Hành trình tư tưởng của Tolstoi nhìn từ hôm nay (Kỳ cuối)
Cuộc sống có ý nghĩa, theo Tolstoi, đương nhiên còn là cuộc sống trong nhân phẩm - cái mà Tolstoi luôn luôn đặt cao hơn hạnh phúc, từ này nhà tư tưởng Tolstoi ít khi dùng do hàm nghĩa quá chủ quan của nó và thường thay thế bằng từ “blago”, có thể tạm dịch ra Việt ngữ bằng những từ ghép như “cái phúc hảo”, “cái thiện phúc”, “cái thiện hảo”. Về tần số sử dụng, từ “blago” giữ vị trí hàng đầu trong từ vựng Tolstoi.
Tolstoi nhạy cảm phi thường đối với mọi biểu hiện dù nhỏ nhất của sự không thật lòng, sự gượng gạo, giả tạo, giả dối và cương quyết không chấp nhận chúng. Nguồn gốc sức cuốn hút khó cưỡng lại của văn phong Tolstoi cũng là ở đây. Những người không ưa Tolstoi – mà họ không ít ngay trong hàng các danh nhân văn hóa châu Âu, xin dẫn chỉ một vài tên: Shaw, Gide, Claudel, ngay cả Zweig – vin vào mâu thuẫn thấy được giữa những tuyên tín của ông về việc người theo đạo Kitô phải biết chịu đựng gian khổ và cuộc sống dư dật mà ông miễn cưỡng chia sẻ với gia đình mình, đã nghi ngờ ông giả nhân giả nghĩa, nhưng chỉ cần đọc, thí dụ, bài viết “Gửi nhân dân lao động” của ông để thấy không yêu thực sự nhân dân lao động thì không thể viết như thế.
Trong mọi dạng thức bất trung, đối với Tolstoi xem ra không thể chấp nhận hơn cả là sự bất trung với bản thân. Từ “trung thành” (vernyi) với từ “tin, tin tưởng” (verit’) trong tiếng Nga có căn chung, cho nên khi Tolstoi kêu gọi tuổi trẻ “hãy tin mình” thì thực chất ông kêu gọi tuổi trẻ hãy trung thành với mình, với cái phần tốt đẹp nhất trong sinh linh mình, đừng phản bội nó, đừng để cho tro bụi cuộc đời vùi lấp nó. Mọi lợi ích trần thế mà chúng ta có thể giành được không là gì so với những giá trị bị phản bội và vùi lấp ấy nhưng ta thường nhận ra điều ấy quá muộn, khi đã không còn thời gian nữa để làm lại cuộc đời, thành thử những người vào đời trước cần phải nhắc nhở những người đi sau ngõ hầu giúp họ đừng mắc nữa cái sai lầm muôn thuở ấy của loài người.
Và Tolstoi tin rằng nếu chịu khó và biết cách nhắc nhở thì có thể giúp được các thế hệ đi sau, vì vậy mà ông mới say mê với hoạt động nhà giáo đến thế. Ông dạy nhiều điều cụ thể và thiết thực về việc làm thế nào giữ được tính trung thực đạo đức và trí tuệ, mà không có nó thì không thể có phẩm giá con người. Đây, một vài lời dạy như thế, lấy từ sách “Đường sống” đến tay bạn đọc sau khi Tolstoi đã qua đời.
“Đừng nghĩ rằng nói và làm theo lẽ phải là cần thiết chỉ trong những việc quan trọng. Nói và làm theo lẽ phải là luôn luôn quan trọng, ngay cả trong những việc vặt vãnh nhất. Cái quan trọng không phải là tai hại lớn hay nhỏ sẽ phát sinh từ sự không trung thực của bạn, mà quan trọng là sao cho bạn không vấy bẩn mình bằng sự giối trá”. “Nếu đời sống không phù hợp với công lý, thì dù sao vẫn sẽ là tốt hơn thừa nhận công lý chứ không che giấu nó: cuộc sống của ta, ta có thể thay đổi theo công lý; nhưng công lý thì ta không thể thay đổi được bằng bất cứ cái gì, nó sẽ còn lại như nó từng là và sẽ không ngừng tố cáo chúng ta”. “Nếu người ta nói với bạn rằng không cần trong mọi việc lần tìm đến tận chân lý, bởi vì sẽ không bao giờ tìm được chân lý đầy đủ, thì bạn đừng tin và hãy sợ những người như thế. Đó là những kẻ thù ác dữ nhất không chỉ của chân lý, mà còn của bạn. Họ nói thế chỉ vì bản thân họ sống không theo chân lý và họ biết điều đó và muốn cho những người khác sống cũng như họ”. “Nhiều khi ta thấy mừng vui, mỗi khi nhận ra sự không trung thực của những người khác và vạch trần nó, nhưng còn vui sướng hơn biết bao, khi ta nhận ra sự không trung thực của chính mình và tự vạch trần mình. Bạn hãy cố mang lại cho mình thật nhiều niềm vui sướng như thế”. “Nếu bạn muốn nhận thức chân lý, thì trước tiên hãy giải phóng mình, dù chỉ trong thời gian tìm chân lý, khỏi mọi suy tính về sự có lợi cho mình của đáp án này hay đáp án kia”. “Trí tuệ là vật thiêng lớn nhất trên đời, vì thế mà cũng là tội lỗi lớn nhất lạm dụng trí tuệ, dùng nó để che giấu hoặc xuyên tạc sự thật”. “Trí tuệ được ban cho con người không phải để dạy nó biết yêu Thượng Đế và đồng loại. Cái đó được gài trước vào trái tim con người, bên ngoài trí tuệ. Trí tuệ được ban cho con người để chỉ cho nó thấy cái gì là giả dối và cái gì chính thực. Và chỉ cần con người vứt bỏ đi cái giả dối thì nó sẽ học được tất cả những gì cần thiết cho nó”.
Ở một chỗ khác Tolstoi nói rằng không có nghĩa vụ nào quan trọng bằng nghĩa vụ nói thật, nhưng trong cuộc sống có thể có những tình huống khi mà nói thật là rất nguy hiểm. Những lúc ấy cái mà con người phải làm là ít nhất không nói dối, không vào hùa với những kẻ nói dối cho dù chúng có đông đến đâu. Alexandre Solzhenitzyn, văn hào Nga thế kỷ XX, đã thấm nhuần lời dặn bảo này và đã truyền thụ lại cho đồng bào mình. “Sống không theo dối trá” là tên một trong những áng văn nghị luận hay nhất và đã có tác dụng xã hội lớn nhất của ông.
*
* *
Cuộc sống mang ý nghĩa trong mình có một dấu hiệu bề ngoài mà Tolstoi luôn luôn căn dặn ta dựa vào đó mà nhận ra nó. Đó là sự khiêm tốn và giản dị. Tolstoi cũng nói nhiều điều cụ thể và thiết thực về đức tính khiêm tốn, trong ngôn ngữ tôn giáo gọi là đức khiêm nhường (smirenie; humility; humilité). Lại xin dẫn mấy lời khuyên từ sách “Đường sống”:
“Con người không thể tự hào về những việc làm của mình, bởi vì tất cả những gì tốt đẹp mà nó làm đều không phải nó, mà bản nguyên thần thánh sống trong nó làm”. “Nếu con người hướng tới Thượng Đế, thì nó sẽ không bao giờ có thể bằng lòng với mình. Cho dù nó có tiến bộ đến đâu, nó bao giờ cũng cảm thấy mình xa cách như nhau với sự hoàn thiện, bởi vì sự hoàn thiện là vô tận”. “Chúng ta là những công cụ của Thượng Đế. Chúng ta phải làm gì – chúng ta biết, nhưng chúng ta làm cái đó để làm gì – chúng ta không biết được. Ai hiểu điều đó, người ấy không thể không khiêm nhường”. “Chỉ cần thừa nhận mình không phải là ông chủ, mà là kẻ đầy tớ, thế thì lập tức mọi sự tìm kiếm, lo âu, bất mãn được thay thế bằng sự minh bạch, yêu tĩnh, đồng thuận và niềm vui”. “Những kẻ tự tin thái quá, không thông minh và vô đạo đức thường khiến những người khiêm tốn, thông minh và hữu đức nể trọng chính bởi vì con người khiêm tốn, suy xét theo mình, không thể hình dung được là kẻ xấu có thể kính trọng mình đến thế”. “Hãy kiêng tránh ý nghĩ rằng bạn tốt hơn những người khác và rằng ở bạn có những đức hạnh không có ở người khác. Cho dù những đức hạnh của bạn có là thế nào, chúng không có giá trị gì hết, nếu bạn nghĩ rằng bạn tốt hơn những người khác”. “Hãy cố gắng đừng cất vào góc tối những hồi ức đáng xấu hổ về những tội lỗi của mình mà luôn luôn giữ chúng ở chỗ sáng để khi phán xét tội lỗi của người bên cạnh thì đối chiếu với tội lỗi của mình”. “Mọi người đều muốn những người khác yêu quý mình, biết rằng sự kiêu ngạo đẩy người khác ra xa, thế nhưng vẫn không khiêm nhường được. Tại sao lại thế? Bởi vì đức khiêm nhường không thể được hấp thụ một mình. Đức khiêm nhường là hậu quả của việc con người chuyển dịch những nguyện vọng của nó từ lĩnh vực vật chất vào lĩnh vực tinh thần”. “Cửa vào thánh đường của chân lý và phúc lạc thấp lè tè. Chỉ ai khom lưng người ấy mới vào được. Nhưng ai qua được cửa, người ấy sẽ được tốt. Trong thánh đường rộng rãi và tự do thoải mái vô cùng, và mọi người ở đấy yêu thương nhau, giúp đỡ nhau và không biết khổ đau”.
Chỉ còn lại vài câu cần nói về đức tính giản dị. Như đã nói, theo Tolstoi chân lý bao giờ cũng giản dị. Cho nên những người thấm nhuần chân lý phải sống giản dị cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nào là sự giản dị vật chất, ai ai cũng biết. Nhưng giản dị tinh thần trước hết là biết sống tự thân tự tại, làm những việc thấy cần làm và có thể làm tốt mà không tính đến hiệu quả và ích lợi xã hội của chúng, không cần biết những người xung quanh nghĩ gì và nói gì về ta, tuyệt không cần đến tiếng tăm, thanh danh.
Tolstoi thường nhắc nhở: tư tưởng và thói quen sùng bái thắng lợi, óc hiếu danh vừa tai hại nhất, vừa khó khắc phục nhất, nhưng nếu không biết khắc phục chúng thì con người sẽ không đến được với những giá trị thật mà chỉ luẩn quẩn trong vòng vây của những ngụy giá trị và sẽ không bao giờ được toại nguyện. Nhưng ai đã đến được với những chân giá trị, mà số lượng của chúng không nhiều, thì người ấy sẽ không cần nữa cơ man những thứ giông giống giá trị, tựa như một người được dinh dưỡng đầy đủ bằng những dưỡng chất hảo hạng không cần đến những gia vị. Nếu là thế thì phải chăng nền văn minh hiện đại của chúng ta tựa như một bàn tiệc có quá nhiều gia vị nhưng lại thiếu khủng khiếp những dưỡng chất? Phải chăng tiên lượng được điều đó mà Tolstoi cứ một mực kêu gọi những người quá giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần hãy sống giản dị hơn, hãy khiêm hạ noi gương những người nông dân chất phác chỉ biết kính Chúa thương người, làm ăn lương thiện, không cần đến nhà nước và các tổ chức xã hội quốc nội và quốc tế nào cả, không băn khoăn về ý nghĩa cuộc sống của mình và vì vậy không tìm đến những thầy dùi ngu ngốc và xảo quyệt.
Có thể hỏi: một cuộc sống như thế có sát đất quá không và có nghèo nàn quá không? Sát đất thì chắc chắn không, bởi vì những người ấy sống với Thượng Đế, còn nghèo nàn thì Tolstoi cũng cam đoan là không, không những không nghèo nàn, mà còn phong phú hơn nhiều cuộc sống của các giới thượng lưu xã hội, bởi vì những người ấy yêu thương nhau, mà những tình cảm và tư tưởng nảy sinh từ tình yêu thương, những việc làm mà nó thôi thúc là phong phú vô tận. Nhưng ta hãy cứ không đồng ý với Tolstoi đi, cứ cho một cuộc sống như thế là quá đơn sơ, nghèo nàn và không thể chấp nhận.
Nhưng thử tưởng tượng nếu mọi người chúng ta chịu sống một cuộc sống đơn sơ, nghèo nàn như Tolstoi khuyến dụ, thì trên hành tinh này đã không có những chiến tranh thế giới và chiến tranh khu vực, không có những chính thể phát xít và toàn trị, không có chủ nghĩa khủng bố nhà nước bây giờ được thay thế bằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế, không có Auschwitz và quần đảo GULAG, không có Hiroshima và Nagasaki, không có nạn diệt chủng ở châu Phi và chế độ diệt chủng ở Campuchia thời Pol Pot, không có sự đói khổ của hàng tỉ người và khủng hoảng sinh thái toàn cầu hiện nay, v.v… và v.v…
*
* *
Như đã nói, lúc còn sống Tolstoi đã bị chỉ trích nhiều về tội viển vông, không tưởng, nhưng ông thì lại cứ quả quyết: tất cả những gì ông khuyến nghị đều khả thi, thậm chí dễ thực hiện. Dễ thì rõ ràng không dễ rồi, còn khả thi? Ở Nga khi Tolstoi còn sống và sau khi ông qua đời từng tồn tại những cộng đồng người tự gọi mình là “tolstovtzy” (những người noi theo Tolstoi), họ sống đúng như Tolstoi khuyên bảo và truyền bá những tư tưởng của ông. Dưới thời xôviết họ đã bị truy kích triệt để và không còn tồn tại nữa. Nhưng những cộng đồng như thế của những môn đệ Tolstoi đã di cư ra nước ngoài (Mỹ, Canada) thì còn tồn tại khá lâu, đáng tiếc chúng tôi không có tư liệu mới nhất về họ.
Còn những cá nhân thì ít nhất chúng tôi biết một người – Albert Schweitzer (1875-1965) – suốt đời hâm mộ Tolstoi và đã làm được những việc mà Tolstoi không làm được. Sau khi đã nổi danh như một nghệ sĩ đại phong cầm kỳ tài, một nhà thần học và triết gia, Schweitzer đã học nghề y rồi cùng vợ trẻ rời châu Âu xuống châu Phi xích đạo, lập ở nơi rừng thiêng nước độc thuộc Cộng hòa Gabon hiện nay một bệnh viện chữa trị bệnh phong cho cư dân da đen vùng ấy và đã trọn đời sống trên quê hương mới ấy, chỉ thỉnh thoảng trở về châu Âu công diễn nghệ thuật chơi đại phong cầm lấy tiền tu sửa, mở mang bệnh viện của mình. Nếu một cuộc sống như thế và những việc làm như thế là vừa sức với Schweitzer, thì cũng không bất khả thể với các trí thức và nghệ sĩ khác, chỉ cần họ có nguyện vọng và ý chí.
*
* *
Sẽ không thừa nếu nói đôi lời về những sáng tác văn chương cuối đời của Tolstoi. Theo đuổi những tôn chỉ của nền “nghệ thuật Kitô giáo” liên kết nhân loại trong Thượng Đế, Tolstoi về già viết nhiều truyện ngắn và rất ngắn dành cho công chúng bình dân. Chúng được viết rất giản dị, cốt sao cho ngay những người ít chữ nhất cũng hiểu được. Cái “văn xuôi nhỏ” này cho đến nay vẫn bị “văn xuôi lớn” của Tolstoi che khuất, chưa mấy người để ý đến, công luận thì theo thói quen coi nó là thứ văn chương minh họa, “tải đạo” đơn thuần. Nhưng Mikhail Bakhtin, từng bất công với Tolstoi, vào giờ chiều tàn của đời mình, thiên nhìn thấy ở những truyện rất ngắn ấy của Tolstoi và ở diễn ngôn triết học của Heidegger những tuyệt đỉnh của sáng tạo ngôn lời còn cần được nhận ra. Nếu là thế, và nếu cũng quả là, như triết gia Nga đương đại A.A. Guseinov khẳng định, loài người còn phải lớn lên hơn nữa để tiếp nhận những tư tưởng của Tolstoi, thì cần phải chờ đợi (nếu còn thời gian để chờ đợi) cuộc hội ngộ mới của nhân loại với Tolstoi, một Tolstoi bất tử trong thể thống nhất của mình.
Hà Nội, tháng Mười 2010