György Kurtág: Sáng tác để kiếm tìm sự thật
György Kurtág là một tên tuổi quan trọng, không chỉ của âm nhạc Hungary đương đại, mà còn là một trong những nhà soạn nhạc nổi bật của thế kỷ 20.
Ông bền bỉ sáng tác thứ âm nhạc mà theo sự vinh danh của BBVA Foundation Frontiers of Knowledge Award, “chiều kích mới trong âm nhạc không chỉ nằm ở chất liệu ông sử dụng mà trong tinh thần của nó, độ xác thực của ngôn ngữ âm nhạc và cách nó vượt qua các đường biên của sự phóng khoáng và khả năng phản ánh, của chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa biểu hiện”. Ông cũng có một quá khứ đáng tự hào khi từng được nhà soạn nhạc Hungary gốc Áo György Ligeti, “một trong những nhà soạn nhạc tiên phong quan trọng nhất trong nửa sau của thế kỷ 20”, cố vấn. Ông cũng từng sáng tác vở opera Fin de partie dựa trên vở kịch Endgame của Samuel Beckett nhưng lại quá nhút nhát để gặp Beckett.
György Kurtág không hề ẩn dụ khi nói rằng mình khá hài lòng khi dành thời gian còn lại của cuộc đời mình để “sống trên phố Ligeti”. Ông cùng một đám đông nhỏ tụ tập bên ngoài Trung tâm Âm nhạc Budapest – cũng là nơi ông cư trú – để dự lễ đổi tên con đường mà trung tâm này tọa lạc. Trước đây là phố Imre Utca, hiện giờ nó mang tên György Ligeti để đánh dấu một trăm năm ngày sinh của nhà soạn nhạc Hungary, người bạn và người cố vấn lâu năm của Kurtág.
Kurtág với thứ âm nhạc mãnh liệt, gần gũi và thường rất ngắn gọn, súc tích đã trải qua nhiều năm dưới cái bóng của Ligeti; sự ghi nhận ở tầm quốc tế chỉ đến vào những năm 1980. Nhưng thậm chí 17 năm sau cái chết của Ligeti, ông hiếm khi có thể suy tính về một cuộc trò chuyện hoặc một sáng tác mà không đề cập đến Ligeti. Dù hiếm khi trả lời phỏng vấn nhưng ông đã phá lệ, trả lời The Guardian nhân buổi biểu vở opera đầu tay của mình tại Anh. Trong buổi phỏng vấn này, ông không giấu giếm sự bất an, những đợt bệnh thần kinh mà theo lời ông là có khi làm tê liệt sức sáng tạo trong nhiều năm. Năm nay đã 97 tuổi, ông muốn dành những năm tháng còn lại để tập trung vào âm nhạc của mình.
Tại Trung tâm Âm nhạc Budapest, ông tham dự một buổi diễn tập tác phẩm mà ông đã viết để tưởng niệm bạn mình. Khi Dàn nhạc giao hưởng Concerto Budapest biểu diễn bản Ligeti’s Century – Roaming in the Past [Thế kỷ Ligeti – Lang thang trong quá khứ], Kurtág ngồi phía sau giám đốc âm nhạc của dàn nhạc, András Keller, chỉ huy nhại theo từ bản tổng phổ run run trong tay và thốt ra những âm thanh mà ông nghĩ là các nhạc cụ nên tạo ra. “Yo-reee, chứ không phải yo-ri,” ông nói. “Pa-DAL!”, ông vừa hét lên vừa thúc khuỷu tay vào tay vịn xe lăn. “Âm thanh nên được cắt vụn, không phải để nguyên,” ông hướng dẫn dàn nhạc, hoặc ông thúc giục các nhạc công cello, những người đang chơi pizzicato, “hãy tận dụng sự cộng hưởng hơn nữa”; tại một thời điểm khác, “ở đây bạn nên truyền tải một kiểu ngờ vực chứ không phải tự tin như thế”. Một cây clarinet bị khiển trách vì đã để một cây horn bóp nghẹt âm thanh của mình. Có rất nhiều câu đùa và tiếng cười. Xem cảnh này thật vui nhộn.
Kurtág là người cuối cùng còn tại thế của một thế hệ xuất sắc các nhà soạn nhạc tiên phong thời hậu chiến bao gồm Boulez, Stockhausen và Nono, nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhà soạn nhạc người Hungary Bartók và Kodály đối với cả ông lẫn Ligeti. Trong khi Kurtág chủ yếu ở lại Hungary thì Ligeti trốn thoát và định cư ở Tây Âu, dù cả hai vẫn cố gắng xoay xở để duy trì mối quan hệ gần gũi.
Ngồi trong phòng tập ốp gỗ tại Trung tâm Âm nhạc Budapest, Kurtág, nói tiếng Đức, đi dép lê trong nhà và mặc áo khoác may đo, nhớ lại lần gặp đầu tiên “như sét đánh” của họ trong kỳ thi tuyển sinh vào trường âm nhạc tháng 9/1945. Kurtág kể: “Tôi đọc bản nhạc của ông và tôi có thể thấy rằng đây không phải là sinh viên mà là một nhạc sĩ chín chắn. Kể từ thời điểm đó, tôi là môn đệ của ông, tôi là vệ tinh của ông và quay quanh ông, và đó là mối quan hệ trọn đời của chúng tôi. Ngay cả sau khi ông qua đời, tôi vẫn cảm thấy có mối liên hệ với ông, với sự tò mò không ngừng của ông”.
Khoảng thời gian Kurtág ở Paris cùng Márta vợ mình, một nghệ sĩ piano hòa nhạc, gần như ngay sau cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1957-1958, rất quan trọng đối với sự phát triển tư duy sáng tạo của ông. Nó cũng giúp ông thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt dưới chế độ cầm quyền thời kỳ đó. “Đó giống như một sự giải thoát khỏi thực tại. Tôi nhớ là mình đã đột nhiên để ý cách mình và Márta trò chuyện với nhau trên phố, và chúng tôi không còn phải hạ thấp giọng nữa. Đó là lúc tôi hiểu chúng tôi đã sợ hãi như thế nào”.
Cũng tại Paris, Kurtág đã gặp Marianne Stein, một nhà tâm lý học nghệ thuật, người đã giúp ông hồi phục sau bế tắc sáng tạo. “Cuộc gặp gỡ này thực sự đã giải phóng tôi,” ông nói. “Nó khiến tôi nhận ra rằng tôi nên sáng tác theo cách phù hợp với mình chứ không phải với người khác, rằng tôi nên tìm kiếm sự thật.” Lòng biết ơn ông dành cho bà được thể hiện trong bản tứ tấu đàn dây mà ông đã viết và đề tặng bà năm 1959 sau khi trở lại Budapest, bản nhạc mà theo lời ông là đánh dấu một bước ngoặt quan trọng; ông gọi tác phẩm này là Opus 1.
Kurtág nói: “Bà ấy bảo rằng tôi nên tập trung vào Einzeltöne, những nốt đơn lẻ. “Bà ấy bảo tôi đem hai nốt nhạc kết hợp với nhau. Ý bà ấy là tôi nên tạo ra sự thống nhất về giai điệu, nhưng tôi lại hiểu ý của bà ấy là tôi nên viết những bản nhạc bắt đầu bằng một nốt nhạc, chẳng hạn như nốt Đô và kết thúc bằng nốt La chẳng hạn. Sự hiểu lầm này không ngờ đã kích hoạt một quá trình tư duy mới trong tôi về cách thức tôi nên sáng tác”.
Kết quả là một phong cách đặc biệt, trong đó các sáng tác của Kurtág giống như các phòng thí nghiệm, trong đó ông thử nghiệm các âm thanh và các cách diễn đạt. Các đặc tính điển hình của chúng là sự rời rạc, cô đọng, kết tinh và vô cùng cá nhân. Khi được yêu cầu mô tả trực diện về phương pháp sáng tác của mình, ông cầm bút, giữ chặt và tập trung và tạo ra một vết lõm xoáy đen nặng nề trên trang giấy, nén chặt đến mức thoạt nhìn như một con ruồi bị đè bẹp. Có một thoáng tinh nghịch trong ánh mắt ông.
Sự ngắn gọn tập trung trong sáng tác của Kurtág nghĩa là toàn bộ tác phẩm đã xuất bản của ông có thể được nghe trong khoảng 10 giờ. Ông nổi tiếng là người không khoan nhượng và khó tính, nhưng các nghệ sĩ giống như môn đệ đi theo ông hào hứng nói về sự linh hoạt của ông cũng như những thách thức ông đặt ra cho họ. Nghệ sĩ cello Steven Isserlis mô tả ông là một người cha nhân từ nhưng đòi hỏi khắt khe: “Ông hay chỉ trích và tôi thích điều đó. Ông khiến tôi phải gồng lên, ông đưa ra yêu cầu với tôi và điều đó thật tuyệt. Âm nhạc của ông có điểm yếu và thông tin trong mọi khoảnh khắc. Bạn phải hoàn toàn bị thuyết phục khi chơi nó. Điều ông dạy tôi trên hết là cường độ có thể là bao nhiêu trong mỗi nốt nhạc”.
Nghệ sĩ piano ngôi sao người Iceland Víkingur Ólafsson nói rằng lúc còn bé mình bị cuốn hút một cách ám ảnh khi nghe những bản thu âm của Kurtág mà cha mình bật lên. Anh ngạc nhiên trước khả năng trích xuất âm thanh mới từ các nhạc cụ của ông, “loại âm thanh mà bạn thực sự không nghĩ là có thể thực hiện được. Ông cho violin chơi như thể nó là cả một dàn nhạc, nó trở thành một loại nhạc cụ vũ trụ. Ông vượt quá giới hạn và định nghĩa lại piano, khiến tôi tự vấn bản thân liệu mình có thực sự biết tính năng của cây đàn này hay không”.
Vào ngày 17/8/2023 Endgame, vở opera đầu tiên và duy nhất của Kurtág với libretto dựa trên vở kịch của Beckett, được biểu diễn tại Proms cùng Dàn nhạc Giao hưởng Scotland của BBC và Ryan Wigglesworth. Kurtág nói: “Chính Ligeti đã dẫn tôi đến với Beckett – ông đã viết thư để nói với tôi rằng tôi nên xem Chờ đợi Godot. “Tôi đã xem Fin de Partie [Endgame] trên sân khấu ở Paris vào năm 1957, mặc dù lúc đó tiếng Pháp của tôi không đủ tốt để hiểu vở kịch.” Việc cùng chung tình yêu dành cho Beckett cũng là một phần của mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa ông và Márta. “Đó là lý do tại sao ông ấy vẫn rất quan trọng đối với tôi trong suốt cuộc đời”, ông nói.
Ông thừa nhận rằng thậm chí mình có thể đã gặp nhà văn Ireland nếu sự nhút nhát không cản trở mình. “Chúng tôi đã ở Berlin cùng một khoảng thời gian [vào những năm 1970]. Nhưng tôi đã tránh gặp mặt vì tôi biết mình chẳng có câu hỏi thông minh nào để hỏi ông”.
Vào năm 2010, La Scala đã đặt hàng ông hoàn thiện vở opera này, và đã dành hai năm tiếp theo “chỉ để nghiên cứu bản văn. Từ đó tôi bắt đầu soạn nhạc. Tổng cộng tôi đã mất hơn bảy năm.” Ngồi cạnh ông bên cây đàn piano là Márta. “Tôi gọi bà ấy là Nàng thơ Gendarme của tôi,” ông mỉm cười bảo. “Bà ấy nhận ra rằng tôi mắc một loại trầm cảm nên đã đảm bảo để tôi ngồi đó mà làm việc. Hằng ngày. Và đó là lý do duy nhất khiến tôi có thể hoàn thành nó.”
Tác phẩm được công diễn lần đầu tại La Scala, Milan vào năm 2018, tuy nhiên Kurtág vẫn một mực khẳng định rằng nó vẫn chưa thực sự kết thúc. Ông nói: “Vẫn thiếu các yếu tố quan trọng. Chúng bao gồm con chó đồ chơi của Hamm, “bon objet” của anh ta, mà sau đó anh ta đã vứt bỏ. “Khi Clov dùng con chó đánh anh ta, đây là khoảnh khắc mạnh mẽ và bi thảm nhất trong tác phẩm. Tôi vẫn chưa phổ nhạc được, nhưng không có nó thì thật thiếu sót.” Khi được hỏi liệu mình có thể hoàn thành kịp thời cho buổi công diễn lần đầu ở Anh hay không, Kurtág nhướn mày “Có lẽ”.
Nhưng mong muốn lớn nhất của Kurtág là “nằm xuống cạnh Márta”, người qua đời năm 2019 ở tuổi 92. Ông nói: “Márta và tôi đã kết hôn được 73 năm, có cảm giác như thời gian không còn tồn tại. Tôi chỉ đơn giản là chờ đợi cho đến khi chúng tôi có thể lại ở bên nhau”.
Ông thừa nhận rằng mình vẫn trò chuyện cùng bà: “Tôi vẫn nghe tiếng bà ấy rầy la tôi là quá khoa trương và quá phép tắc như thầy tu”. Mọi người xung quanh Kurtág đều sẵn sàng thừa nhận cảm giác về sự hiện diện của bà – từ nghệ sĩ bè trưởng bè flute của Dàn nhạc Concerto Budapest, Orsolya Kaczander: “Márta ở trong phòng khi chúng tôi chơi nhạc, nhìn qua vai chúng tôi”, đến Keller, người nói: “Márta vẫn ở bên và lắng nghe chúng tôi”.
Điều Kurtág không còn làm nữa là theo dõi tin tức. “Márta luôn tò mò về mọi điều mới mẻ đang diễn ra trên thế giới nhưng tôi không có nhu cầu đó vì tôi đã mất bà ấy”. Ông do đó không bị lôi kéo vào nền chính trị cánh hữu của chính phủ Viktor Orbán, vốn đã khiến một số nghệ sĩ, bao gồm cả học trò cũ của ông, nghệ sĩ piano András Schiff, từ chối biểu diễn ở Hungary khi Orbán còn nắm quyền. “Tôi không đọc báo hay xem tivi. Tôi độc lập với tình hình chính trị,” ông nói một cách quả quyết.
Ông thừa nhận mọi thứ ngày ấy chỉ là ảo tưởng. “Thật là tuyệt vời khi được sống ở trung tâm âm nhạc và bây giờ được cư trú trên phố Ligeti, nhưng thực ra không điều gì trong số đó quan trọng bằng những tình bạn mà tôi đã có hoặc những kỷ niệm về chúng”.□
Kate Connoly
Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2023/aug/16/i-compose-to-seek-the-truth-gyorgy-kurtag-on-totalitarianism-depression-and-his-73-year-marriage