Hành trình hiểu nhân vật phản diện

Điều gì tạo ra sức hấp dẫn ở những nhân vật phản diện trong các tác phẩm hư cấu? Thái độ của độc giả, khán giả cũng như các tác giả đối với những nhân vật này có tác động qua lại với nhau ra sao và điều này đã thay đổi qua thời gian như thế nào?

Năm 2019, bộ phim Joker của Todd Phillips đã làm dấy lên những tranh cãi xung quanh cách tác phẩm xây dựng nhân vật chính phản diện.

Kẻ ác đáng ghét

Truyện cổ tích trước kia được coi là một hình thức giải trí chỉ dành cho trẻ em với những bài học định hướng thường mạch lạc, vạch rõ trắng đen. Nhân vật chính thiện lương và nhân vật phản diện được mô tả đối lập toàn diện. Hình ảnh phản diện trong truyện cổ tích thời xưa thường đi liền với vẻ ngoài xấu xí, mụ phù thủy độc ác thì nhìn đáng sợ, ghê rợn, hoàng tử cao sang mà xấu tính thì cũng bị trừng phạt phải mang bề ngoài quái thú; ngược lại người lương thiện luôn xinh đẹp. Điều này logic với lời răn dạy “tâm sinh tướng” của người xưa. Tính cách tiêu cực của nhân vật phản diện còn được tô đậm khi loại bỏ câu chuyện quá khứ, diễn biến tâm lý của họ, chỉ còn mục đích và hành động nhẫn tâm tăng tiến theo thời gian khiến họ càng trở nên tồi tệ và đáng ghét. Chẳng hạn như, hoàng hậu ghen ghét với vẻ đẹp của Bạch Tuyết mà ba bốn lần tìm lừa gạt để giết hại cô bé, từ siết chặt dải lưng áo, chải đầu bằng chiếc lược tẩm thuốc cho đến đầu độc cô bé bằng quả táo có thuốc độc.   

Là những tác phẩm đặt viên gạch đạo đức đầu tiên cho trẻ em, truyện cổ tích luôn gửi đến thông điệp người tốt thì sẽ có kết cục tốt đẹp, còn kẻ xấu thì bị trừng trị. Hậu quả của những hành động xấu thậm chí được kịch tính hóa, bi kịch hóa để thông điệp khắc sâu vào ấn tượng người đọc: Cô bé quàng khăn đỏ chỉ vì không nghe lời mẹ đi đúng đường để rồi khiến cả mình và người bà ngoại bị sói ăn thịt, là nhắc nhở độc giả với ẩn dụ về lối sống là hãy tuân theo các quy tắc – đi đúng đường.

Tuy nhiên, gần đây, người ta đã nhận ra rằng truyện cổ tích đề cập đến những chủ đề sâu sắc đối lập với vẻ ngoài đơn giản của chúng. Những nhân vật phản diện trong truyện cổ tích, là nơi trút bỏ giận giữ người viết đối với những nỗi buồn và bất công trong cuộc sống. 

Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, hệ thống nhân vật phản diện rất đa dạng, từ động vật, con người tới thánh thần siêu nhiên. Về riêng con người, có thể chia thành hai nhóm quan hệ lớn: trong gia đình (vợ – chồng, con cái – cha mẹ, anh chị em) và ngoài xã hội (dân thường – kẻ quyền thế, bạn bè, kẻ giàu – người nghèo). Những tội ác phổ biến bị lên án có thể kể tới như: bội bạc, tham lam, lười biếng, đố kị, bất hiếu, vong ơn bội nghĩa… Nhân vật chính diện thường là người nghèo còn nhân vật phản diện thường là người giàu, quan chức hay vua chúa. Độc giả Việt Nam hẳn quen với những nhân vật điển hình như lão phú ông giàu có mà tham lam, anh nông dân nghèo mà thật thà chăm chỉ như trong Cây tre trăm đốt. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam phổ biến nhất hiện nay chủ yếu tới từ công trình sưu tầm của GS. Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) – người đầu tiên theo đuổi công việc sưu tầm ghi chép truyện dân gian Việt Nam một cách khoa học và hoàn chỉnh hơn cả. Những tác phẩm truyền miệng này phần nhiều đến từ tầng lớp lao động, dân thường chịu đè nén, áp lực trong xã hội cũ. Những nhân vật phản diện giàu có, tính tình đáng ghét, kết cục nhẹ thì thành trò cười cho thiên hạ, nặng thì phải chết tức tưởi, là nơi “giải tỏa” mâu thuẫn giai cấp của các tác giả. 

Xu hướng của nhiều tác phẩm điện ảnh gần đây, kể cả những tác phẩm dành cho các khán giả trẻ tuổi là không chỉ mô tả cái ác, mà còn đi sâu vào diễn tả nguồn cội của cái ác.

Cả trong những truyện cổ tích trên thế giới, đặc biệt là những truyện cổ tích nông dân thế kỉ 16, 17, ta thấy xuất hiện những hình tượng mẹ kế, phù thủy độc ác. Điều này xuất phát từ thực tế đời sống khắc nghiệt thời bấy giờ. Việc trẻ nhỏ có mẹ mất sớm khá phổ biến. Trong hoàn cảnh ấy, không có gì lạ khi các gia đình nông dân liên tục trải qua chu kỳ góa bụa rồi tái hôn, dẫn tới tình cảnh mẹ kế – con chồng. Nhưng “mẹ kế” trong truyện cổ tích không chỉ là mẫu hình của người mẹ kế mà còn bao gồm tất cả những người mẹ ngoài đời. Trong cuốn sách “The Uses of Enchantment: The Meaning and Importance of Fairy Tales” (Công dụng của phép thuật: ý nghĩa và tầm quan trọng của truyện cổ tích) của học giả chuyên nghiên cứu tâm lý trẻ em – Bruno Bettelheim, ông cho rằng đôi khi vai trò của phù thủy và dì ghẻ mang tính biểu tượng, là cách đứa trẻ trút bỏ cơn giận đối với mẹ mình thông qua những cảm xúc tiêu cực đối với nhân vật hư cấu.

Kẻ ác đáng thương

Với độ lùi của thời gian, những nhân vật phản diện tưởng như một chiều trong truyện cổ tích giờ đây lại đa diện hơn chúng ta tưởng. 

Nếu để ý, dường như các nhân vật phản diện là nữ nhiều hơn các nhân vật phản diện là nam giới. Trong các truyện cổ tích của Việt Nam, ta quen với những mẫu hình như mụ dì ghẻ độc ác trong Tấm Cám hay Sự tích con dế, người vợ bội bạc trong Sự tích con muỗi, những cô chị nhỏ mọn trong Sọ Dừa… Chế độ đa thê và phụ quyền ảnh hưởng tới việc người xưa coi trọng vai trò của người đàn ông trong gia đình và xã hội hơn, từ đó những tội lỗi của con người thường bị đổ lên vai người phụ nữ.

Điều này còn đậm nét hơn trong tuyển tập truyện cổ Grimm – do anh em nhà Grimm (1785–1863 và 1786–1859) sưu tầm. Họ vốn làm thủ thư ở tòa án, nghiên cứu tiếng Đức cổ và văn học trung đại. Họ đi thu thập, ghi chép lại các câu chuyện dân gian Đức với chủ đích ban đầu để thống nhất hơn 200 quốc gia nói tiếng Đức, bằng những tác phẩm họ tin rằng chứa đựng linh hồn, tinh thần người Đức. Những câu chuyện ấy họ thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau: những người nông dân, từ bạn bè, các gia đình trung lưu và cả người hầu của họ, một số đến từ các nguồn văn học. Ví dụ như Người đẹp ngủ trong rừng Hansel và Gretel đến từ vú em và gia đình người bạn hàng xóm.

Các nhân vật như Maleficent trong ảnh Cruella, hay Ursula được xây dựng với điểm chung là quá khứ bị phản bội, bị đối xử không tốt rồi mới dần “hắc hóa”.

Qua nghiên cứu “Fairy Tales and Feminism: New Approaches” (truyện cổ tích và nữ quyền: những cách tiếp cận mới) từ đầu những năm 80 của giáo sư văn học Ruth B. Bottigheimer tại ĐH Stony Brook, Mỹ, bà bày tỏ quan điểm: trong quá trình biên soạn, anh em nhà Grimm đã biên tập, chỉnh sửa một cách hệ thống khiến các nhân vật nữ có xu hướng phản diện nhiều hơn. Ví dụ như mụ phù thủy độc ác chuyên làm hại trẻ em trong Hansel và Gretel, hay người vợ tham lam trong Ông lão đánh cá và con cá vàng. Giáo sư Bottigheimer đưa ra những bằng chứng về cách anh em nhà Grimm lựa chọn từ ngữ. Sắc thái khác nhau của ngôn từ góp phần khiến các nữ anh hùng có vẻ bất lực, tước đoạt quyền phát biểu của họ; biến quyền lực phụ nữ thành điều xấu xa, áp đặt quan điểm nam giới lên những câu chuyện nói lên bất mãn của phụ nữ. 

Ngoài ra, dưới lăng kính hiện đại, những nhân vật phản diện đôi khi không hoàn toàn ác như định hướng của người kể. Mụ dì ghẻ trong truyện Cô bé Lọ Lem tuy tàn nhẫn với Lọ Lem nhưng rất yêu chiều hai con gái của mình. Mụ làm tất cả để các con mình có cuộc sống tốt hơn trong hoàn cảnh là một góa phụ không có công việc. Mụ không phải là một người mẹ vô trách nhiệm, mà chỉ là một người mẹ kế tồi.

Hay trong hệ thống ma quỷ dân gian Nhật Bản, có một nhân vật nửa chính nửa tà tên là Yamauba (còn được gọi là Onibaba) – mụ phù thủy già sống một mình trong rừng sâu. Bà ta lừa người vô tội và ăn thịt họ. Nhưng đồng thời bà ta cũng giúp đỡ những du khách lạc lối. Giáo sư Noriko Reider tại ĐH Miami, Ohio, Mỹ chia sẻ: Yamauba mang tới may mắn và hạnh phúc, nhưng cũng mang tới cả cái chết và sự trừng phạt cho những người có hành động sai trái. Có giả thuyết cho rằng Yamauba có nguồn gốc từ tục lệ khủng khiếp xưa kia khi những gia đình nghèo khó không đủ ăn, họ vứt bỏ những người bà, người mẹ lớn tuổi. Uất ức, đau khổ, giận dữ biến những người phụ nữ bị bỏ rơi này thành quái vật.

Kẻ ác khiến ta đồng cảm

Xu hướng của nhiều tác phẩm điện ảnh gần đây, kể cả những tác phẩm dành cho các khán giả trẻ tuổi là không chỉ mô tả cái ác, mà còn đi sâu vào diễn tả nguồn cội của cái ác. Điển hình như một loạt các phim live-action của Disney gần đây: Maleficent 1 & 2 (2014, 2019) – phản diện trong truyện Công chúa ngủ trong rừng, là bà tiên thứ 13 đã ra lời nguyền khiến chông chủa ngủ 100 năm; Cruella (2011) – phản diện trong 101 chú chó đốm, kẻ chuyên bắt cóc và dùng da chó đốm để làm áo choàng, hay Ursula – phù thủy đã lấy đi giọng hát của Nàng tiên cá (2023). Các nhân vật phản diện này đều có điểm chung là quá khứ bị phản bội, bị đối xử không tốt rồi mới dần “hắc hoá”. 

Lý do quan trọng hơn khiến các nhân vật phản diện được yêu thích là chúng trở thành công cụ an toàn để độc giả, khán giả khám phá thêm về bản thân mình, nhìn nhận cả mặt sáng lẫn khoảng tối bên trong.

Khi khai thác nhiều hơn câu chuyện nền hay quá khứ của nhân vật phản diện, những hình mẫu trắng đen rõ rệt bị giảm bớt, tăng thêm khoảng xám khó phân định. Độc giả, khán giả được nhìn thấy những điểm mạnh, hấp dẫn lẫn khía cạnh đáng thương của kẻ phản diện. Ví dụ Voldermort trong Harry Potter có tài năng phép thuật cao cường, có sự tự tin thu hút (ở phiên bản thời còn đi học) với tuổi thơ bị ngược đãi, bắt nạt; Cruella trong 101 chú chó đốm là nhà thiết kế thời trang tài ba… 

Hơn nữa, khác với truyện cổ tích thời xưa, phim ảnh gần đây lại có xu hướng tạo dựng cái ác được che giấu trong vẻ ngoài đẹp đẽ. Chẳng hạn như nhân vật Loki trong các phim siêu anh hùng của Marvel (trong giai đoạn đầu khi chưa được cảm hóa về phe thiện) – mệnh danh là Vị thần Vô đạo (God of Mischief), kẻ vì ghen tị với anh trai được lên ngôi ở hành tinh Asgard mà muốn xâm lược Trái đất, hòng khiến nhân loại quy phục dưới quyền lực của mình. Nhân vật này do Tom Hiddleston thủ vai, một tài tử quyến rũ, phong lưu lãng tử, khiến nhân vật đầy biến ảo, độc ác đấy nhưng hài hước, tinh quái và cuốn hút. Đó còn chưa kể là có những phân đoạn nhân vật suy sụp bật khóc khi nhận ra thương tổn trong tâm hồn mình, đầy xúc động. Điều này, một mặt có tính thực tế cảnh báo rằng cái ác có thể rất khó nhận diện; mặt khác lại có thể khiến một bộ phận khán giả bị bối rối, lờ đi hoặc không đánh giá đúng sự nghiêm trọng của tội ác.

Lý do quan trọng hơn khiến các nhân vật phản diện được yêu thích là chúng trở thành công cụ an toàn để độc giả, khán giả khám phá thêm về bản thân mình, nhìn nhận cả mặt sáng lẫn khoảng tối bên trong. Trải nghiệm của các nhân vật phản diện cũng mang tính dễ đồng cảm. Ví dụ cảm xúc tiêu cực, ganh tị giữa anh chị em trong nhà, cảm thấy bố mẹ không công bằng như cách Loki nhìn người anh Thor. Hay bị phản bội trong tình yêu như Maleficent. Một nghiên cứu của Rebecca Krause & Derek Rucker tại ĐH Northwestern chỉ ra rằng khi một người yêu thích và trở thành fan của một nhân vật chính diện tốt đẹp, lương thiện, đó là vị họ bày tỏ sự ngưỡng mộ và mong ước được như vậy. Còn đối với những nhân vật phản diện yêu thích, thường do họ tìm thấy những điểm chung với kẻ xấu. Con người có xu hướng bị thu hút bởi những cá nhân có nhiều điểm tương tự với mình.

Dưới lăng kính hiện đại, những nhân vật phản diện đôi khi không hoàn toàn ác. Mụ dì ghẻ trong truyện Cô bé Lọ Lem không phải là một người mẹ vô trách nhiệm, mà chỉ là một người mẹ kế tồi.

Cũng trong nghiên cứu kể trên, các nhà khoa học đặt ra thử nghiệm xem một người sẵn sàng bày tỏ công khai nhân vật phản diện yêu thích của họ tới đâu. Người tham gia thử nghiệm được đặt vào hai tình huống giả định: xem phim một mình và xem cùng người khác trong một buổi hẹn hò. Kết quả cho thấy mức độ quan tâm và thích thú của họ với nhân vật phản diện mà họ cảm thấy có nhiều điểm chung với mình giảm hẳn khi họ xem cùng người khác. Điều này chỉ ra rằng người ta cảm thấy an toàn khi khám phá nhân vật phản diện có điểm tương đồng với họ chỉ khi việc đó diễn ra một cách riêng tư. Cảm giác an toàn này có được nhờ khoảng cách giữa thực tế và hư cấu. Khán giả có thể thích thú với cái “mỏ hỗn” của Loki trên phim, không có nghĩa họ sẽ nói năng như vậy ngoài đời.

Thông qua nhân vật phản diện hư cấu, độc giả và khán giả khám phá những khía cạnh tính cách đen tối hơn, “xả” cảm xúc tiêu cực mà có thể không ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức hoặc cách họ nhìn nhận bản thân hay cách xã hội tiếp nhận họ.

Thông qua nhân vật phản diện hư cấu, độc giả và khán giả khám phá những khía cạnh tính cách đen tối hơn, “xả” cảm xúc tiêu cực mà có thể không ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức hoặc cách họ nhìn nhận bản thân hay cách xã hội tiếp nhận họ.

***

Trong tiếng Anh có hai khái niệm là antagonist và villain. Antagonist, tạm dịch là “nhân vật đối nghịch”, cũng là dạng nhân vật cản trở nhân vật chính diện, nhưng không mang tính cách, đặc điểm xấu xa, độc ác như villain. Trong một tác phẩm, mọi villain đều là antagonist, nhưng không phải antagonist nào cũng là villain.

Những câu chuyện không có villain tàn ác tiêu biểu như phim hoạt hình của đạo diễn Hayao Miyazaki. Ông từng chia sẻ rằng bản thân không thích làm những nhân vật phản diện xấu xa, không muốn tạo ra những nhân vật hoàn toàn mất hết nhân tính. Trong bộ phim đoạt giải Oscar – Spirited Away (tựa Việt: Vùng đất linh hồn), nhân vật phù thủy Yubaba không giống mụ phù thủy độc ác trong những truyện cổ tích quen thuộc. Khán giả được xem một tình huống trái ngược: gia đình nhân vật chính diện – cô bé Chihiro gây sự trước rồi tự rước họa vào thân (bố mẹ Chihiro cậy có tiền mà tự ý tham ăn tục uống đồ của thần linh). Trải qua các thử thách của Yubaba, Chihiro dần trưởng thành hơn, tốt đẹp hơn. Disney cũng từng có những tác phẩm “thách thức” việc dán nhãn kẻ phản diện như Wreck it Ralph (tựa Việt: Ralph đập phá); đem lại những suy nghĩ sâu sắc, nhiều lớp lang hơn trong phân định cái thiện và cái ác.

Sự phát triển phức tạp của việc kể chuyện nói chung và xây dựng nhân vật phản diện nói riêng, từ những câu chuyện dân gian xưa cũ tới các tác phẩm hiện đại, là một điều hiển nhiên. Tuy vậy, không có nghĩa chúng ta cần xóa bỏ hoàn toàn cái cũ. Sự đơn giản, trực diện thuần túy của truyện cổ tích vẫn có giá trị trong việc bắt đầu làm quen với những khái niệm thiện và ác. Câu chuyện lớp lang, đa chiều đòi hỏi nhận thức cần nâng cao theo thời gian của người tiếp nhận lẫn người sáng tạo.□

Bài đăng Tia Sáng số 5/2024

Tác giả

(Visited 655 times, 12 visits today)