Herbert von Karajan: Người lập cả đế chế âm nhạc 

Herbert von Karajan là hiện thân kiểu mẫu cho nhạc trưởng hiện đại thế kỷ 20: năng động, hấp dẫn, có tầm nhìn xa, không chỉ cống hiến cho âm nhạc mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Bằng tài năng, uy quyền và sự quyến rũ, Karajan đã sáng lập nên một đế chế của riêng mình.

Từ một thần đồng piano

Herbert Ritter von Karajan sinh ngày 5/4/1908 tại Salzburg. Cậu bé nổi tiếng là một thần đồng piano. Lên 4 tuổi, Herbert bắt đầu học các bài học âm nhạc đầu tiên với Franz Ledwinka. Chỉ một năm sau, cậu đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng dù chân vẫn chưa thể chạm tới bàn đạp. Năm 1916, Herbert theo học tại Mozarteum, Salzburg trong các chuyên ngành piano (với giảng viên Ledwinka), Franz Zauer (hòa thanh) và Bernhard Paumgartner (sáng tác và hòa tấu thính phòng). Chính Paumgartner là người đã khuyên cậu học trò mình trở thành một nhạc trưởng. Sau khi tốt nghiệp tại Mozarteum, năm 1926, Herbert theo học 3 học kỳ ngành cơ khí tại Đại học kỹ thuật Vienna và tiếp tục trau dồi âm nhạc tại ĐH Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn, học piano với Josef Hofmann (trùng tên với nghệ sĩ piano nổi tiếng) và chỉ huy dàn nhạc cùng Alexander Wunderer và Franz Schalk. Những màn trình diễn đáng kinh ngạc của Arturo Toscanini càng khiến quyết tâm trở thành nhạc trưởng của cậu thêm kiên định. Toscanini đã trở thành thần tượng của Herbert.

Cuối năm 1928, Karajan đã có buổi ra mắt với tư cách nhạc trưởng khi chỉ huy overture Guglielmo Tell (Gioachino Rossini) với dàn nhạc của nhạc viện. Ngày 22/1/1929, anh lần đầu tiên chỉ huy dàn nhạc trước công chúng với Mozarteumorchester Salzburg. Trong số khán giả có tổng giám đốc nhà hát Stadttheater, Ulm. Ông đã mời Karajan đến làm việc với vị trí trợ lý cho Kapellmeister, lúc này là Otto Schulmann. Ngoài công việc hỗ trợ âm nhạc cho Schulmann, Karajan còn chịu trách nhiệm những công việc như dàn dựng và ánh sáng cho sân khấu. Trong thời gian nghỉ hè, anh quay trở lại Salzburg để hỗ trợ cho các nhạc trưởng khác như Toscanini hay Richard Strauss trong liên hoan âm nhạc được tổ chức thường niên tại đây. Sau khi Đức Quốc xã lên nắm quyền vào năm 1933, Schulmann buộc phải rời khỏi nước Đức và Karajan là người thay thế. Năm 1933 cũng là thời điểm Karajan gia nhập đảng Phát xít, một điều khiến anh bị căm ghét trong suốt phần đời còn lại của mình. Karajan giải thích rằng mình chỉ gia nhập đảng Phát xít với mục đích công việc, hoàn toàn phi chính trị. Bất chấp ý kiến của Karajan, sau này nhiều nghệ sĩ đã kiên quyết từ chối biểu diễn cùng ông như Arthur Rubinstein, Jascha Heifetz hay Itzhak Perlman.

Karajan nổi bật không chỉ với nghệ thuật chỉ huy thiên tài của mình mà ông còn rất tích cực trong việc xây dựng hình ảnh, xuất hiện nhiều trước giới truyền thông và tạo lập cho mình và dàn nhạc thành một biểu tượng trong âm nhạc.

Năm 1934, nhiệm kỳ của Karajan với Ulm kết thúc. Anh thử việc và đã trở thành tổng giám đốc trẻ nhất trên toàn nước Đức tại Stadttheater Aachen. Tại đây, anh đã nhiều biểu diễn để phục vụ Đức Quốc xã, thường mở đầu chương trình hòa nhạc với Horst-Wessel-Lied, quốc ca của phát xít Đức. Ngày 8/4/1938, với tư cách nhạc trưởng khách mời, Karajan lần đầu tiên chỉ huy Berlin Philharmonic, dàn nhạc sẽ gắn liền với tên tuổi của anh trong suốt cuộc đời, mở ra một sự hợp tác lên đến hơn 1.500 buổi hòa nhạc. Tên tuổi của Karajan càng được biết đến rộng rãi hơn khi anh biểu diễn rất thành công trong Tristan und Isolde (Richard Wagner) tại Staatsoper Berlin. Báo chí Đức đã tung hô anh là Das wunder Karajan (Phép màu Karajan) và so sánh anh với Wilhelm Furtwängler và Victor de Sabata, những nhạc trưởng opera vĩ đại nhất ở Đức vào thời điểm đó. Nước Đức lúc này muốn đưa Karajan trở thành một đối trọng của Furtwängler, người đang ở đỉnh cao của uy tín và danh vọng nhưng luôn tỏ ra chống đối chế độ. Furtwängler thì tỏ ra khinh ghét Karajan vì sự phục vụ của anh đối với Đức Quốc xã. Năm 1938 cũng là năm Karajan ký hợp đồng biểu diễn thu âm với Deutsche Grammophon, mở đầu với overture Die zauberflöte (Wolfgang Amadeus Mozart), được thực hiện cùng Staatskapelle Berlin. 

Mọi thứ đang trở nên vô cùng thuận lợi đối với Karajan nhưng anh lại cảm thấy lo âu: “Đó là khoảng thời gian nguy hiểm trong cuộc đời tôi. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi đã gặt hái được nhiều thành công đến nỗi tôi luôn lo sợ. Bởi vì tôi đi đâu cũng là một cảm giác, mọi người nói rằng nó chưa bao giờ như thế này. Thứ nhất, điều này khiến các nhạc trưởng khác đối lập với tôi. Thứ hai, kỳ vọng ở mức mà người ta không thể hy vọng sẽ thực hiện được… Và mọi người bắt đầu nói rằng tôi là ngọn nến cháy nhanh, rằng tôi sẽ sớm tàn lụi”. Anh bắt đầu tìm đến Yoga và sau đó là Thiền để tìm đến sự thanh thản.

Những rắc rối 

Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, sự nghiệp biểu diễn của Karajan tiếp tục thăng hoa. Tuy nhiên, trong buổi biểu diễn tại Staatsoper Berlin vào ngày 2/6/1939 với Die Meistersinger von Nürnberg (Wagner), Adolf Hitler đã quy kết thất bại của chương trình cho Karajan đồng thời cấm ông biểu diễn tại liên hoan Bayreuth. Mặc dù vậy, với sự hậu thuẫn của Hermann Göring, năm 1941, ông trở thành người lãnh đạo Staatsoper Berlin chỉ huy trong khoảng 150 chương trình cho đến năm 1944. Ngày 22/10/1942, Karajan kết hôn với người vợ thứ hai Anita Gütermann. Gütermann có ông nội là người Do Thái, điều này đã dẫn đến việc Karajan mất đi nhiều ưu ái. Năm 1943, Karajan đến Hà Lan để biểu diễn và thu âm cùng Concertgebouw Orchestra. Cuối tháng 2/1945, khi cuộc chiến tranh gần kết thúc, Karajan và gia đình đã trốn tới Ý với sự trợ giúp từ Sabata. 

Herbert von Karajan từng bị khinh ghét vì làm việc cho Đức Quốc xã.

Một phiên tòa xem xét tội trạng của Karajan đã được tiến hành vào ngày 15/3/1946 tại Vienna, cuối cùng ông đã được xóa bỏ các tội danh và được quyền biểu diễn trở lại. Karajan đã ngay lập tức có được một buổi hòa nhạc cùng Vienna Philharmonic nhưng sau đó đã bị chính quyền Xô viết đang chiếm giữ tại Đức cấm chỉ huy thêm vì từng là thành viên của Đức Quốc xã. Mùa hè năm đó, ông đã tham gia tại liên hoan Salzburg nhưng phải ẩn danh. Lệnh cấm chỉ được hoàn toàn dỡ bỏ vào mùa hè năm 1947. Karajan đã trở lại với sự nghiệp biểu diễn vào ngày 28/10/1947 cùng Vienna Philharmonic trong Ein Deutsches Requiem của Johannes Brahms tại Musikverein. Ngày 28/12/1948, Ông lần đầu tiên chỉ huy opera tại La Scala trong Le nozze di Figaro (Mozart). Năm 1949, Musikverein bổ nhiệm Karajan làm giám đốc âm nhạc.

Trong đầu những năm 1950, thành tựu nổi bật của Karajan là sự hợp tác của ông với Philharmonia Orchestra, dàn nhạc mới được Walter Legge sáng lập. Karajan đã góp phần đáng kể trong việc đưa Philharmonia Orchestra thành một trong những dàn nhạc tốt nhất thế giới. Năm 1951, ông lần đầu xuất hiện tại Liên hoan Bayreuth sau lệnh cấm của Hitler, trở nên nổi bật và thu hút được một lượng lớn khán giả với những màn trình diễn Wagner xuất sắc của mình. Tháng 11/1954, Furtwängler đột ngột qua đời và Karajan được đề nghị làm người thay thế cho chuyến lưu diễn của Berlin Philharmonic tại Mỹ từ tháng 2-4/1955 vốn đã được ấn định trước. Ông đồng ý với một điều kiện: trở thành giám đốc nghệ thuật tiếp theo của dàn nhạc. Ý kiến của Karajan đã được chấp nhận. Trong các buổi biểu diễn tại Mỹ, chủ yếu là New York, đã có nhiều đám đông biểu tình phản đối sự có mặt của Karajan. Tuy nhiên, về mặt chất lượng nghệ thuật, đó là những thành công đáng kể, dẫn đến việc tháng 10-11 năm đó, Karajan tiếp tục quay trở lại Mỹ, lần này là với Philharmonia Orchestra.

Năm 1956 là một năm mang nhiều dấu ấn với Karajan. Ông chính thức được nắm giữ nhiều cương vị quan trọng: được bổ nhiệm làm nhạc trưởng suốt đời tại Berlin Philharmonic, Tổng Giám đốc Vienna State Opera và Giám đốc Nghệ thuật tại liên hoan âm nhạc Salzburg. Karajan gắn bó với Berlin Philharmonic cho đến năm 1989, trở thành một trong những sự kết hợp dài hơi nhất giữa nhạc trưởng với dàn nhạc. Là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo chuyên chế, ông đã xây dựng dàn nhạc có được những phẩm chất tốt đẹp mà hầu hết đều được công nhận là tiêu chuẩn thế giới. Không hề cường điệu khi cho rằng trong nhiều năm gắn bó với Berlin Philharmonic, Karajan đã gây dựng cho mình một đế chế thực sự. Ông là nhà vua không ngai tại đây. Cùng nhau, họ đã có vô số những bản thu âm, chuyến biểu diễn và trở thành những cái tên nổi bật nhất trong nền âm nhạc cổ điển thế giới. Karajan nổi bật không chỉ với nghệ thuật chỉ huy thiên tài của mình mà ông còn rất tích cực trong việc xây dựng hình ảnh, xuất hiện nhiều trước giới truyền thông và tạo lập cho mình và dàn nhạc thành một biểu tượng trong âm nhạc. Uy tín của ông càng trở nên lớn lao hơn bao giờ hết khi Berlin Philharmonic có được phòng hòa nhạc mới cho mình, mà Karajan là người tích cực ủng hộ. Phòng hòa nhạc mới Berlin Philharmonie, được khánh thành vào năm 1963, mang tính tiên phong rất lớn với khán giả ngồi xung quanh sân khấu, dàn nhạc và nhạc trưởng ngồi ở trung tâm, tạo ra một sự tập trung cao độ hướng vào họ. 

“Ngành công nghiệp Karajan sinh lợi với âm nhạc châu Âu thời hậu chiến cũng tương tự như việc sinh lợi của Krupp đối với sản lượng thép châu Âu trước chiến tranh (Krupp là công ty lớn nhất châu Âu vào đầu thế kỷ 20, nổi tiếng về sản xuất thép, vũ khí)”.

(Nhà phê bình Martin Mayer)

Ngày 12/6/1956, Karajan xuất hiện tại Vienna State Opera trong Lucia di Lamermmoor (Gaetano Donizetti) trong cả hai vai trò nhạc trưởng và đạo diễn. Tại đây, Karajan chủ yếu tập trung trong những vở opera tiêu chuẩn của Giuseppe Verdi, Giacomo Puccini và Wagner. Ông từ chức tại Vienna State Opera sau khi có xung đột với những cơ quan quản lý nhà hát về những vấn đề tài chính với lời dè bỉu: “Đây là một con ngựa kéo xe. Tôi cần một con ngựa đua”.

Đỉnh cao danh vọng 

Trong những năm cuối thập niên 1950, danh tiếng của Karajan lên tới đỉnh điểm. Ông được mệnh danh là “tổng giám đốc âm nhạc của châu Âu” khi liên tục xuất hiện cùng Berlin Philharmonic, Philharmonia Orchestra, La Scala, Vienna Philharmonic, Vienna State Opera. Vóc dáng không quá cao lớn (khoảng 1m72) nhưng uy nghiêm, Karajan đứng trên bục chỉ huy và tạo ra quyền lực tuyệt đối. Ông không bao giờ cần đến tổng phổ, cho dù đó là Der ring des Nibelungen. Người bạn thân Legge cho biết: “Ông ấy là một trong số ít những nhạc trưởng mà tôi biết không bao giờ dùng đến tổng phổ. Ông ấy ngồi đắm chìm vào tổng phổ, lặng yên trên sàn, như một còn mèo Xiêm. Qua năm tháng, Karajan đã học được cách triệt để thư giãn tâm hồn mình và tâm trí hoàn toàn được tự do để làm những gì nó muốn”. Karajan cũng nổi tiếng với việc chỉ huy dàn nhạc khi nhắm nghiền đôi mắt, một điều bất thường vì giao tiếp bằng mắt với nhạc công trong quá trình biểu diễn là vô cùng quan trọng. Và thật ngạc nhiên là Karajan vẫn luôn thành công với phương pháp riêng của mình. 

Karajan có sự diễn giải tuyệt vời trong rất nhiều tác phẩm, trải dài từ Baroque tới hiện đại, cả khí nhạc và thanh nhạc. Ông được coi là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự chính xác của Toscanini và trí tưởng tượng của Furtwängler. Karajan là một nhà ảo thuật âm thanh với sự tuôn trào tự nhiên và những đường legato mềm mại. Vì vậy, Sibelius đã từng nhận xét: “Karajan là nhạc trưởng duy nhất chơi những gì tôi muốn nói”. Dù rằng từng biểu diễn và thu âm với rất nhiều dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới nhưng ông vẫn gắn bó với Berlin Philharmonic và Vienna Philharmonic nhất. Ngoài âm nhạc, Karajan cũng đam mê bơi lội và trượt tuyết. Ông cũng hưởng thụ cuộc sống giàu sang của mình bằng những chiếc du thuyền, bộ sưu tập xe hơi sang trọng và máy bay riêng. Ông cũng có bằng lái máy bay. Cuộc sống cá nhân của Karajan cũng khá phức tạp. Năm 1958, ông kết hôn với người vợ thứ ba, họ có với nhau hai cô con gái. 

Karajan tiếp tục mở rộng danh tiếng của mình bằng những chuyến lưu diễn liên tục tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản và không một nhạc trưởng nào có thể sánh bằng ông về số lượng những bản ghi âm. Tên tuổi của Karajan đồng nghĩa với thành công, cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại nên ông được toàn quyền làm những gì ông thích. Năm 1967, Karajan thành lập liên hoan Phục sinh Salzburg và chỉ huy đêm khai mạc vào ngày 10/3/1967 với Die walküre (Wagner) cùng Berlin Philharmonic. Ngày 21/11/1967, cũng với Die walküre, ông ra mắt tại Metropolitan Opera trong cả hai vai trò nhạc trưởng và đạo diễn với một dàn diễn viên thượng thặng gồm Birgit Nilsons, Jon Vickers, Gundula Janowitz và Christa Ludwig. Sau này ông còn nhiều lần quay lại đây, tất cả đều với các vở opera trong Der ring des Nibelungen. Những dàn dựng sân khấu của ông ở đây còn được nhiều nhạc trưởng khác tiếp tục sử dụng. Tháng 5/1969, tại Moscow, Karajan chỉ huy Berlin Philharmonic trong bản giao hưởng số 10 của Dmitri Shostakovich, tác phẩm hiếm hoi được sáng tác sau năm 1950 mà ông biểu diễn. Sức mạnh mà Karajan đã phủ xuống nền âm nhạc cổ điển thế giới lớn lao tới nỗi Martin Mayer đã viết trên New York Times: “Ngành công nghiệp Karajan sinh lợi với âm nhạc châu Âu thời hậu chiến cũng tương tự như việc sinh lợi của Krupp đối với sản lượng thép châu Âu trước chiến tranh” (Krupp là công ty lớn nhất châu Âu vào đầu thế kỷ 20, nổi tiếng về sản xuất thép, vũ khí).

Trong những năm 1970, Karajan đã phải hủy bỏ nhiều chương trình hòa nhạc vì lý do sức khỏe. Ông bị suy giảm thị lực, gặp các vấn đề về hệ tuần hoàn và cột sống. Tuy nhiên, Karajan vẫn duy trì một lịch biểu diễn và thu âm khiến những nhạc trưởng trẻ tuổi cũng phải ngả mũ thán phục. Là người say mê công nghệ và luôn quan tâm đến kỹ thuật thu thanh, Karajan đã góp phần vào việc sáng tạo ra CD, và năm 1981, cùng Berlin Philharmonic ông đã thu âm An Alpine Symphony (Richard Strauss) cho Deutsche Grammophon, trở thành tác phẩm đầu tiên được ghi âm trên CD. Sự chuyên quyền, độc đoán của Karajan ngày càng vấp phải sự phản đối từ phía Berlin Philharmonic. Đỉnh điểm xảy ra vào năm 1982 khi Karajan muốn nghệ sĩ clarinet trẻ 23 tuổi Sabine Meyer trở thành thành viên của dàn nhạc nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía nhạc công. Và Karajan đã phải đầu hàng, ông trả đũa bằng cách để Vienna Philharmonic là dàn nhạc thay thế để biểu diễn tại liên hoan Phục sinh Salzburg. 

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 vào năm 1988, ông trả lời phỏng vấn: “Trên bia mộ của tôi nên viết dòng chữ: Ông ấy đã chết sau một thời gian dài khó khăn và đau khổ”. Những màn trình diễn của Karajan bị chỉ trích vì trở nên quá hào nhoáng và bóng bẩy. Uy tín và sức khỏe giảm sút là những nguyên nhân dẫn đến việc Karajan từ chức tại Berlin Philharmonic vào ngày 24/4/1989, bất chấp việc trước đó ông từng tuyên bố: “Miễn là cánh tay của tôi có thể giữ được gậy chỉ huy, các bạn sẽ không thể thoát khỏi tôi… Các cuộc thảo luận về người kế vị của tôi có thể bắt đầu một ngày sau khi tôi qua đời”. Một ngày trước đó ông vừa chỉ huy buổi hòa nhạc cuối cùng của mình cùng Vienna Philharmonic trong bản giao hưởng số 7 của Anton Bruckner. 

Trên thực tế, ông chưa bao giờ chia tay âm nhạc. Sáng ngày 18/7/1989, ông vẫn tập luyện cho buổi biểu diễn khai mạc liên hoan Salzburg trong Un ballo in maschera (Verdi) với sự tham gia của Plácido Domingo, sau đó là một cuộc găp gỡ với Norio Ōga, ông chủ của Sony. Nhưng ngay sau đó, Karajan đột ngột lên cơn đau tim và qua đời ở tuổi 81. Theo yêu cầu của ông, việc chôn cất được thực hiện ngay sau đó tại nghĩa trang địa phương mà không có một lễ tang chính thức nào. Thủ tướng Áo Franz Vranitsky cho biết thế giới âm nhạc đã “đánh mất đi một trong những điều vĩ đại nhất của mình”. Jessye Norman đã tri ân ông: “Herbert von Karajan luôn trải ra một tấm thảm ma thuật cho chúng tôi, những ca sĩ. Với ông ấy, tác phẩm âm nhạc của chúng tôi như đến từ một chiều không gian khác”.□

——

Nguồn:

https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1989-07-17-mn-2902-story.html
https://www.nytimes.com/1989/07/17/obituaries/herbert-von-karajan-is-dead-musical-perfectionist-was-81.html
https://www.berliner-philharmoniker.de/en/history/herbert-von-karajan/
https://apnews.com/article/ae9af15790aa58327aea839f94a029f6

Tác giả

(Visited 25 times, 1 visits today)