Hình như là thành phố

Những khu chung cư vừa mới xây xong còn cáu cạnh. Những con đường mà hàng cây có vẻ như vừa mới bứng từ vườn ươm còn phải dựng que chống. Những cái cầu vượt. Những dòng xe vận tải, xe tốc độ cao vun vút. Và gần như không thấy bóng người tản bộ. Đó là hình ảnh Hà Nội và Bắc Kinh mà người ta thấy từ những bộ ba ảnh đen trắng mang chủ đề “Đường vành đai” (Périphéries) của Francois Carlet-Soulages tại Trung tâm Văn hóa Pháp L' Espace Hà Nội. Những khuôn hình hơi lạnh lùng của nhà nhiếp ảnh đã chỉ ra những mô típ bề ngoài, những sự giống nhau của một xu thế quy hoạch đô thị, còn những câu chuyện bên trong, những chuyển hoá đô thị hóa kiểu này rồi như thế nào, có lẽ chính là nội dung văn hóa của con người tạo ra.

Nếu xóa những chữ Hán và chữ Việt trên các tấm biển trong ảnh đi, mời một người không có khái niệm về những vùng mới của hai đô thị này xem các bức ảnh, thật khó để mà bảo đâu là ở Hà Nội hay là Bắc Kinh. Mà những con đường xa lộ, những cái nhà chung cư cũng giống những con đường, những cái nhà ở các tập ảnh thời sự chụp ngoại ô Paris hay Moskva. Một không khí quạnh hiu và hoang vu bao trùm, người xem hơi băn khoăn về cảm giác hơi u ám. Đúng là có điều gì đó thiếu nhân văn ở những không gian này, mặc dù lợi ích thiết thực không thể chối cãi mà chúng tạo ra: những dãy nhà cao tầng xếp hàng đều suốt hàng cây số, hình thức đơn nguyên cứ những hàng dọc lồi ban công lõm cửa sổ đều tăm tắp, những con đường dải phân cách dài thượt, mãi mới có một cái chỗ sang đường… Ở khu Định Công, người ta đánh thứ tự tên những cái nhà thế này: NƠ-14A chẳng hạn, hoặc một số khu khác là CT-5. Tức là thế nào? Mới đầu nghe dì tôi đọc qua điện thoại, tôi cứ nghĩ hay là bà già không biết đọc ký hiệu No. (tức là Number, số thứ tự). Hoá ra họ viết thế thật và NƠ-14A thì nghĩa là “Nhà-ở 14 tầng mang thứ tự A”. Nhưng quanh đây thì cũng toàn nhà ở chứ có nhà nào không để ở đâu? CT là “cao tầng”, tức là phân biệt với những nhà phân lô khu bên cạnh, nhưng cao tầng là mấy tầng… Thế thì vui chứ, lẽ ra phải có những chuyện nho nhỏ như thế, cũng như khu chung cư mới đã sinh ra một văn hoá mới, như cách đây 50 năm bắt đầu có văn hóa khu tập thể, và một nửa thành phố Hà Nội đã có cuộc đời của ít nhất hai thế hệ gắn với nó.

Vậy văn hóa chung cư hay văn hóa khu đô thị mới là gì?
Từ “chung cư” trước đây chỉ Sài Gòn mới có, và chung cư, cư xá ở đấy cũng đã sinh ra văn hóa của chúng, những thứ “ngọn đèn hiu hiu nỗi lòng cư xá” mà miền Bắc và Hà Nội chỉ gọi là khu tập thể. Trước năm 2001 từ này vẫn chưa phổ biến, nhưng bắt đầu từ bản quy hoạch tổng thể công bố năm 2002 và việc thành lập hai quận mới có những khu tái định cư mới, từ “chung cư” trở thành thời thượng. Chung cư lúc này nghĩa là: cao trên 10 tầng, có thang máy, và mới xây. Không biết những năm 1960 khi khu Kim Liên bắt đầu được xây dựng thì người ta nói đến từ “khu tập thể” tự hào thế nào, chứ mấy năm qua nói đến hai chữ “chung cư” là cả một không khí chộn rộn. Những trang báo “Mua và Bán” dày đặc những thông tin cần bán, sang tên, chuyển nhượng quyền sở hữu, hoặc nhà nào cũng phải nói một câu về giá của chung cư Mỹ Đình A hay khu tái định cư Trung Yên 11 triệu một mét vuông… thế mà thằng con bà Hợi mua được đấy, căn hộ 100 mét vuông là tỷ mốt rồi! Như thể cơn sốt ngứa miệng, không nói đến chung cư, không nói đến tái định cư, không nói đến căn hộ đô thị mới là không sống nổi ở cái đất Hà Nội này.
Những khuôn hình hơi lạnh lùng của nhà nhiếp ảnh đã chỉ ra những mô típ bề ngoài, những sự giống nhau của một xu thế quy hoạch đô thị, còn những câu chuyện bên trong, những chuyển hóa đô thị hóa kiểu này rồi như thế nào, có lẽ chính là nội dung văn hóa của con người tạo ra. Sống thì đã càng ngày khép kín, những căn hộ đắt giá không chỉ vì rộng và tiện nghi mà còn vì sự biệt lập. Với những vùng văn hóa bản địa xung quanh, với không gian cộng đồng còn lại, những khu chung cư vòi vọi này thực sự là những pháo đài khó xâm nhập. Và mỗi con người sống trong đó, nhìn ra cảnh quan của khu xung quanh thì thấy gì: sự giống nhau, sự ngăn cách và cô đơn của người khác cũng như chính mình.
Ở Hà Nội, trừ những khu đô thị mới không quá xa trung tâm, khu tái định cư của những người dân trước đây buôn bán ở những phố bị mở đường, có nhiều người không đi làm nhà nước hoặc nhiều người về hưu, còn giữ được sự nhộn nhịp đều đều, hoặc thấy hơi ấm con người. Còn những khu xa xôi như Mỹ Đình mà tôi đã ở đấy mấy hôm trông nhà hộ, ban ngày cả một khu cao tầng vắng ngắt như thành phố không sự sống. Những chủ nhân của khu này chủ yếu là những cán bộ có kinh tế khá, đi làm trong nội thành và nhiều khi cũng vắng nhà liên tục, thậm chí nhiều căn hộ chỉ là chỗ “sơ-cua” trong khi họ đã có nhà ở nội thành rồi. Hoặc những khu đô thị mới, chung cư cao tầng dành cho người tái định cư nhưng cảnh tượng buổi sáng hoặc chiều tối cũng hệt như những khu phố nhỏ: hàng quà, hàng xén, đồ cũ… bà cụ xếp cái bàn, mấy thanh niên ngồi xổm uống nước chè; chị gái đặt nồi canh riêu lên bếp than tổ ong, mấy cô chuẩn bị đưa con đi trẻ tranh thủ làm bát bún cua. Chung cư đôi lúc chỉ hơn nhà tập thể ở cái thang máy. Thậm chí trên nóc toà nhà căn hộ đắt giá nhất Hà Nội ở số 27 Huỳnh Thúc Kháng, hiện đại là thế, nhưng cũng có một cái miếu, chắc để thờ Trời Đất?
Sau những sự cố về chất lượng nhà chung cư cũng như những khiếm khuyết về quy hoạch, người ta đã bớt ảo tưởng về những khu đô thị mới. Người ta vẫn thấy căn bản vẫn là tự mình, và đời sống văn hoá của mình làm nên chất lượng chỗ sống. Robinson Crusoe dù vào hoang đảo cũng vẫn lập được cho mình một vương quốc riêng, với những thói quen mới chính là những thói quen cũ được uốn lại cho hợp thổ ngơi. Ở Hà Nội, cuộc cách mạng về nhà ở lần này còn mang ý nghĩa thay đổi nhiều bộ phận dân cư từ nơi trú ngụ thấp tầng sang giao thông cao tầng, cao đến vài chục tầng chứ không chỉ là 5 tầng lắp ghép như trước. Như thế, những tiện nghi trong nhà cũng đòi hỏi gọn nhẹ, tháo lắp được và bị khống chế ở một khuôn khổ nào đó. Và đương nhiên những mô đun công nghiệp, những mẫu nội thất đồng bộ đi theo loại kiến trúc bao chứa là thứ được lựa chọn nhiều nhất. Nếu thích một cái sập gụ hay một bộ tủ kiểu Minh? Hãy theo cách của hoạ sĩ Thành Chương, làm nguyên cả một trang trại ngoại thành. Dĩ nhiên là cần có tiền và có sức, và như thế chẳng cần mua căn hộ chung cư mà làm gì.
Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân, một bầu không khí sinh hoạt trở thành mô hình cho hàng vạn con người, nhất là thành phần “cán bộ công nhân viên chức”. Khu tập thể đã có vẻ như xong nhiệm vụ của nó, đến giờ những khu chung cư kiểu mới ngoài việc đem lại sự độc lập khép kín thì có gì khác? Người ta dễ thấy là diện tích rộng hơn, vật liệu phong phú hơn, nhưng không thể nói rằng nhà chung cư mới đã vượt ra khỏi những vấn đề của khu tập thể. Mặt lợi ích chúng ta đều thấy là tính kinh tế, khả năng nhân rộng hàng loạt và sự bình đẳng trên lý thuyết cho mọi người của loại hình không gian sống này. Nhưng để chúng đem lại một hiệu quả thì làm sao dung hoà được nhu cầu của quán tính sống kiểu cũ, nhà bám chặt với mặt đường với không gian kiểu mới, nhà ở trên một tầng cao nào đó, dường như cô đơn và xa vắng như trong những hình ảnh được chụp lại trong triển lãm này. Nó có ở Hà Nội, ở Bắc Kinh hay nhiều đô thị hiện đại. Hình như đó là thành phố của bạn, hình như thôi vì bạn vẫn phải kiếm những “chất thành phố” của mình ở khu phố cũ, cách chỗ này đến cả chục cây số. Ngày xưa, bố tôi đi về Thủ đô sau khi tiếp quản năm 1954, hai anh chiến sĩ đi bộ từ Thái Nguyên qua cầu Long Biên, ngồi nghỉ ở Bờ Hồ hỏi nhau: đã về đến Hà Nội chưa mày?

Nguyễn Trương Quý
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 63 times, 1 visits today)