Hiệp sỹ lang thang mê hoặc các nhà soạn nhạc

Thế kỷ XVII kỳ lạ được chứng kiến hai kẻ điên, Don Quichotte và Hamlet. Tuyên ngôn của Don Quichotte, và cũng là của Cervantes, "thưa bà, ở đâu có âm nhạc, ở đó không có chỗ cho cái ác" đã từng mê hoặc biết bao nhạc sỹ. Cùng với Shakespeare, Cervantes chắc chắn là thiên tài khơi nguồn cảm hứng nhiều nhạc sỹ nhất.

Mọi thời đại đều đã ngợi ca Don Quichotte như một tác phẩm “hiện đại”. Những người theo trường phái baroque đã tôn thờ sự hòa trộn các thể loại; những người cổ điển cảm nhận âm hưởng triết học trong các trò đùa cợt; những người lãng mạn thấy ở đó một bi kịch sâu sắc và coi Don Quichotte là một phần của chính cuộc đời mình; và những người hiện đại chúng ta thấy ở đó không bao giờ vơi cạn nỗi hoài niệm về một thiên đường đã mất, nơi hoàn toàn không có chỗ cho vô liêm sỉ.
Các nhà soạn nhạc được biệt đãi
Nếu như điện ảnh đã không có cơ hội với Don Quichotte (cả Orson Welles và Terry Gilliam đều đã thất bại), thì nhạc kịch lại rất có duyên với “anh chàng điên khùng đáng yêu” này. Vở opera đầu tiên được dựng năm 1680 tại Venise bởi một người tên là Carlo Sajon. Tuy nhiên, trong từ điển bách khoa về âm nhạc Gove lại chỉ có các tên: Purcell, Caldara (hai lần), Bodin de Boismortier, Martini, Piccinni (hai lần), Telemann, Philidor, Paisiello, Salieri, Grétry, Mercadante (hai lần), Mendelssohn, Donizetti, Clapisson, Hervé, Massenet, Turina, Falla… Và tất nhiên cả Jacques Brel cũng như tác phẩm của ông Homme de la Mancha. Bằng chủ nghĩa lý tưởng, bằng sự thuần khiết của mình, Hiệp-sỹ-có-khuôn-mặt-buồn là nhân vật được các nhà soạn nhạc ưa thích.

 
Don Quichotte (1897) – Richard Strauss

Với Don Quichotte, các nhà soạn nhạc được biệt đãi vì họ thấy ở đó tất cả: ấn tượng, ma lực, dịu dàng, kỳ cục… Nhưng rất ít người có thể rút ra được tất cả những phong phú của tác phẩm đồ sộ này (126 chương chứa đầy các cuộc phiêu lưu, các câu chuyện được kể lại và các chủ đề tán rộng). Trong hàng trăm tác phẩm âm nhạc dựa theo nhân vật Don Quichotte, thường thì khía cạnh khôi hài chiếm ưu thế trước năm 1800 và khía cạnh bi tráng nổi trội những năm sau 1980. Rất hiếm khi hài và bi hòa trộn được trong một tác phẩm âm nhạc, như trong tiểu thuyết. Trước một huyền thoại như Don Quichotte, cần phải có một thiên tài. Đó không phải là trường hợp của Massenet. Mặc dù vở opera của ông được đánh giá là tác phẩm nổi tiếng nhất về đề tài Don Quichotte, nhưng nó còn xa mới đạt được độ trung thành: Dulcinée là một phụ nữ “đẹp quý phái” chứ không giống như trong tiểu thuyệt là một người đàn bà xấu xí mà nhân vật chính tưởng tượng là người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Massenet và tác giả kịch bản đã biến “Hiệp sỹ lang thang” thành một vị Chúa đi theo con đường thập tự của mình.

 
Don Quichotte (1910) – Jules Massenet

Để tránh phân tán, rất nhiều nhạc sỹ đã tập trung vào cảnh hôn lễ của Camacho (chương 20 và 21 quyển 2). Thật đặc biệt khi đặt Don Quichotte và Sancho Panca ở hậu cảnh và đưa lên tiền cảnh câu chuyện có phần cổ điển về hai thanh niên (một giàu, một nghèo) cùng yêu một cô gái. Trong vở ballet của Marius Petipa (nhạc của Ludwig Minkus), viết năm 1896 tại Moscow, chính người đàn ông trẻ nghèo cuối cùng đã cưới được cô gái. Vai Don Quichotte đã được trao cho một “vũ công cá tính”. Còn Charles Favart lại dựa vào các cuộc phiêu lưu của vợ chồng công tước để viết Don Quichotte ở nhà nữ công tước, một tác phẩm được đánh giá cao.
Theo nhạc trưởng René Jacobs, kiệt tác của thời đại baroque là Don Chrisciotte della Mancia in Sierra Morena của Francesco Conti, sáng tác tại Vienne năm 1719. Tác phẩm cũng dựa vào Hôn lễ của Camacho. Về phần nhạc, Conti đã kết hợp giữa âm nhạc của Scarlatti với âm nhạc của Vivaldi. Scarlatti độc đáo với các giai điệu không thể đoán trước, còn Vivaldi cuốn hút bằng những giai điệu rất Venise. Vở bi hài kịch này đã được trình diễn mùa hè năm 2005 tại Festival de Beaune sau đó tại Festival d’Innsbruck.

 
 Don Quichotte à Dulcinée (1932) – Ravel

Strauss không đeo mặt nạ
Về độ trung thành với Cervantes, người đầu tiên cần phải kể đến là Richard Strauss: từ trước đến nay ông vẫn được coi là người “gần tác phẩm nhất”. Phải chăng sự thanh cao của nhân vật chính được thể hiện rõ hơn trong âm nhạc khi không phải vướng bận với những thỏa hiệp của sân khấu? Michael Kennedy, người viết tiểu sử của Strauss, đánh giá rằng Don Quichotte là tác phẩm duy nhất ở đó nhạc sỹ biểu lộ không cần mặt nạ. Trong bản độc tấu violoncelle, cá tính của Don Quichotte được thể hiện bằng violoncelle, nhưng không chỉ có mỗi violoncelle; Strauss đã tránh được cái bẫy của việc mô tả tính cách quá nặng nề và thô ráp. Bằng 10 biến tấu, ông đã xử lý các đoạn hay nhất: cối xay gió, cuộc giao tranh chống lại bầy cừu, sự vui mừng của Dulcinée, cuộc chiến cuối cùng chống lại “Kỵ binh của Mặt Trăng Trắng”, thông thái trở lại và cái chết. Cả Strauss và Massenet đều đã cho Don Quichotte chết trên cùng một nốt nhạc, nốt ré, phải chăng là để đánh dấu sự quay trở lại một hiện thực buồn (ré-alité), một sự từ bỏ hay cam chịu khó  nhọc  (ré-signation) hay một sự thác sinh (ré-incarnation)?
Những khám phá về nhạc khí của Strauss là phi thường: những nét clarinette đi xuống sử dụng âm bội để thể hiện sự điên loạn kỳ lạ của nhân vật chính, các thao tác vê đàn alto trên các quãng thứ để gây ra các tiếng be của cừu… Nhạc sỹ cũng dành nguyên đoạn biến tấu thứ ba (134 nhịp!) cho đối thoại giữa Hiệp sỹ và thày dạy cưỡi ngựa. Ý tưởng đơn giản nhưng rất tuyệt vời, bởi vì toàn bộ tác phẩm là đây. Và cuộc đối thoại là một thứ rất nhạc. Chính trong biến tấu này người ta nghe thấy chủ đề tuyệt vời về “thế giới lý tưởng” ở đó có một cái nhìn vừa bi vừa hài về tồn tại.

 
Gánh hát rong của Maitre Pierre (1923)

Nhạc sỹ Manuel người Tây Ban Nha cũng đã viết tác phẩm tuyệt vời nhất của mình dựa theo tác phẩm của Cervantes, Gánh hát rong của Maitre Pierre (chương 25-27, quyển 2). Chính công chúa Polignac đã đặt hàng Falla, Satie và Stravinsky mỗi người một vở múa rối. Satie đã viết Socratei, Stravinsky viết Con cáo và Falla, người duy nhất tuân theo đơn đặt hàng, đã viết Gánh hát rong. Từ khi còn rất trẻ đã đam mê múa rối, Falla đã thực hiện thành công thủ thuật “tác phẩm trong tác phẩm” bằng cách đi theo hai tình tiết: Chanson de Roland trong rạp múa rối và Don Quichotte phá những con rối. Tác giả đã trung thành tuân theo cấu trúc chương hồi của tiểu thuyết. Trên thực tế, Cervantes đã viết “truyện trong truyện”: trong phần thứ hai, ông cho nhân vật chính gặp các nhân vật đã đọc các cuộc phiêu lưu của mình trong phần thứ nhất…
Về những tác phẩm gần đây, cần phải nhắc tới Don Quichotte ở Barcelona của Turin, DQ ở Barcelona, do La Fura dels Baus dựng năm 2000 tại Barcelona và Don Quijote của Cristobal Halffter, dựng năm 2000 tại Madrid. Chúng ta cũng không quên Những hình ảnh của Don Quichotte của Maurice Ohana (1956) và Hiệp sỹ lang thang, do Jacques Ibert dựng tại Nhà hát nhạc vũ kịch Paris năm 1947.

Anh Thư 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)