Gốm cổ Nam Bộ: Hồn đất và người Nam Bộ

Từ ngày 8 đến 16/5, triển lãm “Gốm Nam Bộ và cổ vật trong các sưu tập tư nhân” đã ra mắt công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, trưng bày khoảng 200 hiện vật thuộc bốn dòng gốm tiêu biểu: Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa, Thành Lễ. TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu1 và họa sĩ Lê Thiết Cương đã có cuộc trò chuyện xung quanh lai lịch, sự thăng trầm và bản sắc của từng dòng gốm.

Tôn vinh vẻ đẹp gốm cổ Nam Bộ

TS. Nguyễn Thị Hậu: Thuật ngữ “Gốm Nam Bộ” là do các nhà sưu tầm đặt ra, để chỉ một khu vực gốm có địa lý liền nhau: Sài Gòn, Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa. Tên gọi này còn hợp lý ở chỗ cả gốm Lái Thiêu, Biên Hòa đều có nguồn gốc từ gốm Sài Gòn (do quá trình đô thị hóa, các lò gốm ở Sài Gòn phải chuyển ra các vùng lân cận như Bình Dương, Biên Hòa). Còn thông thường, gốm Nam Bộ phổ biến với tên gọi của từng dòng gốm tiêu biểu, như gốm Cây Mai, gốm Lái Thiêu, gốm Biên Hòa, gốm Thành Lễ.

Trong bốn dòng gốm này, Cây Mai là dòng gốm nổi tiếng của Sài Gòn – Chợ Lớn từ giữa thế kỷ 18 cho tới tận thế kỷ 19, 20. Tên gọi Cây Mai bắt nguồn từ địa danh khu lò gốm Cây Mai (thuộc quận 11). Đây là dòng gốm mỹ thuật do các nghệ nhân người Hoa của Chợ Lớn chế tạo, với những lò quen thuộc như Đồng Hòa, Bửu Nguyên, Mai Sơn… Thế mạnh của dòng gốm này là sản xuất các đồ tự khí (thờ cúng), đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chú ý từng chi tiết.

Khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, gốm Cây Mai dần dần không còn đất để phát triển ở Sài Gòn nên chuyển sang các vùng lân cận khác như Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa.

Khoảng thời gian những năm đầu thế kỷ 20, dòng gốm Lái Thiêu phát triển nở rộ với các lò nổi tiếng như Quảng Hòa Xương, Hưng Lợi, Thái Xương Hòa, Quảng Hiệp Hưng (gốm Quảng Đông), Duyệt An, Đào Xương, Vinh Phát, Hương Thành (gốm Triều Châu)… Dòng gốm này tập trung vào đồ gốm gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu hằng ngày của giới bình dân (như tô, chén, đĩa, hũ, hộp, ống nhổ, ơ, thố, ấm hay các sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, chóe, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn…).

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Trong khi đó, khoảng thời gian từ năm 1925 đến những năm 1950 lại đánh dấu thời hoàng kim của dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa – khởi đầu từ Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa do hai ông bà người Pháp là Balick phụ trách. Qua nhiều thử nghiệm, cùng với các cộng sự người Việt, ông bà Balick đã tìm ra các loại men như: men ta (men làm từ tro), men màu xanh đồng (vert de Bien Hoa), men đá đổ (từ đá ong Biên Hòa) để chế tác các sản phẩm gốm trang trí nhiều màu, chạm khắc hoa văn đặc sắc (kế thừa kỹ thuật khắc lộng, đắp nổi), chinh phục thị trường không những ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài như: Pháp, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Năm 1950 thì ông bà Balick về nước, HTX Mỹ nghệ tách ra khỏi Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa, một số thợ của HTX hình thành xưởng nhỏ tại nhà. Đến năm 1958, ông Nguyễn Thành Lễ mở thêm xưởng gốm Thành Lễ bên cạnh xưởng sơn mài, mời nhóm thợ của HTX Mỹ nghệ Biên Hòa sang làm cố vấn, tập trung sản xuất các sản phẩm gốm chất lượng để xuất khẩu.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Có thể nói, thời kì phát triển rực rỡ nhất của gốm cổ Nam Bộ nói chung kéo dài khoảng 100 năm, từ giữa thế kỷ 19 cho đến khoảng gần giữa thế kỷ 20. Với dòng gốm Thành Lễ, tuy ra đời muộn, thời gian hoạt động chỉ vẻn vẹn khoảng 10 năm (từ 1958-1968) nhưng trên cơ sở kế thừa tinh hoa gốm mỹ nghệ Biên Hòa, dòng gốm này vẫn có đặc trưng riêng biệt không lẫn với những dòng gốm khác. Nhiều đề tài lịch sử và đề tài về truyền thống dân tộc như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… được lấy làm chất liệu trong tạo hình và trang trí nên cũng được xếp vào những dòng tiêu biểu của gốm cổ Nam Bộ.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Đánh giá chung về triển lãm thì đây là cuộc triển lãm đầu tiên về gốm cổ Nam Bộ được tập hợp ở khu vực phía Bắc, cụ thể là ở Hà Nội, cũng là triển lãm đầu tiên chỉ có các nhà sưu tầm (khoảng hơn 30 nhà sưu tầm phía Nam và một số nhà sưu tầm ở Hải Phòng, Hà Nội) góp hiện vật mà không có bất kì hiện vật nào của bảo tàng. Một triển lãm cổ vật thành công nhất từ trước đến nay, cả về chuyên môn lẫn góc độ xã hội.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đúng là về chuyên môn không có dấu ấn nghiệp dư và, lâu lắm rồi, tôi mới thấy một triển lãm tư nhân làm được kĩ như thế. Cái kĩ đầu tiên phải kể đến là về mặt kĩ thuật, đó là có các bảng thuyết minh đi kèm hiện vật. Ngoài một bài chung về gốm cổ Nam Bộ là những bài riêng giới thiệu từng dòng gốm, chú thích các hiện vật tỉ mỉ, chi tiết. Cái kĩ thứ hai là cách sắp đặt, bài trí hiện vật đảm bảo được tính thẩm mĩ trong một không gian với ánh sáng, bục bệ lựa chọn phù hợp, tôn lên vẻ đẹp hiện vật trưng bày.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Phải khẳng định rằng cuộc chơi gìn giữ di sản qua cổ vật là cuộc chơi vô cùng sang trọng, và chỉ có những nhà sưu tầm tư nhân mới có thể có được những hiện vật phong phú, đặc trưng như vậy để giới thiệu ra công chúng. Xét ở góc độ xã hội, đây là cách thức hữu hiệu nhằm quảng bá, giới thiệu gốm cổ Nam Bộ tới người xem, một hướng mới trong việc cộng đồng cùng tham gia giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị di sản của chính ông cha mình.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Đúng như vậy, một bộ sưu tập chỉ thực sự có giá trị khi nó đến được với nhiều người. Thành công nhất của triển lãm là, thông qua các hiện vật gốm trưng bày, hồn văn hóa Nam Bộ xưa đã đến được với đông đảo công chúng, đặc biệt là công chúng Hà Nội.

Cởi mở đón nhận nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Nói thêm về gốm cổ Nam Bộ, nó được hình thành bởi sự hợp lưu của ba “dòng sông” – ba nhóm chính: một là người bản địa, hai là người Minh Hương (người Hoa ở Nam Bộ), ba là người Pháp, nhưng chủ đạo vẫn là người bản địa. Người Minh Hương (chủ yếu gốc Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông) và người Pháp (ông bà Balick) khi đến vùng đất Nam Bộ đã mang theo kĩ thuật làm gốm (về lò, về than củi, về men) rất tiến bộ, chuyên nghiệp song sản phẩm của tất cả các dòng gốm nói trên vẫn thể hiện văn hóa người Việt ở Nam Bộ một cách rất đậm nét.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Trong ba nhóm sản phẩm cơ bản: Gốm dùng để xây dựng và trang trí trong xây dựng; gốm trang trí nội ngoại thất; gốm dùng trong sinh hoạt (chén, bát, nồi, ơ…) thì về màu sắc, trang trí hoa văn, cách thức tạo dáng không khác nhau nhiều. Ngay cả những sản phẩm nhìn rất đẹp nhưng đều thấy dấu vết đã qua sử dụng. Tức là, sản phẩm từ lúc làm ra cho đến khi người ta chứng minh được giá trị của nó xứng đáng để sưu tập đồ cổ thì luôn luôn được “tham gia vào cuộc sống” chứ không tách ra riêng biệt. Điều này thể hiện tính cách, cá tính của người Nam Bộ là làm bất cứ một vật gì cũng hướng đến tính ứng dụng thực tế, chứ không chỉ mang tính trưng bày, trang trí thuần túy.
Tuy vậy thì ngoài việc thỏa mãn nhu cầu hữu dụng, họ cũng tìm cách thỏa mãn cả nhu cầu thứ hai, đó là về mặt thẩm mĩ của sản phẩm, nhiều màu sắc bắt mắt: “xanh xanh, đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng” như người Nam Bộ thường nói.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Dù có du nhập kĩ thuật của người Hoa, người Pháp nhưng với phong thổ, khí hậu Nam Bộ thì gốm cổ được làm ở đây không thể là thứ gốm giống hệt gốm của người Hoa, người Pháp. Thổ nhưỡng Nam Bộ không thể cung cấp nguồn nguyên liệu tinh khiết với các mỏ cao lanh dồi dào như ở Trung Quốc – khi nung chịu được nhiệt độ cao, sản phẩm làm ra thường nhẹ. Mà nguyên liệu ở ta chủ yếu là đất sét, đất pha cát nhiều (đất nhẹ lửa) nên chỉ thích hợp với lò nung nhiệt độ thấp, do đó các sản phẩm làm ra thường dày, nặng, chắc chắn.

Hơn nữa vì đất làm gốm nhẹ lửa, nên men gốm cũng phải nhẹ lửa, và những men màu xanh, đỏ, nâu, vàng… rất phù hợp với yêu cầu này. Trong bốn dòng gốm trưng bày ở triển lãm, không tìm được sản phẩm nào đơn sắc cả. Nó khác hẳn với gốm khu vực Bắc Bộ hay Trung Bộ, men gốm của hai khu vực này, tỉ lệ màu đơn sắc luôn chiếm ưu thế.

TS. Nguyễn Thị Hậu: Cùng với men gốm, dáng và hình vẽ (họa tiết trên bề mặt sản phẩm) cũng là những yếu tố cơ bản để phân biệt, nhận diện các sản phẩm gốm. Tuy nhiên người Nam Bộ không chú trọng đến hình dáng sản phẩm bằng men và hình vẽ. Một số thủ pháp như vẽ chìm, chạm thủng (đục thủng), đắp nổi hoa văn bên ngoài sản phẩm được áp dụng… Từ màu sắc cho đến họa tiết, như họa sĩ Lê Thiết Cương từng nói, là “không có chỗ cho người ta nghỉ mắt”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương: Vẻ đẹp của gốm cổ Nam Bộ là vẻ đẹp giản dị, bình dân, gần gũi với cuộc sống hằng ngày chứ không phải là vẻ đẹp xa vời, cách biệt. Sự hội tụ của ba yếu tố đất, nước, lửa với điều kiện, môi trường sống ở đây đã tạo ra chính vẻ đẹp đặc trưng này. Đất nào, nước nào thì người đó, mà con người nào thì sản phẩm đó. Người Nam Bộ làm ra gốm Nam Bộ, cởi mở đón nhận nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc vốn có của mình.

 
 —————–
1 Phó tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Tác giả

(Visited 26 times, 1 visits today)