Hậu Nobel

Nobel là giải thưởng danh giá nhất mà bất cứ ai đều mong muốn có được. Khi một ai đó nhận được giải thưởng thì đó không chỉ còn là vinh dự của cá nhân, mà hơn thế, vượt qua đường biên giữa các quốc gia để trở thành niềm tự hào của cả nhân loại. Nhưng chặng đường còn lại đằng sau tấm huy chương là cả những câu chuyện chưa được kể khi danh dự của người đoạt giải Nobel có thể cải thiện sự tiến bộ của loài người, nhưng cũng có khi nó trở thành một “tấm áo đẹp” cho những mục đích chính trị đơn cực. Ngay khi một người được sống trong thời khắc vinh quang của buổi lễ trao giải Nobel thì cũng là lúc họ sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

Những chữ ký ngàn vàng
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi nhà hóa học Linus Pauling làm mũi nhọn dẫn đầu một trong những hoạt động kiến nghị lớn nhất trong lịch sử khoa học. Hơn 11.000 nhà khoa học, bao gồm 36 người đoạt giải Nobel, đã cùng nhau ký tên kêu gọi “bãi bỏ có hiệu lực vũ khí hạt nhân”. Bản kiến nghị đã dẫn tới nỗ lực quốc tế đầu tiên trong vấn đề điều khiển vũ khí hạt nhân-Hiệp ước cấm thử từng phần. Năm 1962, trong cùng ngày hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực, Ủy ban Nobel Na Uy thông báo Pauling được trao giải Nobel hòa bình cho chiến dịch của ông chống lại việc thử vũ khí hạt nhân trên mặt đất. Trước đó, năm 1954, ông cũng đã được trao giải Nobel hóa học.

 

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel:
William Lipscomb (trái), Robert Wilson (giữa) và Dudley Herschbach (phải).

Những kiến nghị hành động bởi những người từng đoạt giải Nobel đã trở thành công cụ phổ biến của chủ nghĩa tích cực, trong những vấn đề nhân văn nóng bỏng như: phản đối đòi phóng thích những người tù vô tội và cứu chữa cho hàng chục nghìn người đau ốm, từ luật chống buôn bán ma túy tới những nghiên cứu không thỏa đáng trong vấn đề phát triển lan tràn của hạt nhân. Có tên trong bản kiến nghị cũng đảm bảo tạo ra một sự chú ý đặc biệt từ công luận.
Chỉ trong năm trước, những chữ ký của những nhà khoa học đoạt giải Nobel đã tạo ra sự công khai chi trả cho nghiên cứu giáo dục tự do trên Internet; hợp pháp hóa đồng tính luyến ái ở Ấn Độ; tăng mức lương tối thiểu ở Mỹ; công khai chỉ trích việc chính trị hóa khoa học mờ ám của chính quyền Bush; hạn chế quyền lực của tổng thống trong những hành động về hạt nhân không minh bạch nhằm mục đích chống lại những quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Và mới đây ở Jordan, khoảng 35 người đoạt giải Nobel đã hội tụ cùng nhau tại hội thảo Petra lần thứ ba để cùng thảo luận những vấn đề lớn của nhân loại, trong đó bao gồm công bố khoản tài chính 10 triệu USD hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu ở Trung Đông.
Khi những kiến nghị có tầm ảnh hưởng lớn thì việc thu thập chữ ký đã trở thành một  “ngành công nghiệp” riêng. Dẫn đầu xu hướng này là Hiệp hội các nhà khoa học liên quan (Union of Concerned Scientists) ở Cambrridge, Masshachusetts. Trong đó Cảnh báo nhân loại về môi trường của các nhà khoa học thế giới năm 1992 của tổ chức này đã được khoảng một nửa những nhà khoa học đoạt giải Nobel ký, trong tổng số khoảng 1700 nhà nghiên cứu. 5 năm sau đó, không ít hơn 110 nhà khoa học đoạt giải Nobel đã cùng nhau ký vào biên bản Kêu gọi hành động trong vấn đề ấm lên toàn cầu.

Lá bài chính trị

 
Linus Pauling (giải Nobel hóa học năm 1954 và giải Nobel hòa bình năm 1962) đã nhận được sự ủng hộ toàn thế giới về kiến nghị bãi bỏ vũ khí hạt nhân.

Mặt khác, những nhà khoa học đoạt giải Nobel cũng có thể trở thành con bài dưới bàn tay của những thế lực chính trị. Ở Mỹ, như thường lệ, các nhà chính trị thường lên kế hoạch triệu tập những người đạt giải Nobel, hoặc ít nhất là những hành động không ngoài ý định thu thập chữ ký của họ, phục vụ những mục đích riêng. Chẳng hạn, năm 1996, trong cuộc chay đua vào Nhà Trắng, Bill Clinton có bảy nhà khoa học đoạt giải Nobel ủng hộ kế hoạch vận động tài chính tranh cử. Đối thủ của ông, Bob Dole, ở Đảng Cộng hòa cũng đã nắm trong tay bốn nhân vật giải Nobel. Năm 2004, chiến dịch của Geoge W.Bush đã tập trung 6 nhà Nobel để lên tiếng nhạo báng kế hoạch thuế của ứng cử viên Đảng Dân chủ John Kerry, mà chính bản thân Kerry cũng đã từng nhận được sự yểm trợ của 10 nhà kinh tế đoạt giải Nobel khác.
Dudley Herschbach (giải Nobel năm 1986) , Đại học Havard, đã nhìn thấy chủ nghĩa tích cực như một phần của truyền thống Mỹ lâu đời kéo dài từ thời Benjamin Franklin, một chính khách và cũng là một nhà khoa học thế kỷ 18. Với vai trò của một nhà hoạt động tích cực, Dudley Herschbach trở thành thành viên của Ban hội đồng Livable World ở Washington DC. Nhóm hành động chính trị này được sáng lập bởi nhà vật lý Leó Szilárd, người đầu tiên nghĩ ra phản ứng hạt nhân dây chuyền và cũng là nhân vật đi đầu của kiến nghị về Dự án Manhattan, nhưng đã thất bại khi ngăn cản Tổng thống Harry Truman sử dụng bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản. Còn đối với Herschbach, ông cũng đã cảm thấy lo lắng về 1000 tấn, và có thể nhiều hơn, lượng uranium được làm giàu với mục đích phát triển vũ khí ở Liên Xô, và thậm chí, xảy ra khả năng uranium rơi vào tay các tổ chức khủng bố quốc tế. Herschbach đã nói ngay cả khi ông biết rõ về những giới hạn của người đoạt giải Nobel, “Có thể như thế lắm. Và bạn phải làm điều gì đó để nhận được sự chú ý của công luận”.  “Mỗi người chỉ có giá trị cho một người, và đó là sự thật”, James Buchanan, người đã từng nhận giải Nobel về kinh tế, phát biểu.
Roald Hoffmann (giải Nobel hóa học năm 1982) ở Đại học Cornell ở Ithaca, New York nhận định rằng, những nhà khoa học đoạt giải Nobel đã trở thành một loại hàng hóa ngay từ khi họ được đề nghị sử dụng tên của mình cho một mục đích nào đó. “Đó là một dạng tách rời giữa con người và chủ thể. Họ thực sự muốn những gì tôi nghĩ? Hay họ chỉ muốn cái tên của tôi?”, ông nói.

Khi giá trị tỷ lệ nghịch…
Khi số bản kiến nghị có chữ ký của những người đoạt giải Nobel tăng thì cũng là lúc giá trị của nó bị giảm sút. Peter Agre (giải Nobel hóa học năm 2003), phó trưởng ban khoa học và công nghệ của Đại học Y Ducke, Durham, Bắc California đã phát biểu, “Nếu bạn ký càng nhiều thì giá trị hữu ích của bạn sẽ giảm”. Peter cũng từng là người ủng hộ ứng cử viên Kerry cùng với 47 người đoạt giải Nobel khác.
Chính vì thế mà nhiều nhà khoa học đã ý thức được giá trị và mục đích khi ai đó muốn sử dụng tên tuổi của mình. Một nhà khoa học đoạt giải Nobel với đầy tiếng tăm cùng với những lời đề nghị thì họ sẽ bước ra khỏi cuộc tranh đua. Nicholaas Bloembergen (giải Nobel về vật lý năm 1981), giáo sư danh dự của Đại học Havard ở Cambridge và Đại học Arizona, cho biết, ông đã được đề nghị để ký vào những bản kiến nghị khoảng sáu lần trong một năm. Nhưng ông chỉ ký có một lần trong một năm và tác động như một nhà vật lý trong những vấn đề khoa học. Chẳng hạn như việc chi trả liên bang cho nghiên cứu và trong vai trò của một công dân uyên bác về những vấn đề xã hội như gia tăng dân số. Ông là một trong 41 người đoạt giải Nobel cùng ký vào một kiến nghị phản đối cuộc chiến ở Iraq đồng thời cũng là một trong 100 nhà khoa học đọat giải Nobel lên tiếng cảnh báo an ninh thế giới được quyết định bởi công cuộc tái thiết xã hội và môi trường toàn cầu. Còn Robert Solow (giải Nobel kinh tế năm 1987) từ Viện công nghệ Massachusetts-MIT, đã ký không quá một nửa số lần mà ông được yêu cầu ký và đã được đề nghị tham gia vào những vấn đề kinh tế. Gần đây ông cũng tham gia ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu.

Nhiều khi bị… phớt lờ

 
Peter Agre (Nobel hóa học năm 2003)

Solow nói rằng, “Khó khăn lớn thường xảy ra là bạn được đề nghị để ký vào một bản kê mà ai đó đã soạn sẵn”. Nếu văn bản đó không trùng với luồng suy nghĩ của người ký thì anh ta hiểu rằng, mình không có trách nhiệm phải ký. Anh ta có thể đồng ý trong một khung rộng hơn mà không phải là những việc cụ thể và có thể hỏi nếu bất đồng của anh ta với tác giả là không đáng kể.
Aaron Ciechanover (giải Nobel hóa học năm 2004) từ Văn phòng Ruth và Bruce Rappaport về y học ở Haifa (Israel) đã phải đối phó với rất nhiều đòi hỏi của chính quyền sở tại về những mối quan tâm của ông. Ông thường xuyên được đề nghị ký vào những bản kiến nghị. Chẳng hạn, một bản kiến nghị kêu gọi Thủ tướng Isareal Ehud Olmert mở những cuộc tiếp xúc với Syria và Hamas. Hay kêu gọi chính phủ Sudan dừng ngay những cuộc tàn sát đẫm máu ở Darfur. “Tôi không nghĩ rằng với tư cách là một người đoạt giải Nobel thì kiến của tôi sẽ trở nên tốt hơn và có trọng lượng hơn bất cứ ai. Tôi hành động theo nguyên tắc và lương tâm của mình. Tôi sẽ chỉ lên tiếng về những vấn đề mà tôi cho là quan trọng”, ông nói. Với tất cả danh tiếng của họ, những nhà khoa học đoạt giải Nobel đã trở thành những công cụ thay đổi xã hội.
Leslie Gelb, nhà báo đoạt giải Pulizer và cũng là chủ tịch danh dự của Hội đồng quan hệ đối ngoại, cho biết ông đã chứng kiến những kiến nghị đến và đi trong suốt bốn thế kỷ. “Tôi không nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ rằng những bản kiến nghị có thể làm thay đổi tư tưởng của người ra quyết định”. Gelb thường xuyên hỏi các nhà cầm quyền khi họ nhìn thấy những bản kiến nghị đầy đủ thì sẽ hành động như thế nào? Và câu trả lời nhận được là họ thường xuyên bỏ qua.
Thậm chí những bản kiến nghị có ý định tốt nhất cũng có thể làm thất vọng những người đã tham gia ký. Chẳng hạn, năm 1992, trong Cảnh báo nhân loại bao trùm rộng khắp những vấn đề nóng bỏng như: lỗ thủng tầng ozone, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng, thoái hóa đất, tuyệt chủng các loài, tăng dân số, đói nghèo,…và đây cũng chính là những vấn đề trùng hợp với các tranh luận của Liên hợp quốc trên những hành động ngoài lề tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro. Một số tờ báo ngay lập tức đưa ra lời bình tóm tắt: Đó là một văn bản được viết rất hay và có tác động mạnh. Nhưng nó đã bị phớt lờ”. David Suzuki, nhà sinh học Canada  và cũng là một phát thanh viên, nói “Đối với tôi, đó là một sự lên án thú vị về một loại xã hội mà chúng ta có. Rằng, các nhà khoa học bị các phương tiện thông tin đại chúng cách ly ra khỏi nhịp điệu phát triển xã hội”. Về phần Gelb, ông nghĩ rằng, những nhà đoạt giải Nobel đã làm giảm bớt thông điệp của họ bằng việc đòi hỏi quá nhiều thứ cùng một lúc.

Đ.Phường (Biên dịch theo Nature)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)