Hiện và Hóa: Khoảng không thơ Phạm Công Thiện
“Lầu ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang” (Hàn Mặc Tử)
Hố thẳm: “Phương trời của thi sĩ”. Thơ: “Tư tưởng của hố thẳm”
Tôi tìm Phạm Công Thiện ba lần, mỗi lần cách nhau một quãng dăm mười tuổi đọc: thuở mười tám chuyền tay những mật tự nồng, thuở ba mươi cảo thơm lần giở chữ Việt, và giờ, sau vài năm, tôi lần lối hoang, mong thăm lại một quang cảnh hẳn đã rêu phong. Sự đọc của tôi thường theo bước chân bơ thờ ấy, cho đến khi, sắp rời rã, một khoảng không run rủi mở ra. Và tôi ngồi lại, ngồi không, ngồi yên, ngồi lặng, ngồi vô sự và ngó vô nghĩa vào khoảng trống.
Lần này, tôi đọc và đọc lại một lèo, khoan nhặt, phân nửa số sách của Phạm Công Thiện, tránh nẻo Phật, Thiền, vòng lối triết, luận rồi quành lại ngõ văn, thơ. Xin được kể ra, có thể còn sai, sót ngày tháng do chưa rà hết được các ấn bản cũ mới: Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (Sài Gòn 1965, tái bản nhiều lần), Trời tháng Tư (Sài Gòn 1966), Ngày sanh của rắn (Sài Gòn 1967, Mỹ 1987), Hố thẳm của tư tưởng (Sài Gòn 1967, 1970), Im lặng hố thẳm (Sài Gòn 1967,1969), Mặt trời không bao giờ có thực (Sài Gòn 1967, Mỹ 1987), Henry Miller (Sài Gòn 1969), Bay đi những cơn mưa phùn (Sài Gòn 1970, bao gồm lại “Trời tháng Tư”), Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất (Mỹ 1988), Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử (Mỹ 2000), Trên tất cả đỉnh cao là lặng im (Mỹ 2000, Việt Nam 2009), một số tác phẩm dịch Martin Heidegger như Về thể tính của chân lý (Sài Gòn 1968), Triết lý là gì? (Sài Gòn 1969), dịch Friedrich Nietzsche Tôi là ai? Đây là người mà chúng ta mong đợi! (Sài Gòn 1969), dịch và luận Nikos Kazantzakis (Sài Gòn 1970, có toàn văn dịch Ascèse). Vài cuốn tôi muốn đọc mà chưa có dịp: Chỉ còn tiếng thơ trên mặt đất—Trở về Rainer Maria Rilke (Sài Gòn 1969), Ý thức bùng vỡ (Sài Gòn 1970), Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney (Mỹ 1996), Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc (Mỹ 1996)… Tôi cũng tìm các bài viết rải rác về ông, những câu chuyện, những huyền sự, những nhiễu sự, những hồi ức đọc của nhiều thế hệ già, trẻ, Nam, Bắc, trong, ngoài. Thư mục trên ba mươi cuốn trong đời Phạm Công Thiện (1941-2011) bao gồm thơ, tiểu thuyết, tùy bút, tùy bút về thơ và các thi sĩ, triết luận, nghiên cứu Phật giáo, dịch thuật bày ra một cuộc đọc và viết ngợp óc. Tôi sơ phác bằng cách nhặt nhạnh những từ trong sách: quãng chữ và nghĩa “bùng vỡ” tuổi đôi mươi một vòng Mỹ Tho, Đà Lạt, Sài Gòn, Paris, Nữu Ước, quãng chữ và đời lưu lạc lăn lộn địa cầu của “mười bảy năm bỏ viết tiếng Việt”, quãng chữ và tình cuồng lặng, lại một vòng Nữu Ước, Paris, Sài Gòn, Đà Lạt, Mỹ Tho rồi âm u trong tiếng kêu dài “trên tất cả đỉnh cao là lặng im”. Cuộc đọc, cuộc viết không tách rời cuộc lăn lóc đoạn trường, trên không gian mặt đất và xuyên không tinh thần. Các đấng tài hoa từ sách vở cổ kim Đông Tây Nam Bắc đồng hành và loanh quanh mọi nẻo đường Phạm Công Thiện: F.Nietzsche, M.Heidegger, F.Hölderlin, W.Goethe, M.Rilke, J.Keats, D.T.Suzuki, William Carlos Williams, L.Céline, A.Rimbaud, W. Saroyan, Nikos Kazantzakis, Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, vân vân, và nhất là người bạn vong niên bằng xương bằng thịt xứ Mỹ Henry Miller. Những miền xa xứ lạ cùng những tên tây tên ta khơi động cuộc va đụng chữ nghĩa và tư tưởng Đông Tây Ta Tàu. Chữ và nghĩa, tim và óc, tình và ý vãi vung theo bước chân lang bạt và dần vỡ ra trong những ảo tưởng “trào bọt đắng cay và dịu ngọt”. Những cơn sốt nóng và những cơn sốt lạnh. Khư khư mang sứ mệnh của con trường giang nước độc, chảy và trôi, hẳn cuộc đời hoang ấy phải vô chừng sa lẫn đọa. Và ở quãng nào của dòng chảy ấy cũng thấy mịt mùng chữ, bập bềnh bèo bọt chữ, lau lách chữ. Chữ ken dày cả những khoảng quạnh quẽ nhất. Những chữ là chữ.
May thay, một đôi lần, khoảng không Phạm Công Thiện mở ra. Tôi ngồi lại nhìn, trong mù sương bỗng chờn vờn hiện một lầu huyền tích. “Lầu ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang” như câu thơ Hàn Mặc Tử.Mắt mở trân trân mà vẫn ngờ chỉ một cảnh chiêm bao phục dựng. Làm gì có cõi nào thơ mộng dường kia? Cây cam cổ tích? Tháng Tư mưa phùn? Bóng tối hoang vu? Phía xa xa một con trường giang nổi loạn? Con rắn cuộn tròn bất động trầm tư một cõi không? Quế Hương ký ức thơm phức? Bông khế tím sáng đồi cao? Tôi dụi mắt, vẫn ảo cảnh hiện hữu ấy, và kìa, cũng dưới chân lầu đài là tường vỡ, ngói rơi, bầy ăn mày rách rưới lê la, đám thi sĩ đói khát nằm co, xác bướm chết, cả đàn dòi bọ thi nhau kéo đến và mặt trời mửa máu đen? Phải ra khỏi vùng huyễn hoặc, kẻo mắt mi hóa mù lòa. Nhưng chẳng phải để biết một huyền tích, mi không thể ra khỏi, mà ngược lại, phải lần vào?Làm sao ra khỏi cơn mơ mà biết một cơn mơ? Làm sao ra khỏi một khoảng không mà biết khoảng không đó những gì hiện ẩn? Ra hay vào? Đi tiếp hay ngồi lại?
…Bước chân của tôi, thi sĩ Việt Nam, đi và đạp trên bước chân của Rimbaud, thi sĩ nước Pháp.
Các ngài hãy cố gắng đi theo tôi và nếu có thể thì đi và đạp trên bước chân tôi.
Điều ấy dường như khó thực hiện, vì bước chân tôi không để lại dấu vết.
Tôi đi và đạp lên sinh mệnh như một con ma, một con quỷ, một con rắn.
(Trên đường đi từ Florence qua Genève về Athènes, cuối thu năm 1966 – Im lặng hố thẳm.)
Đi và giẫm lên bước chân không dấu. Như Phạm Công Thiện đã đến xứ Hy Lạp, chân giẫm lên bước không dấu của Nikos Kazantzakis, nách kẹp khư khư cuốn sách bổn phận của một người viết, một người Việt:
“Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng”.
(Nikos Kazantzakis, Ascèse)
Chọn thực thi bổn phận là chọn đọa đày, chọn thất bại, nhất là với một ý thức và tinh thần khắc khổ phi thường: “cần thiết nhất là phải thất bại liên tục”. Chịu thất bại, còn kể gì huyền thoại hay hiện thực?
“Mộng mị bị xua đuổi như chim. Tất cả thi sĩ đều bị giết.”
“Tất cả mọi sự đều vô cùng cần thiết và chỉ có sự chịu đựng lì lợm cho đến cùng thì suối nước sẽ chảy lại như xưa, cần thiết nhất là phải thất bại liên tục, phải đuổi bỏ tất cả bạn bè thân thuộc, phải đau khổ cho đến tím người, phải tuyệt vọng và phải chết đi với cuộc đời thơ mộng.”
“Tên người viết, cuộc đời người viết, chỉ là mộng mị; do đó, thực hơn là sự thực. Tất cả mọi sự lầm lỗi lạc đường đều quan trọng gấp một ngàn lần hơn chân lý. Đời người viết thơ mộng hơn tất cả những bài thơ của loài bướm đen.”
“Sự im lặng của hố thẳm có liên quan mật thiết nào đối với tính mệnh Việt Nam? Tại sao tất cả thanh niên Việt Nam đều thờ lạy Nietzsche? Có người trẻ tuổi nào ở Việt Nam dám bước tới và chịu đựng sự thất bại và câu hỏi? Đọc Nietzsche không phải để say sưa, đọc Nietzsche không phải là để bào chữa sự yếu đuối của mình, đọc Nietzsche không phải để trích đi trích lại một vài đoạn văn nào đó để an ủi, để thỏa mãn sự bất mãn hời hợt ở nội tâm. Đọc Nietzsche không phải để tôn Nietzsche như thần tượng để rồi suốt đời mình chỉ là một kẻ thỏa hiệp dễ dãi với hạnh phúc, với thanh bình, với những dòng sông cạn? Đọc Nietzsche là hỏi với Nietzsche, nghi ngờ Nietzsche, hộc máu mà chết, ngã gục mà chết trong một mớ mộng mị không cùng, với tuổi xuân đã mất, với hơi thở rã rời và trái tim cạn máu?
Còn gì nữa mà đọc? Còn gì nữa mà nói? Còn gì nữa mà viết? Bước tới và chịu đựng.”
(Im lặng hố thẳm)
Im lặng hố thẳm (và cùng cuốn sách ra trước đó, Hố thẳm của tư tưởng) với tôi là một trong vài ba cuốn sách sáng giá nhất của Phạm Công Thiện, một nẻo vào, một câu nguyện lành, một lời nguyền ác, một dồn dập nghi ngờ. Để hỏi. Để rã rời. Để bước tới và chịu đựng. Để khốn cùng thơ mộng một đêm hoang. Mi không thể cắt nghĩa hố thẳm, mi bay lên và rơi xuống, trong bóng tối, trong giá lạnh, và ngước đỉnh cao dõi bóng Phượng Hoàng.
Thi ca và sự thất bại liên tục của các thi sĩ phải được phơi trần.
“Tôi mở đầu “Hố thẳm của tư tưởng” với Hàn Mặc Tử. Đáng lẽ Hàn Mặc Tử viết quyển này, vì Hàn Mặc Tử là người duy nhất đã sống trong Hố thẳm của Tư tưởng bằng chính hơi thở, máu, nước mắt, thân thể và linh hồn. Thơ của Hàn Mặc Tử là Tư tưởng của Hố thẳm; thi ca và tư tưởng đều bắt đầu và chấm dứt nơi Hố thẳm; thi ca bay về Hố thẳm bằng cánh phượng hoàng; Tư tưởng bay về Hố thẳm bằng cánh chim ưng.”
(Hố thẳm của tư tưởng)
Tôi tin vào dòng chú ngắn của thi sĩ Trần Tuấn Kiệt trong tuyển tập Thi ca Việt Nam hiện đại 1880-1965 (Sài Gòn 1967, 1968) rằng với Phạm Công Thiện, “viết báo đăng thơ là một việc làm bất đắc dĩ”. Mặt trời tư tưởng thiêu đốt đẩy Phạm Công Thiện xa thơ, và đẩy thơ Phạm Công Thiện xa thơ. Trong Im lặng hố thẳm, Phạm Công Thiện cắt nghĩa: “tính thể của thể tính là thể dụng; thể dụng là triết, tượng, ái, thơ và họa, phương trời của thể dụng là Hố thẳm”. Thơ chỉ là thể dụng, là một phương tiện. Bởi mối ưu tư tối hậu nơi Phạm Công Thiện là “thể tính”, là lặng im tối hậu của hố thẳm, thơ phải phá hủy thơ trên con đường đến hố thẳm, đến đỉnh cao lặng im ấy. Hơi tréo ngoe là, dẫu không mang danh vọng, trong vô số nhãn hiệu nhà triết học, nhà văn, nhà thơ, dịch giả, kí giả, tu sĩ, giáo sư, thiên tài, thần đồng, kẻ nói khoác, tên lãng tử vô lại, tên bợm rượu, bợm tình…, rút cuộc, danh vị “thi sĩ” dường thích đáng nhất cho Phạm Công Thiện. Nhà thơ, cũng tức kẻ vô loài. Chính Phạm Công Thiện đã mượn ngôn ngữ thơ để từ chối việc cắt nghĩa và phân loại mình: “Tôi không là một tên tiên tri nào cả, ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ. Ai muốn hiểu làm sao thì hiểu.” (Ý thức mới…) Những chữ thơ tự chảy. Trong tịch mịch. Đến thẳm sâu.
Tiếng thơ Việt: Hiện và Hóa
Cách nói “Ngôn ngữ của thi sĩ” thường đánh lạc người đọc sang những dáng vẻ “thơ mộng” bắt mắt của câu từ, một chữ mà Phạm Công Thiện đã phải rẫy ra:
“Mày đừng nghĩ rằng tao vừa đưa ra một câu văn thơ mộng. Không, tao thù ghét tất cả thi sĩ; thỉnh thoảng tao chỉ làm thơ để tán gái. Hoặc làm thơ để nhớ rằng Rimbaud đã chết trên gối mền quạnh hiu, để nhớ rằng tất cả thi sĩ đã bỏ xa trần gian này và thời đại này là thời đại mà thi sĩ chỉ còn là thi sĩ khi thi sĩ dám làm tội nhân đứng ngoài vòng xã hội, ngoài vòng xây dựng lý tưởng quốc gia hay nhân loại.”
(Hố thẳm của tư tưởng)
Ta phải không quên mặt khuất, hay đối cực thiết yếu, cái bản thể song trùng của thơ mộng: sự thơ mộng đổ vỡ, tức nỗi khốn cùng. Phạm Công Thiện chẳng đã ôm bao giấc mộng vỡ của thi ca, và nhất là thi ca tiếng Việt, trong trò đùa sinh diệt giữa số mệnh và ngôn ngữ đó sao? Rimbaud bỏ đời. Hölderlin hóa điên. Bùi Giáng điên. Nguyễn Du tấm thân chiếc lá. Quách Tấn bóng mờ chỉ còn tiếng gọi đò sông lạnh. Hàn Mặc Tử mệnh yểu. Và rốt cuộc, chính Phạm Công Thiện phải cậy cơn mơ gặp Goethe gợi ý nhan đề cho tập thơ cuối của mình, như ông kể lại trong lời ngỏ: “Ueber allen Gipfeln/ Ist Ruh” (Trên tất cả những Đỉnh Cao/ là Bình Yên). Trên tất cả đỉnh cao là lặng im.
Nhưng chẳng phải Phạm Công Thiện đã sống đời thơ mộng bậc nhất đó sao? Đời sách, đắm chìm tầm chương trích cú tuổi hoa niên. Đời lãng tử, “mửa máu đen trên nửa đêm Paris” hay lang thang đêm Nữu Ước cùng thằng bạn thi sĩ Columbia rao bán thơ mua sữa tươi và gà nướng, làm tiên hành khất lăn vào thảm thê mà sống. Đời suy tư, giữa Sài Gòn hậu chiến, viết thư ngỏ gửi Henry Miller bàn về “Nền tảng bản thể luận của cuộc chiến hiện thời ở Việt Nam”[“The ontological background of the present war in Vietnam (an open letter to Henry Miller)”] (Sài Gòn 1965). Đời triết gia, đòi dùng ngôn ngữ thơ nối liền thi ca-tư tưởng, luận bàn triết lý Đông Tây như đi vào chỗ không người. Đời chán chường, ra bưu điện gửi thư cho Nada-Hư Vô trên đất Mỹ. Đời tu sĩ. Đời dứt áo tu sĩ. Đời hồi tu. Đời chồng vợ thái bình. Đời im lặng. Phạm Công Thiện không phải tên lãng tử hoang đàng tuổi mười bảy, mà đích thật một thi sĩ dám (và được) thơ-mộng-đủ-đường, một lựa chọn sống thơ chới với giữa bay và đi. Bay như những cơn mưa phùn và đi “cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất.”
tôi đi đông chìm
trời âm u thung lũng khô
nhiều mây chim bay không nổi
(Ngày sinh của rắn)
Thế rút cuộc cái gì là thơ và tinh túy thơ trong mịt mùng chữ nghĩa Phạm Công Thiện, kẻ bao lần báng bổ và lảm nhảm tiên tri về cái chết của thi ca? Ở trên, tôi nói niềm cuồng nhiệt tìm “tính thể của thi ca và tư tưởng” đẩy Phạm Công Thiện xa thơ, và đẩy thơ Phạm Công Thiện xa thơ. Khi Phạm Công Thiện không triết luận, ta có thơ. Khi Phạm Công Thiện quên tạo dựng biểu tượng để chỉ ngắm nhìn các dấu hiệu, hay khi các biểu tượng chỉ hiện ra trước mắt ta như các dấu hiệu, ta có thơ. “Sống với dấu hiệu là sống với hình vuông tính học (carré ontologique) gồm có bốn nghi (trời, đất, thần, người). Sống với dấu hiệu là sống hồn nhiên giữa tiết điệu thơ mộng của vũ trụ.” (Hố thẳm của tư tưởng). Ta có thơ, như củ cà-rốt: “viết về củ cà-rốt, viết về những gì chung quanh củ cà-rốt, chẳng hạn như người gọt cà-rốt, thế giới, trần gian, vũ trụ chung quanh của cà-rốt, cả một địa cầu, cả những địa cầu xoay quanh của cà-rốt, vân vân.” (“Trời tháng Tư” — Bay đi những cơn mưa phùn). Ta có thơ, như thác nước, “mở thác nước trong đầu tôi và cho nó chảy ào ạt tràn ngập mấy ngàn trang giấy. Tôi vội viết như chạy tung vào con đường vắng vô tận.” (“Trời tháng Tư” — Bay đi những cơn mưa phùn). Ta có thơ, của những người điên và những đứa con nít, khi lời chỉ tượng hình, mênh mông, và để lại “những giọt máu cô liêu của thi ca Á Đông”, như lời tụng của Phạm Công Thiện dành cho Hàn Mặc Tử.
“Những người điên là những người mà chất người quá mạnh.”
“Những đứa con nít là người nhất, vì chúng nó có ma lực tượng hình mãnh liệt ngang hàng với những người điên.”
(Hố thẳm của tư tưởng)
Người điên nằm ngủ sân chùa
Ai vừa nín thở động mùa thinh không
(“TĀRĀ” – Trên tất cả…)
Vài giọt máu cô liêu của Phạm Công Thiện đọng trên tuyết lạnh: Ngày sinh của rắn gồm mười hai bài thơ ngắn, Trên tất cả đỉnh cao là lặng im hẳn gom cả đời thơ tản mát trong một trăm lẻ hai bài và hai bài dịch thơ Hölderlin, đây đó rơi rụng dăm bài viết, bài dịch lẻ nằm lẫn các trang triết luận. Máu loang mưa theo hai hướng: sôi trào, bùng vỡ và êm lặng, trôi dạt. Những hạt tinh thể thơ tùy nghi ẩn trong mọi dạng hình: tự do, lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, thơ văn xuôi, thiền thi, sấm thi, tình thi, tự thuật, hiện thực, siêu hình, vân vân, thu lại một đời chảy trôi từ thuở hoa niên đến lúc thu phong bạch phát.
Phạm Công Thiện hiện và chữ hiện. Một chủ thể “tôi”, “anh”, nó” hiện, những chữ lạ lẫm gọi nhau: trên không, bầy chim đan cánh tạo nên những trường liên tưởng mênh mông mở ra huyền thoại sống, dưới đất, thơ kêu ra tiếng li ti “trên đầu con kiến”.
tôi về
tôi hiện
đèn tắt trời gió tắt trăng
chim lạ
kêu tiếng người
hố thẳm ra đời
tôi bay trên biển
(Ngày sinh của rắn)
Anh sẽ hiện ồ anh sẽ hiện
Cả rừng cây không ai lên tiếng
Bóng tối tràn vũ trụ tan hoang
Tiếng thơ kêu trên đầu con kiến
(…)
Đời anh buồn trần gian đi chợ
Mặt anh buồn như chim không thở
Cả sông này cả đời này nứt vỡ thành thơ
Rừng thơ hiện Đông phương im tiếng
(“Anh sẽ hiện”—Trên tất cả…)
Đất nứt nở ra bầy quạ trắng
Hồn thiêng Van Gogh nhập vào ta
(“Hồn ma Van Gogh” – Trên tất cả…)
Anh ngồi chỗm dậy như sư tử
Vồ chụp bướm ngàn lúc rạng đông
(“Đêm” – Trên tất cả…)
Các chi tiết thơ hút vào một thoáng mắt ngẫu nhiên trong nhịp chữ quyến rũ, nhất là trong nhịp những câu bảy chữ thở khẽ mà xao động cả đồi sương quạnh.
bướm nằm chết thang lầu
—
ồ cây mồng tơi
của thời trẻ dại
tôi gọi thầm
rắn cuộn tròn
tương lai
—
mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông
—
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
(Ngày sinh của rắn)
Em về lồng lộng như sương trắng
Hồn chết trôi về thương hải châu
(“Mộng” – Trên tất cả…)
Hiện và hóa, trùng phức, biến đổi. Và lần hóa hình sau rốt, Phạm Công Thiện trở lại làm con sông Cửu Long tàn bạo thuở xưa. Chính trong hình tượng thơ này, sự từ chối thơ mộng trở nên tột cùng thơ trong bản thể song trùng của nó. Mọi rợ chẳng phải là phát lộ hoang dã và khốn cùng nhất của thơ mộng đó sao?
thôi nôi con trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi mỗi trường an
—
thôi rồi thằng trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nỗi lang thang
—
tôi đúng rồi trường giang mọi rợ
mẹ hãy về đi và hãy bỏ con đi
—
tôi chỉ muốn làm con chó
chạy giỡn mưa trường giang sa
—
trường giang chảy đại dương bại trận
Quách Tấn buồn bông cúc đơm hoa
—
thôi rồi thôi trường giang mọi rợ
tôi mọi mãi nắng chiều Ban Mê Thuột
(“Trường Giang Mỹ Tho” – Trên tất cả…)
Thơ Phạm Công Thiện đã thoát vỏ tự thuật, tự thú của các loại thơ tiểu sử, giãi bày cá nhân, náu mình trong chuỗi hiện và hóa, để bay vào siêu hình như một cánh bướm trắng vừa bay vừa rã cánh của phương Đông.
Vẫn còn trên đất, cả bầy
Đời thơ mộng của Phạm Công Thiện, sau cùng, dồn lại trong mấy trăm trang hồi ức Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất. Tác giả ngỏ lời: “Sau 17 năm bỏ viết tiếng Việt, bây giờ người viết bắt đầu khiêm tốn học viết lại từng nét chữ linh hiện của tổ tiên.” Một chủ thể “nó”, “lộn ngược quay đầu trở về quê hương” trong ý thức sáng rõ về tình thế bật rễ ngữ ngôn chới với lộn đầu của mình:
“Bốn năm trời rồi, nó đã trở lại sống lây lất ở đất Huê Kỳ, từ Los Angeles đến Garden Grove thuộc miền Tây Nam California. Phải cần bốn năm nó mới chợt mở mắt nhìn thấy rằng tất cả mọi sự trong đời sống nó đều đảo ngược, nó chổng gọng đưa hai chân lên trời và hai tay chới với thọc xuống níu lấy những chùm rễ rã rời của lòng đất hiu quạnh.”
“Cái lần cuối cùng nó bỏ nước ra đi cho đến nay, thoáng một cái thôi mà đã mười bảy năm hoang phế; mười bảy năm, 1970-1987, thân thể và tâm hồn nó đã chổng gọng đưa hai chân không lên trời (Không Không, sùnyatà-sùnyatà, và Đại Không, Mahà-’sùnyatà) và hai bàn tay trắng chơi vơi thọc xuống níu lấy những chùm rễ tưởng tượng của đất mẹ hoang vu.”
“Từ mười bảy năm nay, nó trở thành một con ma bước đi hỏng chân từ Á châu đến Âu châu, bước đi hỏng chân từ Mỹ châu đến Úc châu, bước đi hụt chân từ Úc châu trở lại Mỹ châu, và bây giờ, buổi chiều mưa hôm nay, trước mặt một cây cam sai trái mọc ngược xuống vũng nước mưa trời, trên cái ghế bốn chân, cạnh cái bàn bốn chân, hai chân trống không của nó đang lơ lửng nơi gặp gỡ của vô số vòng tròn trôn ốc quá khứ và tương lai, một giây phút hiện tại thoáng hiện thoáng mất; nó vẫn tiếp tục đưa hai chân chổng gọng lên trời và mấy ngón tay chụm lại cào cấu cho ra một chút Phi châu nhen nhúm trong những tờ giấy trắng còn rớt lại trên nỗi phân tán rùng rợn của kiếp người phiêu bạc…”
Tiếng Việt là điểm rơi cuối, chốn đặt mồ, tha thiết và thành thực:
“Nó sinh ra đời trong tiếng Việt Nam, trong chữ nghĩa Việt Nam, trong bảng mẫu tự Việt Nam, từ đó mới nhìn thấy sông Cửu Long là sông Cửu Long, từ đó mới nhìn thấy lại sông Cửu Long là sông Rdsa-chu của Tây Tạng.”
“Chuyến quay ngược lộn đầu trở về quê hương bắt đầu bằng cái đầu của tất cả mọi sự: ngôn ngữ Việt Nam phải được đảo lộn ngược lại trọn vẹn. Bằng cách nào? Bằng đủ mọi cách và bắt đầu bằng cách lắng nghe tất cả sự giàu sang tột đỉnh của mỗi một tiếng Việt, mỗi một lời Việt, mỗi một chữ Việt, dù đó là tiếng tầm thường nhất, lời nông cạn nhất và chữ nhạt nhẽo nhất. Trong một tiếng chửi thề tục tĩu nhất của tiếng Việt cũng chứa đựng tất cả âm u lạ lùng của dân tộc.”
Một thi sĩ đang học lại những từ độc âm tiếng Việt như thuở lên ba hay một đứa trẻ đang hồn nhiên trở thành thi sĩ? Phải không được né và phải nhìn trân trân những câu hỏi từ ký ức sống. Những giấc mộng vỡ. Những thói hoang đàng. Những quãng chữ phập phồng. Mỹ Tho, Sài Gòn, Paris, Nữu Ước. Nữu Ước, Paris, Sài Gòn, Mỹ Tho. Không, Phạm Công Thiện không phải kẻ tắc trách lên đồng chữ. Ai có thể cứ lăn vào cuộc lăn lóc năm năm, mười năm, mười lăm năm, mười bảy năm, cả đời người chỉ để chứng nghiệm nỗi thơ mộng đổ vỡ ấy? Phạm Công Thiện, trong bộ dạng một sinh vật trần gian xộc xệch, đã phơi mình vì chữ nghĩa, đã lao lực trọn đời ôm giấc mộng ngoại cỡ đi vào cõi siêu hình của thi ca và tư tưởng, nối liền Đông–Tây và lần tìm con đường tinh thần trong chữ cái và tiếng nói Việt Nam. Câu thơ của Gottried Benn, “Nguyễn Du của nước Đức thế kỷ XX” theo lời Phạm Công Thiện trong cuốn Ý thức mới…, trở thành lời chứng, “mọi thành tựu đều nặng nề những vết thương”. Hay mọi thành tựu chỉ còn là những vết thương.
“Tôi không còn biết hỏi: tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Không, hoàn toàn không. Tôi không còn biết hỏi gì hết. Tôi chỉ biết đi và đi tới cái gì đằng kia, rộng quá, âm u, và bí mật, buồn vì quá tối nghĩa?”
“Mi, mi đã làm gì cho đời mi?”
(“Thấp thoáng bóng huỳnh trên con sông tàn bạo” – Bay đi những cơn mưa phùn)
Là một thi sĩ trong bầy thi sĩ đi hoang mặt đất và dám thất bại liên tục, đó có thể là thi ảnh đẹp nhất mà Phạm Công Thiện để lại. Chữ nghĩa Phạm Công Thiện đâu phải chỉ là dưỡng chất trần gian cho những đầu xanh đói siêu hình, cho những mộng cuồng khát phân tâm, cho những kẻ ham gánh vác cần ngút ngàn tụng niệm, cho những mùa hiện sinh trồi sụt, cho những cơn điên níu vách đá cheo leo. Còn đó, một chút khoảng không thơ, một nhúm tinh thể thơ của khoảng không, đòi ta đôi lần ngồi lại mép vực, nhìn vào, lần vào. Mi chớ hoài mong ủ dột. Mi còn ký ức đang sống, còn tưởng tượng đang reo, còn tiếng nói tổ tiên đang nảy trong miệng, còn dòng sông chảy, còn con bướm trắng, còn đôi chân để rã rời đi hết một đêm hoang. Phạm Công Thiện trích lời René Char để khép lại Im lặng hố thẳm, tôi xin chép nguyên lại:
“Và lời cuối cùng phải chăng là lời của thi sĩ:
A quand la récolte de l’ abîme?
– René Char (Fureur et Mystère)”
Phạm Công Thiện đã gặt hái xong mùa vực thẳm của riêng mình. Nhưng những người lượm hạt ủ lại cho mùa sau có thể gặp một hơi thở thênh thang trong một dòng lục bát không màu, một hơi thở tan loãng vào tịch mịch.
“Tôi nằm yên giữa âm u
Để từng hơi thở tạ từ trần gian”
(Phạm Công Thiện, “Xuân không màu” – Trích theo cuốn “Thi ca Việt Nam hiện đại” của Trần Tuấn Kiệt).□
Nhã Thuyên