Hiện vật hiếm kể về phụ nữ thời Trung cổ
Một triển lãm của Thư viện quốc gia Anh đã khám phá những đời sống công cộng, riêng tư và cả đời sống tinh thần của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như Joan of Arc, Christine de Pizan và Hildegard ở Bingen.
Trong một cuộc đấu bóng bàn ngẫu hứng vào tháng 9 năm 1934, một tay vợt tình cờ dẫm phải trái bóng. Vì vậy, người cha của anh ta quyết định tìm quả bóng thay thế trong một cái tủ trong ngôi nhà vùng nông thôn Anh của họ. Thay vì những quả bóng bàn, người cha của gia đình này đã tìm thấy một kho báu, “một đống lộn xộn những cuốn sách bìa da nhỏ chưa được phân loại”, trong đó có một cuốn mà bìa “đã bị gặm nham nhở, có thể là do một con chuột”, con trai ông sau đó kể lại.
Không ngờ là cuốn sách có vẻ bị thế giới bỏ quên ấy lại là bản sao duy nhất còn tồn tại của The Book of Margery Kempe, một văn bản Trung cổ ghi chép những cuộc phiêu lưu của một nữ nhân thần bí Cơ đốc giáo (người thực hành và phát triển thần học thần bí và thực hành nó trong cộng đồng Cơ đốc giáo). Trước đây người ta chỉ biết đến Kempe thông qua những trích đoạn có từ thế kỷ 16, miêu tả bà như một ẩn sĩ, tự nhốt mình trong một căn phòng để dành toàn bộ cuộc đời mình cho cầu nguyện và phản tư. Bản thảo này đã tái định hình nhân vật thoạt đầu tưởng chỉ trùng tên với bà như một hình mẫu sống động về người đã có những chuyến hành hương tôn giáo xa nơi mình sống và cho thấy những cái nhìn mang tính trải nghiệm của chính mình khi tham gia các sự kiện đã được ghi vào Kinh thánh như lễ ra đời và đóng đinh trên thập giá của Chúa Jesus, và chịu đựng vô số cuộc bắt giữ vì bị khép vào tội dị giáo.
Nếu chỉ dựa vào các trích đoạn thì “người ta sẽ không ngờ rằng mình đã mất đi cảm xúc về cuộc đời và con người cá nhân của bà ấy như thế nào đâu”, Eleanor Jackson, một giám tuyển tại Thư viện Quốc gia Anh ở London, nói. “Bà ấy thực ra là một nhân vật vô cùng đặc biệt và hấp dẫn… không chỉ là một nữ ẩn sĩ mà còn là một người ưa xê dịch một cách đáng kinh ngạc. Bà ấy đã ở Đất thánh (khu vực nằm giữa Địa Trung Hải và bờ Đông sông Jordan), bà ấy đã tới Rome, và đã tới cả Santiago de Compostela, Tây Ban Nha”.
Sự khám phá tình cờ cuốn tự truyện của Kempe đã cho thấy kho tàng giàu có của sách viết về phụ nữ thời Trung cổ còn sót lại đến ngày nay, cũng như vô số tác phẩm đã bị mất đi trong nhiều thế kỷ, Jackson nói. “Phụ nữ ở thời kỳ Trung cổ được xem như ít quan trọng hơn nam giới, và họ đã bị loại ra khỏi rất nhiều vị trí và lĩnh vực có ảnh hưởng”, nhà giám tuyển cho biết thêm. “Các câu chuyện của họ thường ít được ghi lại, và bởi vì phụ nữ thường ít được học hành hơn nam giới nên nhiều người không thể tự viết về chính họ được. Vì thế, vô cùng khó để tìm hiểu về lịch sử của phụ nữ, tuy nhiên chúng vẫn tồn tại khi bạn tìm kiếm chúng”.
Bằng việc nhấn mạnh vào một nhóm đa dạng ngành nghề, các nhà giám tuyển hy vọng sẽ giới thiệu được rộng rãi hơn sự tồn tại của phụ nữ trong một xã hội được xếp đặt và trao quyền cho nam giới.
Cuộc triển lãm “Phụ nữ thời Trung cổ: Trong những ngôn ngữ của chính họ” tại Thư viện Quốc gia Anh đã kể một vài câu chuyện đã bị bỏ quên nhiều thế kỷ thông qua một cuộc lựa chọn từ 140 tư liệu và hiện vật tồn tài vào khoảng từ năm 1100 đến 1500, do Jackson và Julian Harrison giám tuyển. Cuộc triển lãm tập trung vào các nữ hoàng, xơ, các nhà văn, chiến binh, bác sĩ và nghệ sĩ sống ở nhiều quốc gia và thuộc về nhiều nền văn hóa khác nhau. Như cái tên của mình, cuộc triển lãm nhấn mạnh vào lời kể cá nhân của những người phụ nữ, “kể các câu chuyện của mình càng nhiều càng tốt thông qua chính ngôn ngữ của mình”, dù được lưu trữ trong các văn bản của họ hay được những người làm nghề sao chép ghi lại, như trong trường hợp của Kempe, Jackson nói.
Trong số những nhân vật được khắc họa trong triển lãm có những con người nổi tiếng qua nhiều thế kỷ như Jeanne d’Arc, vị thánh của nước Pháp, được tôn vinh vì vai trò trong cuộc vây hãm Orléans, Christine de Pizan, nhà văn cung đình gốc Ý sống ở Pháp cuối thời Trung cổ, đến những người còn ít được biết đến như Estellina Conat, nữ thợ in văn bản tiếng Hebrew đầu tiên được ghi nhận, Shajar al-Durr, nữ hoàng đầu tiên của Ai cập, Syria từng đánh bại của một đội quân Thập tự chinh, và Alice Claver, người làm lụa đã tự tay trang trí trang phục cho vua Anh Edward IV. Bằng việc nhấn mạnh vào một nhóm đa dạng ngành nghề, các nhà giám tuyển hy vọng sẽ giới thiệu được rộng rãi hơn sự tồn tại của phụ nữ trong một xã hội được xếp đặt và trao quyền cho nam giới. “Cuộc sống của họ có nhiều nét sôi nổi hơn mọi người tưởng”, Jackson nói, “và những người tới triểm lãm sẽ rất ngạc nhiên bởi vai trò phong phú mà họ nắm giữ” khi họ tham gia vào nhiều lĩnh vực chính trị, tôn giáo và nghệ thuật.
Việc số hóa gần 100 bản thảo liên quan đến phụ nữ Trung cổ và Phục hưng mất cả năm trời của Thư viện Quốc gia Anh đã đem lại cảm hứng cho “Trong ngôn ngữ của chính họ”. Trong khi tìm kiếm các bộ sưu tập các văn bản liên quan, các thành viên của thư viện đã tìm thấy “một lượng lớn văn bản mà từ trước tới đây chưa từng thấy nhiều như vậy”, Jackson nói. Bà và Harrison đã dành ra hai năm để lựa chọn các tài liệu để đưa vào triển lãm, bổ sung thêm tài liệu mượn từ các tổ chức văn hóa ở cả Anh lẫn châu Âu lục địa.
Vượt ra ngoài những văn bản và cuốn sách Trung cổ, cuộc triển lãm trưng ra nhiều hiện vật như một cái sọ có lẽ là thuộc về một con sư tử, vốn là thú cưng của nữ hoàng Anh Margaret of Anjou; một mảnh lụa được dệt ở al-Andalus, một vùng lãnh thổ trên bán đảo Iberia của người Moor; và một dải băng thờ là hiện vật duy nhất được biết là đồ trang trí của Anh thời Trung cổ có mang tên của người tạo ra nó, xơ Joan ở Beverly.
Để bổ sung vào những hiện vật lịch sử này, Thư viện Quốc gia Anh đã đề nghị nhà thiết kế mùi hương Tasha Marks tạo ra bốn loại hương thơm “khơi gợi các mùi và trải nghiệm khác nhau từ đời sống Trung cổ”, bao gồm nước hoa cho tóc và một chất làm thơm mát hơi thở, theo thông cáo báo chí của thư viện. Các thành viên đã mời nhiều nữ nghệ sĩ để ghi âm phần đọc nhiều văn bản chữ viết khác nhau, “vì vậy khi khách tham quan bước qua, họ sẽ cảm thấy như họ đang được gặp gỡ những người phụ nữ Trung cổ đó”, Jackson nói. Bên cạnh đó còn có những màn hình tương tác có thể nói cho người xem biết liệu họ có lý do để thực hiện một cuộc ly hôn thời Trung cổ hay không, hoặc bạn có rơi vào trường hợp rủi ro bị khép vào tội làm phù thủy không…
Các mẫu trưng bày được phân loại vào ba hạng mục: đời sống công cộng, đời sống cá nhân và đời sống tinh thần. Hạng mục đầu tiên tập trung vào những vai trò hướng ngoại của phụ nữ giữ trọng trách trong các triều đình và tác giả các cuốn sách được công chúng biết. Melisende, một nữ hoàng ở Jerusalem đã có tranh giành quyền bính với chồng và con trai mình, được tái hiện trong một cuốn Thánh vịnh được minh họa tuyệt đẹp (Thánh vịnh là tập hợp các bài thơ, bài hát tôn giáo), ảnh hưởng tôn giáo của phương Đông và phương Tây. Hoàng hậu Matilda, người kế vị ngai vàng Vương quốc Anh trong cuộc nội chiến Hoa hồng được gọi là Thời kỳ nội loạn vào thế kỷ 12, xuất hiện như một nữ vương trong bức tiểu họa trên con dấu ở một hiến chương cho một tu viện mới. Quý bà Lady Margaret Beaufort, mẹ đẻ của Henry VII và bà nội của Henry VIII, từng thành lập hai trường đại học của Cambridge, Christ’s College vào năm 1505 và St John’s College được hoàn thành vào năm bà qua đời…
Trong khi một số phụ nữ thời Trung cổ khác đã được sinh ra trong hoàn cảnh rực rỡ “với chiếc thìa vàng trong miệng” thì một số người khác lại vươn lên vị trí cao trong xã hội nhờ tài năng của chính mình. Danh tính của Marie De France, nhà thơ nữ của Pháp đầu tiên được biết đến nhờ một dấu hiệu duy nhất, một câu ngắn trong tác phẩm của mình “Tên tôi là Marie và tôi từ Pháp”. Dẫu vậy cũng cần lưu ý là Christine de Pizan là người phụ nữ đầu tiên ở châu Âu “kiếm sống thông qua viết sách”, Jackson nói. Christine, con gái một nhà chiêm tinh ở triều đình Pháp, đã làm thơ và viết văn để bán sau khi chồng bà qua đời. Cuốn sách nổi tiếng nhất của bà là The Book of the City of Ladies (Cuốn sách về thành phố của những người phụ nữ), một tác phẩm xuất bản năm 1405 tụng ca tài năng của phụ nữ và tranh luận về trí tuệ cũng như sự bình đẳng trong phẩm hạnh với đàn ông – một vị thế gây tranh cãi ở kỷ nguyên phụ nữ vẫn được coi là thấp kém hơn. Christine viết “Tôi nhận ra có biết bao điều ngu dốt lẫn thói vô ơn bạc nghĩa ở mọi kẻ đàn ông vẫn nói xấu về phụ nữ… Hãy để họ cụp mắt trong xấu hổ vì đã dám nói dối quá nhiều trong những cuốn sách của họ, khi ai đó thấy được sự thật hóa ra lại trái ngược với những gì họ nói”.
Mặc dù có sự xuất hiện của những người phụ nữ tầng lớp trên và được hưởng một nền giáo dục ưu tú nhưng cuộc triển lãm không vì thế mà giới hạn chính mình trong phạm vi này. Thêm vào những nhân vật nổi tiếng, ở hạng mục đời sống công cộng của triển lãm đã giới thiệu những câu chuyện về những người phụ nữ lao động thường ngày. Những người làm nghề in sớm như Conat và Anna Rügerin được đặt cạnh những người lao động khác, những người làm lụng, cấy hái cho những chủ đất giàu có, thường nhận được đồng tiền công còm cõi hơn những người làm công nam giới. Jackson đặc biệt bị thu hút về câu chuyện của Maria Moriana, một phụ nữ người Moor sống vào thế kỷ 15 kiện Filippo Cini, một thương nhân Venice, do bị lừa ký vào một giấy biên nhận ghi nợ hai mươi bảng Anh. Lá đơn kiện của bà giờ được lưu trữ ở Kho lưu trữ Quốc gia ở London. “Đôi khi có ý kiến cho rằng không có người da màu ở Anh thời Trung cổ nhưng đây là tài liệu chứng tỏ điều này hoàn toàn có thật”, Jackson nhận xét. “Không chỉ vậy, cô ấy còn đấu tranh cho quyền lợi của mình, dám thách thức và đứng lên vì chính mình”.
“Trong khi phần nhiều tài liệu từ thời kỳ này nói với chúng ta rằng phụ nữ thời Trung cổ câm lặng, thụ động, đơn giản thì những phẩm vật họ tạo ra còn sót lại đến ngày nay lại kể với chúng ta một câu chuyện khác biệt”. (TS. Pragya Agarwal)
Bên cạnh đó, một hồ sơ liên quan đến một khoản nợ của Licoricia ở Winchester, một nữ doanh nhân người Do Thái sau dó bị giết hại trong một vụ án mà kẻ thủ ác xuống tay, có thể là do căm thù bà qua việc thực hiện hợp đồng bán một nô lệ người Nga tên là Marta. Đó còn là hồ sơ thẩm vấn Eleanor Rykener, một gái mãi dâm mà theo quan điểm ngày nay, có thể được ghi nhận là một người phụ nữ chuyển giới.
Hạng mục về đời sống riêng chấp nhận một cách tiếp cận sâu sắc hơn với lịch sử phụ nữ thời Trung cổ. Các cuốn cầu nguyện, các văn bản hướng dẫn và các bức thư đã rọi ánh sáng vào cơ thể và sức khỏe phụ nữ cũng như mối quan hệ của họ với người họ yêu thương. Khả năng sinh sản cũng là những mối quan tâm, với một trích yếu y học tư vấn một chiếc bùa được làm từ tinh hoàn chồn để ngừa thụ thai và một cuốn khác kể về huyền thoại St. Margaret, thánh bảo trợ Cơ đốc giáo của phụ nữ mang thai.
Những bức thư của gia tộc Paston cũng được đưa vào triển lãm, với ba thế hệ một gia đình Anh và các thành viên của họ trước những rắc rối hôn nhân, tranh cãi về sở hữu đất đai và thậm chí cả bị tấn công chiếm giữ lâu đài. “Hãy gửi cho tôi cung tên, giáo mác, rìu chiến và áo giáp cho thuộc hạ”, Margaret Paston trong một bức thư gửi chồng vào năm 1448 sau khi kẻ thù chiếm lấy tòa lâu đài của gia đình ở Norfolk. Hai thập kỷ sau đó, Margaret từ mặt đứa con gái lấy người hầu, viết trong một bức thư cho con trai “gia đình chúng ta đã mất đi một người nhưng nó là một kẻ vô tích sự”.
Gia tộc Pastons là ‘một gia tộc giàu có mới nổi, vươn lên từ nông dân nhờ nắm lấy cơ hội tích tụ ruộng đất xảy ra sau Cái chết Đen vào thế kỷ 14”, Jackson nói. “Đến thế kỷ 15, họ đã tạo cho mình vị thế quý tộc nhỏ trong xã hội nhưng vị thế này vẫn bấp bênh, vì vậy họ thường tranh chấp với những gia đình khác trong khi tiếp tục củng cố địa vị trong hệ thống phân tầng xã hội”. Kho tàng gồm 1.000 bức thư và tài liệu là điều vô cùng hiếm trong thời kỳ này, vì những thư từ cá nhân “được xem như thứ phù phiếm, và sau khi nó hoàn thành sứ mạng thì người ta thường ném chúng đi”, Jackson giải thích. Các bức thư đã đem lại “một ý nghĩa lớn lao về những khía cạnh cá nhân của những người phụ nữ”, bà cho biết thêm “Có nhiều tình yêu, cái chết và cả tranh luận – cũng như cuộc chiến phàm tục trong đó nữa”.
Trong kho tàng thư từ của gia tộc Paston còn có một bức cũng mang nhiều tính thế tục, do người phụ nữ tên là Alice Crane gửi bạn mình, Margaret Paston. Đây là một trong số vài bức thư thời Trung cổ còn sót lại mà các nhà lưu trữ có, nó chứng thực tình bạn giữa những người phụ nữ. Nhờ những bức thư này mà các nhà sử học biết đến sự tồn tại của Alice Crane. Cô viết cho bạn mình “Cảm ơn bạn bằng tất cả trái tim vì sự ủng hộ lớn lao mà mình có được khi ở bên bạn”.
Phần cuối cùng của “Trong ngôn từ của chính họ” mở ra nhiều con đường mà trong đó tôn giáo định hình đời sống phụ nữ thời Trung cổ. Một vài cá nhân được đặc biệt chú ý, như St. Catherine ở Siena và nữ ẩn tu Anh Julian ở Norwich, lúc sinh thời đã được tụng ca như những người nhìn xa trông rộng, trong khi những nhười khác, trong đó có Kempe, Joan of Arc, lại từng bị kết tội là dị giáo. Dẫu Kempe hay Joan đều không biết đọc và viết nhưng người ta đã tìm được nhiều cách để khiến tiếng nói của họ được vang lên, Kempe được ghi lại câu chuyện của mình bằng nỗ lực của người chép thuê còn Joan of Arc thì có những người chứng kiến ở phiên tòa năm 1431. “Văn bản đã trao cho chúng ta cơ hội tiếp cận phiên tòa là một bằng chứng phi thường về cuộc đời của Joan, về quan điểm tinh thần của cô và các cấu trúc xã hội của thế giới mà cô sống”, nhà sử học Daniel Hobbins đã viết trong lời giới thiệu trong một bản dịch về phiên tòa vào năm 2005.
Giữa hai thái cực của những vị thánh và những người bị kết tội là những người phụ nữ tham gia vào các cộng đồng tôn giáo, dành cuộc đời thờ phụng Chúa. Cuộc triển lãm đã tái hiện những quy tắc nghiêm ngặt chi phối những xơ và nữ ẩn sĩ châu Âu thời Trung cổ và, từ quy định với các dạng thú cưng mà họ có thể nuôi đến trang phục họ mặc.
“Trong những ngôn từ của chính họ” có hình ảnh đời sống của các nữ tu “một sự tồn tại khá thảm khốc”, trong những văn bản, vải vóc công trình nghệ thuật tuyệt đẹp mà những người phụ nữ này tạo ra, đã đem lại một chiều hướng mới về những cuộc sống “phong phú về văn hóa”, Jackson nói. Hildegard of Bingen, một trưởng tu viện và nhà soạn nhạc dòng Benedict Đức thế kỷ 12, được tái hiện trong một câu nhạc từ một vở kịch hát luân lý nổi tiếng bậc nhất của bà và một bức thư mà bà chống lại một số thực hành mà một số người bên ngoài coi là “kỳ lạ và bất thường” ở tu viện của bà, ví dụ như các xơ được phép mặc váy lụa trắng và để tóc xõa.
Nhiều hiện vật được trưng bày đã có sự liên hệ trực tiếp với nhiều cá nhân cụ thể, dù họ tạo ra những hiện vật hay bảo trợ cho các hoạt động sáng tạo đó. Tuy nhiên có một số người vô danh, với những nhận diện về danh tính đã bị mất theo thời gian hoặc bị che khuất một cách cố ý. Đó là minh chứng cho những nỗ lực của Jackson và Harrison để những người phụ nữ xuất hiện như những cá nhân có những đặc điểm riêng, đa lớp, bất kể tên tuổi của họ ngày nay có được biết đến hay không.
“Trong khi phần nhiều tài liệu từ thời kỳ này nói với chúng ta rằng phụ nữ thời Trung cổ câm lặng, thụ động, đơn giản thì những phẩm vật họ tạo ra còn sót lại đến ngày nay lại kể với chúng ta một câu chuyện khác biệt”, TS. Pragya Agarwal, nhà nghiên cứu về bất bình đẳng giới và tác giả cuốn sách xuất bản năm 2022 Hysterical: Exploding the Myth of Gendered Emotions (Chứng cuồng loạn: Khám phá bí ẩn của những cảm xúc giới) viết trong một tiểu luận. “Người phụ nữ viết và sáng tạo ra những tác phẩm đó đều hết sức dũng cảm, tràn đầy căm giận và sắc sảo. Và những người như thế đủ thông minh để tìm được công cụ cho mình giúp khẳng định sức mạnh trong một nền văn hóa bắt họ phải câm lặng”. □
Tô Vân tổng hợp
Bài đăng Tia Sáng số 22/2024