Hầm trú ẩn. Sập bẫy

Nơi này tuyệt vô cùng, nhưng nó là một cái bẫy. Người nào đó đã xây dựng nên nơi này, y nghĩ rằng chẳng cần tới bất cứ một ai khác, và bây giờ y chết trong cô độc. Những kẻ ích kỉ như thế ngay từ đầu đã đẩy thế giới đến bờ vực của sự hủy diệt, và việc tìm đến nhau – tìm đến với mọi người – mới là cách để chúng ta cứu vớt thế giới.

Ánh đèn sáng rõ mồn một trong đêm, dù còn ở cách xa cả dặm. Có ánh đèn đồng nghĩa với có điện, có điện đồng nghĩa với có người sống quanh đây, và có người sống quanh đây lại đồng nghĩa với việc nơi này chắc chắn phải có nước để có thể hỏi xin trao đổi. Nhắm về phía ánh đèn, chúng tôi lập tức tiến tới thăm dò. Chúng tôi rời Chicago ba ngày trước, lên đường với sứ mệnh tìm nguồn tiếp tế, nhưng trong thâm tâm, tôi không có ý định trở về. Đã có một vài tin đồn về tình trạng khan hiếm nước và thiếu khẩu phần, điều này, không thể tránh khỏi, sẽ dẫn tới sự hoảng loạn nghiêm trọng về nhân tính. Xã hội văn minh đứng trước nguy cơ biến mất không còn dấu vết.


Con người liệu có an toàn trong những cái kén hầm trú ẩn? Nguồn: Jacey/Nature

Tôi thề rằng, đã có lúc tôi tự hỏi liệu nền văn minh thậm chí có đáng để giữ gìn. Nhất là khi bạn là một phụ nữ, đã phải đợi quá lâu để đủ sức rời khỏi nơi chốn cũ, nhưng cuối cùng lại phát hiện ra rằng người ta không bao giờ cho phép bạn ra đi. Bài học này tôi đã học được, một cách chật vật, ở New Pittsburgh, trước khi gặp Lizzie.

“Cô Sheena ơi! Có một cánh cửa kìa!” Lizzie reo lên với sự phấn khích nhiệt thành lúc nào cũng đầy ắp bên trong một cô nhóc chín tuổi. Tôi đi theo tiếng gọi của cô bé, khấp khởi hi vọng. Một cánh cửa hầm nằm sát bên mỏm đá, mở toang hoác mặc cho cát bụi lùa. Một bóng đèn sợi đốt nằm ngay nơi khung cửa, đang hắt thẳng ánh sáng lên nền trời. Dù là kẻ nào đang sống nơi đây, người ấy cũng đang đánh tín hiệu cho người khác tìm tới mình.

“Kiên nhẫn chút nào, cô bé!” tôi nhắc nhở. Lizzie còn quá nhỏ để biết thế giới này thực sự tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến thế nào – cô bé thiếu trầm trọng cái mà chúng tôi gọi là “trí thông minh đường phố”, một thuật ngữ có từ cái hồi đường vẫn còn ra đường và phố vẫn còn ra phố. Nhưng Lizzie mang trong mình một lòng trắc ẩn, và đó là lí do tôi càng lúc càng thêm mến yêu cô bé. 

Chúng tôi bước vào một nơi rõ ràng không thể gọi bằng một cái tên nào chuẩn xác hơn là một hầm trú sinh tồn. Tôi đã trông thấy những hầm trú kiểu như vậy trước đây, rất nhiều cái đã bị bới tung sau những trận vơ vét, nhưng căn hầm này có vẻ gần như chưa hề bị xâm phạm. “Xin chào!” Tôi cất tiếng. “Chúng tôi đến đây như những người bạn!”. Tôi ra hiệu cho Lizzie khép cánh cửa hầm lại phía sau lưng và kéo mặt nạ xuống. Cát đùn thành từng đụn nơi cửa hầm – cánh cửa mới chỉ được mở vài ngày gần đây – nhưng bầu không khí bên trong thoáng sạch và tươi mới. Nơi này chắc chắn có gắn thiết bị điều hòa không khí. Dãy bóng đèn huỳnh quang lắp dọc trên trần, nháy giật liên hồi nhưng ánh sáng phát ra vẫn còn khá ổn. “Xin chào!” Tôi cất tiếng gọi một lần nữa. Không một tiếng trả lời.

Đi đến cuối hành lang, tôi cảm thấy như vừa bước vào một chiều kích không gian khác. Có hẳn một phòng khách riêng – thật không khác gì một ngôi nhà thực thụ. Với thảm trải sàn và màn hình vô tuyến, cạnh đó là một chồng đĩa DVD, giá sách, một hộp đồ chơi, ghế sô-pha và ghế tựa. Tất cả mọi thứ đều hoàn hảo. Có thể nói, quá hoàn hảo. Đến mức phải nghi ngờ liệu đây có là một cái bẫy?

“Cháu muốn khám phá nơi này!” Lizzie chạy ào qua một cánh cửa bên.

“Lizzie, đừng…”. Tôi chợt khựng lại khi trông thấy cái bể cá. Một bể cá thực thụ. Tôi đã từng được đọc về nó, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt ngắm nhìn một bể cá có thực ngoài đời. 

“Trong đây có một khu vườn này,” Lizzie reo lên. “Một khu vườn cực kì rộng luôn!” Cô nhóc chạy vụt qua một phòng khác.

Tôi ngó trân trân chiếc bể cá. Thật quá nhiều nước, dễ dàng ước lượng được phải có đến ít nhất vài chục gallon. Xuyên qua mặt kính, có thể thấy đầy đủ bộ phận máy lọc nước cùng thiết bị tạo bọt, đá, sỏi và nhiều đồ trang trí nhỏ xinh. Nhưng chẳng hiểu sao nhìn mãi không thấy một con cá nào?

“Cháu chưa bao giờ trông thấy một cái giường nào lớn đến nhường này!” Lizzie reo vang, mỗi lúc một hào hứng hơn nữa.

Tôi nhón chân ngó qua thành bể, cố ngửi xem bên trong là nước muối hay nước ngọt, và tới tận lúc này mới trông thấy cá. Chúng nổi lềnh phềnh trên mặt nước.

Ngay sau đó là tiếng thét chói tai của Lizzie.

Tôi lao về hướng có tiếng hét và trước khi kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, Lizzie đã choàng tay ôm chặt lấy tôi. Chúng tôi đang đứng trong phòng tắm. Cô bé không ngừng thổn thức.

“Cháu an toàn rồi”, tôi nói, “Cô sẽ không để cho bất cứ ai làm đau cháu”. Tôi nhìn qua vai cô bé và trông thấy thứ đã làm Lizzie kinh hãi. “Vào phòng khách đi”, tôi nói thầm vào tai cô bé. Lizzie vẫn thút thít, nhưng ngoan ngoãn làm theo lời tôi.

Trước mặt tôi, một bồn tắm khổng lồ. Trong bồn tắm là thi thể một người đàn ông, trần truồng, khoảng chừng năm mươi tuổi. Ngoại hình mập mạp, dễ đâu là người to béo nhất mà tôi được gặp trong suốt hàng mấy thập kỉ nay. Mái tóc muối tiêu. 


Nỗi buồn. Họa sĩ Vincent van Gogh. Tháng 5/1890. Bảo tàng Rijksmuseum Kröller-Müller, Otterlo, Hà Lan.

Thực quá khó để nhận diện vì gương mặt đã bị xé toác bởi một lỗ đạn nhằm vào chính giữa.

Khẩu súng vẫn nằm chặt trong tay người đã chết. Đã bắt đầu gặp những xác người gần đây, nhưng tôi vẫn chưa hết hoang mang khi nhìn cái chết. Ông ta không bốc mùi. Chắc chắn đâu đó quanh đây phải lắp hàng tá máy lọc khí. 

Tôi bước ra và thấy Lizzie đang ngồi trên đi-văng, run cầm cập. “Tại sao ông ta lại làm điều đó”, cô bé hỏi.

“Cô cũng không rõ”.

“Cháu nghĩ là bởi ông ấy quá cô đơn”.

“Sao cháu lại nói thế?”

“Ông ấy đã để ngỏ cửa để mong ai đó tìm thấy mình”. Cô nhóc ngước nhìn tôi, đôi mắt trống rỗng vô hồn.

“Cháu ổn đấy chứ?”

“Cháu không thích tất cả những điều này một chút nào”, cô bé đáp. “Mình lấy nước đầy bình rồi quay về thôi”.

Tôi ngồi xuống bên cạnh, nhè nhẹ xoa lưng cô bé. “Chúng ta không thể về nhà”, tôi nói.

“Tại sao ạ?”

“Nhà đã không còn an toàn nữa rồi. Nước không còn đủ nữa”.

“Thế nên chúng ta mới càng phải quay về chứ ạ. Chúng ta sẽ nói cho mọi người biết về nơi này, và tất cả sẽ được giải cứu”.

“Đúng vậy”, tôi thở dài. “Chúng ta có thể làm như thế. Đó là nhiệm vụ của chúng ta.” Lizzie run rẩy trong vòng tay tôi. Nước mắt giàn giụa dính thành những vệt lem nhem trên gương mặt thơ ngây. Tôi lau nước mắt cho cô bé, rồi ướm hỏi. “Nhưng nếu chúng ta cứ vậy ở lại đây thôi thì sao?”

Cô nhóc nhìn tôi như thể không hiểu nổi một chữ nào tôi vừa thốt ra.

“Sao nào?” Tôi hỏi. “Chuyện này có gì là điên rồ chứ? Ở đây có nước và vô khối thức ăn. Chúng ta sẽ được an toàn. Cháu sẽ được an toàn”.

Lizzie liếc nhìn cánh cửa buồng tắm. “An toàn như ông ta ấy ạ?”

“Đó là chuyện khác”.

“Không hẳn đâu. Cái chết bao giờ cũng chỉ là cái chết mà thôi”.

“Nhưng có cô chăm sóc cháu,” tôi nói. “Chúng ta đã hứa sẽ chăm sóc lẫn nhau mà”.

“Cháu biết. Nhưng chúng ta cũng đã hứa với tất cả mọi người là sẽ quay trở về”.

“Chuyện này khác”.

Lizzie nghiêng đầu, ghé nhìn về phía cánh cửa buồng tắm. Người đàn ông chết. “Cháu cá là ông ta cũng từng nghĩ như thế”.

Tôi bừng tỉnh. Như vừa lập tức được giác ngộ một chân lí sâu xa. Nơi này tuyệt vô cùng, nhưng nó là một cái bẫy. Người nào đó đã xây dựng nên nơi này, y nghĩ rằng chẳng cần tới bất cứ một ai khác, và bây giờ y chết trong cô độc. Những kẻ ích kỉ như thế ngay từ đầu đã đẩy thế giới đến bờ vực của sự hủy diệt, và việc tìm đến nhau – tìm đến với mọi người – mới là cách để chúng ta cứu vớt thế giới.

Tôi lấy nước vào bình và nhẹ nhõm chuẩn bị cho hành trình trở về.□

Thái Hà dịch
Nguồn: “Water Seekers. Caught in a Trap”, Kurt Pankau, Nature 571, 140 (2019)

Ngoại truyện
Trong chuyên mục Truyện viễn tưởng lần này, Kurt Pankau cho chúng ta nhấm nháp thử hương vị của một thế giới hậu-tận thế qua truyện ngắn “Người đi kiếm nước”. Cũng như một vài truyện ngắn khác của ông, tác phẩm này lấy bối cảnh là thành phố St. Louis, bang Missouri ở thì tương lai. Có thể tìm đọc thêm tác phẩm của ông trên trang web hay tài khoản Twitter cá nhân. Dưới đây là vài lời ngắn gọn của chính Kurt Pankau về cảm hứng đã khởi nguồn cho câu chuyện mới nhất này của mình:
Trong các bản tin về kinh doanh và công nghệ, đã hơn một lần tôi nghe thấy chuyện các công ty khởi nghiệp đang lên ý tưởng rao bán những hầm trú sinh tồn (survival bunker) dành cho lớp người giàu có. Tôi không thích những miêu tả lãng mạn về tận thế, kiểu như khắc họa cái nhìn của một người sống sót đơn độc quay trở về với tự nhiên sau khi tất cả những sự điên rồ của kỉ nguyên hiện đại đã bị hủy diệt và san phẳng. Tôi có thể hiểu được một cuộc sống như thế hấp dẫn đến mức nào, nhưng đó không phải là cách mà một con người thực sự sống. Chúng ta là một giống loài xã hội. Sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc và dựa vào cộng đồng. Giờ đây chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu – một nguy cơ toàn cầu đang gây ra nỗi sợ hãi sinh tồn ngang với sự gia tăng chóng mặt của vũ khí hạt nhân trong những thập kỉ gần đây. Tôi có chút coi thường những người nắm trong tay đầy đủ điều kiện và quyền lực nhưng lại cố tình né tránh những vấn đề này thay vì gắng sức hành động vì cộng đồng, trong một thiện chí mong muốn cải thiện tình thế. Không khó nhận ra ở tâm lí này có một chút gì đó của sự phân biệt giai tầng. Đó cũng chính là ý tưởng khởi nguồn cho câu chuyện của tôi. Trong truyện ngắn này, một người đàn ông đã tích trữ được đầy đủ mọi điều kiện thiết yếu để giữ cho mình được an toàn và tuyệt đối không bị xâm phạm, không chỉ biệt lập khỏi các tác nhân gây hại mà khỏi cả “đám đông hỗn tạp”. Ông ta đã cố hết sức để có thể đảm bảo rằng mọi nhu cầu cá nhân đều được đáp ứng, ngay cả khi xã hội bên ngoài đang kiệt cùng nguồn sống và rơi vào hỗn loạn. Cuối cùng, ông ta chết trong cô độc. Khi hai nhân vật chính phát hiện ra ông ta, họ đứng trước tình thế buộc phải lựa chọn: hoặc nhìn cuộc sống của ông ta như một cơ hội mới cho riêng mình, hoặc coi đó như một lời cảnh tỉnh. (Kurt Pankau)

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)