Hiện tượng Rafal Blechacz

Ở tuổi 27, nghệ sĩ piano người Ba Lan Rafal Blechacz đã có một sự nghiệp đáng tự hào, với chùm giải thưởng tại Cuộc thi Piano Quốc tế Chopin, hợp đồng thu âm với Deutsche Grammophon, và danh tiếng lan rộng nhờ lối chơi nghiêm nhặt nhưng đầy biểu cảm của mình.

Chúng tôi đã gặp Blechacz tại New Jersey, trước loạt buổi biểu diễn độc tấu của anh tại Mỹ.

TheThread: Khi biết mình giành [năm] giải cao nhất tại cuộc thi Chopin năm 2005, anh có bất ngờ không hay anh biết mình đã có nó trong tay?

Rafal Blechacz: Tôi cảm thấy tôi đã chơi rất tốt [cười lớn]. Tôi đã có hẳn một chiến lược trong suốt cuộc thi. Tôi muốn chỉ tập trung vào âm nhạc của tôi, chương trình của tôi, trình diễn của tôi. Vì thế tôi không nghe bất kỳ nghệ sĩ piano nào khác, không nghe đài phát thanh hay xem truyền hình, thậm chí cả không đọc báo nữa. Tôi không muốn biết về cuộc thi đó; tôi chỉ muốn hoàn toàn ở trong thế giới âm nhạc của mình. Tôi nghĩ điều đó giúp tôi giữ được khí chất của mình. Nhưng tới khi nghe kết quả cuối cùng, tôi không ngờ kết quả lại tốt đẹp đến thế. Tôi vô cùng hạnh phúc và gia đình tôi cũng vậy. Một điều quan trọng nữa là tôi còn nhận được các giải khác dành cho trình diễn thể loại mazurka, concerto, sonata, polonaise, cũng như giải do thính giả bình chọn.

Anh là nghệ sĩ piano Ba Lan đầu tiên chiến thắng [tại cuộc thi] kể từ sau Krystian Zimerman hồi năm 1975. Ông ấy đã làm điều gì cho anh?

Tôi luôn thích thú tưởng tượng ra âm sắc của những nhạc cụ khác khi chơi một số đoạn nhất định trong các sonata cổ điển. Khi chơi các tác phẩm của Haydn, Beethoven hay Mozart, tôi thường thử “hòa âm” trong óc mình tác phẩm đó, hay một đoạn của nó, mỗi khi còn băn khoăn về sự khớp nối, âm nền, hay sắc thái. Sau khi phối nhạc trong đầu như thế, những nghi ngờ về việc diễn đạt tác phẩm sẽ biến mất.
           
Rafal Blechacz

Ông đã gửi cho tôi một bức thư tuyệt vời sau khi tôi giành chiến thắng và mời tôi đến nhà ông ở Basel [Thụy Sĩ]. Chúng tôi đã ở cùng nhau khoảng 5 hay 6 ngày, chơi nhạc, thảo luận về danh mục biểu diễn, cũng như về những điều hoàn toàn mới mẻ đối với tôi. Một hiện thực mới, một cuộc đời mới đối với tôi. Ví dụ, những người đại diện âm nhạc – tôi không hề biết điều gì là tốt nhất cho một nghệ sĩ trẻ bắt đầu khởi nghiệp. Trải nghiệm của Krystian Zimerman, lời khuyên của ông về đời sống âm nhạc đều rất phong phú và vô cùng quan trọng đối với tôi.

Anh đã từng biểu diễn ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới – vậy anh thích biểu diễn ở nơi nào?

Mỗi quốc gia đều ít nhiều khác biệt; thính giả, công chúng. Tôi rất thích chơi ở châu Âu, ở Mỹ, và tất nhiên Nhật Bản là một đất nước rất quan trọng đối với tôi, bởi vì âm nhạc của Chopin hết sức nổi tiếng ở đó. Tôi có một câu lạc bộ người hâm mộ ở Nhật Bản. Giấc mơ của tôi là được chơi đàn cho mọi người trên khắp thế giới, và kể từ cuộc thi năm 2005, tôi có thể thực hiện nó. Đây là lần thứ 5 tôi biểu diễn ở Mỹ. Tôi thích công chúng ở đây. Tôi còn nhớ buổi hòa nhạc đầu tiên của tôi tại đây vào năm 2008 trong khuôn khổ Festival Gilmore. Đó là một nơi danh tiếng và tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mời. Ngoài ra, tôi có ấn tượng tốt đẹp khi chơi cùng dàn nhạc New York Philharmonic vào năm 2008. Chúng tôi chơi bản concerto số hai của Chopin và đó là một trải nghiệm tuyệt vời với tôi khi được chơi với một dàn nhạc lớn ở New York.

Anh có nhận thấy sự khác biệt nào giữa, chẳng hạn, thính giả Nhật Bản và châu Âu không?

Sự khác biệt không lớn lắm. Ở Nhật Bản, khi chơi Chopin, tôi biết rằng phòng hòa nhạc sẽ đầy ắp khán giả, bởi vì Chopin luôn tuyệt vời đối với họ. Tôi cho rằng việc lựa chọn chương trình biểu diễn ở mỗi nước rất quan trọng. Trong chuyến lưu diễn đầu tiên ở Nhật Bản bảy năm trước, chỉ toàn nhạc Chopin, theo yêu cầu từ đại diện của tôi ở Nhật Bản. Nhưng khi biểu diễn ở Đức, Pháp và Anh, tôi nghĩ sẽ rất tốt nếu kết hợp các phong cách và các nhà soạn nhạc khác nhau trong một chương trình. Cho nên tôi thường chơi Bach, Beethoven, hay Mozart trong phần đầu của buổi độc tấu, còn trong phần hai tôi thường chơi âm nhạc Lãng mạn- Chopin và Schumann, ví dụ như vậy. Nhưng trong các buổi độc tấu ở mùa diễn năm nay, tôi giới thiệu rất nhiều  tác phẩm của Debussy và Szymanowski [1882 –1937], liên quan đến bản thu âm mới nhất của tôi với Deutsche Grammophon. Szymanowski không phổ biến lắm ở châu Âu và kể cả ở Ba Lan, vì vậy tôi muốn giới thiệu về ông nhiều hơn nữa.

Anh có thể kể cho chúng tôi về Szymanowski?

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng nhà soạn nhạc trường phái Cổ điển cảm nhận về niềm vui, nỗi buồn, hy vọng hay tuyệt vọng khác với các nhà soạn nhạc trường phái Lãng mạn. Bản chất nền tảng của cảm xúc luôn luôn giống nhau; chỉ có cách biểu đạt thay đổi. Khi chơi các tác phẩm thuộc trường phái Baroque, Cổ điển, Lãng mạn hay  Ấn tượng, tôi thường xuyên cảm thấy các nhà soạn nhạc truyền tải những chất liệu, cảm giác, cảm xúc giống nhau, mặc dù phong cách và sự tiếp cận của mỗi người đều là độc nhất.

Rafal Blechacz

Câu chuyện của tôi với Szymanowski bắt đầu từ rất sớm. Khi lên 10 hay 11 tuổi, tôi đi nghe một buổi hòa nhạc của các nghệ sỹ piano Ba Lan ở Bydgoszcz, một thành phố Ba Lan nơi tôi theo học. Tôi tìm thấy âm nhạc của Szymanowski và muốn chơi nó nhiều hơn nữa. Tôi nhớ tác phẩm đầu tiên tôi chơi là khúc biến tấu cung Si giáng thứ, Op 3, một tác phẩm hết sức tuyệt vời. Sau cuộc thi Chopin, tôi thường xuyên chơi bản đó ở nhiều quốc gia. Cách đây chưa lâu, tôi bắt đầu chơi bản sonata đầu tiên của Szymanowski, Op 8. Đây là tác phẩm thuộc thời kỳ đầu của Szymanowski. Nó chịu nhiều ảnh hưởng từ âm nhạc của Scriabin, tôi nghĩ như vậy. Phần hòa âm hết sức thú vị, với những biến điệu bất ngờ nhưng cũng rất giàu chất thơ. Âm nhạc dân gian Ba Lan đặc trưng cũng là một nguồn cảm hứng lớn cho Szymanowski. Ông ấy viết rất nhiều bản mazurka, những khúc vũ nhạc Ba Lan. Vì thế Szymanowski rất đặc biệt.

Còn những nhà soạn nhạc quan trọng khác trong giai đoạn phát triển đầu tiên của anh thì sao?

Âm nhạc của Debussy làm cho tôi nhạy cảm hơn về màu sắc và sắc thái của âm thanh, những điều tối quan trọng trong âm nhạc của những nhà soạn nhạc khác – như Chopin chẳng hạn. Người thầy đầu tiên của tôi say mê Bach, và tôi vẫn nhớ khi còn là một đứa trẻ, khoảng 5 hay 6 tuổi gì đó, tôi muốn trở thành nghệ sỹ đàn ống và tôi đã chơi rất nhiều  nhạc của Bach. Nhưng khi bắt đầu chơi piano, tôi nhận ra rằng đó mới là nhạc cụ dành cho mình.

Anh thích chơi trong phòng thu hay xuất hiện trên sân khấu?

Hai việc này hoàn toàn khác biệt. Khi ký hợp đồng với hãng Deutsche Grammophon, may là tôi đã thu âm một CD vào năm 2005, với các tác phẩm của Schumann, Liszt, Chopin, Szymanowski và Debussy, cho một hãng thu âm của Ba Lan. Vì vậy tôi đã có chút ít kinh nghiệm với phòng thu. Ngồi trong phòng thu chỉ với cây đàn và những chiếc micro, tôi nghĩ rằng việc tạo ra một bầu không khí tương tự như ở một buổi hòa nhạc là có thể, dù khó.

Điều gì là quan trọng với một nghệ sĩ piano?

Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tìm kiếm được phong cách riêng của mình và phải hoàn toàn tự nhiên trong khi trình diễn. Một điều nữa hết sức quan trọng là giữ được ý định của các nhà soạn nhạc – đó là chìa khóa để phát triển phong cách trình diễn riêng. Ngoài ra cũng quan trọng khi lắng nghe âm điệu của bản thân – ví dụ như tôi lắng nghe trái tim mình, khi tôi chơi một bản mazurka của Chopin. Có phóng viên hỏi tôi, khi tôi ở Nhật Bản, về việc chơi rubato tempo [những đoạn co giãn nhịp] trong các bản mazurka của Chopin như thế nào, nhưng thật khó để giải thích. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố – kiến trúc âm học của phòng hòa nhạc, âm điệu của nhạc cụ; và còn cả vào tâm trạng của tôi, khí chất của tôi trong buổi hòa nhạc nữa.

Rafal Blechacz sinh năm 1985 tại Naklo nad Notecia, cách thủ đô Warsaw 300km, học piano từ lúc 5 tuổi. Năm lên 8, anh bắt đầu học đàn tại Trường nhạc Arthur Rubinstein ở Bydgoszcz và học ở đó trong bảy năm. Năm 11 tuổi, anh có những buổi biểu diễn đầu tiên ở Warsaw và Kąśna Dolna.

Tháng 10/2005 Rafal Blechacz giành chiến thắng vang dội tại cuộc thi quốc tế Frédéric Chopin lần thứ 15 tại Warsaw, Ba Lan, với Giải thưởng lớn và tất cả các Giải đặc biệt dành cho người biểu diễn xuất sắc nhất thể loại Mazurka, Polonaise, Concerto và Sonata (không có giải nhì nào). Chiến thắng này đã mở ra cánh cửa cho anh đến với những phòng hòa nhạc nổi tiếng nhất trên toàn thế giới.

Năm 2006, Rafal Blechacz ký hợp đồng độc quyền với Deutsche Grammophon. CD đầu tiên của anh với Deutsche Grammophon bao gồm các bản Prelude của Chopin được tung ra thị trường châu Âu tháng 10/2007 và nhận được danh hiệu “Bản thu âm Bạch kim” ở Ba Lan ngay trong tuần thứ hai.

        Thanh Nhàn dịch theo
http://thethread.dukeperformances.duke.edu/2012/10/interview-piano-phenomenon-rafal-blechacz/

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)