Hiện thực, đơn thể, đa thể, phức thể

Thành phố Montréal đa văn hóa tựa như một không gian phủ nhiều lớp gương, nhiều loại gương, nó tạo cơ hội cho mình vượt ra khỏi chính mình, tự thấy ra được “cái chính mình” từ bao nhiêu những góc cạnh khác nhau, từ bé nhỏ đến lớn lao.

Sau buổi thăm thú nhà bảo tàng nọ ở thành phố Montréal sao mà dễ bén duyên, chúng tôi đói mệt lả hết cả rồi. Lúc đói mệt lả, hóa ra là lúc chúng ta dễ trở nên hào phóng nhất – đối với bản thân… Chúng tôi ghé vào một cửa hàng ăn ngay cạnh đó.

Chọn được bàn ăn rộng rãi, thả lỏng được các cơ khớp mỏi dừ, vừa hay cô phục vụ dịu dàng ghé lại. Cô hỏi thăm chúng tôi bằng cả hai thứ tiếng, tiếng Pháp, tiếng Anh, lưu loát như nhau, tự nhiên như nhau, như thể chính cô cũng chẳng để ý rằng mình đang nói thứ tiếng gì. Ý cô hỏi rằng chúng tôi thích thưởng thức “văn hóa bếp núc gì nào”, không phải là “này, thôi nọ”, mà “này, với nọ”. Cô liếc mắt một vòng. Tôi hơi ngượng nghịu liếc xuống bộ đồ lôm côm của mình, đã tưởng rằng cô đang soi chấm điểm xếp hạng mình. Sau mới nhận ra, ồ không, không phải cô liếc tôi, mà là cô liếc cho tôi. Tôi liếc theo cô… Vòng quanh mình, cơ man nào là các loại bếp, bếp Pháp, bếp Hoa, bếp Italia, bếp Mexico, bếp Thái…, cả bếp Việt nữa… đang nổi lửa! Cả nhóm chúng tôi xôn sang hẳn lên, các cơ khớp quên cả mỏi mệt để cùng vào một cuộc vận động mới. Kết cục chúng tôi ngồi ăn uống bên nhau, mỗi người tự chạy được những món bếp thiêng liêng hoặc liều mò của mình từ những chân trời văn hóa khác nhau, rồi mời mọc lẫn nhau cùng nhấm nháp chia sẻ những lựa chọn thử nghiệm của mình để mà quảng bá các loại văn hóa bếp núc.

Văn hóa, cái mà mình vẫn kiêu kì tự hào, vẫn tưởng như là cái vốn tự có từ khi được đẻ ra của mình, khỏi phải học ở đâu, lại hóa ra “chào nhé, còn lâu”! Thành phố Montréal đa văn hóa tựa như một không gian phủ nhiều lớp gương, nhiều loại gương, nó tạo cơ hội cho mình vượt ra khỏi chính mình, tự thấy ra được “cái chính mình” từ bao nhiêu những góc cạnh khác nhau, từ bé nhỏ đến lớn lao. Một không gian với tinh thần cởi mở từ chiều sâu của đa văn hóa, làm hiện ra những sáng kiến tự nhiên đến bất ngờ đang cười nghệch vào cái thói thủ cựu “vốn tự có” nơi mình.

– – –

Trong khi vừa thưởng thức vừa chuyện trò về các món bếp núc đa văn hóa, hình ảnh cô phục vụ dịu dàng nói năng uyển chuyển cứ như không cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh làm tôi lan man nghĩ ngợi về các ngôn ngữ.

Tôi vốn là người dốt, và sợ, và… thinh thích, về ngoại ngữ – người ta viết những gì trong những quyển sách ngoại ngữ kì bí kia nhỉ? Nhìn những quyển từ điển dày cộp, tôi từng nghĩ bụng rằng tại sao con người ta lại phải chịu phí phạm thời gian đến như thế, để mà phải học một thứ ngôn ngữ khác, mà rốt cục thì cũng chỉ là để diễn tả “cùng một hiện thực” mà thôi.

Nhưng rồi cái “cùng một hiện thực” hóa ra không giản đơn như tôi tưởng. Cứ cho là “giản” đi nữa, nhưng chưa chắc gì đã “đơn”.

Chỉ một chuyện cái tên gọi thôi. Người Việt nói “tôi tên là”, liệu còn gì rõ hơn thế ? Người Nga thì nói “người ta gọi tôi là”, xem ra có vẻ đúng là như thế hơn, ở trong cuộc đời! Người Pháp lại nói “tôi tự gọi mình là”, ồ mà thật thế, chính mình có cái quyền tối hậu về cái tên gọi của mình chứ, trừ phi mình tự nhiên đi từ chối cái quyền đó! Nhiều bạn Pháp hứng chí là đi làm thủ tục đổi cả tên mình… Hóa ra cái “tên tôi là” ấy, cái ấy mới chỉ là “một trong những hiện thực”.

Khi chúng ta học sử dụng được một ngôn ngữ khác, ít nhất cứ là “một khác” cái đã, ấy là lúc lần đầu tiên chúng ta có được cái cơ hội để soi gương trở lại được cái “ngôn ngữ tự nhiên” của mình! Điều đó cho phép chúng ta lần đầu tiên có cơ hội hiểu ra được ngôn ngữ của mình “từ bên ngoài, từ bên trên”, một cách duy lí hóa. Tương tự như con cá chép lần đầu tiên nhảy bừng lên ra khỏi mặt nước, cảm giác được cái không phải là nước, và rồi cảm giác trở lại đầy đủ hơn nữa về nước khi từ ngoài không trung rơi trở lại vào mặt nước. Nhờ vậy, nó chớm hóa rồng ? Tương tự như khi mình bắt đầu có suy nghĩ về chính những suy nghĩ của mình, sự phản tư, mầm mống của triết học, và chỉ đến đó thì một chu trình của suy nghĩ mới thực sự là đã được thực hiện, thay vì chỉ những phản ứng tâm lý tức thời bị bắn thẳng vào hư vô.

Hình ảnh về âm nhạc chợt ám ảnh tôi. Một người chơi nhạc trên sân khấu, với thời gian, người ấy hiểu dần ra rằng cái “hiện thực âm nhạc” đang xảy ra thực chất là những hiện thực âm nhạc khác nhau đang xảy cho mỗi nhạc công đang ở những vị trí không gian khác nhau để đón nhận âm thanh. Âm thanh này đã được bố cục lại do kĩ sư âm thanh cùng với những ảnh hưởng của không gian vật lý trong rạp, mà không gian vật lý trong rạp sẽ bị ảnh hưởng bởi chính số lượng khán thính giả có mặt vào thời điểm chơi nhạc… Rồi ngay cả sự di chuyển của người chơi nhạc trong không gian sân khấu cũng làm cho anh ta gặp gỡ những “hiện thực âm nhạc” rất khác nhau nữa. Đó là chưa kể đến trạng thái cảm xúc, tri giác thẩm mỹ, cùng hành động âm nhạc đang được thực hiện bởi mỗi nhạc công. Rồi âm nhạc đến với các khán giả trước mặt lại là những hiện thực khác nữa cho họ, những con người khác nhau, với những cung bậc đời sống tinh thần khác nhau, với những nhạc cảm khác nhau, và đang ở những vị trí vật lý khác nhau trong rạp. Người chơi nhạc phải hiểu cái hiện thực của mình, phải cảm nhận hình dung được các hiện thực của các bạn nhạc, của khán thính giả, của cả các chuyên gia ánh sáng, các chuyên gia âm thanh đang cộng tác cùng kia… Có như thế sự thực hiện và chuyển tải âm nhạc mới mong đến được thêm hiệu quả cho mọi người cùng tham dự.

– – –

Bữa ăn kết thúc thì trời lại hửng nắng vàng. Chúng tôi rủ nhau bách phố. Khu Latin quả thật là Paris thu nhỏ. Những xe đẩy “xe bus bé em” trên phố đầy sáng kiến ngộ nghĩnh, mỗi xe được hai cô giáo xinh đẹp chăm lo cho các bé thăm phố. Còn khu phố chợ châu Á thì thật là tấp nập.


Sáng kiến, chu đáo, quyền trẻ em…trên đường phố Montréal.
Photo HOÀNG Hồng- Minh

Chợt thấy nhà hàng “Café wifi”, tôi rủ mọi người vào thưởng thức café, và tranh thủ giải quyết cái nhu cầu điện toán email chat chit không đâu thời nay. Các bạn trẻ OK thắng thế ngay.

Thực bụng tôi muốn vào đây là để cắm cổ viết ra cho xong mấy cái suy tư này, như thế chắc đầu óc mình mới thoát hẳn được khỏi sự vẩn vơ mãi. Thời đại bây giờ thật tiện lợi, viết cái gì nửa chừng, cứ tống vào Email, rồi lúc khác lại lôi nó ra chỉnh sửa, rồi lại cất vào… khỏi phải nào những ổ lưu trữ! Các bạn theo tiếp nốt mấy dòng suy tư này nhé.

Cho đến hôm nay, chúng ta đã thấy được rõ ràng, rằng các cấu trúc của hiện thực đời sống con người, vật chất và tinh thần, đi từ đơn thể đến đa thể, rồi đến phức thể. Mãi sau này thì vũ trụ đời sống sẽ ra sao, có đi ngược lại như thế không, cái ấy tôi để dành cho các anh chị em chiêm tinh học chuyên về các sao lùn cùng các lỗ đen giải sầu hộ nhé.

Đang giở câu chuyện về tiếng nhạc. Đứng về cao độ, một giọng hát là một dãy nốt, nốt này sau nốt kia. Một cây sáo cũng tìm cách làm một tồn tại khác của giọng hát, một dãy nốt, nốt này sau nốt kia. Cây đàn bầu một dây cũng vậy, một dãy nốt, nốt này sau nốt kia. Tất cả diễn ra trong thời gian, cái này đáng nói kĩ thêm sau.

Một tập thể hát cùng một giai điệu, một dàn sáo thổi cùng một giai điệu, một quần thể đàn bầu chơi cùng một giai điệu, đấy là sự “kết (thành) đoàn”. Cái “đông”, thay cho cái “đơn”, thành ra một “cái đơn to”. Kết đoàn là một tập hợp thô sơ. Nó đã phức tạp hơn cái đơn thể ở sự tham gia của một yếu tố khác, yếu tố đồng nhịp điệu về thời gian. “Cái đông” này (đã có tính tổ chức) là “đỉnh cao” của “cái đơn”, là sự lặp lại đến (cận) vô cùng của cái đơn với sự khép mình vào yếu tố đồng nhịp điệu.

Con người bắt đầu hoạt động bằng sự chế tác các hoạt động đơn thể. Dễ tri nhận, dễ tạo dựng, dễ điều khiển. Các xã hội xưa được cai trị cũng theo cái cách như vậy. Ước mơ ngàn đời của Á Đông là cả cái xã hội quay được về cái thời Nghiêu Thuấn, hoạt động của cả xã hội chỉ là sự lặp lại đến (cận) vô cùng cái đơn thể học của một gia đình, nhưng là một gia đình to xác. Bố làm vua, mẹ làm hậu, con lớn làm quan, còn lại các con nhỏ cháu chắt nhỏ đông đúc thì được chăn dắt như trâu bò gà vịt, sao cho thanh bình. Mang vẻ triết lý hơn như Lão giáo, thì việc trị nước được coi như kho nồi cá gồm những con cá bé tí : hãy mặc kệ chúng, đừng động đũa vào, thế thì không nát, khỏi phải làm gì, lại được món ngon. Có mỗi thế thôi, mà mấy cái thuyết thô giản này đã làm mù mịt được biết bao nhiêu thế hệ người ta trong hàng ngàn năm. Tất cả các chủ nghĩa cực đoan, từ chủ nghĩa khủng bố ở núi sâu đảo xa, cho đến cả các đảng phái thực hành các chủ nghĩa cực đoan đang tồn tại ở ngay trong những nước phát triển nhất trên thế giới ngày hôm nay, tất cả bọn họ đều thi đua đồng ca các bài ca tuyên truyền tôn sùng sự cực giản cực đơn, để mong thu hút được các loại đám đông lười nhác về suy nghĩ, tham lam về “ăn liền”.

Cái ngày mà cây đàn có hai dây trở lên muốn/phải chơi hai nốt nhạc khác nhau trở lên cùng một lúc, cái ngày mà hai giọng hát muốn/phải hát lên hai dòng giai điệu khác nhau … cả một thế giới mới phải được kiến thiết, một thế giới mà những ai vốn chỉ ở trong cái thế giới đơn thể đơn nguyên xưa một nốt một giọng không thể nào hình dung ra nổi! Một loạt các vấn đề của hòa thanh được đặt ra, để làm sao để cho hai thế giới nguyên đơn của thanh nhạc sống được với nhau, một cách không tiêu diệt lẫn nhau. Hơn thế nữa, chúng phải cộng hưởng được nhau trong một đời sống mới vô cùng phong phú hơn, với những khả năng mở ra vô hạn từ đây. Thế rồi để hai thế giới đơn thể về âm thanh tồn tại được với nhau trong thời gian, một thế giới khác nữa, thế giới nhịp điệu phải được ý thức hóa, khẳng định hóa mãnh liệt, chính xác và phong phú, để giúp làm gắn kết được cuộc sống của hai thế giới đơn thể về âm thanh kia. Thế giới đa thể mở ra như sự tích hợp của nhiều thế giới đơn thể. Số lượng của các thế giới thanh âm không dừng ở hai, và số lượng của thế giới nhịp điệu cũng không dừng ở một! Thế giới phức thể được kiến thành từ các thế giới đơn thể và đa thể, thành một “không gian đa chiều”.

Cây sáo, cây bầu từ nay, kể cả khi chơi một mình một nốt, chúng đã được phải chơi theo một cách hoàn toàn khác, “lối chơi mở ra, đón chào”, “lối chơi tích hợp được”, lối chơi làm sao để cả một dàn nhạc cả ngàn người sẽ có thể “cùng vào” được với chúng, khi mà thời khắc ùa đến! Sự vận hành suôi sẻ, sáng tạo, mạnh mẽ của cái thế giới đa- phức thể này có được bây giờ là nhờ một thứ quyền năng được khởi dựng từ ngay trong từng thế giới tham gia vào nó, một thứ quyền năng tự lập được, phối hợp được, tích hợp được cho một thế giới đa- phức thể. Trong một thế giới đa- phức thể, các yếu tố đơn thể giờ đây cũng phải tồn tại với tư cách khả- đa thể!

– – –

Tôi đã may mắn đã từng được trải nghiệm cuộc sống trong những ngôi làng, ngôi bản xa xưa hiền dịu vô cùng, đơn sơ vô cùng, nơi mà ông chủ nhà bỏ ra cả một buổi từ sáng đến trưa, không nói không rằng, chỉ để vót cho xong một mũi tên, rồi lắp nó vào cung, rồi bắn hạ con gà trống già nhất dưới sân nhà sàn, để chiêu đãi khách. Con gà trống già nhất là món ăn để thể hiện lòng yêu quí khách cao nhất. Những ngôi làng, ngôi bản xa xưa hiền dịu vô cùng, đơn sơ vô cùng, nơi mà một cái tổ ong mật trong rừng một khi đã là thuộc về một nhà nào đó trong trí nhớ người dân bản, thì không cần phải có một thứ văn bản chứng thực, ai ai cũng tôn trọng điều đó! Ai trong những người đã từng biết đến một đời sống như thế lại chả có một niềm thương nhớ khôn nguôi về một đời sống giản dị êm đềm đến như thế ?

Một niềm nhớ thương như thế trong tâm khảm chỉ cần được giáo lý hóa lên một tí tẹo thôi, thì nó khắc phải trở thành một thứ đạo lý đơn thể học thật vô cùng thiêng liêng.

Từ cái nhìn “ước gì” tha thiết dõi về xưa vãng ấy, giật lùi đi về tương lai, ta dễ muốn quyết chí trừng phạt cho bằng được những ai không tuân thủ được cái đạo đơn thể học ấy, cái đạo bố vua mẹ hậu Nghiêu Thuấn ấy, cái đạo khoanh tay kho nồi cá còi hư hoặc ấy, trong một đời sống đã phát triển tiến hóa thành đa thể, phức thể rồi.

Một đời sống đa thể phức thể, một không gian sống đa chiều phức hợp đã và đang triển khai. Con người nếu không ý thức được điều đó, vươn lên xây dựng được năng lực để nối kết, tích hợp được “các đời sống” đa thể của đời sống phức thể hôm nay, các đời sống này sẽ rã rời từng mảng, và đời sống phức thể trong toàn bộ sẽ rơi vào hỗn loạn, và ngày càng hỗn loạn. Như một đại dàn nhạc phức hợp mà mỗi ai trong đó vẫn chỉ cố chơi theo cách thức thổi sáo chăn trâu, từ nhạc công đến nhạc trưởng.

Dàn nhạc giao hưởng của một đời sống đa thể phức thể hôm nay sẽ phải tìm cho ra được cách tổ chức chơi bài nhạc đa thể phức thể của mình. Đó là bài toán sống, hay tan, của dàn nhạc này.

– – –

– “Vâng, cảm ơn, cảm ơn, chúc các bạn những ngày vui vẻ này ở Montréal!”

Ông chủ quán cất lời đáp, lịch kịch thu dọn tách chén ngay bên cạnh tôi. Chết, mọi người đã trả tiền, rục rịch khoác áo sống xong hết cả rồi! May quá, xong bài viết rồi! Tôi vội ấn nút “Cập nhật”. Đóng máy. Lại lên đường.

Tác giả

(Visited 54 times, 1 visits today)