Hiểu Nho văn không dễ

Chữ Nho có những đặc điểm nổi bật là lời ít ý nhiều, lại không có dấu ngắt câu, không viết hoa danh từ riêng... nên gây rất nhiều khó khăn cho người học, người đọc. Trong lịch sử ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc vẫn còn ghi lại nhiều giai thoại, nhiều vụ án văn tự ly kỳ, mà hậu quả có khi còn ảnh hưởng đến cả những sự việc quan trọng của quốc gia.  

Trước hết cần giới thuyết từ “Nho văn”, tại sao ở đây không dùng từ “Hán văn”, mà lại dùng “Nho văn”? Bởi Hán văn để chỉ riêng chữ của dân tộc Hán, tức Trung Quốc; nhưng thực sự chữ Nho xưa dùng chung cho các nước Đông phương như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, nên gọi là “Hán văn” không ổn. Hơn nữa nếu chiết tự ra, thì Nho 儒 do chữ nhân 亻và nhu 需 gộp lại, có nghĩa là nhu cầu cần thiết cho con người nói chung, vậy Nho văn không phải là của riêng Trung Quốc.

Tại sao hiểu Nho văn không dễ? Có thể nêu lên những lý do như chữ Nho không có dấu chấm câu, không viết hoa danh từ riêng, lại quá cô đọng.

Về những nhược điểm nêu trên, người viết xin kể lại một câu chuyện tiếu lâm được nghe hồi còn nhỏ, tạm đặt nhan đề là “Bảy mươi nghe lời bảy mốt”, câu chuyện đại lược như sau.

Làng kia có hai ông lão 70 và 71 tuổi. Ông 70 nhà giàu, vợ mới chết, có một cô con gái đã đi lấy chồng, ông 71 làm nghề hốt thuốc Bắc. Hai ông chơi thân với nhau nên thường gặp gỡ chuyện trò tâm sự. Một hôm, ông 70 có vẻ buồn rầu phàn nàn với bạn về cảnh già không có con trai nối dõi tông đường. Ông 71 nói:

– Có cô Ba cuối làng đẹp gái, thắt đáy lưng ong, dáng mắn con, nếu bác chịu tôi sẽ làm mai cho.

Ông 70 nói:

– Tôi già rồi, con gái trẻ sao chịu lấy tôi, nếu lấy thì cũng vì của cải, rồi cũng tìm cách bỏ đi mà thôi.

Ông 71 tủm tỉm cười và bảo:

– Việc đó để tôi lo cho.

Vài hôm sau cô Ba đến hốt thuốc cho mẹ, nhân phàn nàn cảnh nhà nghèo khó, thầy lang 71 bèn ướm lời:

– Ông phú hộ 70 trong làng vừa chết vợ, nếu cô bằng lòng lấy ông ta thì chẳng lo gì nghèo đói.

Cô gái lắc đầu trả lời:

– Ông già sắp chết, cháu lấy ông ấy để làm gì?

Ông 70 nói:

– Ông ấy uống thuốc của tôi, tôi sẽ cắt thuốc cho ông chết lẹ hơn, để cô đi lấy chồng khác.

Cô gái chần chừ, rồi cuối cùng vui vẻ chấp thuận.

Đám cưới xong, cô gái đến ông thầy lang lấy thuốc cho ông chồng già và không quên nhắc lại lời hứa cũ, hẹn sau khi thành công sẽ hậu tạ.

Thầy lang 71 cắt thuốc xong, căn dặn rằng:

– Uống thuốc này ăn kèm với lòng heo và bún, thì sức công phạt mạnh, kiến hiệu như thuốc thần.

Chẳng dè thuốc toàn những vị bổ như sâm nhung, lại kèm với thức ăn bổ, nên ông già 70 trở nên sung sức, ham việc chăn gối nên chẳng bao lâu cô gái có bầu, sinh được cậu con trai.

Tuy nhiên, sự sung sức của ông già 70 chỉ là tạm thời, như ánh lửa bùng lên của ngọn đèn dầu sắp tắt, ông biết mình không sống được bao lâu, bèn đến tâm sự với ông 71:

– Bác đã giúp em có được cháu bé, nhưng “chữa bệnh chứ không chữa được mệnh”, sau khi em mất xin bác tìm cách chu toàn cho cháu.

Ông 71 cẩn thận rút trong túi áo ra mảnh giấy, rồi ân cần trả lời:

– Tôi đã suy nghĩ giúp bác về việc này, trước hết bác hãy đặt tên cho cháu là Phi, ở đây “tai vách, mạch rừng” không tiện nói ra, bác hãy làm theo lời tôi viết trong giấy.

Vài tháng sau, ông 70 mất. Theo sự chỉ vẽ của ông già 71, trước đó ông soạn tờ chúc thư ngắn gọn như sau:

Thất thập tuế sinh phi ngô tử dã gia tài điền sản giao nhữ tử tế ngoại nhân bất đắc vọng tranh.

Tờ chúc thư viết theo lối cổ, không có dấu chấm câu, không viết chữ hoa, ý nghĩa không rõ, nên xảy ra vụ kiện đòi gia tài giữa vợ chồng cô con gái ông 70 và cô Ba, người vợ trẻ.
Sự việc được đưa lên công đường viên quan huyện. Thầy kiện phe người con gái và chàng rể, ngắt câu chúc thư trên như sau và giải thích:

Thất thập tuế sinh, phi ngô tử dã. Gia tài điền sản giao nhữ tử tế, ngoại nhân bất đắc vọng tranh.

(Bảy mươi tuổi mà sinh con, nó không phải là con ta. Gia tài điền sản giao cho con rể, người ngoài không được tranh giành một cách sai trái).

Theo lối ngắt câu này, thì ông 70 không công nhận cậu bé sơ sinh là con mình. Nhưng thầy kiện phe người vợ trẻ và con nhỏ cũng không vừa, bèn ngắt câu chúc thư nêu trên theo cách khác và giải thích như sau:

Thất thập tuế sinh Phi, ngô tử dã. Gia tài điền sản giao nhữ tử, tế ngoại bất đắc vọng tranh.

(Bảy mươi tuổi sinh thằng Phi, nó là con ta vậy. Gia tài điền sản giao cho thằng con, rể là người ngoài không được tranh giành một cách sai trái).

Viên tri huyện nghe lời giải thích của hai bên đều có lý, bèn phán quyết trung dung rằng:

– Gia tài giao cho người con gái và rể tạm thời quản lãnh, nhưng phải chia một nửa lợi tức cho người vợ trẻ để nuôi con là Phi.

Phán quyết tuy chẳng có gì sáng suốt, nhưng nhờ đó tài sản không bị bán thất thoát và chị vợ trẻ nghèo không làm chủ tài sản trong tay, nên đành ở lại nuôi con để được lãnh hoa lợi hàng năm.

Thấm thoắt Phi lớn lên, cậu được cho ăn học, nên hiểu biết khá chữ nghĩa. Năm 18, cậu đến tuổi trưởng thành, bèn đứng đơn kiện đòi gia tài. Lúc này đã có viên tri huyện khác đến trấn nhậm. Viên quan mới được dân chúng ca tụng là anh minh, nghiên cứu kỹ hồ sơ, đọc đi đọc lại bản chúc thư nhiều lần, rồi hỏi cậu Phi:

– Ngoài chúc thư ra, khi cha người còn sống có thường hay nói điều gì không?

Cậu Phi trả lời:

– Mẹ con kể lại rằng cha thường nằm trên võng bế con và ru:

Thương con cha để trong lòng,
Chẳng phải áo ướt mà phong ra ngoài.

Vị quan huyện gật gù:

– “Trong lòng” người chết tức trong chiếc bài vị. Các người hãy đến nhà thờ ông này, lấy bài vị đưa đến đây chẻ ra xem sao?

Viên đề lại tuân lệnh, cùng lính đến nhà thờ lấy bài vị đem đến. Vị quan cho chẻ ra ngay tại công đường, quả nhiên trong bài vị có tờ chúc thư ngắt câu như sau:

Thất thập tuế sinh Phi, ngô tử dã. Gia tài điền sản giao nhữ tử, tế ngoại bất đắc vọng tranh.

(Bảy mươi tuổi sinh thằng Phi, nó là con ta vậy. Gia tài điền sản giao cho thằng con, rể là người ngoài không được tranh giành một cách sai trái).

Nhờ chúc thư này, cậu Phi con trai ông già 70 được lãnh gia tài, và bà vợ trẻ phải bám vào gia sản của người con trai, nên trở thành người đàn bà thủ tiết thờ chồng bất đắc dĩ!

*
* *

Khó khăn của văn Nho không chỉ nằm trong câu chuyện tiếu lâm nêu trên, nó còn để lại trong các văn bản chính thức của triều đnh, mà sự sai sót nghiêm trọng có thể hệ lụy đến cả tính mạng. Thanh thực lục ghi lại hai trường hợp vua Càn Long nhận được lời tấu sai về sự việc có liên quan đến Việt Nam. Một lần do Tổng đốc Lượng Quảng Tôn Sĩ Nghị gây nên, lần sau do Tổng đốc Phúc Khang An, xin lần lượt nêu lên như sau.

– Năm Mậu Thân [1788], gia đnh vua Lê Chiêu Thống trốn tránh nhà Tây Sơn, sang Long Châu, Trung Quốc. Viên Tri đạo Tả Giang là Lục Hữu Nhân bèn viết tờ trình lên Tổng đốc Lượng Quảng Tôn Sĩ Nghị tại tỉnh Quảng Đông và Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh tại tỉnh Quảng Tây. Đến lượt hai viên đại quan họ Tôn lập tức gởi tờ tâu sự việc lên vua Càn Long. Tờ tâu của Tôn Vĩnh Thanh không có vấn đề gì, nhưng tờ tâu của Tôn Sĩ Nghị hiểu sai rằng có mặt vua Lê Chiêu Thống [Lê Duy Kỳ] trong đám tỵ nạn:

Ngày Canh Tuất tháng 6 năm Càn Long thứ 53 [22/7/1788]

Dụ các Quân cơ đại thần: Tổng đốc Lượng Quảng Tôn Sĩ Nghị tâu những lời như sau:

Nhận được tờ bẩm của đạo Tả Giang, cả gia đnh tự tôn(1) nước An Nam đã đến nương nhờ nội địa, hiện đã truyền hịch cần ước lượng liệu biện; rồi trong ngày rong ruỗi đến Long Châu,(2) quan sát tình hình, để tâu lên đầy đủ.” Việc này, căn cứ vào lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh trước đây, Trẫm sợ rằng viên Tuần phủ không có đủ chủ kiến để lo liệu, nên đã lập tức ra chỉ dụ mệnh Tôn Sĩ Nghị cấp tốc đến nơi tra biện. Nay viên Tổng đốc không đợi chỉ dụ, lập tức khởi trình; như vậy là biết tính toán sự khinh trọng được mất, thật không thẹn với nhiệm vụ của đại thần được phong đất, thực đáng khen. Trước kia trong tấu triệp của Tôn Vĩnh Thanh, không đề cập đến tự tôn Lê Duy Kỳ, cũng không cho biết hơn 60 người đến là những ai, từng dụ rằng phải điều tra minh bạch, rồi tâu lên lập tức. Nay theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, mới biết rằng Lê Duy Kỳ cũng cùng đến. Nhưng Lê Duy Kỳ đích thân đem cả gia quyến đến nội địa, sao trong tờ trình chỉ có viên Di quan(3) Nguyễn Huy Túc đứng tên… (Cao Tông thực lục, quyển 1.307, trang 595-596).

Trong đạo dụ kế tiếp, vua Càn Long nhận ra là Tôn Sĩ Nghị đã tâu sai, thực sự vua Lê Chiêu Thống [Lê Duy Kỳ] không cùng đi với gia đình đến tỵ nạn. Tuy nhiên Tôn Sĩ Nghị đã tình nguyện đến tận nơi để giải quyết, việc này trúng ý với vua Càn Long, nên không bị trách. Hơn nữa, Tôn Sĩ Nghị là tiến sĩ xuất thân, đã từng lãnh nhiệm vụ duyệt sách đưa vào Tứ khố toàn thư; một người từng đảm trách nhiệm vụ quan trọng như vậy thì không thể là người dốt, nên được lờ đi và cho đó là một sự việc xảy ra ngoài ý muốn.

Ngày Đinh Tỵ tháng 6 năm Càn Long thứ 53 [29/7/1788]

Dụ các Quân cơ đại thần: Trước đây nhân Tôn Sĩ Nghị tâu rằng Lê Duy Kỳ đích thân mang bà con đến xin tá túc, trong đơn ghi tên Lê Duy Kỳ đứng đầu. Lê Duy Kỳ là cháu nối dõi của vương nước An Nam, tuy chưa được thụ phong, nhưng là người đáng được nối dõi nên cũng không khác gì quốc vương. Y lại mang gia quyến đến xin tá túc, tình trạng giống như cả nước này đã bị họ Nguyễn soán đoạt, sợ phải tìm biện pháp trù biện.

Nay theo sự điều tra rõ của Tôn Sĩ Nghị, tự tôn nước này chưa cùng với gia quyến đến, người trong nước này theo giặc cũng chỉ có những xứ như Mục Mã, Lạng Sơn; còn phía tây thành nhà Lê cùng các vùng phía bắc đều không chịu hàng giặc… (Cao Tông thực lục, quyển 1.307, trang 607-609).

– Trường hợp sai lầm của Tổng đốc Lượng Quảng Phúc Khang An, người nhậm chức sau Tôn Sĩ Nghị, có thể tóm tắt như sau: Theo lệ nhà Thanh cho phép kiểm duyệt thư tín của sứ thần ngoại quốc. Bấy giờ nhà Thanh đã hòa hoãn với nhà Tây Sơn, sứ thần Nguyễn Quang Hiển [cháu vua Quang Trung] đến Trung Quốc. Phúc Khang An bèn kiểm duyệt thư của vua Quang Trung gởi Nguyễn Quang Hiển; viên Tổng đốc này hiểu lầm nội dung thư và tâu sai rằng vua Quang Trung muốn may áo mãng bào(4) theo kiểu nhà Thanh. Điều này rất quan trọng, vì nếu vua Càn Long không kịp thời thấy được sự sai lầm, thì đã sai người may sẵn áo mãng bào để tặng vua Quang Trung trong buổi gặp mặt. Nếu trường hợp này xảy ra, rất có thể vua Quang Trung [giả] không bằng lòng mặc quốc phục nhà Thanh, việc này sẽ gây khó khăn trong bang giao giữa hai nước, mà lúc bấy giờ vua Càn Long đang muốn lấy lòng. Vua Càn Long thừa biết Phúc Khang An gốc Mãn Thanh, chữ nghĩa chẳng có bao nhiêu, lại đang cần dùng để đem vua Quang Trung [giả] đến dự lễ khánh thọ, nên chỉ trách móc sơ sài, và quay sang quở trách bọn thư lại dưới quyền y nặng nề.

Ngày 27 tháng 3 năm Càn Long thứ 55 [11/5/1790]

Dụ các Quân cơ đại thần: Theo lời tấu mới đây của Phúc Khang An thì Nguyễn Quang Bình gởi mẫu xin dệt áo bào, chỉ là kiểu áo cổ tròn của nhà Hán, bây giờ Trẫm mới biết rằng lời tấu trước kia là sai lầm.(5) Lỗi do trong tấu triệp của Phúc Khang An có câu như “Viên Quốc vương hâm mộ lễ phục của Trung Hoa… Nguyễn Quang Hiển đã mua áo mãng bào từ Hán Khẩu tỉnh Hồ Bắc mang về v.v…”. Duyệt tấu triệp, tìm hiểu ý qua lời văn, Trẫm nhất thời nghĩ rằng mua áo mãng bào [áo bào Mãn Thanh] tại Hán Khẩu, không thể sửa thành áo cổ tròn được [áo bào nhà Hán]; nên cho rằng viên Quốc vương hâm mộ phong tục đẹp đẽ của nước ta, sau khi đến Nhiệt Hà sẽ chiều theo ý số đông, đổi sang y phục Trung Quốc [nhà Thanh] để biểu lộ tấm lòng cung kính; bèn giáng chỉ hỏi han, mà không biết rằng lời bẩm xin của nước này không phải như vậy; nên họ có thể hiểu lầm rằng Trẫm muốn cưỡng bách [Nguyễn Quang Bình] cải hoán y phục, đó là điều sai lầm!

Nay duyệt tấu triệp của Phúc Khang An, có câu “Lúc này chưa tiện hỏi việc này” tức y đã biết sai lầm nhưng không dám nói trắng ra. Phúc Khang An chịu ơn sâu của Trẫm, giao trọng trách biên thùy, lo liệu việc An Nam. Y thấy Nguyễn Quang Bình xin vào triều cận, biên thùy yên tĩnh, thì trong lòng không khỏi cao hứng, lúc tấu thêm thắt vào, khiến sai bản ý. Như tấu triệp trước xưng “Hâm mộ Trung Hoa lễ phục, tại Hán Khẩu mua áo mãng bào”; thử nghĩ xem áo mũ nhà Hán, không đúng chế độ của bản triều, chỉ có thể gọi là áo cổ tròn, sao gọi là mãng bào? Lại càng không thể gọi là lễ phục của Trung Hoa! Đây chắc do những tên thư lại kém cỏi dưới trướng, soạn bản thảo chắp nhặt câu văn, Phúc Khang An không rành văn nghĩa, lại không chịu tra cứu kỹ, cứ chép nguyên văn tâu lên, nên sai lầm như vậy! Nghĩ lại càng phiền muộn! Bọn thư lại kém cỏi đó, không thể dung thứ được! Nay truyền dụ cho Phúc Khang An đứng tiết lộ những lời trong chỉ dụ này và chỉ dụ trước, coi như không có là tốt. Nếu Nguyễn Quang Bình đã đến quan ải, trong lúc trò chuyện y có đề cập tới, thì hãy đem sự việc tâu trình thành thực, không được che đậy chút nào. (Cao Tông thực lục quyển 1.361, trang 93-94).

Việc chữ Nho xưa không viết hoa các danh từ riêng, mãi mãi còn gây hệ lụy. Trong một công trình phiên dịch công phu hàng mấy ngàn trang do Tiến sĩ Geoff Wade phụ trách nhan đề The Ming Shi-lu as a source for Southeast Asian History [Minh thực lục, một nguồn sử liệu Đông Nam Á. Thỉnh thoảng người đọc bắt gặp những sai lầm vì người dịch không nhận ra danh từ riêng. Cụ thể tại bản dịch bài sớ của viên Tham tri Bộ Hộ tên Đường Trụ, khuyên vua Gia Tĩnh triều Minh đứng mang quân đánh nước ta dưới thời Mạc Đăng Dung, trong đó có câu dẫn chứng về việc quân lính của Mã Viện bị chết đến một nửa, nguyên văn và lời dịch như sau:

Thần khảo Mã Viện nam chinh mộc lịch lãng bạc sĩ tốt tử giả kỷ bán

[Minh thực lục, Thế Tông, quyển 195, trang 1b], được dịch như sau:

“I have studied Ma Yuang’s southern expedition. It had to proceed through great waves and high seas and nearly one half of the troops died”.

Giả sử người dịch được đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, qua đoạn:

“Mã Viện là một danh tướng nhà Đông Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ để phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng Bạc,(6) gặp quân Trưng Vương hai bên đánh nhau mấy trận.”(7)

Thì sẽ không cho lãng bạc là biển cả sóng dữ [great waves and high seas] như trong bản dịch tiếng Anh, mà chỉ dịch giản dị là Lãng Bạc lake mà thôi!

CHÚ THÍCH
(1)    Tự tôn: người cháu nối dõi, chỉ Lê Duy Kỳ tức vua Lê Chiêu Thống.

(2)    Long Châu là tên một châu thuộc đạo Tả Giang, giáp với tỉnh Cao Bằng nước ta tại ải Đấu Ao.

(3)    Di quan: viên quan người Di, chỉ quan Việt Nam. Trung Quốc theo lối kỳ thị chủng tộc, gọi nước ta là Nam Di.

(4)    Áo mãng bào: áo bào thêu hình con mãng xà.

(5)    Xem Thanh thực lục, dụ ngày 27 tháng 2 năm Càn Long thứ 55 [1790].

(6)    Theo Đại Việt sử ký toàn thư chú thích, Lãng Bạc là hồ Tây, nay thuộc Hà Nội.

(7)    Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, bản trên mạng của Viện Việt học, trang 15.

 

Tác giả

(Visited 122 times, 1 visits today)