Hà Nội của Phạm Bình Chương*

Vẽ kiểu thực cũng có dăm bảy đường. Siêu thực, cực thực, hiện thực. Không cứ cùng một đường là giống nhau. Hiện thực Pháp trong tranh G. Courbet khác với hiện thực Nga của LeVitan, của Repin. Nói thế để thấy khái niệm thực trong hội họa cũng không chỉ có nghĩa là thực.

Trong nghệ thuật thì đề tài không làm nên tác giả. Cách kể, cách vẽ về đề tài đó thế nào mới là quan trọng. Đó mới là cái cách để làm mình, làm ra mình, tìm ra mình.
Tìm cách biểu đạt mới trong lối vẽ thực là rất khó.
Tìm cách biểu đạt mới trong một đề tài quen thuộc như phố cổ Hà Nội lại càng khó. Đó là con đường đã quá chật chội. Phạm Bình Chương tự làm khó mình, tự đưa mình vào 2 lần khó khi chọn điều này. Tôi nghĩ là anh ấy đã tìm được những khoảng hẹp để đặt chân vào làm một con đường mới cho riêng mình trên cái nền cũ kỹ đó.

 
Ngày đẹp trời – Phạm Bình Chương

Xem tranh của Phạm Bình Chương, người ta không bị mệt vì cách vẽ tỉ mẩn, vờn tỉa, gò bó, gò gẫm. Tranh của Chương không gây cảm giác gia công, mỹ nghệ, không gây cảm giác của lao động thủ công mà các kiểu tranh vẽ theo lối tả thực thường bị sa vào cái bẫy này. Anh không hoàn toàn buộc mình vào một loại toan mịn với lối đi bút gọn gàng, nuột nà; với lối vẽ sơn dầu mỏng dính như kỹ thuật vẽ mầu nước. Với lối vẽ cố chấp thực đến mức xem tranh tưởng nhầm là ảnh.
Cái sự chau chuốt vẫn được Phạm Bình Chương vẽ bằng những nhát bút nhiều tự do, phóng khoáng và đáng quý hơn là có cả nhiều tình cờ, cả nhiều không thể lặp lại. Điều này không dễ với cách vẽ thực. Nói cách khác, những tác giả đang vẽ lối thực từ trước đến nay chưa ai dám làm.  Tôi thích nhất những bức như vậy của Chương.
Nhiều tác giả khi vẽ thực (cực thực, siêu thực, hiện thực-ảnh) thường tháu cáy bằng những mảng tối lớn để ăn gian, để không phải vẽ. Chương không vậy. Những khoảng tối nhất trong tranh của anh vẫn chỉ ở độ trung gian- đậm, nó vẫn có chi tiết để nhìn.
Vẽ về phố cổ Hà Nội nhưng Chương không hề nệ cổ, không làm giả hiện thực không cố tình biến Hà Nội hôm nay thành một thứ bưu ảnh hồi đầu thế kỷ trước. Hà Nội trong tranh Chương lạ hơn, mới hơn chính vì những chi tiết mới cũ đan xen (chai nước Lavie, xích lô du lịch, biển quảng cáo…) và vì vậy mà tuy không có người, ít người nhưng tranh Chương vẫn sống, nó vẫn có nhiều hơi thở của đời sống. Những tín hiệu của đời sống hiện đại, của những cái đang diễn ra hằng ngày làm cho tranh của Chương không bị xa lạ, nó gần gũi, thân thuộc nên dễ đến với công chúng hơn chứ không phải do lối vẽ thực như anh tự lý giải.Tôi còn nhận ra được một điều nữa, cho dù chưa chắc Phạm Bình Chương đã cố ý. Đó là trong tranh của anh có gì đó, phảng phất thôi, thoáng chốc thôi vẻ đẹp an bình, an lành, thanh bình trong cái ồn ào, chật chội, xô lệch, xộc xệch, chen chúc, pha tạp của Hà Nội đang chuyển mình. Đó là những tĩnh lặng hiếm hoi của một cái cầu thang gỗ ọp ẹp, một quán trà xu đêm vắng khách, một ngõ hẹp, một gì gì đó rất khó chỉ ra cụ thể.

 
Tiết Xuân- Phạm Bình Chương

Ở một số bức, Phạm Bình Chương áp dụng điểm nhìn  của điện ảnh vừa để nhấn mạnh vài chi tiết nào đó vừa hấp dẫn hơn và tạo ra sự khác lạ hơn.
Vẽ nhà cửa, phố xá mà chỉ để người xem nhìn thấy nhà cửa, phố xá thì vẽ làm gì. Thưởng thức nghệ thuật suy cho đến cùng là để thấy được tác giả. Qua nhìn phải đạt đến thấy. Thấy được cái tình của họa sỹ với Hà Nội. Qua có để thấy được không. Thấy được cái cảm của Phạm Bình Chương với Hà Nội. Một Hà Nội đẹp cổ kính, một chút lãng mạn, một chút gì đó rất Phạm Bình Chương.
Nếu Chương có ý định xuống phố lần nữa thì tôi muốn Chương tìm được thêm điều gì sai sai đi nữa, nhòe nhòe đi nữa, không thực nữa, mơ hồ chút nữa, chẳng để làm gì nữa, vô nghĩa và vu vơ thêm nữa.
——————
* Bài viết nhân triển lãm “ Xuống phố 2” của họa sỹ Phạm Bình Chương.  Gồm 19 bức tranh, chất liệu sơn dầu trên vải diễn ra tại Hanoi Studio 13 Tràng Tiền – Hà nội.

Lê Thiết Cương

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)