Hãy cho trẻ em cơ hội
Bạn không cần phải có bằng tiến sĩ hay tài năng đặc biệt mới có thể thưởng thức được âm nhạc cổ điển. Tất cả những gì bạn cần là đôi tai và một tâm hồn rộng mở - những thứ mà đứa trẻ nào cũng sẵn có.
Việc tiếp cận âm nhạc cổ điển đã đi tới tận cùng rồi ư? Phương tiện truyền thông đại chúng đầy những câu chuyện tan vỡ ảm đạm: các dàn nhạc và nhóm nhạc thính phòng đối mặt với sự kết thúc hay buộc phải sáp nhập, khán giả bị già hóa, các bản thu âm không bán được, bản quyền hết hiệu lực và tệ hơn cả là việc giáo dục âm nhạc ở nhà trường bị thu hẹp dần. Ngay cả ở nước Đức nơi tôi cư trú, nơi mà văn hóa đỉnh cao thường được bao cấp nhiều, các dấu ấn thời đại đang thay đổi và giới chính trị gia ngày càng hay ghi điểm bằng chủ trương cắt giảm ngân sách dành cho nghệ thuật. Định kiến cho rằng âm nhạc cổ điển chỉ đơn thuần là một thứ hàng hóa thay thế và là trò tiêu khiển của một bộ phận thiểu số đã ăn sâu bám rễ đời sống xã hội.
Với tôi, một số gợi ý có vẻ đáng giá, một số vừa có lợi vừa có hại và một số thì chỉ có hại như đưa nhạc “cổ điển tiến tới pop”. Tôi có xu hướng nghĩ rằng, khán giả tiềm năng cho âm nhạc cổ điển phức tạp và đông hơn nhiều so với con số mà người ta thường trông đợi. Điều đó không phụ thuộc vào tầng lớp, giáo dục hay kiến thức, vì mọi người đều có kĩ năng nghe, có một gene khao khát đối với sự phức tạp mang tính thẩm mỹ và cái đẹp đã được mã hóa trong quá trình tiến hóa.
Trong diễn văn nhận giải Nobel của Joseph Brodsky, nhà thơ lưu đày vĩ đại người Nga tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, tôi bị quyến rũ bởi sự tin tưởng mà Brodsky đặt vào khán giả bình dân và vào năng lực truyền đạt của nghệ thuật phức tạp. Với ông, quyền tiếp cận với các môn nghệ thuật là một phần quan trọng của các quyền công dân bởi “chắc chắn là nó không thể xóa đói giảm nghèo nhưng nó có tác động gì đó lên sự dốt nát. Ngoài ra, nó là thứ bảo hiểm sẵn có duy nhất chống lại sự thô thiển của trái tim con người. Do vậy nó nên sẵn có cho tất cả mọi người ở đất nước này và với chi phí thấp…”
Tôi nhớ về tuổi thơ của mình ở Hàn Quốc vào những năm 1960, một giai đoạn sau hàng chục năm chiếm đóng và tàn phá của chiến tranh Triều Tiên. Đặc trưng cuộc sống là sự đói nghèo và các thiết chế hà khắc. Nhưng tôi may mắn nhờ một số tình cờ, ngẫu nhiên mà được tiếp cận với âm nhạc cổ điển, thậm chí là với các buổi hòa nhạc ít ỏi, thưa thớt và không đủ tiêu chuẩn cùng sự giáo dục chính thức hiếm có. Việc nghe một bản thu âm hay hiếm hoi hơn là đọc một bản nhạc cho ta cảm tưởng như được chạm vào cái gì đó thiêng liêng. Những người hùng thời tuổi trẻ của tôi – bên cạnh các ban nhạc pop Anh quốc – là Bach, Chopin, Tchaikovsky và Stravinsky. Chưa một phút nào trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ rằng tôi đang lãng phí thời gian của mình với “những ông da trắng đã chết”. Và khi còn là một sinh viên trẻ tuổi, lúc tôi khám phá ra thứ âm nhạc đương đại của Ligety1 và Xenakis2 mà không ai nghe nói tới ở Hàn Quốc, tôi đã không kém phần bị mê hoặc và thăng hoa. Nằm ngoài sự màu mè tiên phong ư? Chắc chắn là không: trong hoàn cảnh của tôi, sự màu mè sẽ là hoàn toàn dại dột.
Dĩ nhiên là tôi không mong rút ra các so sánh quá gần. Các vấn đề sâu xa thời đó khác hoàn toàn với ngày nay trong các xã hội thịnh vượng và được thông tin định hướng. Hơn nữa cái gì đó vẫn còn giá trị một cách phổ biến: thiên hướng kết nối chặt chẽ tự nhiên mà trẻ em có đối với âm nhạc cổ điển phức tạp. Có lẽ chúng vẫn chưa nắm bắt được các chiều kích trí tuệ của thứ âm nhạc đó nhưng tác động về mặt cảm xúc là tất cả những gì mạnh mẽ hơn và đây là cái đáng kể: vì người ta không cần phải có bằng tiến sĩ hay tài năng đặc biệt để có thể thưởng thức được âm nhạc cổ điển. Song sự tò mò và hiểu biết bẩm sinh này có thể biến mất: như ta đã biết thị hiếu thẩm mỹ của trẻ em hình thành trước tuổi lên chín, do đó âm nhạc phải trở nên hữu hình hơn trong các trường học – cuối cùng nhưng không tối thiểu bởi vì “việc đào tạo về các môn nghệ thuật chuẩn bị cho một đứa trẻ đang khôn lớn tốt y như việc chuẩn bị cho một sự nghiệp khoa học và kỹ thuật bằng cách đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học, nếu không muốn nói là tốt hơn.” (Thomas Südhof, người đoạt giải Nobel Y học năm 2013).
Dù bản thân những người trưởng thành có thể được tiếp cận với âm nhạc cổ điển ít đến mức nào đi chăng nữa thì ít ra họ cũng nên tạo cho trẻ em cơ hội hình thành thị hiếu và kiến thức của riêng chúng.
Ngọc Anh dịch
Nguồn: http://www.theguardian.com/music/2015/oct/21/classical-music-just-give-children-the-chance-to-love-it
1 György Sándor Ligeti (1923-2006): nhà soạn nhạc cổ điển đương đại người Hungary.
2 Iannis Xenakis (1922-2001): nhà soạn nhạc, nhà lý thuyết âm nhạc và kiến trúc sư người Hi Lạp.