Hãy kiên nhẫn lắng nghe
Không ở đâu, sự phát triển của những dòng âm nhạc đại chúng như pop, rock, rap… lại mạnh mẽ như ở Mỹ với số lượng thính giả gia tăng đến chóng mặt. Trong khi đó, những tinh hoa của nền âm nhạc cổ điển lại tỏ ra giảm sức hút trước thính giả và những “tín đồ” của nó thì ngày càng già đi theo năm tháng.
Thời gian gần đây, nhiều bài báo, cuốn sách của các nhà nghiên cứu cùng bộc lộ sự lo ngại về việc vai trò của âm nhạc cổ điển ngày càng “nhạt nhòa” trong đời sống văn hóa, đồng thời bày tỏ quan điểm cần phải có giải pháp nuôi dưỡng tình yêu đối với âm nhạc cổ điển.
Tại sao nhạc cổ điển vẫn còn là một vấn đề lớn?
Trong tháng 2 vừa qua, vai trò của nhạc cổ điển đã nổi bật lên khi nó là nòng cốt trong kế hoạch nối lại mối quan hệ quốc tế băng giá giữa Mỹ và CHDCCD Triều Tiên. Dàn nhạc New York Phiharmonic đã được giao sứ mệnh tổ chức một buổi hòa nhạc tại CHDCND Triều Tiên trong khuôn khổ chuyến công diễn châu Á của họ. Có ý kiến cho rằng, New York Phiharmonic đã trở thành con rối cho kế hoạch tuyên truyền để góp phần mở cánh cửa đưa văn hóa phương Tây vào một xã hội bị đóng kín. Dẫu sao, kế hoạch này cũng tiềm ẩn trong nó một vấn đề: nhạc cổ điển vẫn được coi trọng. Đó là nguyên nhân giải thích vì sao không phải một đội tuyển thể thao hay một nhóm nhạc pop được lựa chọn để làm ấm lên mối quan hệ với chính quyền Bình Nhưỡng. Trọng trách ấy đã được trao cho những nhạc công ở dàn nhạc hàng đầu nước Mỹ. Có một câu hỏi đặt ra là buổi hoà nhạc ở Bình Nhưỡng để lại những ấn tượng gì với khán giả CHDCND Triều Tiên. Giáo sư Kramer đã trả lời New York Times rằng, nhạc cổ điển được xác định là đem lại khả năng suy nghĩ độc lập cho người nghe Triều Tiên. Nó hầu như đem lại cho họ những tri giác cá nhân như suy nghĩ, ý thức, sự tưởng tượng ở mức độ đồng nhất như với khán giả phương Tây.
Theo các nhà nghiên cứu, âm nhạc cổ điển đã lôi cuốn người nghe đến những chủ đề đã ấn định, dẫn dắt đến những câu chuyện kể mang đậm dấu ấn thời đại. Tuy nhiên, không ai chắc rằng nhạc cổ điển lại có uy thế lớn hơn so với các thể loại âm nhạc khác. Bản giao hưởng “Resurrection” của Mahler khó có thể so sánh về mức độ ảnh hưởng với bài hát “Eleanor Reagby” của Beatles. Ít ra, đó cũng là quan điểm của những người hâm mộ ban nhạc Anh này. Tuy nhiên có thể thấy một điều chắc chắn là “Resurrection” có quy mô lớn hơn hẳn “Eleanor Reagby”.
Theo những thính giả trung thành của nhạc cổ điển, sức mạnh của một tác phẩm không phụ thuộc nhiều vào độ dài ngắn của tác phẩm. Một bản ballade cho piano của Chopin dài chỉ chừng 10 phút nhưng cũng có giá trị tương đương với bản giao hưởng “Turangalia” dài 75 phút của Messian. Người nghe dẫu chỉ một lần hiểu được yếu tố này của nhạc cổ điển, lý do quyết định của hình thức bên ngoài của một tác phẩm thì những vấn đề của thứ âm nhạc này từ sự phức hợp của ngôn ngữ âm nhạc đến nghi thức của các buổi hòa nhạc… đều sẽ trở thành điều hiển nhiên.
Cấu trúc của nhạc cổ điển là yếu tố thẩm thấu, được miêu tả sao cho cái khó nhằn cũng có thể hiểu được. Thường thường, tác giả của những tác phẩm hướng dẫn nghe nhạc vẫn chọn cách viết dễ hiểu nhất và trình bày một cách giản dị, chân thực sơ đồ con đường đến với các tác phẩm cổ điển: đầu tiên là chủ đề một, sau đó là diễn biến, rồi chủ đề một trở lại với hình thức được thay đổi và tiếp tục. Nhưng lĩnh hội được cấu trúc một tác phẩm cổ điển với người nghe là một vấn đề khác. Khi mới 13 tuổi, tôi đã bị bản giao hưởng “Juypiter” của Mozart hay concerto của Bartok làm cho mê mệt nhưng bản thân lại không có một chút khái niệm nào về hình thức sonata hoặc thế nào là một khúc rondo. Sau đó, trong quá trình say mê tìm hiểu lâu dài, tôi tiếp tục được làm quen với những tác phẩm có quy mô lớn và qua đó hiểu được cấu trúc của những tác phẩm ấy. Theo tôi, bằng trực giác, người nghe sẽ cảm nhận được giá trị của những tác phẩm thuộc các trường phái khác nhau, và ý thức được dường như những tác phẩm vĩ đại không thể có gì lay chuyển được, thậm chí không thể giải thích hết được.
Năm trước, tôi làm trợ giảng tại trường Emerson College tại Boston. Tôi đã thừa kế từ người tiền nhiệm của mình nhiệm vụ giảng dạy một khóa học thưởng thức âm nhạc với tên gọi “Hãy lắng nghe âm nhạc”. Công việc tại lớp học này, đối với tôi, có ý nghĩa như là một công việc truyền giáo. Tôi cố gắng giúp đỡ sinh viên nghe và phân biệt sự giống nhau giữa các aria, điệu vũ ở “Orfeo” của Monteverdi, “Nước Mỹ” từ “West side story” của Bernstein. Tôi đã mổ xẻ các chương để giới thiệu cho sinh viên cấu trúc những bản giao hưởng của Beethoven và Shostakovich. Nhiều sinh viên bộc lộ ngay thái độ phản ứng gay gắt về cách giới thiệu của tôi, một số khác thì tỏ ra hiếu kỳ vừa phải, một số thì quan tâm thực sự.
Vì sao sinh viên không hâm mộ nhạc cổ điển?
Theo suy đoán của tôi, một tác phẩm nhạc cổ điển thường dài. Trong suốt thời gian diễn ra buổi hòa nhạc, người nghe phải hoàn toàn im lặng, tập trung chú ý vào màn trình diễn vốn chỉ hấp dẫn và gây ấn tượng ở âm thanh chứ không nổi bật về hình thức bề ngoài. Trong khi đó, giới trẻ ngày nay thường bị ảnh hưởng lẫn nhau, hướng đến thế giới công nghệ cao chứ không bị cuốn hút bởi việc ngồi lặng lẽ một chỗ và thưởng ngoạn một tác phẩm âm nhạc dài trong thế giới âm thanh tự nhiên. Tôi đã từng đưa những người bạn trẻ của mình và những người mới bắt đầu nghe nhạc cổ điển đi dự nhiều buổi hòa nhạc và thường quan sát xem họ chăm chú theo dõi màn trình diễn sáng chói tác phẩm “Firebird” của Stravinsky như thế nào. Trong khi đó, nhiều người xung quanh lại nói chuyện phiếm và giở loạt xoạt tờ giới thiệu chương trình trong tay.
Nhưng có thể khẳng định rằng, một tác phẩm nhạc cổ điển có thể đưa người nghe đến một tầm cao về nhận thức sau khi đã lĩnh hội được một câu chuyện có cấu trúc lớn và nghệ thuật ẩn dụ. Ở trong đó có những điều đẹp đẽ về âm nhạc với sự phức hợp đặc trưng của tác phẩm nhạc cổ điển, khác hẳn các phong cách âm nhạc đại chúng.
Beethoven là một nhà soạn nhạc thiên tài. Khi bản giao hưởng “Eroica” ra đời vào năm 1804, đó đã là một tác phẩm quy mô lớn với những phân tiết và hình thái giai điệu được tìm thấy từ những nhóm mô típ âm nhạc nhỏ. Beethoven đã xây dựng một bản giao hưởng khổng lồ, gồm 4 chương được cấu thành nên từ những thành phần rất đa dạng nhưng lại tập hợp thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Mọi khán giả có thể nhận thức được điều đó chỉ bằng tiềm thức, và họ làm đã làm được điều đó.
Album “Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band” đã có một mùa đầy thành công ở năm 1967. Tôi nhớ rằng mình đã ngồi lắng nghe với bạn bè trong im lặng như thế nào. Các bài nhạc rock và pop đều là những tuyên ngôn trữ tình tương đối ngắn. Nhạc cổ điển cũng có thể chia sẻ với các buổi hoà nhạc pop ở các bài hát trữ tình. Trong kho tàng nhạc cổ điển rất dồi dào những ca khúc nghệ thuật, từ Schubert đến Mahler, với sự phức hợp âm nhạc và nỗi buồn chan chứa. Các ca khúc đó thường ngắn và chúng ta hiểu được chúng cũng như tới gần nó. Ví dụ trong chương trình tại Weill Recital Hall 3 năm trước đây, nghệ sỹ bariton trẻ Nathaniel Webster đã trình bày cho các khán giả Mỹ những ca khúc của các nhà soạn nhạc châu Âu Purcell, Schumann và Wolf đến các tác giả Mỹ như Gershwin, Rufus Wainwright.
Không có ai giỏi hơn Leonard Bernstein trong việc lôi kéo khán giả đến với nhạc cổ điển. Khi xuất hiện trong buổi hòa nhạc “Những người trẻ tuổi” với dàn nhạc New York Phiharmonic, Leonard Bernstein đã không cần đến một ai thuyết trình hộ mình về ý nghĩa của các tác phẩm. Người ta kinh ngạc khi chỉ thấy một bác Lenny giảng giải về nội dung của các tác phẩm âm nhạc, truyền đến khán giả đặc điểm và khám phá những điều bí mật của âm nhạc. Nhưng khi giải thích xong, Bernstein vẫn quay lại hỏi các khán giả trẻ “Bạn sẵn sàng chưa?”. Đã đến thời điểm ổn định và tập trung nghe dàn nhạc trình tấu tác phẩm. Khán giả mọi lứa tuổi được truyền dẫn khả năng lắng nghe (và cả sự kiên nhẫn) trước một tác phẩm âm nhạc lớn, để bắt đầu hiểu được giá trị của nhạc cổ điển.
(Theo New York Times)