnh miền Trung.

Đến thế kỷ XIX, miếu thờ Tổ nghề gốm được xây dựng Nam Diêu cho thấy giai đoạn này nghề làm gốm vẫn phát triển thịnh đạt.

Cho đến đầu thế kỷ XX, nghề làm gốm tại Thanh Hà vẫn phát triển rất mạnh, hoạt động sản xuất, buôn bán diễn ra nhộn nhịp, cả làng có đến 40 – 50 hộ làm gốm với khoảng 200-300 thợ, có nhà có đến 203 bàn xoay gốm3, khoảng 10 hộ có ghe, bầu để phục vụ vận chuyển, buôn bán đồ gốm đến các tỉnh lân cận.

Đội ngũ thương lái buôn bán, vận chuyển đồ gốm Thanh Hà bằng ghe, bầu, thuyền trên sông Thu Bồn theo đà phát triển của làng nghề cũng tăng nhanh về số lượng, trở thành lực lượng trung gian trao đổi hàng hóa giữa Thanh Hà với các địa phương khác. Họ mang gốm đến các nơi để tiêu thụ và mang về các hàng hóa lâm, thổ sản để phục vụ đời sống người dân nơi đây. Cho đến nửa sau thế kỷ XX, hoạt động buôn bán gốm bằng ghe, bầu mới dần dần bị thay thế bằng các phương thức vận chuyển khác.

Cho đến nay, gốm Thanh Hà vẫn được làm hoàn toàn bằng tay theo phương thức thủ công truyền thống. Thanh Hà sản xuất chủ yếu đồ gốm đất nung (không tráng men), màu gốm đỏ tươi, xương gốm mịn, độ nung không cao lắm.

Quy trình sản xuất ra một sản phẩm qua nhiều bước: làm đất, tạo hình bằng bàn xoay, sửa nguội4, phơi, nung.

Đồ gốm Thanh Hà được tạo tác từ nguyên liệu đất sét vàng. Nguồn đất sét nguyên liệu trước đây được khai thác tại chỗ, nay được mua từ Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc. Theo kinh nghiệm dân gian thì đất sét vàng được chọn để làm gốm là loại đất có độ dẻo, kết dính, không lẫn tạp chất. Đây là ba yếu tố quan trọng góp phần cho việc tạo hình phôi gốm được mềm mại, đẹp mắt. Loại đất này sẽ cho ra sản phẩm gốm có độ chịu lực tốt, màu sắc áo gốm đỏ/hồng, mịn màng, tươi sáng. Muốn biết độ dẻo của đất, người thợ ngắt một mẩu đất sét, dùng tay se thành sợi dài (con trạch đất) rồi bẻ cong, gấp hai đầu con trạch đất lại với nhau, nếu con trạch đất không bị nứt, gãy là đất sét dẻo.

Sau khi tuyển được nguồn đất sét tốt, người thợ làm đất phải nhồi, đạp đất cho mịn, dẻo để loại bỏ dần tạp chất. Nếu đất không đạt độ dẻo, còn lẫn tạp chất (cát, sỏi, sạn…) thì khi chuốt phôi gốm dễ bị nứt, vỡ. Đất sét mua về làm nguyên liệu không được để quá lâu (thường không để quá một năm) vì đất sẽ mất độ kết dính.

Khi đất đã được luyện kĩ thì khối đất lớn được chia thành từng phần nhỏ để se thành các con trạch đất. Người thợ chuốt gốm ngắt một lượng đất đủ dùng để tạo phôi một sản phẩm gốm từ con trạch đất đã se sẵn. Trước khi tạo dáng phôi gốm phải chuốt phôi. Thường khi chuốt gốm phải có hai người (phụ nữ), một người đứng, hai tay se con trạch đất để chuẩn bị nguyên liệu cho các sản phẩm kế tiếp, một chân đứng trụ, chân kia đạp bàn xoay, người còn lại lấy con trạch đất đặt lên bàn xoay, cuộn dải đất thành hình trụ tròn rồi dùng tay kết hợp con sò (dụng cụ chuốt gốm), giẻ lau ướt tạo dáng sản phẩm.

Phôi gốm sau khi được chuốt tạo dáng xong được đem ra ngoài hong trong bóng râm, đến khi gốm se mặt sẽ khắc hoa văn. Sản phẩm gốm đất nung truyền thống ít khi được trang trí hoa văn, nếu có thì chỉ là một – hai đường chỉ khắc chìm song song trên vai sản phẩm hoặc dùng hoa văn khắc vạch hình sóng nước.

Phôi gốm sau khi đã được phơi kỹ được chất vào lò nung, sản phẩm kích thước nhỏ lồng vào trong lòng sản phẩm kích thước lớn hơn rồi chồng xếp thành tầng trong lò.

Lò nung ở Thanh Hà trước đây gốm có bốn loại: lò xanh (dùng để nung đồ sành, nhiệt độ nung lớn (trên 1.1000C), yêu cầu cao về kỹ thuật nung, dẫn lửa, điều tiết lửa, thời gian nung), lò đỏ (dùng để nung đồ gốm không men, kích thước, quy mô nhỏ hơn lò xanh, kết cấu, yêu cầu kỹ thuật, nhiệt độ nung thấp không cao như lò xanh), lò nung ngói, lò nung gạch.

Giai đoạn những năm 1980, do nguồn tiêu thụ giảm mạnh, đồ sành không được ưa chuộng nên Thanh Hà dần dần không sản xuất đồ sành, loại lò xanh cũng dần biến mất. Từ năm 2002, theo chủ trương giảm thiểu ô nhiễm môi trường của UBND tỉnh Quảng Nam, hoạt động sản xuất gạch ngói trong khu dân cư cũng bị đình chỉ sản xuất. Đến nay, chỉ có ấp Nam Diêu thuộc khối 5 phường Thanh Hà là khu vực tập trung lò đỏ chuyên sản xuất gốm đỏ truyền thống, gốm mỹ nghệ, con thổi5.

Trong quá trình sản xuất, sự phân công lao động giữa nam – nữ, quan hệ giữa chủ lò với thợ làm gốm, chủ lò – lái buôn, giữa thợ đẩy và thợ chuốt được hình thành theo những quy định bất thành văn nhưng cực kỳ chặt chẽ để đảm bảo việc giữ vững quan hệ sản xuất trong làng nghề. Trong một gia đình, nghề gốm thường truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong đó khâu chuốt gốm do cần sự kéo léo, tỉ mỉ, thường do phụ nữ đảm nhận nên được truyền nghề từ mẹ sang con gái. Thợ làm đất, thợ lò thường do đàn ông làm do đây là những công việc cần đến sức khỏe.

Không gian ấp Nam Diêu hẹp nên chỉ một số ít nhà có đất dựng lều chuốt, cất lò, phơi gốm, các hộ khác thì thuê đất nhàn rỗi của các hộ lân cận (không làm gốm) để sản xuất. Theo truyền thống, trước khi nung, các hộ làm gốm phải liên hệ trước với chủ lò để sắp xếp thời gian nung; mỗi đợt nung, chủ lò được hưởng vài sản phẩm đẹp nhất, bán để lấy tiền cúng Tổ nghề và tu sửa lò. Hiện nay, chủ lò cho các hộ làm gốm đến thuê nung.

Sản phẩm gốm Thanh Hà hiện nay rất phong phú, đa dạng với hàng chục loại hình, phục vụ cho nhu cầu xây dựng (gạch, ngói), đồ trang trí kiến trúc (đèn vườn, đèn trang trí, tượng, phù điêu nghệ thuật…) đồ gia dụng (lu, chum, vại, bình, vò, nồi, hũ, ấm, chén…), đồ nghi lễ, thờ cúng (chân đèn, lư hương, tiểu sành…), các phương tiện, công cụ sản xuất của nghề thủ công (âu đựng suốt dệt vải, vại ươm tơ…). Sản phẩm được các lái buôn vận chuyển bằng phương tiện đường bộ tiêu thụ ở Quảng Nam, Đà Nẵng.

Quy mô hoạt động của làng gốm Thanh Hà hiện nay chỉ còn 23 hộ làm nghề với 100 thợ gốm. Trong đó, chỉ có sáu hộ chuyên sản xuất gốm đỏ truyền thống với bốn lò nung gốm, năm bàn xoay chuốt gốm, sử dụng tám thợ chuốt, sáu thợ đẩy, năm thợ làm đất, bảy thợ lò.

Từ cuối thế kỷ XX trở lại đây, thợ gốm Thanh Hà đã tiếp thu kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ, trong đó có nhiều loại hình sản phẩm được tạo hình bằng khuôn rót, nung trong lò ngửa/ lò ga quy mô nhỏ như con thổi, tượng, phù điêu Chăm, mô hình Chùa Cầu… Một hướng phát triển mới gắn với du lịch cũng được mở ra cho làng nghề.

Khách du lịch theo tour hoặc tự mình có thể đến thăm làng gốm, nghiên cứu và thực hành làm gốm. Ngay từ đầu làng, những gian hàng gốm được trưng bày trong nhà, ngoài sân, ngay sát lối đi. Gốm treo trên cây, dọc hàng rào, quanh lối đi theo bước chân khách. Trừ mùa mưa lũ (tháng 10, tháng 11 âm lịch) nước sông Thu Bồn dâng cao, làng phải tắt lửa lò, thời gian còn lại trong năm du khách đến Thanh Hà đều có thể tận mắt chứng kiến – tham gia vào các công đoạn cho đến khi hoàn chỉnh một sản phẩm gốm đất nung theo phương pháp thủ công truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Những sản phẩm do du khách tự tay làm sẽ được cho vào lò nung chín và trở thành kỷ niệm khó quên theo chân du khách về nước.

Có thể nói, trải qua thăng trầm của lịch sử, đến nay làng gốm Thanh Hà – một làng nghề lâu đời, có tính chuyên môn hóa cao – vẫn bảo tồn được nguyên vẹn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, đặc biệt là những tri thức dân gian về nghề gốm, đồng thời bảo lưu nhiều tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng nghề nghiệp đặc sắc. Trước tác động mạnh mẽ của nếp sống đô thị, thói quen dùng đồ gia dụng bằng các loại hợp chất tổng hợp (nhựa, hợp kim, inox…), làng gốm Thanh Hà đã có những bước chuyển mình nhanh chóng để bắt kịp xu thế phát triển của xã hội, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm và gắn hoạt động nghề nghiệp với du lịch, bởi vậy không những giữ được nghề cổ truyền của cha ông mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra bên ngoài. Đặc biệt, vẫn có những người trẻ tuổi không ngại ngần tiếp nối nghề nghiệp của cha ông, để ngày ngày, ánh lửa từ những lò nung vẫn thấp thoáng quanh làng, cho ra đời những mẻ gốm mới, để sản phẩm gốm Thanh Hà hiện diện trên từng góc phố cổ Hội An và nhiều vùng lân cận.

* Thạc sĩ, giảng viên. Đại học Văn hóa Hà Nội

1 Đến nay tộc Nguyễn Văn, Nguyễn Viết có 15, 16 thế hệ sinh sống ở Thanh Hà và hiện có nhiều hậu duệ của các tộc trên là thợ gốm.

2 Nam Diêu nghĩa là lò gốm phía Nam. Nam Diêu ở gần nơi có trữ lượng đất sét là ấp An Bang, Thanh Chiếm (Thanh Hà – Hội An), Thanh Chiêm (Điện Bàn). Mặt khác, Nam Diêu là cồn – đảo, mặt giáp sông Lai Nghi và Thu Bồn và nằm cận tỉnh lộ 607, cách không xa quốc lộ 1A nên rất thuận tiện cho việc tiếp nhận nguyên liệu, trao đổi hàng hóa bằng đường bộ, thủy.

3 Bàn xoay gốm: dụng cụ làm gốm, thường được làm bằng gỗ mít, đường kính 60cm – 100cm.

4 Sửa nguội: phôi được phơi nắng cho khô dần, sau đó thợ nhắm phơ (chỉnh sửa phôi) làm cho cân đối phôi rồi đem phơi cho cứng hẳn.

5 Con thổi (tò he) là sản phẩm gốm nặn bằng tay theo hình các con thú trong 12 con giáp. Ở làng gốm Thanh Hà hiện có khoảng 15 hộ chuyên sản xuất mặt hàng này.

Tác giả

(Visited 35 times, 1 visits today)