Hiện trạng song đề của văn hóa

Các hệ giá trị cũ do mâu thuẫn với yêu cầu bình thường hóa cuộc sống của con người và hiện đại hóa để phát triển, nên càng ngày càng bị thu hẹp chỗ đứng. Ngược lại, các giá trị mới lại phát triển cực đoan về mức độ, vồ vập và tự phát bồng bột-xét ở hình thức chọn lựa và hành xử, mà đặc trưng nổi bật là ích kỷ, duy lợi, kiếm tiền bằng mọi giá, nên đặt đạo đức trên bờ vực của nguy cơ băng hoại. Cái cũ đã mất chỗ đứng, cái mới thật sự chưa hình thành tạo nên tình trạng song đề (dilemma) trong hiện trạng văn-xã

1.Văn hóa là cách sống có điểm chung của nhiều người. Xã hội là một nhóm người tác động lẫn nhau trong một giới hạn địa lý hay chính trị và có cùng một văn hóa. Rõ ràng là không có xã hội hay văn hóa tồn tại mà thiếu một trong hai. Do đó, việc nhận diện tiến trình phát triển văn hóa cũng có nghĩa là nhận diện về tiến trình thay đổi văn -xã. Xác định điều này, ở thời điểm hiện nay là cần thiết để tránh cách tiếp cận siêu hình về văn hóa cũng như cái nhìn văn hóa quyết định luận đang có phần phổ biến trong nếp nghĩ đương đại.

2. Đã đành là lịch sử văn hóa không nhất thiết thoát ly được lịch sử của chính bản thân tư tưởng về văn hóa (chủ trương văn hóa) nhưng văn hóa không độc lập với điều kiện tư tưởng chính trị, kinh tế xã hội thực tế. Do đó, việc nhìn lại các quá trình văn hóa (như Đề cương văn hóa/1943, Chủ nghĩa Marx với văn hóa Việt Nam/1948, Cương lĩnh xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc 1991…) để định giá sự thay đổi văn hóa buộc phải tính đến những biến số khác. Nói cách khác, sự chuyển biến văn hóa từ cũ/truyền thống sang mới/hiện đại chỉ xảy ra khi sự vận động xã hội thực sự có những  biến chuyển về chất trong các lĩnh vực đời sống xã hội và cá nhân, từ  kinh tế, chính trị đến văn hóa.

Sự quá suy tôn truyền thống/bản sắc thực sự  đã làm mất cân bằng chỉnh thể “tiên tiến-đậm đà bản sắc” và làm mất phương hướng trong chiến lược phát triển văn hóa, biểu hiện khá rõ là xu hướng nhấn mạnh đến  việc bảo vệ bản sắc  văn hóa dân tộc và e ngại với cái mới/tiên tiến-hệ quả của tâm lý bài tha của xu hướng dân tộc trung tâm thâm căn cố đế.

 Những chuyển biến này tương tác đến chuyển biến của các lĩnh vực khác, tạo thành sự chuyển dịch chung, có quy mô toàn cục. Một sự chuyển biến như vậy, dường như chỉ bắt đầu từ năm 1986 khi đề ra chủ trương đổi mới. Khẳng định cái mốc 1986 như vậy, không có nghĩa phủ định các yếu tố hiện đại trong cơ cấu văn hóa đương đại. Bởi chí ít, từ cuối thế kỷ XIX, nhất là khi thực dân Pháp khai thác thuộc địa lần thứ nhất, thì đồng thời xã hội Việt Nam đã khởi đầu sự chuyển đổi từ xã hội khép kín của di sản và truyền thống sang một xã hội mới mở rộng của thời thượng và chọn lựa. Trong hơn 100 năm đó, tuy âm điệu phương Tây chiếm phần quan trọng trong bản trường ca hiện đại hóa, nhưng sự rung động của các thế hệ ở đây hoàn toàn không như nhau và đặc biệt là những dị ứng và phản ứng tự giác từ thực tiễn ấy nảy sinh và phát triển thành những phong trào có quy mô, đích và đường khác nhau, song tất thảy đều có xu hướng đối kháng dân tộc chủ nghĩa. Do đó, trong 100 năm qua, lịch sử văn hóa là một quá trình tập trung những xung đột và giao lưu, những áp bức và đấu tranh, những áp đặt và giải trừ, những thất bại đau thương và  những thắng lợi vinh quang. Cơ cấu văn hóa, như vậy, là sự cộng tồn cả những yếu tố truyền thống lẫn yếu tố hiện đại. Mặt khác, quá trình cộng sinh của yếu tố hiện đại trong  môi trường truyền thống đã làm cho nội hàm của nó bị truyền thống đồng hóa, làm cho quá trình hiện đại hóa không triệt để. Nói chung, các yếu tố hiện đại có thể sờ thấy, nhưng chúng chưa trở thành yếu tố chủ đạo, định hướng cho phát triển.

3. Cương lĩnh 1991 và NQ Hội nghị 5 khóa VIII đề ra phương châm xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”.

Quá trình cộng sinh của yếu tố hiện đại trong  môi trường truyền thống đã làm cho nội hàm của nó bị truyền thống đồng hóa, làm cho quá trình hiện đại hóa không triệt để, chưa trở thành yếu tố chủ đạo, định hướng cho phát triển.

Tiên tiến được hiểu là các giá trị hiện đại và bản sắc dân tộc là  giá trị truyền thống. Đây là hai mặt trong chỉnh thể văn hóa, bởi một dạng thức đương đại nào tự thân cũng được xem xét, chọn lựa trên cơ sở truyền thống-hiện đại. Trong thực tế, quan điểm coi truyền thống và hiện đại là bất tương dung  lại chuyển từ cực này sang cực khác. Nếu trước đây, quan điểm này dẫn đến thái độ hư vô về truyền thống, thậm chí là chủ nghĩa “sa mạc về văn hóa”, thì hơn một thập niên trở lại đây lại ngả sang chiều ngược lại: Phổ biến là quan điểm thượng tôn truyền thống, thường tỏ ra ham chuộng xây dựng các “lý thuyết” căn cứ vào các sử liệu để diễn giải các quyết sách hiện hành và dự đoán tương lai. Sự quá suy tôn truyền thống/bản sắc thực sự  đã làm mất cân bằng chỉnh thể “tiên tiến-đậm đà bản sắc” và làm mất phương hướng trong chiến lược phát triển văn hóa, biểu hiện khá rõ là xu hướng nhấn mạnh đến  việc bảo vệ bản sắc  văn hóa dân tộc và e ngại với cái mới/tiên tiến-hệ quả của tâm lý bài tha của xu hướng dân tộc trung tâm thâm căn cố đế.

Hiển nhiên là phải hiện đại hóa theo con đường riêng của mình, phù hợp với các điều kiện riêng của mình, song phải biết rằng không thể tìm được con đường phát triển tốt đẹp sau cánh cửa truyền thống. Nói cách khác, hiện đại hóa bao gồm hiện đại hóa văn hóa, hiện đại hóa văn hóa bao gồm hiện đại các đặc điểm văn hóa dân tộc. Do đó, nói đến bản sắc là nói đến sâu rễ bền gốc, đồng thời cũng là sự chuyển biến đến cái mới, cái phổ quát. Quan tâm đến bản sắc/truyền thống là nhằm bảo đảm sự liên tục văn hóa, tránh sự đứt gãy trong tiến trình phát triển, chú ý đến sự tiến bộ chứ không để mình bị giam cầm trong truyền thống vì nội hôn là đồng nghĩa với suy vong.

4. Thực ra, xu hướng thượng tôn truyền thống/bản sắc dân tộc cũng có nguồn gốc thực tế của nó: Đây là phản ứng phải có trước xu thế và triển vọng hội nhập đang không ngừng mở rộng về không gian và thời gian, diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực;

Để vượt thoát khỏi hiện trạng song đề của văn xã, việc cần thiết  là phải xác lập một hệ chuẩn giá trị mới phù hợp với quyền lợi lâu dài của dân tộc và nỗ lực xúc tiến các biện pháp hữu hiệu làm cho hệ chuẩn mới đó trở thành giá trị định hướng cho phát triển.

theo đó, những tác động ồ ạt của các yếu tố văn hóa đa tạp từ bên ngoài du nhập vào bằng nhiều con đường (truyền hình vệ tinh, internet, băng đĩa sách báo, khách du lịch, Việt kiều hải ngoại mang về) mà phương cách kiểm soát cũ coi ra không còn hữu hiệu nữa. Tình hình chung là các hệ giá trị cũ do mâu thuẫn với yêu cầu bình thường hóa cuộc sống của con người và hiện đại hóa để phát triển, nên càng ngày càng bị thu hẹp chỗ đứng. Ngược lại, các giá trị mới lại phát triển như là những phản ứng lại các giá trị cũ, nên cực đoan về mức độ, vồ vập  và tự phát bồng bột-xét ở hình thức chọn lựa và hành xử, mà đặc trưng nổi bật là ích kỷ, duy lợi, kiếm tiền bằng mọi giá, nên đặt đạo đức trên bờ vực của nguy cơ băng hoại và những biểu hiện phi  văn hóa  một cách hiển nhiên. Cái cũ đã mất chỗ đứng, cái mới thật sự chưa hình thành tạo nên tình trạng song đề (dilemma) trong hiện trạng văn-xã. Cứ theo logic của hệ giá trị truyền thống thì phải thế này mới đúng, thực tiễn thì phải làm khác mới có hy vọng sống còn và phát triển. Lí tưởng và thực tiễn tương phản nhau, trong khi đó thì không thể vứt bỏ lí tưởng đi và lại không thể không đếm xỉa gì đến thực tế khách quan. Thế là chỉ có một cách sống cùng một lúc trong hai cảnh giới, mang lấy cái nhân cách nhị trùng trong cùng một thân phận. Tình trạng này là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa tương đối về đạo đức. Trong thực tế, biểu hiện của những xu hướng trên là  cách sống thực dụng hai mặt. Điều này là nguy cơ thực sự  bởi lẽ, thực chất của chủ nghĩa thực dụng hai mặt là đồng nhất cái lợi vị kỷ với cái đúng, tức không theo đuổi một giá trị nào, hư vô cả niềm tin lẫn luật pháp. Rõ ràng, chúng ta không xuất phát từ quan niệm hư vô về danh lợi mà lưu ý đến khả năng liệu có cơ may tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu và phương tiện, đặc biệt là giữa nhu cầu danh lợi và tầm vóc tinh thần của đời sống mỗi con người và thiết lập, thay cho tình trạng mất cân đối và hỗn loạn, một đòi hỏi thiết yếu về sự cân bằng trên quy mô xã hội từ hẹp đến rộng nhất. Yêu cầu này đã chỉ ra rằng, để vượt thoát khỏi hiện trạng song đề của văn xã, việc cần thiết  là phải xác lập một hệ chuẩn giá trị mới phù hợp với quyền lợi lâu dài của dân tộc và nỗ lực xúc tiến các biện pháp hữu hiệu làm cho hệ chuẩn mới đó trở thành giá trị định hướng cho phát triển.

Tình cảnh chung là chúng ta đã và đang sống trong một thời kỳ quá độ nhập nhằng giữa hai cực cũ-mới. Điều đó có nghĩa là phải đổi mới cái A, cái B; song các giá trị cũ/truyền thống vẫn còn sống động trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống thực tế, trong cơ cấu thể chất của nền kinh tế, trong các định chế, các quy định của pháp luật, trong các quan hệ qua lại giữa các con người, trong suy nghĩ của người dân và cả trong tập quán hằng ngày. Từ điểm xuất phát như vậy, thì không thể có tác động hữu hiệu nào lên những chuyển biến hiện thời  mà cái cũ lại có được quá nhiều cơ hội đầu thai trong hình hài mới; rồi chúng lại kết hôn với “ý trung nhân” mà nó thấy là thích hợp để sản sinh ra  những đứa con bất trị. Như vậy, ở đây là nơi gặp gỡ  của điều xấu nhất của các hậu dụê tập trung quan liêu bao cấp và điều tệ hại nhất  của chủ nghĩa tư bản là sự tham lam vô độ.

                                                                                                                      Huỳnh Ngọc Trảng

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)