Hilary Hahn: “Tôi luôn thích có những tác phẩm của Bach đợi mình ở phía trước”
Tại sao nghệ sĩ violin Hilary Hahn đợi hơn 20 năm để hoàn thành các bản thu âm sáu sonata và partita cho violin độc tấu của Bach? Laurie Niles – một cựu nghệ sỹ violin và một tác giả chuyên viết về các nghệ sỹ violin đã trao đổi với Hilary Hahn về album mới của cô do Decca Classics phát hành ngày 5/10/2018.
Nghệ sỹ Hilary Hahn. Ảnh: Dana van Leeuwen/Decca.
“Tôi luôn thích có những tác phẩm Bach đang đợi mình ở phía trước”, Hilary nói khi trò chuyện với tôi qua điện thoại vào tháng trước giữa những chuyến đi của cô. “Một khi bạn đã thu âm Bach, tất cả những gì bạn có thể làm trong tương lai là tái thu âm Bach theo các dự án!”
Sáu sonata và partita của Bach mà Hilary Hahn thu âm thuộc số các tác phẩm được yêu thích và kính nể nhất trong nhạc mục violin. Được viết khoảng 300 năm trước, chúng thu hút khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ violin trong hàng thế kỉ. Chùm tác phẩm – được viết cho violin độc tấu – gồm ba sonata, mỗi sonata có bốn chương nhạc, trong đó luôn có một chương fugue – fugue ba bè được viết cho một người duy nhất chơi trên cây đàn violin duy nhất. Xen kẽ giữa các sonata là ba partita với nhiều chương nhạc dựa trên nhiều loại vũ khúc khác nhau. Đó thực sự là một liên khúc sử thi với 28 chương nhạc.
Vì các sonata và partita này là các tác phẩm độc tấu, không cần tới sự tham gia của các nghệ sỹ khác nên Hilary cho rằng “không phải chớp lấy thời điểm thu âm mà chỉ đợi tới ‘đúng lúc’.” May thay cho những người đã chờ đợi, giờ đã là “đúng lúc”: Hilary phát hành album Hilary Hahn Plays Bach gồm ba bản đầu tiên trong số các sonata và partita của Bach: Sonata No. 1 giọng Son thứ; Partita No. 1 giọng Si thứ; và Sonata No. 2 giọng La thứ. Bản thu âm ba tác phẩm còn lại từng ra mắt năm 1997, trong album đầu tiên của cô cũng tên là Hilary Hahn Plays Bach, được thực hiện khi cô 16 tuổi và 17 tuổi.
Con đường đến với Bach
Về việc hoàn thành chùm tác phẩm độc tấu của Bach, thoạt đầu Hilary dựa trên số tuổi của mình khi đặt ra một hạn chót: Cô sẽ thu âm phần còn lại khi đạt đến độ tuổi gấp đôi độ tuổi của cô lúc thực hiện bản thu âm đầu tiên. “Rồi tôi đến tuổi 32 và nhận ra mình đã gấp đôi số tuổi đó rồi! Tôi cho rằng mình nên bắt đầu suy nghĩ về việc này, nếu sắp sửa quá tuổi thực hiện nó. Nhưng tôi đã tiếp tục lần lữa, tôi thật sự không biết tại sao. Tôi nghĩ có thể nó không hoàn toàn đúng thời điểm. Rồi tôi nhận ra vài năm đã trôi qua kể từ khi mình thực hiện loạt buổi thu âm, và tôi nghĩ thời gian đi đâu mất rồi? Có lẽ tôi nên làm gì đó với nó.”
“Tôi nghĩ mình có thể tận dụng cơ hội thu âm lại cái gì đó – trước khi nó vuột mất”, cô bảo. Cuối cùng cô cũng mở các bản thu cũ, giữ lời hẹn và thu âm lại toàn bộ. “Tôi đã cố gắng lại một lần nữa, và tôi chọn lọc các tác phẩm từ các bản thu cũ và cả từ các bản thu mới.”
“Vì vậy, tôi đã thu âm toàn bộ album bằng hai cây violin khác nhau trong hơn hai loạt buổi thu âm cách nhau bốn hoặc năm năm với các cây vĩ khác nhau. Đa phần là từ các bản thu mới.”
Đợi một chút, hai cây violin khác nhau ư, từ lúc nào vậy, tôi hỏi.
“Tôi có hai cây Vuillaume”, Hilary giải thích. Thứ nhất là cây Vuillaume 1864 mà cô đã dùng để thu âm hầu hết các album của mình và “vài năm trước tôi có một cây khác, một cây Strad model 1865. Tôi thấy thực sự hữu ích khi có thứ gì đó cho mình cảm giác rất quen thuộc nhưng hơi khác một chút”. Cô nói về cây Vuillaume 1864: “Tôi đã chơi nhạc cụ đó rất lâu, dù rất nhiều khía cạnh về kỹ thuật của tôi thay đổi – mọi thứ mà tôi đã thực hiện khi tập luyện và biểu diễn đã kết nối nó với tôi. Có thời gian cô bị chấn thương và sau khi chữa lành, “tôi bắt đầu quay lại với cây Vuillaume 1864. Tôi đã nghỉ ngơi và tái khám phá kỹ thuật của mình. Khi mình mở hộp đàn để tập, tôi cảm thấy cây violin ấy ẩn chứa rất nhiều thứ bên trong.” Vậy điều gì đã xảy ra? “Tôi chưa hoàn toàn hiểu được cách mà mình gắn bó với nó. Và đột nhiên có cảm giác như chơi dễ dàng hơn rất nhiều”, cô nói. Nó như thể là một sự khởi đầu mới mẻ. “Có cảm giác như một gánh nặng đã được gỡ bỏ, có cảm giác như mình tự do hơn và thể hiện bản thân mình tốt hơn.”
Hilary nói: “Với tôi, lần thu âm này là một kiểu vòng cung. Khi thu âm album thứ nhất, tôi đã ở một vị trí khác: tôi vẫn còn là sinh viên và đang làm quen với quy trình thu âm.” Lần thu âm đó được thực hiện tại Hội trường âm nhạc Troy Savings Bank – một hội trường lớn ở tầng trên cùng một chi nhánh Troy Savings Bank tại Troy, New York. Studio không được cách âm tốt nên phải thu âm sau giờ làm việc để tránh tạp âm. “Chúng tôi thu âm qua đêm, vì vậy khá là vui và đáng nhớ.”
Với lần thu âm này, Hilary có nhiều quyền quyết định. “Giờ thì tôi là đồng sản xuất của album, ra những quyết định về việc chúng tôi sẽ thu âm nó khi nào và ở đâu, tự lắng nghe các lượt thu âm của chính mình.” Cả hai lượt thu âm cho album này được thực hiện tại Nhà hát Sosnoff thuộc Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Fisher của Đại học Bard. “Việc thu âm hai lượt thậm chí còn tạo cho tôi cảm giác kết nối với dự án hơn. Tôi ra rất nhiều quyết định trong suốt quá trình thu âm và thử nghiệm. Nhưng ngược lại tôi thường xem một bản thu âm như một bức chân dung của một ngày cụ thể và coi đó là sự thay đổi cách mình ‘hiểu’ Bach.”
Rất nhiều thế hệ nghệ sĩ violin đã nghiên cứu, biểu diễn và thu âm các sonata và partita của Bach, có vô vàn cách diễn dịch, từ các nghệ sĩ theo khuynh hướng Lãng mạn đầu thế kỉ 20 với các cách vibrato (ngân rung), glissando (vuốt) và các tempo (tốc độ) chậm hơn tới phong cách sôi nổi và hoa mỹ của các nghệ sỹ thời kỳ gần đây hơn, chơi bằng các cây vĩ Baroque và dây đàn bằng ruột thú. Các cách diễn dịch Bach của Hilary nằm ở đâu trong một phổ rộng như vậy? “Tôi đã được một thế hệ rất đặc biệt dạy chơi tác phẩm của Bach và dạy cách lắng nghe Bach”, cô nói. Những người thầy của cô là Klara Berkovich và Jascha Brodsky “đã tiếp nối truyền thống của Kreisler, Heifetz, Milstein, Szeryng, Grumiaux, Oistrakh”. Vì vậy, “đó là một cách chơi Bach rất đặc biệt, không hề là một phong cách chơi Bach kiểu ‘Baroque’ mà là chơi theo thứ ở trong tai tôi, nó tự nhiên với tôi về thể chất, và là cách tôi có thể biểu hiện bản thân một cách trọn vẹn nhất trong âm nhạc. Tôi không cảm thấy cần phải thay đổi bản chất của nó bởi có thể khám phá rất nhiều con đường khác nhau ngay trong phạm vi riêng biệt đó,” Hilary Hahn giải thích.
Mặc dù vậy, Hilary đã lắng nghe, nghiên cứu và thử nghiệm rất nhiều. “Tôi thích rất nhiều tempo (tốc độ) và tính linh hoạt ở các cách diễn dịch Baroque và phong cách thực hành biểu diễn, và vì vậy tôi cố gắng kết hợp nó vào lối chơi của riêng mình.”
Những ý tưởng mới trong cách chơi Bach
Khi nói đến Bach, đôi khi mọi người cảm thấy gượng gạo do nhận thức rằng có chỉ cách “đúng” duy nhất để chơi nhạc, tôi hỏi Hahn. “Đó là một suy nghĩ cứng nhắc, và tôi không nghĩ nó có ích. Và sẽ không hiệu quả với khán giả nếu bạn sắp làm điều gì đó mà chính mình không cảm thấy bị thuyết phục,” cô trả lời và giải thích thêm về cách làm của mình: “Tôi thích những bản thu âm tác phẩm thời kỳ Baroque của nghệ sỹ violin kiêm nhạc trưởng Andrew Manze nên đã gọi cho anh ấy và nói: ‘Tôi chỉ không biết làm gì với nốt trang trí (ornamentation) và lời khuyên tôi nhận được là hãy làm cái mà bạn cảm thấy đúng”.
Vậy cô có thực hiện theo lời khuyên này? “Nhìn chung đó là lời khuyên tốt. Dĩ nhiên bạn nên tự nghiên cứu và phải có lòng tin vào bản thân để rút ra được quan điểm âm nhạc của mình. Có một yếu tố tinh tế nào đó trong âm nhạc mà nếu nghệ sỹ không cảm thấy gắn kết được với nó thì sẽ không thể tự tin và cũng không thể hiện được sự tinh tế ấy. Tôi nghĩ rằng sẽ không hiệu quả nếu ‘nhốt’ bản thân vào điều tự cho là ‘nên” làm. Vì thế, rất dễ để nói khi nào ai đó không thoải mái khi đang chơi Bach.” Ví dụ như khi chọn tốc độ nhanh thế nào để chơi một chương nhạc ư? “Tôi nghĩ nên cân nhắc sơ bộ, liệu nó có cho cảm giác là một tốc độ thực sự tự nhiên hay cảm giác thoải mái và phù hợp với phần âm nhạc của tác phẩm? nghệ sỹ truyền tải điều gì khi chơi tempo này?”
Bach luôn thách thức người chơi và buộc họ phải phân tích tác phẩm kỹ lưỡng, ví dụ như Partita No. 1 giọng Si thứ, tác phẩm có bốn chương vũ khúc, mỗi chương lại có một “Double” – mỗi chương nối tiếp bằng một biến tấu được gọi là double trong tiếng Pháp. Điều đó nghĩa là gì? Đã có rất nhiều tranh luận – phải chăng nó được cho là cần chơi ở tempo nhanh gấp đôi đúng theo nghĩa đen? Có thể lắm nhưng theo Hahn, “nó có thể được hiểu theo nhiều cách khác nữa. Tôi chắc chắn rằng có người sẽ nói rằng nên chơi ở cùng tempo. Thành thật mà nói, tôi đã cố gắng gắn bó với vài kiểu tempo, nhưng mỗi kiểu lại có đời sống riêng của mình trong buổi hòa nhạc. Nên thay vì buộc phải theo một cách nào đó, tôi tập dượt để tìm ra sự kết nối – nhưng tôi tập theo nhiều kiểu kết nối khác nhau, không chỉ về tempo khi tìm kiếm các kết nối trong cách nhấn và các kết nối trong khái niệm. Tôi mường tượng chuyển động vật lý của các nốt nhạc này là gì, chúng liên quan thế nào trong hai phần, và làm sao tôi có thể giữ được dòng suy nghĩ đó dù thay đổi tempo, thay đổi cấu trúc và nhịp độ?”.
Nếu muốn giữ mối quan hệ tempo nghiêm ngặt về mặt toán học thì “bạn không thể kiểm soát màn biểu diễn theo cách đó đâu mà sẽ chỉ cuống quít đến rối tung lên. Đó là điều từng xảy ra với tôi!”
Với dự án cuối cùng đã hoàn thành này, Hilary không định đưa Bach lên kệ ngay. Trong thực tế, trọng tâm lớn mùa diễn 2018-2019 của cô là Bach với các buổi độc tấu sắp diễn ra trên toàn thế giới, cũng như các buổi biểu diễn các bản concerto.
“Tôi chỉ có thể tiếp tục công việc cho dự án này mỗi ngày, tiếp tục tìm tòi trong đó”, Hilary nói về các sonata và partita. “Với tôi, dường như trong âm nhạc luôn có những tiềm năng vô tận. Tôi không biết làm thế nào để nó thành có thể, không có nhiều nốt nhạc trong các tác phẩm này! Nếu giải một số kiểu phương trình toán học, bạn sẽ nghĩ rằng rốt cuộc mình cũng tìm ra mọi tổ hợp về cường độ, tốc độ và nốt nhạc. Song ngay cả trong chương nhạc ngắn nhất, nhanh nhất và không có biến tấu double thì khi chơi nó, tôi vẫn có những ý tưởng mới và khác biệt một cách quyết liệt. Nó nảy ra trong tôi do sự thôi thúc của tình thế.”
“Có cái gì đó trong thứ âm nhạc này khiến nó thích ứng với việc không ngừng hàn gắn nghệ thuật trình diễn. Có rất nhiều thứ trong âm nhạc phức điệu, rất nhiều cái nghịch tai-thuận tai, rất nhiều tính kịch trong đó, ngay cả khi nó dường như rất dễ hiểu. Có rất nhiều cách để phục hồi, tái dựng cấu trúc đó. Điều này nghe thật trừu tượng song không phải thế; nó là một quá trình sáng tạo bản năng. Bạn có thể tiếp tục làm việc trên các tác phẩm này trong một thời gian dài, bạn hoàn toàn có thể ứng tác lại phần đệm theo cách của mình trong phạm vi các tác phẩm và vẫn là chính mình như một nghệ sĩ và sống với nó theo cách chúng phản ánh bạn là ai vào thời điểm cụ thể đó.”
“Và điều đó thật đáng ngạc nhiên, bất kể tôi ở đâu, Bach dường như luôn làm thay đổi không gian. Dù tôi đang chơi cho một nhóm người đang đan len hoặc các cặp cha mẹ cùng con họ, hay dù ở một địa điểm khác hoặc trong phòng hòa nhạc – mọi người thay đổi cách họ thưởng thức âm nhạc. Bạn có thể gần như bị lạc trong âm nhạc chỉ bằng cách ngồi đó, một cách thụ động. Bạn không cần phải đến với âm nhạc mà âm nhạc đến với bạn – nhưng sau đó nó đưa bạn đến một nơi khác cùng nó. Đó là một điều tuyệt vời. Tôi có thể cảm thấy điều đó đang xảy ra mỗi khi biểu diễn. Tôi có thể nói rằng mọi người ở cùng nhau trong không gian được âm nhạc tạo ra này – chứ không phải do khán phòng tạo ra – bởi điều đó xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Với Bach, bạn có thể đan dệt nên một thế giới được kết nối hoàn toàn với bất cứ ai ở trong cùng một khán phòng.”
Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.violinist.com/blog/laurie/201810/27485/