Hành trình đầu tiên: Điều kỳ diệu của cuộc sống hằng ngày

Đó là hành trình tìm kiếm cái đẹp của những kẻ liều lĩnh trong một ‘địa hạt’ còn nhiều mới mẻ.



Chân dung tự họa của Quang và Liên. 

Mô tả những tác phẩm của Phùng Nguyên Quang vàHuỳnh Kim Liên, những tờ báo quốc tế như New York Times, The Wall Street Journal, Publishers Weekly đã không ngần ngại khen ngợi rằng cặp đôi họa sĩ đã dùng nét vẽ của mình làm nên “một câu chuyện mang tính điện ảnh đặc biệt hấp dẫn”, “một cuộc hành trình sống động, thú vị”, từ đó “tôn vinh vẻ đẹp và sự trù phú của vùng đồng bằng sông Mekong”.

Bước ngoặt lớn

Cái tên Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên bắt đầu được mọi người biết đến vào năm 2015, khi cuốn sách The First Journey (Hành trình đầu tiên) giành chiến thắng tại Scholastic Picture Book Award. “Đó là một bất ngờ lớn”, Liên nhớ lại, “Năm 2014, chúng tôi tham gia trại sáng tác tranh thiếu nhi của Room To Read. Kết thúc trại sáng tác, những người tham gia phải hoàn thành một cuốn sách tranh hoàn chỉnh 32 trang cho chương trình thư viện dành cho trẻ em miền Tây” – và The First Journey đã ra đời như thế.

Cuốn sách kể về hành trình của cậu bé An trên chiếc xuồng ba lá, băng qua cánh đồng mùa nước nổi, vượt qua kênh rạch trong mưa gió, đương đầu với trăn kìm khổng lồ, bị cá sấu bám đuôi, cùng tất cả những hiểm nguy đặc trưng của vùng sông nước để đến trường, hòa niềm vui cùng bè bạn ngày đầu năm học mới. “Chúng tôi đã đọc những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… và rồi hình dung ra cảnh một đứa bé chèo chiếc xuồng nhỏ, dưới nước là một con trăn khổng lồ, thế là những tình tiết cứ nối đuôi hiện lên một cách trôi chảy, mượt mà”, Kim Liên kể về quá trình hình thành nội dung cuốn sách cũng như gợi mở lý do mà ngôi trường trong truyện lại mang tên Sơn Nam.

Song song với phần nội dung, tác phẩm còn gây ấn tượng bởi phần mỹ thuật với những bức tranh tái hiện khung cảnh miền Tây Nam Bộ với rừng tràm, trâu nước, hoa sen v.v.. “Vẻn vẹn trong hai tuần, chúng tôi cùng nhau phác thảo storyboard (bảng phân cảnh), sau đó tôi đi nét nhân vật và cảnh nền bằng bút chì và bút kim trên các lớp riêng rẽ, Liên kết hợp chúng lại và tô màu trên máy tính”, Quang diễn tả quá trình sáng tác. “Chúng tôi muốn phác họa một cậu bé giữa khung cảnh rộng lớn, phản ánh sự nhỏ bé giữa con người với thiên nhiên hùng vĩ. Bất chất điều đó, cậu bé An vẫn dũng cảm đương đầu với mọi hiểm nguy”.

Có thể hình dung The First Journey như một lằn ranh, với một bên là Liên và Quang trong quá khứ “rất ngây thơ, chỉ nghĩ truyện sách thiếu nhi là vẽ một em bé vui chơi, học hành” và một bên là Liên và Quang “rất khác, không còn dễ dãi, nhận ra còn rất nhiều thứ mà mình chưa biết và còn phải học hỏi”. “Tôi xem cuốn sách là một bước ngoặt là vì thế, nó đã mở ra cho chúng tôi nhiều cánh cửa hơn, lần đầu tiên tôi có thể viết nên một tác phẩm truyện thiếu nhi thực sự”, Liên tâm sự.

Nếu hỏi điều gì làm nên sự đặc biệt trong từng nét vẽ của Quang và Liên, đó là cách mà họ mang tinh thần Việt Nam vào tranh một cách tự nhiên, hài hòa mà không khiên cưỡng. “Nắng ở Việt Nam rất khác so với nắng ở các nước khác, và vì màu nắng khác nên màu lá hiện lên cũng sẽ khác. Chúng tôi không nghĩ đến việc tạo ra một phong vị Việt Nam trong tranh của mình, mà chỉ cần tái hiện rừng tràm, dòng sông, ngôi trường, cảnh vật Việt Nam như nó đúng là thế đã là rất Việt Nam rồi”.

Chặng đường của An đã không chỉ dừng lại ở ngôi trường Sơn Nam. Một người thầy trong trại sáng tác đã giới thiệu cặp đôi gửi tác phẩm đến tham dự cuộc thi Scholastic Picture Book Award. Tác phẩm sau đó đoạt giải Nhất vào năm 2015, đồng thời cặp đôi cũng nhận được lời mời xuất bản cuốn sách tại Singapore.

“Lúc bấy giờ, nhìn lại thì cả hai đều cảm thấy tranh không chỉn chu như mình muốn”, Phùng Nguyên Quang giải thích lý do cặp đôi quyết định vẽ lại toàn bộ tác phẩm trước khi mang đi xuất bản, “Đó là cơ hội lớn nhất trong đời. Chúng tôi cố gắng đưa hết tất cả những gì mình có vào quá trình vẽ để có thể cho ra được một tác phẩm tốt nhất”.

Hai năm sau kể từ ngày nhận giải, The First Journey đã được xuất bản tại Singapore. Đây là dự án độc lập đầu tiên của cặp đôi, dù trước đó họ đã từng tham gia trong những dự án sách thiếu nhi khác. Bốn tháng sau đó, cuốn sách được NXB Kim Đồng phát hành tại Việt Nam với tiêu đề Hành trình đầu tiên. Dù vậy, phải đến năm 2021, khi được NXB Penguin Random House xuất bản ở châu Âu và Mỹ với tên gọi My First Day, cuốn sách mới gây được tiếng vang lớn ở thị trường quốc tế. 

Một cảnh trong The First Journey

Cây viết Jennifer Krauss của tờ New York Times đã thốt lên rằng nghệ thuật của Quang và Liên “đi đến từng góc cạnh của mỗi trang đôi”, tác phẩm của cả hai đã tái hiện “mối quan hệ giữa con người nhỏ bé với tự nhiên và một số người sẽ mạo hiểm đến mức nào để được học hành”.

Meghan Cox Gurdon nhận xét trên tờ The Wall Street Journal: “Cuốn sách tranh tuyệt đẹp này […] cho ta thấy rằng trẻ em, dù ở nơi nào đi nữa, vẫn sẽ luôn có cảm giác hồi hộp trong ngày đầu tiên đến trường”.

Nhà văn – họa sĩ Christopher Myers, người đã thực hiện lời dịch mới cho cuốn sách My First Day thì cho rằng: “Nét lạ lẫm và quen thuộc đan quện vào nhau. Cuốn sách phá bỏ khoảng cách giữa sự giống và khác, từ đó tạo ra một thứ gì đó rất gần với điều kỳ diệu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta”.

Thay đổi trong tư duy sáng tác

“Tất nhiên, đó là một bước ngoặt lớn” – nhưng lời chia sẻ của Kim Liên lại không đề cập đến những lời khen ngợi, khoản tiền thưởng hay danh tiếng mà cặp đôi có được; cuốn sách này hóa ra đã quyết định con đường sự nghiệp của họ theo một nghĩa khác.

Thực chất, trước khi nhận được giải thưởng lớn tại Singapore, Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đều không phải là những cái tên xa lạ trong giới minh họa ở Việt Nam. Sau nhiều năm trời vẽ cho nhiều đầu sách, dự án khác nhau, họ dần dà nhận ra mình có một sở thích đặc biệt đối với sách tranh thiếu nhi. Dù vậy, lúc bấy giờ, đa phần sách thiếu nhi ở Việt Nam không chính xác là sách tranh với những câu chuyện nguyên bản khơi gợi trí tưởng tượng ở trẻ, mà nó chỉ kể những câu chuyện mang đậm màu sắc giáo dục như dạy bé ngoan, hướng dẫn cách làm việc nhà hay truyện cổ tích để bé đọc trước khi đi ngủ. Bản thân Liên và Quang cũng chỉ hình dung về sách thiếu nhi gói gọn trong những cuốn sách như vậy. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi họ gặp được biên tập viên – họa sĩ chuyên làm sách thiếu nhi Alfredo R. Santos tại trại sáng tác vào năm 2014 – và đó cũng là “người thầy” đã giới thiệu cặp đôi gửi bài tham dự cuộc thi Scholastic Picture Book Award. “Thầy đã cho tôi xem những cuốn sách tranh từ khắp nơi trên thế giới – Mỹ, Pháp, Indonesia, Thái Lan…”, Kim Liên nhớ lại. Họa sĩ Alfredo đã dạy cả hai từng ‘đường kim mũi chỉ’: cách viết một kịch bản với đủ những tiêu chuẩn, kết cấu cần thiết; cách dẫn dắt câu chuyện với đầy đủ phần mở, thân và kết; kỹ thuật hình thành một cuốn sách tranh hướng đến đúng đối tượng bạn đọc cụ thể.

Và những thành công kéo theo sau đó đồng thời cũng giúp Liên và Quang thoát khỏi ‘mê cung’ đầy ắp những lựa chọn của mình. “Trước đó, chúng tôi loay hoay với nhiều thứ. Tôi thích vẽ sách thiếu nhi, thích vẽ game, cả hoạt hình nữa, tôi không chắc rằng mình nên lựa chọn tập trung theo con đường nào”, Phùng Nguyên Quang kể, “Và rồi chuyện chúng tôi gặp được thầy Alfredo, chuyện cuốn sách được giải và được xuất bản cả ở trong nước lẫn nước ngoài là một bất ngờ lớn. Khi đó, tôi nghĩ đó là một chỉ dấu rằng đây là con đường mà mình có thể tự tin bước đi, và thế là hai đứa quyết định cùng nhau thành lập nên KAA Illustration”.

KAA Illustration có bao nhiêu thành viên? “Có Liên, Quang, Len, Ken và Cam” – Huỳnh Kim Liên cười lém lỉnh, bởi lẽ Len, Ken và Cam hóa ra là tên… ba chú mèo trong nhà của cặp họa sĩ trẻ này. Quang và Liên mang lại cho người đối diện một cảm giác thoải mái, có phần vô tư và hồn nhiên, hệt như không khí mà họ đã truyền tải trong những bức tranh của mình.

Tương lai bất định

Nếu gõ “Hành trình đầu tiên”, “The First Journey” hay “My First Day” trên các công cụ tìm kiếm của Amazon, Tiki, Goodreads, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều lời khen của độc giả trên khắp thế giới về mặt nội dung lẫn mỹ thuật của cuốn sách như “tuyệt vời”, “lộng lẫy” hay “hùng vĩ, mơ mộng”; nhưng cũng không quá khó để phát hiện ra những đánh giá dở khóc dở cười như “[…] Truyện quá ít chữ, không có tính chất văn học. Đánh giá 2 sao”, “Tranh vẽ đẹp đầy sinh động, bé con nhà mình rất thích. Nhưng có điều lời văn quá ít. Mình hơi hụt hẫng khi mỗi trang chỉ có khoản hai dòng câu văn, đọc khoản 5 đến 10 phút là hết quyển sách. Giá sách cũng hơi cao so với các truyện khác cùng thể loại. Đánh giá 3 sao”.

Sách tranh (picture book), nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh là một ‘địa hạt’ vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Khác với truyện tranh và sách có hình vẽ minh họa, tranh vẽ trong sách truyền tải rất nhiều nội dung, thậm chí khi tách riêng ra khỏi tác phẩm, từng bức tranh đều là những tác phẩm hội họa thực sự. Hiện tại, ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn ‘bỡ ngỡ’ với hình thức truyện xa lạ này.

Những đánh giá này liệu có khiến cặp đôi họa sĩ buồn lòng? Kim Liên đã trả lời câu hỏi của Tia Sáng bằng một suy nghĩ hơi hướm Roland Barthes trong tiểu luận Cái chết của tác giả viết năm 1968: “Đối với tôi, một khi tác phẩm đã ra đời thì tôi cứ xem như mình đã chết rồi, còn tác phẩm thì sẽ tiếp tục đời sống tách bạch của nó”.

Hơn hết, những đánh giá kể trên đều đang nói lên một vấn đề mà cả Kim Liên và Nguyên Quang đều biết rằng hiện tại mình chưa thể thay đổi nó: sự thận trọng của độc giả dành cho một thể loại sách ‘nhiều tranh ít chữ’. Đến hiện tại, nhiều người đọc sách tại Việt Nam vẫn cân đo đong đếm giá trị của cuốn sách dựa trên khối lượng nội dung mà cuốn sách mang lại hơn là mặt nghệ thuật của những bức tranh đi kèm. Phũ phàng hơn, không khó để bắt gặp những suy nghĩ rằng “sách tranh là loại sách chỉ dành cho con nít tập tô”. Cặp đôi xem những đánh giá tiêu cực là rủi ro mà họ đã lường trước được, “chí ít tác phẩm đã góp phần giúp độc giả quen dần với một hình thức truyện còn chưa phổ biến trong nước”.

Ngược về khoảng thời gian mười năm trước, việc một người Việt Nam được xuất bản sách tranh ở nước ngoài thôi đã là điều không tưởng. Giờ đây, sách tranh lại trở thành thể loại có nhiều ưu điểm để các họa sĩ nắm bắt cơ hội vươn mình ra quốc tế: bất đồng ngôn ngữ không còn là rào cản khi các tác giả có thể tự mình sáng tác và chuyển ngữ; các bức tranh trong tác phẩm có thể tồn tại độc lập, hệt như những ‘tấm vé thông hành’ truyền tải văn hóa, tư tưởng bất chấp sự khác biệt về địa lý. Nhờ đó, giới làm sách tranh Việt Nam đã đi được những bước tiến rất dài, đạt được những thành công đáng kể và được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao, mà tiêu biểu là họa sĩ Khoa Lê, tác giả của cuốn sách “Những nàng công xhusa bí ẩn” từng được xuất bản tại Pháp và Ý. Chị cũng đoạt giải Nhì The Scholastic Picture Book Award (Singapore) vào năm 2017.

Dường như cặp đôi họa sĩ rất lạc quan về tương lai của sách tranh Việt Nam? “Cũng không hẳn là bi quan hay lạc quan”, Phùng Nguyên Quang ngẫm nghĩ, “Đối với tôi, tương lai là điều bất định. Khi tôi còn mê mải với những cuốn truyện của chú Hùng Lân, chú Mai Rừng, tôi có nghĩ mình sẽ thành họa sĩ đâu. Tương tự như vậy, thị trường sách tranh Việt Nam vài năm gần đây đã có những tín hiệu vui khi bố mẹ đã không chỉ chọn những cuốn sách an toàn dạy con tập làm việc nhà, cách đi đứng, chào hỏi, mà đã bắt đầu rút hầu bao chọn cho con những cuốn sách thiên về tính giải trí hay kích thích trí tưởng tượng”.

Đến một lúc nào đó, khi trình độ hiểu biết và yêu cái đẹp của độc giả Việt Nam đã đến một trình độ phù hợp, sách tranh Việt Nam rồi sẽ có một chỗ đứng quan trọng trên thị trường. Trong lúc chờ đợi tương lai tự định hình, Phùng Nguyên Quang cho biết cả hai vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực. “Khi mới vào nghề, tôi hỏi chị Khoa Lê rằng ‘Vì sao em nỗ lực như thế mà vẽ vẫn chưa tốt?’, chị Khoa trả lời: ‘Nếu cố gắng rất nhiều mà vẫn chưa tốt thì có khi là em cố gắng chưa đủ nhiều đâu’. Đó là một lời khuyên ‘tàn bạo’ với một người trẻ vừa vào nghề, và nó đủ ‘tàn bạo’ để tôi buộc bản thân phải luôn nghiêm túc trong từng nét vẽ của mình”. □

Tác giả

(Visited 116 times, 1 visits today)