Hạ Long đá và nước
Chuyến máy bay cất lên từ ven sông Hồng Hà Nội, nhằm hướng đông, bây giờ đã lên rất cao và hơi nghiêng mình chuyển về đông bắc: Chúng ta đang bay về Hạ Long.
Cả cái mặt đất phơi trải đến hút tầm mắt dưới kia nữa, hiện thực thế, quen thân biết bao, mà sao cứ dường hư ảo. Mạn phải hướng ta đang trôi tới là tít tắp đồng bằng, xanh mượt màu lúa và chen lẫn đậm đà màu nâu màu mỡ của phù sa. Những dòng sông, lúc tụ lại, lúc toả ra, khi long lanh sáng rực lên dưới ánh mặt trời chói chang, khi trầm đậm một màu đục đỏ gần như máu.
Còn bên mạn trái, từ lúc mới cất cánh và hẳn còn mải miết rong ruổi cùng ta theo suốt đường bay, là miên man rừng núi, từ những cung núi hùng vĩ xanh mượt phía xa Tây Bắc, Việt Bắc, cho đến cung núi Đông Bắc gần hơn, có thưa dần đi đôi chút, thấp dần đi đôi chút, nhưng lại có gì đó xôn xao hơn, ríu rít hơn, bồn chồn hay vội vã hơn. Hay là núi cũng đã ngửi thấy được hơi thở phảng phất mặn nồng của Biển? Biển còn chưa thấy được, còn tít tắp mãi xa kia, lẫn với chân trời mờ ảo. Nhưng mà hơi thở của nó dường đã phập phồng…
… Chưa trông thấy Biển, nhưng dường như đã thoảng nghe được hơi thở mặn nồng của Biển. Và tưởng chính nó cũng cảm nhận được hơi thở đó, chiếc máy bay bỗng hạ thấp độ cao rất nhanh, là là men theo một sườn núi hình cánh cung – cánh cung Đông Triều nổi tiếng – và có lẽ người phi công muốn gây một bất ngờ thật ấn tượng nên anh cố bay len lỏi sát các mép núi che khuất, để rồi, rất đột ngột, khi máy bay đã cất lên hơi cao đôi chút và vượt ra khỏi sườn núi chắn cuối cùng, bỗng òa ra trước mắt ta một cảnh tượng hẳn kỳ ảo nhất trên thế gian này: Hạ Long!
Dẫu đã nghe nói đến nghìn lần, dẫu đã bập bẹ đọc đến tên này từ trong sách giáo khoa đầu tiên ngày đầu tiên cắp sách đến trường, dẫu đã đọc, đã nghe hàng trăm bài văn bài thơ đông tây kim cổ ngợi ca, dẫu đã nhìn ngắm hàng nghìn bức tranh hay ảnh của những nghệ sĩ tài hoa nhất vẽ, chụp cảnh này… thì cái cảm giác đầu tiên khi Hạ Long đột ngột hiện ra trước mắt ta vẫn là một cảm giác bất lực gần như tuyệt vọng: ta biết, ta hiểu ra ngay rằng con người mãi mãi từ xưa và mãi mãi về sau sẽ không bao giờ có thể tìm ra, sáng tạo ra cái ngôn ngữ khả dĩ diễn đạt cái tác phẩm bày ra trước mắt ta kia. Tất cả các ngôn ngữ đều bất lực.
Hạ Long trước hết là một ngôn ngữ tự nó, mà không có ngôn ngữ nào khác thay thế được. Một ngôn ngữ duy nhất…
Máy bay đã hạ xuống khá thấp, đang lượn vòng trên Hạ Long. Và ta có thể nhận ra rất rõ tự dạng của cái ngôn ngữ ấy.
Hóa ra, để tạo nên kỳ quan số một này, Thiên nhiên chỉ dùng có hai mẫu tự, hai chữ cái: Đá và Nước. Như để dạy cho đời, cho những người nghệ sĩ một bài học tiết kiệm mẫu mực. Chỉ có hai yếu tố trong bao nhiêu yếu tố giàu có của đất trời. Chỉ có hai chất liệu trong vô vàn chất liệu có thể có, để viết, để vẽ, để điêu khắc, để sáng tạo nên tất cả.
Và là hai chất liệu, hai yếu tố đối lập đến triệt để:
Âm và Dương
Tĩnh và Động
Dừng và Chảy
Đặc và Lỏng
Rắn và Mềm
Nặng và Nhẹ
Trầm mặc và Lưu loát
Tôn nghiêm và Rít rít…
Chính ở Hạ Long, chắc hẳn là lần đầu tiên và về mặt phong phú thì là duy nhất, ta bỗng nhận ra: chỉ có Nước và Đá thôi, Nước kết hợp với Đá có thể biến hóa không cùng đến chừng nào. Và ta sẽ kinh ngạc về sự thông minh lạ lùng của Tự nhiên.
Hãy thử nhìn trước hết khi ta còn ở ưu thế ở trên độ bay cao này.
Ta bỗng giật mình, và thậm chí thoáng chút gì đó như một cảm giác lo sợ, run rẩy: ta đang được chứng kiến cái buổi thiêng liêng. Tạo hóa đang bắt đầu ra tay sáng tạo thế giới chăng? Trước khi tạo nên toàn bộ cái thế giới như ta đang có được ngày nay, Đức Hóa Công, Người Nghệ sĩ vĩ đại nhất ấy, đã thử làm một bản phác thảo.
Người đã chọn nơi này.
Và Người đã chọn dùng có mỗi hai chất liệu cơ bản và đối lập: Nước và Đá.
Hãy nhìn kìa. Tất cả những gì đang có ngày nay, và rồi sẽ có trên cả thế gian này, thì đều đã được nghĩ ra, mường tượng ra, phác thảo ra, bày đặt, bố trí ra… ở đây hết rồi. Xôn xao cả một thế giới cô đọng. Có tất cả mọi hình thù: tròn, vuông, dài, thuôn, nhọn, nở nang, đầy đặn như bầu ngực người đàn bà đang độ sinh lực dồi dào, mơn mởn, nửa e thẹn, nửa gọi mời hay khiêu khích như đôi vú cô gái mới lớn, tráng kiện vạm vỡ như cánh tay, như tấm lưng người lao động hay người tráng sĩ, tĩnh mặc đăm chiêu như người già râu tóc bạc phơ trầm ngâm suy tưởng về sự tử sinh và cái vĩnh hằng, tinh nghịch nhảy nhót vô tư như đứa bé còn nhìn thế giới tựa một cuộc chơi kỳ thú vô tận, hăm hở xông xáo như người chiến binh, lẳng lơ như cô gái nào kia sao mà cứ muốn phô bày tất cả mình ra giữa đất trời, ngơ ngác như anh chàng nào đó thơ thẩn vừa bước vào đời, cặm cụi lam lũ như người cày ruộng, miệt mài như người thợ, tất tả như mẹ ta suốt đời quảy gánh hàng xén tất tả nuôi con; cả những con người đau khổ cùng cực nữa, này đây là người hành khất, kia là khuôn mặt tàn tạ của ai vậy đã bị cả một cuộc đời quặn đau giằng xé, và người già còng lưng vì gánh nặng của tuổi tác, người vọng phu muôn đời hóa đá, và ai đó nữa kia, như là nàng Vân Dại thất tình, hay là nàng Kiều trung trinh mà nhàu nát bởi cuộc đời…. Và kia kìa, một nhà sư đã đốn ngộ, là đá đấy mà trông như một áng mây, tưởng đang thanh thản trôi bay về nơi Cực lạc…
Khắp Hạ Long, nhìn kỹ mà xem, có tất cả thập loại chúng sinh. Cho tới nỗi, chợt đến trong ta cái ý tưởng lạ kỳ: Hay là ở đây, Đấng Tạo Hóa toàn năng đã “chương trình hóa” từ những thuở nào thuở nào, mịt mùng xa xăm, toàn bộ lịch sử và số phận Con Người?… Những con người được tạc bằng đá, nhưng lại không phải là những pho tượng chết đứng im trong tư thế vĩnh cửu. Mà là những con người sống, bởi nước, cái chất liệu kỳ diệu tạo hóa đã chọn cho công trình của mình ấy, Nước, ngọn nguồn của mọi sự sống, Nước xao động và biến đổi không ngừng khiến cho cái “thập loại chúng sinh” kia dường cũng thay đổi, sinh sôi, phát triển, biến dạng từng ngày, từng buổi, từng giờ, từng phút …
Hạ Long là một bức tranh tuyệt diệu, muôn hình muôn vẻ và khổng lồ ư? Là một phòng triển lãm điêu khắc mênh mông ư? Không. Bởi vì trong một bức tranh, một phòng triển lãm, dù sinh động đến đâu, thì tất cả cũng chỉ đứng im. ở đây, tất cả đều động. Đều sống. ở đây Đá Sống. Nước khiến cho Đá Sống.
Ta bỗng muốn lang thang giữa cái thế giới người muôn vẻ ấy, ghé lại với người này, với người kia đôi chút, tâm tình, trò chuyện cùng họ. Những con người bằng đá mà lại sống, từng sống hàng vạn hay hàng triệu năm đó, có biết bao điều thâm trầm để nói cùng ta. Chắc là giản dị như đá, mà cũng bí ẩn, trầm sâu như đá…
Xế về phía bắc của vịnh Hạ Long, có một nhóm đảo xúm xít, được gọi là quần đảo Xếp. Bàn tay nào đó không biết và cũng chẳng biết tự thuở nào đã xếp lên mấy chục hòn đảo đó, xúm xít, và hòn nào cũng vậy, gồm toàn những lớp đá xếp tầng, chồng lên nhau, lúc nhịp nhàng, thẳng tắp, lúc hơi nghiêng, lúc vững chãi, lúc chênh vênh… Và ở vào gần chính giữa chùm đảo xếp đó, có một nhân vật lập tức thu hút cái nhìn của chúng ta: một Con Quỷ của Vroubel. Bạn đã xem bức tranh kỳ lạ và nổi tiếng ấy của Vroubel bao giờ chưa? Một con quỷ ngồi, hai tay ôm gối, lưng còng xuống như gánh chịu tất cả nỗi thống khổ của thế gian, đôi mắt tăm tối mà thăm thẳm nhìn vào cõi hư vô, vào không gian không đáy và vào thời gian không cùng. Vroubel vẽ con quỷ ư? Không, đấy là con người. Con người suy tưởng. Về thân phận con người. Về kiếp người. Về bản chất con người. Về cuộc giằng co, cuộc đấu tranh vĩnh cửu, đau khổ vĩnh cửu và dũng cảm cũng vĩnh cửu của con người để thành Người. Như là một nhân vật của cái ông nhà văn vĩ đại nhất mà cũng đau khổ nhất của nhân loại là Dostoievski, con người rách nát vì đau khổ của kiếp làm người và dũng mãnh vô cùng trên con đường chông gai làm người. Có một con người như vậy đấy, trên biển Hạ Long, giữa chòm đảo Đá Xếp.
Hay là Vroubel đã chép lại bức tranh tuyệt tác của mình từ bản thảo của Tạo hóa ở đây?
Và chợt không thể nào không nghĩ: khi bóng chiều đã ngả tím, rồi sẫm dần, và rồi đêm đến, mịt mùng đen, khiến cho cái khoảng vô tận bốn bề càng thêm vô tận, và sóng gió bốn bề càng dữ hơn, hiểm ác hơn, gào thét hơn, bí mật hơn… thì cái con Quỷ đá mà rất Người kia, biểu tượng muôn đời đau khổ, quằn quại, ước vọng và đấu tranh của Con Người, vẫn ngồi một mình đó ư? Cô đơn biết bao. Thao thức vĩnh cửu…