Hanoi Ad Hoc: Một quan điểm về thành phố – bảo tàng

Hanoi Ad Hoc, một dự án về sự phát triển của Hà Nội, được kể dưới góc nhìn thú vị của những người trẻ có chuyên môn, từ những đề tài có tính cấp thiết và hàn lâm như Công nghiệp trong đô thị hay Khu tập thể, đã trở thành những câu chuyện sinh động và gắn kết với cộng đồng.

Nhà hát lớn Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Điều này gợi lên trong nhóm kiến trúc sư trẻ Katehona suy nghĩ “Sẽ ra sao nếu thành phố Hà Nội là một bảo tàng?”. Phải chăng những gì dự án đang làm chính là trao cho chúng ta, dù bất kể ai, cơ hội nhìn ngắm Hà Nội như một không gian triển lãm, cảm nhận được các góc cạnh dẫu hữu hình hay vô hình, tĩnh lặng hay biến động, thưởng thức chúng như những tác phẩm trong bảo tàng? Nhóm Katehona đã đem những trăn trở ấy gặp và trao đổi với kiến trúc sư Mai Hưng Trung, đại diện dự án Hanoi Ad Hoc.

Dưới đây là những ghi chép cô đọng buổi trao đổi về thành phố, kiến trúc thành phố và dự án đô thị (cụ thể là dự án Hanoi Ad Hoc) dưới góc nhìn phản biện mô hình thành phố – bảo tàng, qua đó hy vọng có thể khơi gợi lên các đề tài thú vị về đô thị, bảo tồn/bảo tàng trong đô thị và các dự án/sáng kiến đô thị không chỉ của riêng Hà Nội mà còn với nhiều thành phố khác của Việt Nam.

Thành phố có thể là bảo tàng, nhưng liệu có nên như vậy? 

“Thành phố bảo tàng là một thành phố chết”, kiến trúc sư Mai Hưng Trung nhận định. Với anh, thành phố khi đã trở thành bảo tàng cũng đồng nghĩa với sức sống của thành phố đang bị đe dọa. Có những ví dụ trên thế giới về nhiều thành phố như thế, như Venice, nơi người dân bản địa và ngành nghề địa phương dần bị thay thế bằng hàng loạt dịch vụ du lịch đại diện cho hiện tượng “thành phố bảo tàng” theo nghĩa hiểu thuần nhất về bảo tồn kiến trúc. Ở đây, sự nguyên vẹn và tính xác thực của kiến trúc nguyên bản được ưu tiên. 

“Khi giữ lại tất cả mọi thứ thì không còn nơi nào để phát triển”. Nếu chỉ cắt nghĩa bảo tàng là nơi bảo vệ hiện vật, công trình, kỷ niệm thì sẽ bị rơi vào cái bẫy của bảo tồn, kìm hãm sự phát triển của thành phố. Nếu nhìn sang châu Âu, nơi các đô thị có bề dày phát triển lâu năm, chính những năm tháng hậu chiến tranh, trên sự đổ nát của các công trình, cơ hội để xây dựng, thử nghiệm những ý tưởng mới về thành phố đã bùng nổ và tạo nên sự phát triển trông thấy. 

Nếu chỉ cắt nghĩa bảo tàng là nơi bảo vệ hiện vật, công trình, kỷ niệm thì sẽ bị rơi vào cái bẫy của bảo tồn, kìm hãm sự phát triển của thành phố.

Để đi tới một khái niệm đúng đắn hơn về thành phố – bảo tàng, chúng ta cần giải tỏa khái niệm bảo tàng khỏi những khuôn mẫu truyền thống như là một công trình chứa cổ vật hiện vật mang giá trị văn hóa của một cộng đồng, một khu vực, một quốc gia một cách nguyên trạng. Kiến trúc sư Mai Hưng Trung chia sẻ về một kỷ niệm đặc biệt tại bảo tàng.

“Ở Croatia có một bảo tàng tên là ‘Museum of Broken Relationships’.[…] Bảo tàng này là nơi để chứa những kỷ vật của mối tình tan vỡ. […] Chúng (những hiện vật trong bảo tàng) hoàn toàn là những đồ vật bình thường như một cái gương hoặc váy cưới mà người ta không muốn giữ trong nhà họ nữa, […] những thứ gọi là bỏ thì thương mà vương thì tội đúng không. Và người ta gửi cho bảo tàng, trở thành một phần còn lại của cái kỷ niệm mối tình ấy […] Bảo tàng ấy thành công kinh khủng luôn”.

(Bảo tàng) không nhất thiết phải là một thứ khiến mọi người phải căng não, phải đọc phải ghi chép, suy luận”. Anh nói thêm. “Chạm được vào cảm xúc người ta, vậy là thành công rồi”.

Hóa ra bảo tàng thời đại mới hướng tới sự giải trí, tính tương tác, dễ dàng hiểu chứ không phải một môi trường học thuật nơi người xem cảm giác nhỏ bé trước sự đồ sộ của kiến thức và lịch sử. Thành phố phải chăng cũng vậy, liệu có đúng đắn nếu chỉ dành không gian để tôn thờ ký ức trong quá khứ mà bỏ quên thực tại?

“Nhiều khi (sự tôn thờ lịch sử) là một cái ảo giác hay một cái bẫy mà mình không thể thoát ra được”. – KTS. Mai Hưng Trung cho hay.

Bộ sưu tập hay phòng thí nghiệm, bảo tồn hay thích ứng?

Trong khái niệm truyền thống, bảo tàng gắn liền với các bộ sưu tập. Nếu hiểu thành phố như những bảo tàng truyền thống, ta sẽ có những tổ hợp công trình kiến trúc tuyệt mỹ nhưng thiếu đi sức sống của một đô thị. “Với anhthành phố không phải một bộ sưu tập. Nếu nói [thành phố] là một bộ sưu tập thì nó sẽ thuộc về một cá nhân nào đó và sẽ được thu thập về. Nhưng thành phố phát triển một cách hữu cơ. […] Nếu mà nói bộ sưu tập thì tôi nghĩ, Dubai chính là một bộ sưu tập như vậy […] họ mời các kiến trúc sư nổi tiếng tới, và [thành phố] đúng là bộ sưu tập của những kiến trúc sư lớn […] không có cuộc sống ở đó, đơn thuần là đến từng công trình một và nhìn xem ông kiến trúc sư này muốn bày tỏ gì trong công trình của ông ấy”.

Venice, nơi người dân bản địa và ngành nghề địa phương dần bị thay thế bằng hàng loạt dịch vụ du lịch đại diện cho hiện tượng “thành phố bảo tàng” theo nghĩa hiểu thuần nhất về bảo tồn kiến trúc.

Và khái niệm thành phố – bộ sưu tập hoàn toàn sụp đổ trước một đô thị năng động và đầy biến số như Hà Nội. “Nhưng Hà Nội của mình thì không, Hà Nội mình phát triển một cách ngẫu hứng”. Sự ngẫu hứng ở đây có thể hiểu theo nghĩa khả năng thích ứng tùy thuộc vào hoàn cảnh, cũng có thể hiểu là những tự phát sáng tạo không theo những trật tự, quy chuẩn, tiêu chuẩn thông thường. “Nó phát triển không vì một ai cả. Nó phát triển vì những nhu cầu tự thân của nó. Nên đối với anh thành phố như Hà Nội không phải một bộ sưu tập. Nó là cơ thể sống, nó là một thành phố sống”.

Vậy trong một bối cảnh đầy phóng khoáng như vậy, những sáng kiến đô thị như Hanoi Ad Hoc làm gì? “Tôi muốn tạo ra một bộ nghiên cứu tổng thể để mình nhìn thấy được trực quan những mối liên kết vô hình đằng sau những cấu trúc mở (open fabric) với nhau”, kiến trúc sư Mai Trung Hưng chia sẻ. “Đô thị có thể nhìn không trật tự nhưng có logic đằng sau đó, chưa ai nghiên cứu để nhìn ra nó cả”.

Đô thị có thể nhìn không trật tự (disorder) nhưng có logic đằng sau đó, chưa ai nghiên cứu để nhìn ra nó cả. 

KTS. Mai Trung Hưng

Để làm được điều này, Hanoi Ad Hoc đã tổ chức các hoạt động chuyên môn/cộng đồng theo chủ đề các năm. “Khi mà làm về nhà máy chẳng hạn, thì từng nhà máy đã là từng câu chuyện rồi! […] Ví dụ như nhà máy bia, nhà máy này được xây dựng bởi Pháp, và ban đầu thì sản phẩm bia cũng là thức uống từ Pháp mà sang phải không? Từ thức uống cho sĩ quan Pháp, giờ trở thành thức uống bình dân, và mình có thể thấy ở trên khắp vỉa hè hà nội, định hình lối sống, mặt đứng và cảnh quan đô thị (urban life, urban facade, urban landscape) của Hà Nội”. Dự án đi tìm ý nghĩa những mảnh rời rạc của thành phố để dần phác họa lên hình ảnh thành phố Hà Nội. “Qua đó Hanoi Ad Hoc muốn làm rõ sự liên kết giữa những yếu tố vật lý của một công trình ảnh hưởng thế nào tới lối sống con người trong đó”.

Chúng tôi trao đổi về những mối liên kết vô hình trong thành phố, về quan điểm những nhà đô thị học như Rem Koolhaas hay Guy Debord và dừng lại ở Giấc mơ hiện đại – cụm từ Hanoi Ad Hoc sử dụng trong năm đầu của dự án. Giấc mơ hiện đại mà anh và nhóm sử dụng ở đây ám chỉ Chủ nghĩa hiện đại của những năm XX, thời điểm mà công nghiệp hóa và hiện đại hóa đưa con người ta tới những giấc mơ về tương lai không tưởng, những con đường cơ giới hóa, những đô thị hiện đại cùng những tòa cao tầng. Và Khu tập thể (KTT) cũng đại diện phần nào cho giấc mơ ấy.

“[…] Một xã hội mọi người chia sẻ với nhau. Tối thiểu không gian riêng và tối đa không gian chung; có bếp chung, có toilet chung, có sân chơi rất rộng đúng không? Dĩ nhiên bây giờ mình nhìn không còn như vậy nữa, mọi thứ đập ra chia hết. Không ai muốn dùng chung toilet. Không ai còn muốn sử dụng khoảng sân đó chỉ để cho trẻ con chơi.” Gọi là giấc mơ bởi lẽ đó là một tương lai của quá khứ, một mong ước dần thay đổi theo thời gian, hay như cách anh gọi là “một sự thú vị của việc thích ứng tầm nhìn ấy vào mong muốn của thực tại”.

Ở một kịch bản khác, nếu ta giữ chặt giấc mơ của quá khứ và gán ghép với hiện tại, liệu còn thú vị nữa không? “Và ở các nước Đông Âu họ tôn trọng (nguyên gốc mô hình) y như thế. Và khi mình đến thì mình thấy nó phi tỷ lệ”. Nếu ví sự bảo tồn nghiêm ngặt của châu Âu là một chiếc lồng kính trong bảo tàng, Hà Nội giống như một phòng thí nghiệm của những phép thử xã hội. 

Khái niệm thành phố – bộ sưu tập hoàn toàn sụp đổ trước một đô thị năng động và đầy biến số như Hà Nội.

Di sản số và cây cầu ý tưởng

Khi đề cập tới khái niệm bảo tàng học không thể không nhắc tới di sản số. Hiểu đơn giản, di sản số là những sản phẩm tin học, được lưu trữ trong không gian kỹ thuật số và có một giá trị nhất định với cộng đồng. Chúng có thể ở dạng chữ, hình ảnh, video, hay phức tạp hơn là các phần mềm, trò chơi điện tử, trang web.

Trong trường hợp Hanoi Ad Hoc, kiến trúc sư Mai Hưng Trung đã bày tỏ sự vui mừng khi nhận được chỉ trích về việc dự án thu thập nhiều dữ liệu hơn thực sử dụng. Bởi theo anh, dự án không hướng tới nghiên cứu thuần túy, sử dụng triệt để các nguồn dữ liệu để đưa ra những kết luận với hệ thống cơ sở đồ sộ, mà hướng tới đưa thư viện thông tin ấy cởi mở hơn.

“[…] có rất nhiều nghiên cứu về Việt Nam, có rất nhiều nghiên cứu về đô thị hay kiến trúc Việt Nam. Nhưng nó chỉ nằm trong quyển sách, cho giới học thuật họ biết đến. Trong khi giới thiết kế, giới kiến trúc sư, họ chỉ vẽ mà thôi. Họ vẽ nhưng họ không biết mình đang vẽ cái gì. Họ không có giai đoạn nghiên cứu trong đấy. Anh muốn làm sao để mình đưa nghiên cứu ấy đến với giới kiến trúc và giới cộng đồng”.

Ở một góc độ khác, Hanoi Ad Hoc cũng không hề đưa ra giải pháp thiết kế như những sáng kiến/nghiên cứu đô thị thường thấy. “Nếu Hanoi Ad Hoc đưa ra ý tưởng thôi thì trở thành công ty thiết kế rồi, mình nói chuyện làm gì nữa. Và cũng rất nhiều người hỏi nghiên cứu xong rồi thì là gì nữa, đó là việc của cộng đồng”.

Điểm thú vị nằm ở chỗ Hanoi Ad Hoc được định hướng để đứng ở giữa, cân bằng hai thái cực, hay như kiến trúc sư Mai Hưng Trung gọi là “cầu nối giữa hai cực điểm, một là nghiên cứu, hai là thiết kế.” Anh cho biết, ở phương Tây, các văn phòng thiết kế trong các dự án đều có các giai đoạn thu thập dữ liệu (archive), thiết kế (design/project), nhưng giai đoạn phân tích (theorize/analyse) thường không dành được nhiều thời gian cần thiết. Điều Hanoi Ad Hoc mong muốn chính là dành thời gian chuyển hóa, phân tích kỹ lưỡng các dữ liệu và diễn giải chúng một cách trực quan, hiệu quả để gợi mở các thiết kế. 

“Tôi muốn có thời gian vào lý luận hóa, và đa phần thời gian chúng tôi sử dụng là vào lý luận hóa”.

Và chính nhờ lý tưởng ấy mà sản phẩm của Hanoi Ad Hoc rất đặc trưng, không phải những kết luận khoa học có phần khô khan hay những thiết kế xa lạ, mà là những quan sát thú vị. “Từ nhà máy bia mình nói tới việc bia hơi đã thay đổi lối sống đô thị như thế nào. Từ Nhà máy Dệt 8/3 mình nói đến số phận của những người phụ nữ làm trong nhà máy ấy. Đó là một nơi đã biến chuyển người phụ nữ làm nông ở một phường nhỏ trở thành một chiến sĩ quân đội khi đất nước cần”. Mỗi video có một chủ đề, và tương thích với các chủ đề là các lý luận khác nhau. 

Và cuối cùng, kiến trúc sư Mai Hưng Trung để cộng đồng đưa ra quan điểm, đưa ra thiết kế của mình. “[…] Chúng tôi tổ chức một cuộc thi. Một cuộc thi như thế thì mình có nhiều ý tưởng chứ”. Cuộc thi cũng ngẫu hứng như chính cách anh nói về Hà Nội vậy. “Và tính gợi mở ấy có thể mang tính không tưởng (utopian) hoặc có tầm nhìn […] nó không phải trả lời trực tiếp cho vấn đề”. 

Dự án đô thị là dự án dành cho mọi người

Một trong những điểm không thể không nhắc tới chính là tính đa phương tiện của Hanoi Ad Hoc. Như đã nói ở trên, di sản số được tồn tại với nhiều dạng thức, nên có khả năng lan truyền linh hoạt. 

“Nhiều người không đọc sách, vì ở khía cạnh nào đó thì đọc sách nó cũng buồn, toàn chữ. Thế nên nếu mình muốn đưa kiến thức ấy đến gần gũi với cộng đồng hay đến với thế hệ trẻ hơn thì anh muốn dấy lên một hình thức khác, linh hoạt hơn, sống động hơn là một điều cần thiết. Nếu không thì tôi nghĩ là sẽ khó có sự đón nhận từ cộng đồng”.

Sản phẩm của Hanoi Ad Hoc rất đặc trưng, không phải những kết luận khoa học có phần khô khan hay những thiết kế xa lạ, mà là những quan sát thú vị. “Từ nhà máy bia mình nói tới việc bia hơi đã thay đổi lối sống đô thị như thế nào. Từ Nhà máy Dệt 8/3 mình nói đến số phận của những người phụ nữ làm trong nhà máy ấy. Đó là một nơi đã biến chuyển người phụ nữ làm nông ở một phường nhỏ trở thành một chiến sĩ quân đội khi đất nước cần”. Mỗi video có một chủ đề, và tương thích với các chủ đề là các lý luận khác nhau.

Và cũng như tính cách của Hà Nội, dự án Hanoi Ad Hoc cũng làm nhiều thử nghiệm trong việc truyền tải các thông điệp. “[…] có thể dưới dạng video dưới dạng gif (ảnh động), các hoạt họa […] Mọi người biết đến cái gif về Đàn Nam Giao còn nhiều hơn những cái video chúng tôi làm. Tôi thấy hơi buồn cười nhưng nó cũng là một cái thành công thôi”.

Nhờ vậy, Hanoi Ad Hoc đến được với nhiều người hơn. Kiến trúc sư Mai Hưng Trung mong muốn dự án mình gây dựng có thể có được sự tương tác giữa người có chuyên môn và cộng đồng. Bản đồ tương tác, những video ngắn, những hoạt họa thông minh là những công cụ đắc lực trong việc phát triển tương tác giữa chuyên gia và cộng đồng.

Với những điều ngẫu hứng, khó đoán và thú vị ấy, kiến trúc sư Mai Hưng Trung, Hanoi Ad Hoc hay chính Hà Nội cũng đều không phải là bảo tàng. Khi được hỏi về một Hanoi Ad Hoc dạng vật lý, anh mơ mộng rằng “ở trong một cái nhà máy và muốn cái trưng bày của mình là một phần của cái thử nghiệm về tính khả thi của việc chuyển đổi không gian công nghiệp vào hoạt động văn hóa…”.□

Kacheetonaa

—–

Đọc thêm

https://balkaninsight.com/2011/05/24/croatia-museum-of-broken-relationships-wins-award/

https://www.hanoiAd Hoc.com/

https://omnimuseum.org/the-city-as-museum-and-the-museum-as-city.html
https://en.unesco.org/themes/information-preservation/digital-heritage/concept-digital-heritage

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)