Hâm mộ trong sự băn khoăn
Nếu thần tượng của bạn làm điều gì đó sai trái, bạn vẫn tiếp tục yêu thích cá nhân và tiêu thụ sản phẩm của họ, thì điều đó có đúng đắn?
Khi sự hâm mộ bị gián đoạn
Hâm mộ vốn là hiện tượng quen thuộc, khi ai đấy yêu thích, theo dõi và ủng hộ một ca sĩ, diễn viên, nhóm nhạc, chính trị gia, vận động viên, hoặc một chương trình truyền hình, một bộ truyện, v.v. Cơ chế của sự hâm mộ dựa nhiều trên sự tưởng tượng (fantasy) của người hâm mộ (fan) về thần tượng của mình. Dựa trên hình ảnh trước công chúng của thần tượng (persona) mà fan sẽ có nhận thức và sự tưởng tượng riêng của mình về người nổi tiếng này. Quá trình tưởng tượng này giúp duy trì sự gắn kết giữa fan và thần tượng.
Sự tưởng tượng đó sẽ bị gián đoạn và kết nối fan-thần tượng sẽ trở nên mâu thuẫn khi, bỗng một ngày, fan phát hiện ra người mình hâm mộ bấy lâu không như mình vẫn tưởng tượng, hoặc thậm chí có ‘vấn đề’. Ví dụ, khi thần tượng bị phát hiện có người yêu, có con ngoài hôn nhân, là người đồng tính, có quan điểm chính trị gây tranh cãi, sử dụng chất cấm, trốn thuế, quấy rối tình dục, bạo hành, v.v.
Trong nhiều trường hợp, sự gián đoạn đó là một phần không thể tránh khỏi của sự hâm mộ (fandom). Những gì một người nổi tiếng thể hiện trước công chúng hay camera dĩ nhiên rất hạn chế so với con người thật của họ. Dù fan có cố gắng thu thập thông tin tới đâu về thần tượng thì cũng chỉ có thể biết được một góc cạnh nào đó về họ mà thôi. Nên thường sẽ không thể tránh khỏi những khoảnh khắc người hâm mộ vỡ òa (trong ngạc nhiên, vui sướng, hay thất vọng, thậm chí đau khổ) trước một sự thật nào đó về thần tượng của mình: cô ấy/anh ấy hóa ra là người như thế!
Thông thường, những sự kiện như vậy thực chất giúp cho mối quan hệ fan-thần tượng, vốn dễ bị phê phán là một chiều và thiếu thực tế (như khái niệm ‘parasocial relationship’ thường gợi ý) có những thay đổi cần thiết, song song với quá trình trưởng thành và phát triển bản sắc cá nhân của fan. Trong nhiều trường hợp, mối quan hệ fan-thần tượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình định hình tính cách của thanh thiếu niên. Từ góc độ văn hóa, trong cái nhìn của người hâm mộ, thần tượng có những ý nghĩa nhất định, anh ấy hay cô ấy có thể là đại diện cho tài năng, là tấm gương vượt khó để đạt thành công, là biểu tượng của sắc đẹp, của một phong cách thời thượng, một cá tính khác biệt, hay một tấm lòng nhân ái. Sự hâm mộ, theo khía cạnh này, là sự ngưỡng vọng của cá nhân đó đối với những phẩm chất trên. Fan thầm mong muốn cũng sẽ được tài năng, xinh đẹp, nổi tiếng, thành công…như thần tượng của mình. Khi một sự thật không mong muốn về thần tượng bị lộ ra và sự hâm mộ bị gián đoạn, đó là lúc fan dần tách mình khỏi đối tượng của sự hâm mộ, để đạt tới những nhận xét và đánh giá độc lập về đối tượng này.
Nhưng cũng có không ít các trường hợp, khi sự hâm mộ bị gián đoạn là lúc fan phải đối diện với những băn khoăn và mâu thuẫn nội tại có tính vấn đề hơn, liên quan tới khía cạnh đạo đức. Đó là khi thần tượng có những phát ngôn, hành vi vi phạm pháp luật hay các chuẩn mực đạo đức thông thường. Ví dụ, đó là khi thần tượng có các quan điểm về chính trị, về giới gây tranh cãi, vi phạm pháp luật như trốn thuế, bạo hành, quấy rối tình dục, v.v. Đó là lúc người hâm mộ và công chúng nói chung phải đối diện với các băn khoăn và mong tìm một câu trả lời.
Các băn khoăn và mâu thuẫn là không tránh khỏi, thậm chí là cần thiết
Một phản ứng thường thấy của không ít người hâm mộ đó là bênh vực thần tượng, bất chấp các bằng chứng rõ ràng. Một trong những scandal chấn động làng giải trí châu Á những năm gần đây là vụ bê bối xoay quanh hộp đêm Burning Sun tại Seoul – một ổ ma túy, mại dâm, và nơi thực hiện các hành vi tấn công tình dục. Vụ án này liên quan trực tiếp tới một số ngôi sao Hàn Quốc, trong đó có ca sĩ Seungri của nhóm nhạc K-Pop lừng danh, Big Bang. Khi vụ việc dần bị phơi lộ trên các mặt báo, nhiều fan của Big Bang và Seungri đã có phản ứng là bênh vực thần tượng của mình. Một số khác chọn không bênh vực thần tượng trước các hành động đã được chứng minh là sai trái; và nhiều fan đã rời bỏ, ‘chia tay’ thần tượng, và thậm chí có những fan kêu gọi tẩy chay Seungri và các sản phẩm của ca sĩ này. Bên cạnh đó, không ít người hâm mộ lưỡng lự không biết nên phản ứng ra sao.
Những phản ứng khác nhau như vậy phơi lộ ra các mâu thuẫn trong lòng fan. Đó cũng là lúc một cộng đồng người hâm mộ bị phân hóa sâu sắc, xảy ra những tranh cãi, thậm chí ‘chiến tranh’ giữa các nhóm fan (hay được gọi là ‘fan war’) trong cùng một cộng đồng hay giữa một vài cộng đồng fan với nhau. Một câu hỏi quan trọng đặt ra đối với fan là: nếu tiếp tục ủng hộ một thần tượng đã được chứng minh là vi phạm pháp luật lẫn cả chuẩn mực đạo đức thì liệu có đúng đắn? Trong trường hợp vụ bê bối Burning Sun, có ba nghệ sĩ K-Pop đã phải đi tù với các mức án khác nhau. Dĩ nhiên cả 3 đều đã tuyên bố ra khỏi giới giải trí và rút khỏi các nhóm nhạc nổi tiếng mình đang là thành viên. Vẫn có một số fan chọn bênh thần tượng với các biện minh, ví dụ, Seungri là nạn nhân của một âm mưu nào đó, hay Seungri bị bạn bè rủ rê, dụ dỗ vào con đường sai trái, nhưng đây chỉ là một nhóm nhỏ. Nhóm này muốn giữ lại một hình tượng trong sáng, không tì vết của thần tượng, bằng cách ‘nạn nhân hóa’ thần tượng của mình, bất chấp các bằng chứng và sự thật là anh ta đã bị tòa kết luận có tội.
Khó khăn hơn là với những fan chấp nhận sự thật, tức là chấp nhận để những tưởng tượng tốt đẹp trước giờ của mình về thần tượng vỡ vụn, chấp nhận là hình ảnh vốn không tì vết của thần tượng trong lòng mình bị vấy bẩn. Nhưng vẫn còn đó hình ảnh một Seungri là cậu em út dễ thương, hài hước của nhóm nhạc K-Pop đình đám Big Bang, vẫn còn đó những câu chuyện về sự nỗ lực, vượt khó, về bản lĩnh vươn lên của thần tượng, vẫn còn đó những kí ức ‘thanh xuân’ gắn bó với âm nhạc và thần tượng, và sự gắn kết ấy đã giúp không ít fan đi qua những giai đoạn khó khăn ra sao. Vậy nếu tiếp tục ủng hộ, theo nghĩa là tiếp tục yêu thích cá nhân ca sĩ này, và tiếp tục nghe nhạc của ca sĩ này, thì có là đúng đắn? Dĩ nhiên đây là một câu hỏi thuộc phạm trù đạo đức chứ không phải pháp luật.
Trên thực tế, đã có nhiều fanpage đóng cửa, nhiều nhóm fan dừng hoạt động sau vụ bê bối Burning Sun. Nhiều fan chọn rời bỏ thần tượng, thậm chí có những fan đòi tẩy chay thần tượng và sản phẩm của anh ta. Thật không dễ để tách biệt nghệ sĩ và các sản phẩm nghệ thuật của họ. Nên khi nghệ sĩ dính vào bê bối thì các sản phẩm của họ bị ảnh hưởng là việc thường xảy ra, trong đó không ít các trường hợp nghệ sĩ và sản phẩm bị kêu gọi tẩy chay/xóa sổ (có liên quan tới hiện tượng ‘cancel culture’). Mối quan hệ giữa công chúng/fan – sản phẩm – nghệ sĩ là một mối quan hệ vốn không đơn giản, và càng trở nên phức tạp trong các tình huống bê bối của nghệ sĩ. Nếu như một fan có người thân là nạn nhân của quấy rối tình dục thì việc tiếp tục nghe nhạc của Seungri, thậm chí của Big Bang, liệu có là đang tiếp tay cho loại tội phạm này? Đó không chỉ là một cảm giác mơ hồ hay một hành động có tính biểu tượng, mà trên thực tế, việc tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm nghệ thuật của ca sĩ này sẽ tiếp tục đem lại lợi ích kinh tế cho anh ta.
Trong những trường hợp như ba nghệ sĩ K-Pop của scandal Burning Sun thì họ đã bị kết án và chịu tội, tức là ít nhất đã có một kết luận cụ thể về các lỗi lầm của họ (dù cho còn gây tranh cãi) và đó là cơ sở thực tế cho nhiều fan đưa ra quyết định tiếp tục ủng hộ hay rời bỏ. Trong nhiều trường hợp khác, câu chuyện không được rõ ràng theo kiểu một phán quyết của tòa án như vậy. Ví dụ, đạo diễn huyền thoại người Mỹ, Woody Allen, vốn gắn với nhiều tranh cãi và tai tiếng, đã kết hôn với con gái nuôi của người tình Mia Farrow. Người con gái nuôi này kém ông 35 tuổi. Ông cũng từng bị cáo buộc đã quấy rối một cô con gái khác do ông và người tình cùng nhận nuôi, khi cô bé 7 tuổi. Hay, một ví dụ khác của âm nhạc đương đại là rapper cũng vào hàng huyền thoại, Eminem. Nếu những năm đầu thập niên 2000, nhiều fan nữ say mê với các bản rap đình đám của rapper này thì có thể cũng chính là họ bây giờ không thể nghe lại nhiều bản rap của Eminem vì nhận ra các ngôn từ có xu hướng phân biệt giới tính và ngầm ẩn sự kỳ thị nữ giới (misogyny). Tương tự, một fan nữ, sau những cáo buộc ấu dâm của Allen, có thể sẽ có cảm nhận rất khác khi xem lại bộ phim Manhattan (1979), trong đó có mô tả mối tình lãng mạn giữa một người đàn ông trung niên (Allen đóng) và một cô gái 17 tuổi.
Lại cũng có trường hợp, người nghệ sĩ không bị kết án, cũng chẳng bị cáo buộc chính thức nào, và cũng không dễ để tìm ra dấu vết ‘tội lỗi’ của tác giả trong tác phẩm của họ, nhưng vẫn có thể đưa tới nhiều băn khoăn trong lòng người hâm mộ. Một trong các ví dụ gần đây là nữ nhà văn nổi tiếng người Anh, J.K.Rowling, của bộ truyện Harry Potter với nhiều phát ngôn gây tranh cãi liên quan giới, đặc biệt về người chuyển giới. Gần nhất, nhà văn này viết trên nền tảng X, phản đối nữ động viên Imane Khelif của Algeria tham gia thi đấu trong môn quyền anh nữ tại Thế Vận hội Paris 2024 vì cho rằng cô là nam, mà không hề có căn cứ xác đáng. Sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu nhiều fan của Harry Potter sẽ nghĩ tới J.K.Rowling và các phát ngôn này của bà khi đang thưởng thức bộ truyện và cảm thấy, tối thiểu là, ‘kém vui’, nhất là khi bản thân họ hay người thân của họ thuộc cộng đồng LGBTQ+.
Các phản ứng trái chiều và các băn khoăn mà fan thường phải đối diện khi thần tượng hay tác giả của bộ truyện hay bộ phim yêu thích của họ vướng vào lao lý, các bê bối, cáo buộc hay tranh cãi là không thể tránh khỏi. Ở chừng mực nào đó, sự trái chiều và các băn khoăn này còn là có ích, vì giúp mở ra những góc nhìn mới cho công chúng về người nghệ sĩ và tác phẩm của họ.
Học cách di chuyển giữa các ranh giới
Trong cuốn sách Vạch lằn ranh: nên làm gì với tác phẩm của các nghệ sĩ thiếu đạo đức, từ bảo tàng tới phim ảnh (Drawing the Line: What to Do with the Work of Immoral Artists from Museums to the Movies, 2021), Erich Hatala Matthes đã có những phân tích sâu sắc và gợi ý câu trả lời cho câu hỏi mang tính đạo đức trên. Tác giả cho rằng việc chúng ta có thể tách tác phẩm ra khỏi nghệ sĩ hay không thực ra không quan trọng vì chúng ta không nên làm vậy. Trong khi một số người chọn coi cuộc sống của nghệ sĩ như thể không liên quan đến tác phẩm của họ và những người khác lại chọn coi tác phẩm nghệ thuật như một công cụ chính trị thì Matthes lập luận rằng cuộc sống của nghệ sĩ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mối quan hệ đạo đức và thẩm mỹ của chúng ta với các tác phẩm nghệ thuật. Ông cho rằng chính những tác phẩm này có thể giúp công chúng có thêm động lực mạnh mẽ để đấu tranh với sự thiếu đạo đức của những người sáng tạo ra chúng.
Từ đó có thể thấy, thay vì ủng hộ tác phẩm và tác giả vô điều kiện, bất chấp các dữ kiện thực tế, hoặc xa lánh các tác phẩm nghệ thuật vì bản thân chúng ‘có tì vết’ hoặc người sáng tạo ra chúng thiếu đạo đức, chúng ta có thể kết nối và tham gia vào các tác phẩm này một cách chu đáo và cẩn trọng hơn, và học hỏi từ sự phức tạp mà các tác phẩm này buộc chúng ta phải đối mặt. Việc nhận ra mối quan hệ đạo đức và thẩm mỹ giữa người nghệ sĩ và tác phẩm của họ là rất quan trọng để xác định khi nào và ở đâu công chúng nên vạch ra ranh giới để thấy một tác phẩm xuất sắc vẫn có thể không hoàn hảo, và người sáng tạo ra một tác phẩm để đời vẫn có thể làm những điều sai trái. Chúng ta không nhất thiết phải đánh đồng nghệ sĩ với tác phẩm của họ hay buộc mình phải chọn một trong hai, đạo đức hay nghệ thuật. Suy cho cùng, đời sống của nghệ thuật chính là phản ánh sự phức tạp, đa dạng và khôn cùng của cuộc sống.□
——-
*Tiến sĩ, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Bài đăng Tia Sáng số 16/2024