Hành trình tư tưởng của Tolstoi nhìn từ hôm nay (Kỳ V)
Đi với Tolstoi quả thật không dễ tí nào, bởi vì ông vừa cầu toàn đến cực đoan, lại vừa có vẻ tiền hậu bất nhất đến tùy tiện. Ông tựa như một người dẫn đường chỉ lối cho nhân quần mà lại vừa một tay vẫy gọi, hối thúc mọi người đi và đi không ngơi nghỉ, không dừng lại ở đâu trên con đường đã được xác định cho đến đích cuối cùng, đến ngày mai tươi sáng của cả loài người, nhưng bằng tay khác lại níu kéo, thúc đẩy cũng những người ấy mau mau quay gót trở lại ngày hôm qua, thậm chí hôm kia của lịch sử nhân loại.
Sống trong thời đại khoa học và công nghệ lên ngôi, Tolstoi không ngừng bày tỏ niềm hoài nghi sâu sắc về tính hữu ích và cần thiết của nhiều ngành khoa học đang thịnh phát: nào hóa học, nào sinh học, nào địa chất học, nào thiên văn học, không nói đến những ngành khoa học xã hội mà ông cho là chỉ có hại: luật học, kinh tế chính trị học, khoa học quân sự, khoa học tài chính, v.v…; ông chế giễu chua cay những thành tựu mới nhất của công nghệ: đường sắt, điện tín, điện ảnh, hàng không, bất chấp sự có lợi đập vào mắt của chúng…
Cũng một lập trường bài bác như thế Tolstoi – bậc vương giả trong sáng tạo nghệ thuật đã chối từ những kiệt tác của chính mình – bày tỏ đối với sự phát triển của văn học – nghệ thuật thời ông. Những tìm tòi cách tân của Baudelaire và Verlaine, Beethoven và Wagner đều bị ông chê bai, cho là sự cầu kỳ rởm, sự lấy hình thức lạ mắt lạ tai che giấu cái nội dung nghèo nàn, kém ý nghĩa. Trong chuyên luận “Nghệ thuật là cái gì?” Tolstoi đem đối lập một bản xônát rất bác học của Beethoven với một bài hát đơn sơ của những phụ nữ nông dân ở quê ông và cương quyết khẳng định giá trị và sự hữu ích của cái sau so với cái trước.
Ông cũng hạ bệ không nể nang nhiều thần tượng văn hóa của quá khứ. Trong bài viết về Shakespeare, ông so sánh vở “Vua Lia” của nhà soạn kịch vĩ đại này với một vở kịch khuyết danh cùng một nội dung được viết trước nó và lại tuyên bố: vở kịch ấy hay hơn kịch của Shakespeare nhiều. Bằng những sự thách thức công luận như thế (chúng tất nhiên được các đối thủ của ông khai thác triệt để) Tolstoi đã tự tạo ra cho mình tiếng xấu như là “một trí tuệ còn bán khai”, một kẻ thù của văn hóa và văn minh hay đơn thuần một người phát ngôn của hệ tư tưởng thủ cựu hẹp hòi của tầng lớp nông dân gia trưởng đang rút khỏi vũ đài lịch sử. Thành thử không mấy người, ngay trong giới văn học – nghệ thuật, chịu khó lắng nghe tiếng nói của Tolstoi, nhưng ai chịu khó lắng nghe, như chẳng hạn nhà văn Pháp Romain Rolland (1866-1944), thì thu hoạch được nhiều và cho cả đời. Năm 1887, trả lời thư của người thanh niên Rolland thắc mắc vì sao Tolstoi lại phủ nhận khoa học và nghệ thuật, Tolstoi giải thích:
“Tại sao lại xảy ra cái việc là có những kẻ mất trí đến mức dám phủ nhận tính hữu ích của khoa học và nghệ thuật? Có những người làm nghề thủ công, có những người canh tác đất, và không lọt vào đầu ai một ý nghĩ tranh luận về sự hữu ích của họ, và không một người lao động nào nảy ra trong đầu ý nghĩ cần phải chứng minh lao động của mình là hữu ích. Anh ta sản xuất, sản phẩm của anh ta là cần thiết và là phúc lợi cho những người khác. Họ sử dụng chúng và chẳng ai nghi ngờ về sự hữu ích của chúng và lại càng chẳng ai chứng minh điều đó.
Những người làm khoa học và nghệ thuật cũng ở trong những điều kiện như thế. Thế thì tại sao lại xảy ra cái chuyện là có những người bằng mọi sức lực cố gắng chứng minh sự hữu ích của mình?
Vấn đề là ở chỗ những nhà khoa học và nghệ sĩ chân chính không chiếm hữu cho mình bất kỳ một quyền lợi nào; họ cống hiến những sản phẩm của lao động nơi họ; những sản phẩm ấy tỏ ra hữu ích, và chúng tuyệt không cần đến những quyền và những chứng minh nào đó xác nhận quyền tồn tại của chúng. Nhưng tuyệt đại đa số những người tự xưng là những nhà khoa học và nghệ sĩ biết rất rõ rằng những gì họ làm ra không xứng đáng được người đời sử dụng, và đấy là nguyên nhân duy nhất vì sao họ lại cố gắng đến thế – tựa như các linh mục của mọi thời đại – chứng minh cho bằng được rằng hoạt động của họ là không thể thiếu cho hạnh phúc của nhân loại.
Khoa học chân chính và nghệ thuật chân chính muôn thuở tồn tại và sẽ tồn tại muôn thuở, tựa như tất cả các dạng thức khác của hoạt động con người và không thể và sẽ là vô bổ tranh luận hay chứng minh về sự cần thiết của chúng.
Cái vai trò giả dối hiện nay của khoa học và nghệ thuật trong xã hội của chúng ta phát sinh từ chỗ những người gọi là có học, đứng đầu là các nhà khoa học và nghệ sĩ, hợp thành một đẳng cấp đặc quyền đặc lợi, tựa như các vị linh mục. Và đẳng cấp này có tất cả những khuyết tật vốn là thuộc tính của mọi đẳng cấp. Khuyết tật của đẳng cấp là nó làm bẩn và hạ thấp cái nguyên tắc mà vì nó đẳng cấp ấy được tổ chức. Thay vì tôn giáo chân chính ta có ngụy tôn giáo. Thay vì khoa học thực thụ – ngụy khoa học. Cũng là như thế với nghệ thuật. Khuyết tật của đẳng cấp còn ở chỗ nó gây áp lực đối với quần chúng và ngoài ra còn cướp đi nơi họ cái mà trước kia được dự định quảng bá giữa họ”.
Tolstoi đã không sống đến ngày khoa học và nghệ thuật bị nhà nước hay các tập đoàn tư bản lũng đoạn mua, những người làm khoa học và nghệ thuật trở thành những kẻ làm thuê, ngoan ngoãn thực hiện mọi đơn đặt của những thế lực ấy. Ông sẽ nói gì trước những bom nguyên tử, bom hóa học, bom vi trùng, trước vô vàn những tượng, tranh, bài hát, trường ca và tiểu thuyết tôn vinh Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông và nhiều nhân vật lịch sử đáng chê trách khác? Và cả trước những thế giới ảo trên mạng Internet, những thử nghiệm nhân bản vô tính ngày nay? Hay trước công nghiệp điện ảnh Holiwood và nhạc pop mê hoặc khán giả, thính giả toàn thế giới?
Cương quyết không đồng tình với óc sùng bái khoa học, với niềm cả tin rằng khoa học sẽ khám phá mọi bí ẩn của thế giới, giải quyết mọi vấn đề của xã hội loài người, cùng với công nghệ đem đến cho nó hạnh phúc muôn đời, Tolstoi cũng trong thư này gọi niềm tin ấy là “một mê tín khổng lồ mà chúng ta đang rơi vào ngay sau khi giải phóng mình khỏi cái mê tín cũ vào nhà thờ”. Và ông đối lập cái mê tín ấy với sự minh triết mà con người cần phải hướng tới.
“Minh triết con người không nằm trong sự nhận thức các sự vật. Có hằng hà sa số những sự vật mà chúng ta không thể nhận biết. Minh triết không phải là làm sao biết được thật nhiều. Minh triết của con người ở sự nhận biết cái trật tự mà trong đó sẽ là bổ ích hiểu biết sự vật; nó tựu trung là năng lực phân bố những tri thức của mình cho thích ứng với độ quan trọng của chúng”. Và tiếp theo ông trình bày quan niệm của ông về cái khoa học và nghệ thuật mang trong mình minh triết cần thiết hơn cả cho con người: “…trong tất cả các khoa học mà con người có thể biết và cần biết, chính yếu nhất là khoa học về việc cần phải sống thế nào để làm thật ít điều ác và làm thật nhiều điều thiện; trong tất cả các nghệ thuật chính yếu nhất là nghệ thuật tránh cái ác và làm cái thiện một cách ít mất sức nhất. Nếu là thế, thì té ra, giữa các khoa học và nghệ thuật có tham vọng phụng sự hạnh phúc của nhân loại, cái khoa học quan trọng nhất và cái nghệ thuật quan trọng nhất không những không tồn tại, mà còn bị loại bỏ khỏi danh sách các khoa học và nghệ thuật”.
Dễ thấy rằng Tolstoi khẳng định – và ông sẽ kiên trì làm như thế – quyền ưu tiên của khoa học nhân văn so với khoa học tự nhiên và trong khoa học nhân văn – quyền ưu tiên của đạo đức học. Và trong bối cảnh của thế giới ngày nay, trước những hậu quả tiêu cực khủng khiếp của tiến bộ khoa học – công nghệ, trước sự suy thoái ghê gớm của đạo đức cá nhân và xã hội, sự ưu thắng hiển nhiên của cái ác dưới mọi biểu hiện, từ thô bạo nhất đến tinh vi nhất, từ lộ liễu nhất đến trá hình nhất và những thắng lợi còn quá đỗi nhỏ nhoi và không bền vững tí nào của cái thiện, lẽ nào có thể vẫn khăng khăng phủ nhận lẽ phải minh triết của Tolstoi?
Và đối chiếu những yêu cầu của Tolstoi đối với nghệ thuật (hiểu theo nghĩa rộng), trong đó yêu cầu chính là hết lòng phụng sự cái hữu thiện hữu đức, cái phù hợp với ý chí của Thượng Đế và lợi ích của cả loài người, với con đường mà nghệ thuật thế giới đã đi trong hơn một thế kỷ qua – con đường của sự hoặc biến mình thành công cụ phục vụ các chính thể chiến thắng, trong đó có chính thể khó đối đầu hơn cả của xã hội đại chúng; hoặc ngạo nghễ hay đau khổ khép mình trong tháp ngà của những tìm tòi hình thức, những cách tân vì cách tân dẫn đến vị trí quá ư không hệ trọng của nghệ thuật trong thế giới ngày nay – lẽ nào lại cũng không thừa nhận là chính đáng và nhìn xa thấy trước những khuyến dụ và cảnh báo xưa cũ của Tolstoi và không phải một mình ông?
*
* *
Như vậy, học thuyết của Tolstoi, toàn bộ hệ tư tưởng và quan điểm của ông mang tính đạo đức luận rõ rệt. Tính duy đạo đức này đã bị phê phán nhiều và sắc bén, với những kết luận nặng nề cho Tolstoi. Song có nhiều chủ nghĩa duy đạo đức khác nhau cùng với nhiều thuyết đức trị khác nhau, và cần phải làm sáng rõ bản chất của chủ nghĩa duy đạo đức nơi Tolstoi, để xem xét lại, nó có lợi tí nào hay chỉ có hại cho thế giới hôm nay.
Trong di sản mênh mông của Tolstoi có một bài viết ngắn – “Chuyện trò với thiếu nhi về những vấn đề đạo đức” (1907). Theo đề nghị của một tờ báo, Tolstoi chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy đạo đức học cho trẻ em ở độ 10 tuổi đời. Ông tập hợp những danh ngôn của các nhà hiền triết thuộc mọi dân tộc và thời đại, phân bố chúng thành khoảng 20 mục và mỗi ngày đọc và giải thích cho trẻ một danh ngôn theo thứ tự mục. Trong bảng thứ tự ấy, mục số một nói về Thượng Đế. Tolstoi dẫn làm thí dụ một danh ngôn (nói đúng hơn một ngụ ngôn) như sau về Thượng Đế:
“Một hôm đàn cá dưới sông nghe thấy người nói: cá chỉ có thể sống được trong nước. Và lũ cá bắt đầu hỏi nhau: nước là gì? Và không một con cá nào trong sông trả lời được nước là gì. Khi ấy một con cá già thông minh nói rằng ngoài biển có một con cá anh minh vô cùng. Cái gì nó cũng biết. Chúng ta hãy tìm đến nó hỏi: nước là gì? Thế là đàn cá bơi ra biển, tìm đến con cá già anh minh và hỏi: làm thế nào để chúng tôi biết được nước là gì? Con cá anh minh nói: các bạn không biết nước là gì vì các bạn sống trong nước. Ta chỉ biết được nước là gì khi ta đã ra khỏi nước và cảm thấy không có nó không sống được. Chỉ khi ấy ta mới hiểu tất cả chúng ta đều sống nhờ nước và không có nước thì không có sự sống.
Cũng là như thế với loài người, khi họ nghĩ rằng họ không biết Thượng Đế là gì. Chúng ta sống trong Thượng Đế và nhờ có Thượng Đế và chỉ cần lìa rời Thượng Đế là chúng ta tức khắc thấy khó sống, y như cá không có nước”.
Không biết Tolstoi vay mượn truyện ngụ ngôn này từ đâu, hay ông tự sáng tác, có điều nó truyền đạt rất xác thực quan niệm của ông về Thượng Đế. Thượng Đế của Tolstoi là bản nguyên và nguồn gốc của tất cả, không có Thượng Đế thì không có cả loài người với đạo đức của nó. Đạo đức học Tolstoi vì thế trước hết là đạo đức học Thượng Đế luận, tức là nó xuất phát từ một thế giới quan tôn giáo độc thần, và đây là nét khác biệt cơ bản giữa nó với các kiểu đạo đức học vô thần, hay dùng thuật ngữ của Tolstoi, đạo đức học xã hội luận.
Như ta biết, trên thế giới chỉ tồn tại ba tôn giáo độc thần: đạo Do Thái, đạo Hồi và đạo Kitô. Tolstoi lúc nào cũng khẳng định rằng ông là người theo đạo Kitô, nhưng quan niệm về Thượng Đế của ông rất khác với học thuyết về Thiên Chúa trong đạo Kitô thực định. Tolstoi bác bỏ cả hai tín điều cốt lõi của tôn giáo này: tín điều về Chúa ba ngôi và tín điều về sự nhập thể của Chúa thành Giêsu Kitô lịch sử. Như đã nói, với Tolstoi Kitô chỉ là người, chứ không phải Thần – Nhân, Kitô đã sinh ra, đã sống và đã chết như một con người, không có sự phục sinh nào hết. Cho nên cũng không thể có cái chuyện là Kitô sẽ giáng thế lần thứ hai để phán xử loài người, cả những người đang sống lẫn những người đã chết mà tất cả sẽ được phục sinh, để trị vì trên thế gian này và biến cải nó thành một “bầu trời mới và trái đất mới”.
Tất cả những yếu tố siêu nhiên và thần bí đều bị loại bỏ khỏi học thuyết tôn giáo của Tolstoi. Thượng Đế của Tolstoi vì vậy cũng không phải là Đấng Sáng Thế và thế giới không phải là vật tạo của ngài; Tolstoi không ngần ngại chế nhạo huyền thoại về cuộc sáng thế sáu ngày trong kinh Cựu Ước, mà cũng như kinh Tân Ước ông đọc trong nguyên tác, bằng tiếng Do Thái cổ và Hy Lạp cổ. Ông cũng bác bỏ không thương tiếc học thuyết Kitô giáo về công cuộc chuộc tội cứu thế của đức Kitô. Một Thiên Chúa đòi hỏi cái chết của con mình là một Thượng Đế quá ác – ông phê phán, nói theo các nhà khai sáng thế kỷ XVIII. Và trong nhân loại không ai có thể chuộc tội được cho người khác, cứu vớt người khác, việc ấy từng người phải làm cho mình – Tolstoi khẳng định, đã không dựa vào ý kiến của bất cứ ai.
Vậy Tolstoi khẳng định những gì chính diện về Thượng Đế của mình và tại sao ông vẫn xem mình là tín đồ của đạo Kitô? Tolstoi không để lại một tác phẩm nào trình bày có hệ thống những luận điểm thần học của mình, nhưng đây, một năm trước khi qua đời ông diễn đạt tín niệm của ông về Thượng Đế như sau: “Tôi biết sự sống chân chính của tôi không ở trong thân xác tôi, mà ở cái bản nguyên tinh thần tách biệt với tất cả mà tôi ý thức được bằng toàn bộ sinh linh mình và gọi là linh hồn. // Tôi cũng biết bản nguyên tinh thần ấy không chỉ ở trong tôi, mà ở tất cả các vật sống khác. // Cái bản nguyên tinh thần ấy, bị chia cắt bởi thân thể của các vật sống, tôi còn nhận thức được ở trong chính nó, không liên quan với cái gì, không bị giới hạn bởi cái gì, và tôi gọi cái tâm thức vô giới hạn của tất cả ấy là Thượng Đế.” (“Tự nhủ”, 1909).
Một định thức như thế về Thượng Đế có mờ nhạt, thiếu cụ thể và thiếu sức hấp dẫn quá không so với các giáo thuyết độc thần thực định, nhất là giáo thuyết của đạo Kitô? Tolstoi am tường các nền thần học đặc biệt nền thần học, Kitô giáo rất phong phú và tinh vi, có lịch sử ngàn đời với nhiều tên tuổi và trường phái. Không thỏa mãn với chúng, tìm thấy trong chúng quá nhiều yếu tố mà trí tuệ lành mạnh của con người không thể tiếp nhận, ông xây dựng những luận điểm của mình bằng cách chắt lọc những gì là chung trong những học thuyết tôn giáo ấy, những gì mà cả những người theo các tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào cả cũng có thể chấp nhận và loại bỏ những gì là riêng biệt của từng tôn giáo và khó chấp nhận đối với những ai không theo tôn giáo ấy. Đây là cách làm không phải của một mình Tolstoi, mà của nhiều nhà tư tưởng mong muốn thống hợp tất cả những tín ngưỡng mâu thuẫn lẫn nhau của loài người, kiến tạo một tôn giáo thống nhất cho toàn thế giới. Tolstoi thích dẫn lời của Kant, triết gia duy nhất được ông gọi là “thiên tài”: “Có nhiều tín ngưỡng, nhưng tôn giáo thì chỉ có một”, và điều mà Kant đã chỉ ra như một ý tưởng, Tolstoi cố biến thành hiện thực.
Kant đã ảnh hướng tới Tolstoi sâu sắc có khi còn hơn cả Rousseau. Từ trẻ Tolstoi đã đọc “Phê phán lý tính thuần túy” và tâm đắc với tư tưởng cơ bản của sách ấy: bằng lý trí không thể chứng minh và cũng không thể phủ nhận sự tồn tại của Thượng Đế. Vấn đề có hay không có Thượng Đế thuộc quyền giải quyết của cấp khác, mà Kant gọi là “lý tính thực tiễn”, tức là đời sống đạo đức và tâm linh của con người. Thuyết bất khả tri của Kant đã làm bệ đỡ cho tư tưởng Tolstoi không chỉ trong những tìm kiếm tôn giáo – tín ngưỡng, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác(1).
Trở về với định thức vừa được dẫn của Tolstoi, ta thấy ông rõ ràng thấm nhuần hay ít nhất đồng thuận với Kant khẳng định chỉ có thể nhận biết Thượng Đế bằng toàn bộ sinh linh con người chứ không phải bằng lý trí (ngay trong “Anna Karenina” ông đã mượn lời của Levin nói rằng lý trí chỉ có thể phát hiện ra luật đấu tranh vì sinh tồn) và thứ hai, Thượng Đế, mà không có Ngài loài người không thể sống, vừa tồn tại trong mọi sinh thể vừa tồn tại ở trong mình, không liên quan với cái gì và không bị giới hạn bởi cái gì. Về cái không có giới hạn không thể nói một cái gì xác định, cho nên Tolstoi luôn luôn kiệm lời và hết sức dè dặt mỗi khi nói về Thượng Đế, và thái độ bài bác của ông đối với thần học Kitô giáo phải được giải thích từ quan niệm rằng không được bàn luận nhiều về cái bất khả tri (“Về cái gì không thể nói, về cái đó phải im lặng” – một triết gia thế kỷ XX, cũng thấm nhuần Kant, khẳng định). Song Tolstoi vẫn cam đoan: có một Thượng Đế tồn tại ở trong mình, để không ai lẫn lộn ông với những nhà phiếm thần luận (pantheistes) quan niệm rằng cái tuyệt đối, cái vô hạn tồn tại trong cái tương đối, cái hữu hạn và tự bộc lộ qua nó.
Tránh những định danh cụ thể về Thượng Đế, Tolstoi tuy nhiên tiếp nhận hai định thức tối quan trọng trong thần học Kitô giáo – Thượng Đế là thể hoàn hảo tuyệt đối và Thượng Đế là tình yêu. Khát vọng hoàn hảo, theo Tolstoi, (và đây là tư tưởng tâm huyết được ông nuôi dưỡng từ thời niên thiếu) là đặc tính bản thể của con người, thôi thúc nó tìm kiếm và tìm kiếm cái hoàn hảo tuyệt đối, cái hoàn hảo tuyệt đối ấy chỉ có trong Thượng Đế và là Thượng Đế; trong quan hệ với con người cái hoàn hảo tuyệt đối ấy là lý tưởng mà con người sẽ không bao giờ đạt tới, nhưng hướng tới nó, nỗ lực nhích lại gần với nó là nhiệm vụ và ý nghĩa của cuộc sống con người.
Tolstoi tôn Kitô là Thầy trước tiên bởi vì trong những người sáng lập ra những tôn giáo lớn của thế giới, chỉ Kitô mới chỉ ra cho loài người lý tưởng hoàn hảo ấy và kêu gọi hướng tới nó: “Các người hãy hoàn hảo như Cha của các người trên trời hoàn hảo”. Định thức thứ hai về Thượng Đế, cũng lấy từ kinh Tân Ước: “Thượng Đế (Thiên Chúa) là tình yêu” được Tolstoi kiến giải như sau: chúng ta, những con người, chỉ thấu hiểu được cái mà chúng ta yêu quý. Khi chúng ta yêu nhau và yêu cuộc đời, yêu mọi vật xung quanh ta, chúng ta cảm thấy có Thượng Đế ở trong ta, và chúng ta càng yêu mến Thượng Đế hơn thì càng hiểu biết Ngài sâu sắc hơn và thấu đáo hơn. Nếu thần học Kitô giáo dạy con người yêu và sợ Thượng Đế, thì Tolstoi cương quyết gạt bỏ yếu tố sợ. Thượng Đế của đạo Kitô có thể và đã từng nổi giận và ruồng bỏ, trừng trị loài người, Thượng Đế của Tolstoi bao giờ cũng là người cha yêu thương và chăm sóc cho mọi sinh linh như nhau và ý nguyện duy nhất của Ngài là sao cho những con người yêu thương nhau như Ngài thương yêu họ. Tolstoi nói: luật yêu thương là luật duy nhất mà Thượng Đế đặt ra cho loài người.
Tất cả những chân lý có vẻ quá giản dị ấy, mà Tolstoi cứ nói đi nói lại, xem ra ai ai có lương tri trên thế gian này cũng có thể tán thành, và rất dễ thắc mắc tại sao ông lại không biết chán lặp lại mình như thế, nếu không để ý tới việc là ông không biết mệt mỏi nhắc lại những chân lý ấy cùng với một chân lý (hay yêu cầu) khác, không tách rời (nó thì được Tolstoi tiếp nhận toàn bộ từ đạo Kitô) “Hãy yêu Thượng Đế và đồng loại”. Trật tự đối tượng tình yêu ở đây là vô cùng quan trọng. Không chỉ “thương người như thể thương thân” mà “yêu (kính) ông Trời hơn mình và yêu (thương) người khác như mình”. Chỉ yêu thương người khác như yêu thương mình là không đủ, là thiếu căn cứ và do đó kém tính hiện thực.
Cùng với nhiều nhà tư tưởng tôn giáo khác (trong đó lại phải nhắc đến Dostoievski và một loạt triết gia Nga vãn sinh, tất cả đều là những người con tinh thần của Dostoievski và Tolstoi) ông không ngớt khẳng định một điều mà xem ra đến giờ vẫn chưa lọt tai quá nhiều cư dân trên hành tinh này: không yêu kính Thượng Đế thì loài người cũng không thể yêu thương nhau thật sự. Chính thấu triệt chân lý ấy mà Vladimir Soloviev đã buông một câu bông lơn nặng trĩu ý tứ: “Tất cả chúng ta đều từ khỉ mà ra, vì vậy phải xả thân vì nhau”. Còn Tolstoi thì đã dành ba chương trong kiệt tác nghị luận “Vương quốc của Thiên Chúa ở trong ta” (được đưa vào sách này) để chứng minh rằng không thể có tình nhân loại chính thực mà lại không có ý thức đi trước rằng tất cả mọi người đều là con của một Thượng Đế; thiếu ý thức thường trực ấy thì con người sẽ bị cám dỗ bởi những lợi ích cục bộ (đảng phái, giai cấp, dân tộc, quốc gia…) đối nghịch lẫn nhau, sẽ đấu tranh vì chúng, phản bội tình nhân loại và sẽ phải trả giá cho sự phản bội ấy bằng việc bị những kẻ gian ác nắm quyền lực nhân danh những lợi ích cục bộ được linh thiêng hóa ấy biến họ thành những công cụ vô hồn để thực hiện những tham vọng vị kỷ và ác độc của chúng.
Như vậy có thể nói thần học (nó cũng là nhân học) của Tolstoi khẳng định ba giá trị cơ bản và tuyệt đối: Thượng Đế – con người – loài người được xắp theo hình tam giác, đỉnh là Thượng Đế, hai góc dưới đồng đẳng là con người và loài người, còn các cấp trung gian giữa con người cá thể và loài người chỉ là những giá trị tương đối và rất tương đối mà con người không được tuyệt đối hóa để không mất đi nhân cách và nhân phẩm của mình.
Theo thiển kiến của chúng tôi, nhân học thượng đế luận của Tolstoi là một cống hiến quý báu vào kho tàng minh triết của loài người. Nó có những ưu điểm rõ rệt so với nhiều học thuyết triết học nhân văn khác, cũng tôn giáo luận, nhưng hoặc có khuynh hướng biện chính và nể trọng những cấu tạo lịch sử như giáo hội, nhà nước, pháp quyền mà trong thực tế gián cách con người với Thượng Đế và thậm chí lấy mình thay thế Thượng Đế (Soloviev) hoặc hầu như đồng đẳng hóa con người với Thượng Đế, giả định ở nó những năng lực chỉ có ở Thượng Đế (Berdiaev).
Thế nhưng nhân học thượng đế luận ấy có toàn bích hay không, có đáp ứng tất cả những nhu cầu, khát vọng bản thể của con người hay không? Là thế nào thái độ của nhà tư tưởng Tolstoi đối với khát vọng bất tử của con người? Là thế nào vị trí cần có của cái đẹp trong văn hóa loài người? Đáp án của Tolstoi cho những câu hỏi ấy, bị ngay những người cùng thời có thiện cảm với ông cho là không thỏa đáng, bây giờ cũng khó có thể xem là thỏa đáng hoàn toàn. Vấn đề về sự bất tử của linh hồn con người được Tolstoi bàn thảo trong khảo luận triết học “Về cuộc sống” theo tinh thần của Kant (không phải ngẫu nhiên mà một trích đoạn dài từ “Phê phán lý tính thực tiễn” được dẫn làm đề từ cho sách này). Tolstoi nói: chúng ta không biết được chúng ta từng là cái gì trước khi bước vào cõi đời này và sẽ là cái gì sau khi rời bỏ nó. Nhưng chúng ta biết trong ta có phần xác và phần hồn, phần xác theo quy luật tự nhiên tăng trưởng, đạt mức độ phát triển cao nhất, rồi già yếu, chết đi và phân hủy, nhưng phần hồn thì không phụ thuộc vào phần xác và không tuân theo quy luật ấy, cho nên nó sẽ không chết.
Sau này ông sẽ nói thêm là nó sẽ trở về với khởi nguyên của mình – Thượng Đế. Nhưng trở về bằng những con đường như thế nào, bởi vì các linh hồn con người là những ngã thể có quan hệ khác nhau với Thượng Đế và Thượng Đế cũng không thể đối xử một cách không phân biệt với các ngã thể ấy. Và còn quan trọng hơn, là thế nào quan hệ giữa linh hồn và thân xác, lẽ nào thân xác không có giá trị bản thể nào và chỉ là chướng ngại vật cản trở linh hồn con người tái hợp với những linh hồn khác và với Thượng Đế, như Tolstoi về già thiên quan niệm? Giáo thuyết của đạo Kitô thực định trong vấn đề này xem ra tính nhiều hơn đến khát vọng muôn thuở cháy bỏng của nhân loại về sự bất tử cho cả linh hồn lẫn thân xác. Với cái đẹp, mà rõ ràng không có nó thì con người và loài người cũng không sống được, Tolstoi, như đã nói, cũng chưa tìm ra cách tiếp cận thỏa đáng. Một cách quá đơn giản ông đồng nhất cái đẹp với cái thiện, cho rằng chỉ cái gì là thiện thì mới là đẹp, không dành cho cái đẹp một giá trị và vị trí độc lập nào. Thực ra ở đây ông đã quá thấm nhuần tinh thần của đạo Kitô nguyên thủy đã ra đời trong lòng nền văn minh đa thần giáo Hy – La và trong cảm hứng hướng tới cái chí thiện chí thánh đã bài bác sự sùng bái cái đẹp là đặc trưng cho nền văn minh ấy.
Trên đây chỉ là hai thí dụ, mà có thể dẫn ra nhiều hơn nữa, về sự bất toàn của nhân học tôn giáo luận Tolstoi. Nhưng bất toàn là thân phận của con người, và Tolstoi luôn luôn nói rằng ông có thể sai lầm trong những tìm kiếm của mình, và mong đợi sự bổ sung và uốn nắn của những người khác, nhất là của hậu thế mà ông, một người theo chủ nghĩa lạc quan lịch sử thực thụ, gửi gắm nhiều kỳ vọng. Cho nên, đáp ứng với nhiệm vụ của sách này, chúng ta sẽ không dừng lại nữa ở những mặt yếu và hạn chế của nhà tư tưởng Tolstoi, mà sẽ cố tập trung tìm ra (dĩ nhiên còn rất xa mới đầy đủ) những gì có sức sống trường cửu, những gì ngày nay vẫn đáng quý trọng và học tập ở ông.
—-