GS.TS Trần Trí Dõi: Ngôn ngữ góp phần tạo nên sức sống của văn hóa Việt Nam
Việc nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ người Việt cho phép chúng ta tái lập lại bức tranh ngôn ngữ của cộng đồng ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể; sau đó người nghiên cứu về văn hóa sẽ “đọc được” những đặc điểm về cội nguồn văn hóa của người Việt. Đó là nội dung cuộc trao đổi của GS.TS Trần Trí Dõi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học KHXH&NV với Tia Sáng.
Trong thời gian qua, ông đã xuất bản cuốn “Lịch sử ngôn ngữ người Việt góp phần tìm hiểu văn hóa Việt Nam” được dư luận rất quan tâm. Trước đây, đã có ý kiến cho rằng ngôn ngữ người Việt trải qua mấy nghìn năm thử thách vẫn trường tồn như nó đang có, vẫn giữ được sắc thái riêng. Quan điểm của ông trong cuốn sách về vấn đề này như thế nào?
Theo ý kiến tôi, đó là một nhận xét hoàn toàn chính xác. Trong cuốn sách vừa xuất bản của mình, từ góc nhìn lịch sử ngôn ngữ, tôi đã trình bày những cơ sở khoa học để chứng minh tính xác thực của nhận định nói trên. Theo đó, ngôn ngữ người Việt vốn là một ngôn ngữ có nguồn gốc Nam Á (Austroasiatic). Trong hàng ngàn năm phát triển, ngôn ngữ người Việt tuy có vay mượn (đúng ra là vay mượn lẫn nhau) với ngôn ngữ nhóm tiếng Hán (Sinitic), với ngôn ngữ nhóm tiếng Thái (Taic) và cả với những ngôn ngữ châu Âu gần đây v.v, nhưng người ta vẫn có cơ sở để nhận thấy ngôn ngữ người Việt lưu giữ đầy đủ đặc điểm của một ngôn ngữ nguồn gốc Nam Á. Đặc điểm ấy thể hiện không chỉ là ở bình diện ngữ pháp mà ở lớp từ vựng cơ bản và đặc biệt là ở sự biến đổi của quy luật ngữ âm trong ngôn ngữ.
Chúng ta có thể nhận thấy điều đó rõ nhất ở chỗ, đối với tiếng Việt hiện nay, người dân vẫn nói nhà trẻ (trong “đi nhà trẻ”) là trật tự thuần Việt; trong khi đó những từ vay mượn từ ngôn ngữ nhóm tiếng Hán đã lưu giữ trật tự Hán đối với từ Hán – Việt chẳng hạn như giảng đường (đến giảng đường; giảng: dạy học, đường: nhà; nên giảng đường là nơi hay nhà dạy học); trật tự này khác với trật tự ở trường hợp nhà trẻ nói trên. Trật tự ngữ pháp đó là để phân biệt cái gì là thuần ngôn ngữ người Việt, cái gì là vay mượn (ngôn ngữ gốc Hán). Người dân nói tiếng Việt hằng ngày thì chẳng cần để ý làm gì vì ngôn ngữ người Việt đã “biến” từ giảng đường (gốc Hán) thành tiếng của mình; nhưng người nghiên cứu thì vẫn phải hay cần phải biết. Hoặc như trong tiếng Việt, người dân vẫn nói những từ liên quan đến bộ phận cơ thể người như “bằng lòng”, “hài lòng”, “phải lòng” v.v. Ở ngôn ngữ người Việt, “lòng” là gì? Khi người Việt ta nói “Hôm nay lòng lợn rất ngon” thì người bình thường nào cũng biết “lòng lợn” bao gồm những thứ gì trong đó chứ có ai lưu ý phân biệt “tràng”, “gan” hay “dạ” dày v.v là những từ hay những yếu tố gốc Hán đâu.
Lớp từ vựng cơ bản của ngôn ngữ người Việt có từ thời khởi thủy (ngôn ngữ học gọi là tiền ngôn ngữ) như thế vẫn được lưu giữ trong ngôn ngữ người Việt. Nhưng đặc biệt hơn cả là khi vay mượn, ngôn ngữ người Việt đều quy định những vay mượn đó phải tôn trọng quy luật ngữ âm của mình. Chẳng hạn, khi người dân Việt nói “tôi ở gác ba” thì từ gác đó là từ gốc Hán các (chữ Hán 閣) đã chịu tác động của quy luật biến đổi ngữ âm trong ngôn ngữ người Việt có từ thời kỳ ban đầu mà cuốn sách của chúng tôi đã sơ bộ nói tới. Nói rằng có cơ sở để nhận thấy ngôn ngữ người Việt lưu giữ đầy đủ đặc điểm của một ngôn ngữ nguồn gốc Nam Á là như thế. Như vậy, chính nhờ những hoạt động của quy luật ngữ âm này mà ngôn ngữ người Việt đã xử lý những vay mượn từ những ngôn ngữ khác nhau theo cách vận hành tiếng nói của mình để lưu giữ được bản sắc Nam Á trong sử dụng ngôn ngữ.
Trong cuốn sách trên ông có viết “trong quá trình phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam, để có được nền văn hóa đậm đà bản sắc như ngày hôm nay, có sự đóng góp của ngôn ngữ dân tộc với tư cách vừa là thành tố văn hóa, vừa là công cụ giao tiếp quan trọng nhất chuyển tải văn hóa”. Vậy ngôn ngữ đã phát triển như thế nào để góp phần làm nên sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong lịch sử?
Trong cấu trúc văn hóa của một dân tộc hay của một cộng đồng cư dân, ngôn ngữ hay lời nói của dân tộc hoặc của cộng đồng cư dân đó có giá trị hay vai trò như một thành tố của văn hóa. Mặt khác, ngôn ngữ, với chức năng là công cụ giao tiếp quan trọng nhất đồng thời là sản phẩm tư duy của dân tộc hay cộng đồng, chính là một kho báu lưu giữ và chuyển tải văn hóa của dân tộc hay của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Như ở trên tôi đã giải thích, trong hàng nghìn năm phát triển của cộng đồng người Việt hay dân tộc Việt có rất nhiều biến cố lịch sử. Thế nhưng, ngôn ngữ của người Việt không bị mất đi đặc điểm (hay bản sắc cội nguồn Nam Á) mà cộng đồng sử dụng. Trong tiếp xúc (cả ở trạng thái chủ động cũng như bị động do lịch sử chi phối), ngôn ngữ người Việt đã ưu tiên lựa chọn những gì mình còn thiếu so với ngôn ngữ của cộng đồng khác để làm giàu thêm ngôn ngữ của mình trong khi vẫn bảo toàn những đặc điểm tốt đẹp mà ngôn ngữ của cộng đồng mình đã có. Chính cách xử lý như thế của ngôn ngữ đã góp phần làm nên sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong lịch sử.
Nhiều ý kiến cho rằng văn hóa Việt Nam có quá trình tiếp biến, hài hòa nhiều yếu tố đa dạng. Vậy lịch sử ngôn ngữ cho thấy sự đa dạng của văn hóa Việt Nam như thế nào?
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người nói chung cũng như ở từng dân tộc nói riêng, không có một cộng đồng hay một đất nước nào đó có thể phát triển được mà lại khép kín, không giao lưu hay tiếp xúc với một đất nước hay cộng đồng sử dụng những ngôn ngữ khác. Mà đã giao lưu hay tiếp xúc thì đương nhiên sẽ có quá trình tiếp biến, tiếp nhận nhiều yếu tố đa dạng tạo nên sự hài hòa cho nền văn hóa hay văn minh của mình. Đối với cộng đồng cư dân sử dụng những ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Việt (Vietic) trong lịch sử cũng không có gì là ngoại lệ. Ví dụ, ngôn ngữ người Việt ở thời kỳ bị nhà nước phong kiến phương Bắc đô hộ đã không từ bỏ trạng thái cội nguồn Nam Á mà mình vốn có, đồng thời đã chủ động tiếp nhận ngôn ngữ mà trước đó mình chưa có để làm giầu thêm ngôn ngữ, và cùng với ngôn ngữ là văn hóa, của cộng đồng người Việt.
Về điều này, các bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của GS Mark. Alves, Tổng biên tập tạp chí JSEALS (tạp chí của Hội Ngôn ngữ học Đông Nam Á, xuất bản ở Mỹ) trong công trình mới công bố năm 2023 “Lexical evidence of the Vietic household before and after language contact with Sinitic” (Bằng chứng về từ ngữ dùng trong gia đình của ngôn ngữ nhóm tiếng Việt trước và sau khi tiếp xúc với ngôn ngữ nhóm tiếng Hán)” thì sẽ thấy cái cách ngôn ngữ người Việt đã góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa gia đình ở Việt Nam ta như thế nào. Hay như trong cuốn sách của tôi, ở phần viết thuộc các trang 261-288, chúng tôi đã trình bày ngắn gọn khi cho rằng chỉ từ thế kỷ thứ II, trong ngôn ngữ người Việt mới “mở rộng” các từ chỉ quan hệ thân tộc trong gia đình cũng như cách thức xưng hô. Trước đó, ở giai đoạn tiền Việt (tức là khoảng từ thế kỷ thứ II trở về trước), ngôn ngữ người Việt thể hiện quan hệ gia đình ở phạm vị hẹp và trực diện quanh trục bố/mẹ – con; chỉ sau khi tiếp xúc với người Hán (do chế độ bắc thuộc) các từ chỉ chú, thím, bác, cậu, mợ,v.v mới xuất hiện trong ngôn ngữ người Việt. Hay như trước đó, xưng hô trong ngôn ngữ người Việt cũng chỉ xoay quanh trục tao – mày/mi – nó (tương tự như cách xưng hô của tiếng Anh) mà ngày nay tiếng Việt vẫn còn được sử dụng nhưng được cho là những từ ngữ “thông tục”. Chỉ khi tiếp xúc với “văn hóa Hán” thì những từ xưng hô theo thứ bậc, chức tước, quan hệ tôn ty, v.v mới được ngôn ngữ người Việt sử dụng và cùng với thời gian hàng nghìn năm trở thành văn hóa Việt Nam. Cũng vậy, ở giai đoạn tiền Việt, ngôn ngữ người Việt chưa dùng các từ chỉ họ; nhưng cũng chỉ khi tiếp xúc với “văn hóa Hán”, do nhu cầu quản trị xã hội để cai trị, thì những từ xưng gọi để xác định họ (như Hoàng, Trần, Trương, v.v) mới gia nhập vào ngôn ngữ và xã hội người Việt. Thậm chí ở Việt Nam ta, hiện nay, văn hóa “họ hàng” còn cực đoan hơn người Trung Quốc. Chính nhờ nghiên cứu về lịch sử ngôn ngữ mà chúng ta biết được việc “mở rộng” hay “tiếp nhận” văn hóa của những cộng đồng người khác nhau là như vậy.
Chính sự vay mượn hay tiếp nhận chủ động này đã khiến cho một số người, do thuần túy nhìn ở bề ngoài, đã sai lầm khi cho rằng ngôn ngữ của những cộng đồng người thuộc nhóm tiếng Việt đã không còn lưu giữ bản sắc nguồn gốc Nam Á của mình mà giống như những phương ngữ của tiếng Hán. Hay một ví dụ khác là khi những cộng đồng người nói những ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Việt tiếp xúc một cách hòa bình với những cộng đồng người nói nhóm tiếng Thái (khi họ di cư từ phía Bắc xuống phía Nam) ngôn ngữ của những cộng đồng cư dân thuộc nhóm tiếng Việt đã tiếp nhận thêm những yếu tố văn hóa nông nghiệp mà trước đây mình chưa có để làm nên một nền văn hóa nông nghiệp Việt (Nam) đa dạng và phong phú hơn như hiện nay.
Chẳng hạn, trên mạng internet hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều những nhà “khoa học mạng” (từ ngữ dùng trong một bài viết của GS. L. Kelley người Mỹ, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Brunei) cho rằng có “hàng vạn từ tiếng Việt” giống với từ ngữ tiếng Hán ở những phương ngữ Quảng Đông hay Phúc Kiến gì đó. Nhưng trong những từ được cho là “giống” ấy, chỉ có thể xác lập cái mà “ngôn ngữ học hàn lâm” gọi là những tương ứng ngữ âm (phonetic correspondence) chứ chưa thấy những nhà “khoa học mạng” chỉ ra cho được cái gọi là quy luật ngữ âm (phonetic law) giữa những từ ngữ đó. Chẳng phải, ở Nam Bộ nước ta, người dân gọi tía có nghĩa là “cha, bố”, phải chăng đó là sự biến âm của từ Quảng Đông hay Phúc Kiến được viết bằng chữ Hán 爹 (bính âm: diē;âm Hán – Việt: đa) còn trong ngôn ngữ văn hóa người Việt gọi là cha (trong truyện “ Thủy hử” chữ Hán 阿爹 với âm Hán – Việt “á đa” được dịch là cha ơi đấy thôi). Ở đây, từ cha (gốc Hán), từ bố (gốc Nam Á) vẫn được ngôn ngữ người Việt dùng đồng thời đó thôi, có bỏ đi văn hóa Nam Á đâu. Còn trường hợp người Việt và người Thái do chung sống hòa bình hàng nghìn năm ở Đông Nam Á mà đã vay mượn lẫn nhau từ ngữ liên quan đến canh tác nông nghiệp. Nhờ đó, trong ngôn ngữ người Việt có thêm những từ như kênh, mương, phai, v.v. Những từ như thế đâu phải là toàn bộ vốn từ ngữ canh tác nông nghiệp trước đây của người Việt. Nó chỉ là một bộ phận nhỏ, chỉ là vay mượn để cho ngôn ngữ người Việt phong phú thêm mà thôi.
Việc nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ người Việt giúp chúng ta hình dung như thế nào về cội nguồn văn hóa người Việt?
Như chúng ta đều biết, đã nghiên cứu lịch sử về “cội nguồn văn hóa người Việt” thì trên nguyên tắc của khoa học lịch sử những hiện tượng văn hóa đó phải được “người cùng thời” ghi chép lại. Nhưng đa phần khi chúng ta nói về “cội người văn hóa người Việt” đều phải dựa vào truyền thuyết dân gian và những ghi chép của sách sử Trung Quốc từ thế kỷ thứ X – XI trở về trước. Đối với chúng ta “truyền thuyết dân gian” có hạt nhân lịch sử; nhưng dù sao nó không hoàn toàn đồng nhất với lịch sử. Còn đối với sự kiện được ghi lại về cộng đồng người Việt ở phương Nam trong sử sách Trung Quốc từ thế kỷ thứ X – XI trở về trước thì có thể nói là vừa không nhiều và vừa thiếu hệ thống. Nhưng điều quan trọng hơn cả là những ghi chép ấy thường không phải là người trực tiếp chứng kiến mà được nghe kể lại, do các học giả trên đại thể chỉ sinh sống ở kinh đô các triều đại phương Bắc thực hiện. Chính vì thế, những gì thuộc về văn hóa của cộng đồng người Việt từ khoảng thế kỷ thứ III trở về trước thường phụ thuộc vào những cách hay thái độ “ghi chép” lại hoặc cách hay thái độ “chú giải” những ghi chép ấy của các học giả Trung Quốc từ khoảng thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ X.
Để bổ sung hay khắc phục nhược điểm đó, trong tiếp cận liên ngành, bên cạnh tư liệu của khảo cổ học thì giới khoa học viết về tiền sử đánh giá tư liệu ngôn ngữ mà ngôn ngữ học lịch sử sử dụng là một trong những nguồn tư liệu có vị trí quan trọng nhất. Khi nghiên cứu “Nguồn gốc của các xã hội nông nghiệp”1, giáo sư Peter Bellwood từng nhận định, “thực tế, lịch sử ngôn ngữ nói lên nhiều điều quan trọng mà đa số các học giả ngoài ngành ngôn ngữ học dường như hoàn toàn không biết tới. Tôi bắt đầu nhận ra rằng một số mặt của lịch sử loài người phải hoàn toàn khác với các phục dựng mang tính tiệm cận của các nhà khảo cổ học dựa trên những ghi nhận mang tính so sánh văn hóa được bảo lưu trong tư liệu dân tộc học”. Ông cho rằng “Để hiểu biết về các quá trình lan tỏa văn hóa và nhân chủng trong lịch sử, chúng ta cần xem xét tư liệu của nhiều ngành nghiên cứu khác nhau. Đầu tiên, chúng ta có khảo cổ học, ngành nghiên cứu các xã hội cổ đại từ những dấu tích vật chất của chúng để lại trên hay dưới mặt đất…Nhưng khảo cổ học cũng có những hạn chế rõ ràng bởi những bằng chứng đó thường rời rạc và đôi khi rất mơ hồ…Thứ hai, chúng ta có ngôn ngữ học so sánh…Ngôn ngữ học so sánh có một lợi thế so với khảo cổ học, đó là cơ sở dữ liệu của ngôn ngữ học, trong trường hợp của một sinh ngữ, thì thường hoàn chỉnh”. Ở đây, tôi chỉ xin dẫn ra trường hợp GS. Peter Bellwood để làm ví dụ minh họa cho ý kiến của mình. Đó là một thực tế trong nghiên cứu tiền sử hiện nay.
Chính vì thế, việc nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ người Việt cho phép chúng ta tái lập lại bức tranh ngôn ngữ của cộng đồng ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể2; sau đó người nghiên cứu về văn hóa sẽ “đọc được” hay “nhận biết được” những đặc điểm về cội nguồn văn hóa của người Việt. Đó là cách ngôn ngữ học lịch sử, cụ thể là lịch sử ngôn ngữ người Việt, góp phần nghiên cứu về cội nguồn văn hóa người Việt nói riêng và nghiên cứu cội nguồn văn hóa một cộng đồng người nói chung.
Chúng ta có thể khái quát tiến trình hình thành và phát triển của tiếng Việt qua các giai đoạn lịch sử như thế nào?
Như kết quả nghiên cứu được trình bày trong cuốn sách đã xuất bản của chúng tôi, có thể khái quát tiến trình hình thành và phát triển của ngôn ngữ người Việt qua các giai đoạn lịch sử như sau. Theo đó, ngôn ngữ người Việt đã phát triển gồm giai đoạn tiền Việt (proto Vietic) tương ứng với thời kỳ “văn hóa Đông Sơn” và điều đó có nghĩa cư dân sử dụng ngôn ngữ người Việt là cư dân bản địa (homeland) ở địa bàn Đông Nam Á; giai đoạn Việt – Mường cổ (Archaic Vietmuong) tương ứng với thời gian Bắc thuộc trong lịch sử Việt Nam; giai đoạn Việt – Mường chung (Vietmuong common) thuộc thời kỳ đầu khi nhà nước Đại Việt độc lập với phương Bắc; giai đoạn tiếng Việt cổ (Old Vietnamese) thế kỷ XIII-XV khi tiếng Việt (language Vietnamese) và tiếng Mường phát triển thành những cá thể ngôn ngữ độc lập; rồi sau đó phát triển sang giai đoạn tiếng Việt trung đại (Middle Vietnamese) và từng bước mở rộng về phần đất phía Nam để từ giữa thế kỷ XIX đã là giai đoạn tiếng Việt hiện đại (Modern Vietnamese) trên lãnh thổ Việt Nam. Mỗi một giai đoạn phát triển lịch sử nói trên, ngôn ngữ người Việt đã hàm chứa trong đó rất nhiều thông tin về văn hóa Việt Nam. Với tiến trình phát triển lịch sử như thế, ngôn ngữ người Việt có chữ Nôm (thế kỷ thứ XIII) là chữ viết đầu tiên trong lịch sử và đến thế kỷ thứ XVII có thêm dạng chữ viết Latinh. Chữ Nôm ra đời đã giúp cho tiếng Việt phát triển về chất trở thành ngôn ngữ văn học trong đời sống người Việt. Đồng thời, trên cơ sở phân tích những biến đổi ngôn ngữ theo lịch sử, cuốn sách cũng đã chứng minh rằng tên gọi Lạc Việt là một tên tự gọi (autonym) của cộng đồng người nói những ngôn ngữ Môn – Khmer cư trú ở lục địa Đông Nam Á, trong đó có cư dân nói những ngôn ngữ nhóm tiếng Việt.
Trong cuộc trao đổi, chúng tôi thấy rằng nghiên cứu lịch sử rất phức tạp, bền bỉ và cần đầu tư dài hạn. Vậy hiện nay mối quan hệ giữa lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn hóa Việt Nam đã được quan tâm, đầu tư nghiên cứu đúng mức chưa, tại sao?
Theo góc nhìn của chúng tôi thì trong những năm gần đây mối quan hệ giữa lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn hóa Việt Nam mới phần nào được dư luận quan tâm. Có những lý do khách quan sau đây dẫn đến tình trạng chậm trễ đó. Thứ nhất, là do chính bản thân ngành ngôn ngữ học. Phân ngành này thì tuy là một phân ngành khoa học của ngôn ngữ học nhưng nó lại nằm ở sự giao thoa giữa nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn khác nhau nên phức tạp thì thuộc vào tốp đầu và lại còn “khô khốc” ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở nước ta đã “phức tạp và khô khốc” thì ít người dấn thân lắm. Chẳng hạn như chúng tôi, vào những thập niên cuối thế kỷ thứ XX để có được tư liệu cho một vài bài viết thuộc địa hạt này, đã phải lang thang khắp vùng miền Tây Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An v.v bất kể là mùa mưa hay mùa hè như đổ lửa, thậm chí còn gặp nguy hiểm đến tính mạng. Ít người chuyên sâu thì lấy đâu có được sản phẩm để các ngành khoa học khác sử dụng. Thứ nữa là ở Việt Nam ta, giới khoa học và nhất là những người quản lý về khoa học liên quan đến cội nguồn văn hóa thường nghĩ rằng chỉ cần kết quả nghiên cứu của ngành sử học là đủ để đưa ra ý kiến cuối cùng. Chỉ trong thời gian gần đây, khi mà bên ngoài cho thấy cách tiếp cận liên ngành mới khắc phục được những khiếm khuyết trong nghiên cứu, thì người ta mới chú ý ghi nhận đóng góp của phân ngành ngôn ngữ học so sánh – lịch sử đối với việc nghiên cứu lịch sử văn hóa. Nhưng ghi nhận là một chuyện, còn thúc đẩy để nghiên cứu lại là một chuyện khác. Thứ ba là nó nằm ở chỗ những người giữ trách nhiệm quản lý khoa học về lính vực này.
Cho nên khi chị hỏi “đầu tư nghiên cứu đúng mức chưa?” thì xin thưa lại một cách ngắn gọn là “chưa”. Và khi chị hỏi tiếp là “tại sao?” thì, theo cá nhân tôi, ba lý do mà tôi lý giải khi cho rằng mối quan hệ giữa lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn hóa Việt Nam còn rất ít được quan tâm đã tự nó cho thấy nguyên nhân vì sao mà ở nước ta khi trình bày về lịch sử văn hóa Việt Nam người ta đã “an tâm” với cách làm từ trước đến nay và những gì hiểu biết về lịch sử văn hóa mà chúng ta đã có. Để nói thêm về điều này, chúng tôi xin nêu một trường hợp về cách ứng xử đối với dư luận liên quan đến nội dung tên gọi Lạc Việt (雒 越) để làm ví dụ minh chứng. Đó thực sự là những khó khăn trong việc thúc đẩy việc nghiên cứu mối quan hệ giữa lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn hóa Việt Nam ở nước ta hiện nay.
Đứng trước nhiều khó khăn về tư liệu, thời gian nghiên cứu, về đầu tư còn hạn chế như vậy, ông và các nhà ngôn ngữ học đã làm thế nào để tổ chức nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ người Việt?
Có thể nói vấn đề nghiên cứu mối quan hệ giữa lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn hóa Việt Nam thực chất đứng trước nhiều khó khăn về tư liệu, về thời gian nghiên cứu, về đầu tư để tập hợp đội ngũ. Làm thế nào ư? Gần như thúc thủ thôi! Bởi vì nhiều lý do nhưng một lý do dễ nhận biết nhất là về mặt phổ quát thì phân ngành ngôn ngữ học so sánh – lịch sử phải bỏ ra công sức quá nhiều nhưng kết quả nghiên cứu của nó không ứng dụng ngay được (do đây là một ngành khoa học cơ bản) mà chỉ làm cơ sở cho những phân ngành xã hội nhân văn khác nhau. Nói một cách khác, dường như đối với chúng ta, ở địa hạt này có nghiên cứu thì cũng được mà chưa có nghiên cứu thì cũng chưa phương hại đến ai. Cách ứng xử như thế về thực chất, như chúng tôi đã phân tích ở trên, hiện nay do chúng ta đang “vừa lòng” với những gì liên quan đến vấn đề cội nguồn văn hóa Việt Nam trên cơ sở những kết luận khoa học hiện có. Trong khi đó, ở những quốc gia láng giềng hay các quốc gia có hoạt động khoa học xã hội nhân văn phát triển, người ta nghĩ không giống thế và người ta cũng hoàn toàn chưa an tâm cho rằng những lý giải đã có về nội dung này là chân lý khoa học. Rất có thể có những nội dung liên quan đến vấn đề lịch sử văn hóa Việt Nam từ góc nhìn lịch sử ngôn ngữ sẽ được giới khoa học quốc tế xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu của họ. Khi ấy, cách làm của chúng ta sẽ là như thế nào thì chắc những người quan tâm đến vấn đề sẽ nhận ra được ngay. Ước mơ của chúng tôi (trước đây là của GS. Nguyễn Tài Cẩn, GS. Phan Ngọc, nhà nghiên cứu Hồ Hải Thụy v.v và cá nhân tôi) là phân ngành ngôn ngữ học so sánh – lịch sử có thể xây dựng được một “Từ điển từ nguyên của ngôn ngữ người Việt” theo đúng nghĩa của nó để góp phần nghiên cứu lịch sử văn hóa người Việt nhưng dường như (mà không phải dường như nữa) khó có thể làm được.
Có lẽ một hy vọng là hợp tác với các trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ lịch sử có quan tâm đến vấn đề của Việt Nam và Đông Nam Á. Nhưng ở thời buổi hiện nay, hợp tác nghiên cứu phải bình đẳng, nhất là bình đẳng về nguồn lực mới có được kết quả bình đẳng. Trong khi đó, ở Việt Nam ta, theo quan sát của cá nhân tôi, đối với một nội dung khoa học chuyên sâu, cơ quan quản lý nhà nước thường “hỏi” hay “giao cho” người có chức tước trong cơ quan khoa học chứ ít khi ủy nhiệm cho người làm khoa học thực sự. Mà không phải tất cả những người có chức tước trong cơ quan khoa học quan tâm thực sự đến khoa học và là người làm khoa học. Việc chọn đúng chuyên gia của một lĩnh vực khoa học để giao nhiệm vụ là hữu hiệu hơn. Để làm được điều này, không chỉ là nhà ngôn ngữ học mà là nhà quản lý nghiên cứu khoa học phải cùng chung tay trong tổ chức nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ người Việt.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!□
Thu Quỳnh thực hiện
—–
Chú thích
1 Peter Bellwood, “Những nhà nông đầu tiên: Nguồn gốc của các xã hội nông nghiệp”, người dịch: Tạ Đức – Nguyễn Việt, Nxb Thế giới-2010, tr. xxv). GS. Peter Bellwood làm việc ở Đại học thuộc Australia, là người “đã gánh vác sự nghiệp của một Tổng thư ký của Hội khoa học Tiền sử (IPPA) lớn vào loại hàng đầu thế giới … từ năm 1978 cho đến tận bây giờ, trải qua hơn ba thập kỷ. Ngày nay IPPA đã tập hợp được trên dưới 500 nhà khoa học ở gần 40 nước trên thế giới” (sách đã dẫn, tr xix).
2 Để phục dựng quá trình hình thành và phát triển của ngôn ngữ người Việt, khoa học về ngôn ngữ có một phân ngành với tên gọi là ngôn ngữ học so sánh – lịch sử (comparative-historical linguistics). Phân ngành khoa học này có một phương pháp nghiên cứu (comparative method in linguistics) đã được các nhà ngôn ngữ học lịch sử tổng hợp lại dựa trên tư liệu của những ngôn ngữ thuộc các khu vực khác; trong đó thao tác “phục nguyên âm vị học (phonological reconstruction)” được xem như là cách thức hay “tiêu chuẩn vàng (gold standard)” để nhà nghiên cứu ngôn ngữ phục dựng lại quá trình hình thành và phát triển của một ngôn ngữ cụ thể, chẳng hạn là lịch sử phát triển của ngôn ngữ người Việt.
Trong cuốn sách, cách thức “phục nguyên âm vị học” mà giáo sư Trần Trí Dõi thực hiện được trình bày tóm tắt ở chương 6 (tr 359-424).