Hồ sơ “tội trạng” của Niels Bohr

Khi Bohr sang Mỹ để cố vấn cho Chương trình Manhattan, người ta đã bắt ông phải dùng một bí danh là Nicholas Baker. Trong một chuyến đến thăm Washington, Bohr ở trong thang máy với một phụ nữ.

Lộ bí danh

 Ông đã nhận ra người này, đó là vợ của một nhà vật lý hạt nhân (tiến sỹ Halban) đã từng đến Đan Mạch. “Rất hân hạnh được gặp lại ngài, Giáo sư Bohr,” người phụ nữ lên tiếng. “Xin lỗi” Bohr luống cuống trả lời, “bà đã nhầm tôi với ai rồi. Tên tôi là Nicholas Baker, nhưng… tôi nhận ra bà rồi, bà Halban.” Không”, người phụ nữ phản ứng, “Bây giờ tôi là bà Placzek.” 
 
Tội bắt cóc trẻ em

Nhớ lại hồi Bohr phải lặn lội sang tận Đức, đến Đại học Gottingen để mời bằng được cậu bé Werner Heisenberg tài năng về Copenhagen làm việc với mình. Nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đúng vào lúc Bohr vừa “dụ dỗ” được Heisenberg thì bỗng có hai người Đức mặc đồng phục cảnh sát tóm chặt vai ông và quát lớn: “Đứng yên! Ông đã bị bắt vì tội bắt cóc trẻ em!”
Tội cướp ngân hàng và sự thiếu tính chuyên nghiệp

“Niels Bohr, Frau Bohr, Casimir và tôi được Oscar Klein mời đi ăn tối nhân dịp ông ấy nhận chức giáo sư,” George Gamow có lần nhớ lại. “Chúng tôi trở về khi đã khá muộn, đường phố vắng tanh. Chúng tôi đi qua một ngân hàng được xây với những bức tường bê tông đồ sộ. Khi nhìn thấy ở góc tường có những khe hở, Casimir – vốn là một người leo núi cừ khôi đã bám vào những khe hở trèo lên tận tầng ba. Sau khi Casimir trèo xuống, Bohr – vốn chẳng có chút kinh nghiệm leo núi nào cũng muốn thử. Mò mẫm thế nào mà Bohr cũng trèo được lên tầng hai nhưng đang rất loay hoay không biết xuống thế nào cả. Trong lúc mọi người vô cùng lo âu và sốt ruột thì bỗng có hai cảnh sát Đan Mạch đeo súng xuất hiện. Họ nhìn lên rồi quay sang nói với nhau: “Ồ, kiểu này thì chỉ có thể là Giáo sư Bohr thôi!”, và họ lặng lẽ bỏ đi, có lẽ họ cần săn lùng những tên cướp ngân hàng nguy hiểm hơn”.
 
Tội chứa chấp

Niels Bohr có thói quen là thường nhắc đi nhắc lại những từ ngữ có liên quan đến lĩnh vực mà mình đang theo đuổi. Một buổi chiều, khi đang làm việc với nhà vật lý Abraham Pais ở Viện Nghiên cứu Cấp cao Princeton, Bohr bắt đầu chuyển sang trạng thái mê mẩn, ông cứ đi quanh phòng và lẩm bẩm: “Einstein… Einstein…”.
Đột nhiên, chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà Einstein bỗng xuất hiện trong phòng làm Bohr vô cùng sửng sốt. Thì ra ông bạn già tinh nghịch này đã lẻn vào phòng từ lúc nào. Bohr chưa kịp hỏi gì thì Einstein đã giải thích: “Khổ ghê cơ, bác sỹ của tôi yêu cầu tôi không được mua thuốc lá nữa, và tôi đã trót hứa sẽ làm theo lời ông ấy. Tuy nhiên, hi hi, tôi chưa bao giờ hứa là sẽ không ăn trộm thuốc lá cả”. Dứt lời, ông lôi ra một hộp thuốc lá và bắt đầu phì phèo. Cả buổi chiều hôm ấy, Bohr đã vui vẻ cho Einstein trốn trong phòng mình để “tiêu thụ đồ ăn trộm”. 
 
Bán độ?
Hồi trước, Niels Bohr đã từng làm thủ môn bóng đá, và ông có thể sẽ được làm thủ môn cho đội tuyển Đan Mạch dài dài nếu như không xảy ra câu chuyện như sau. Một lần, đội Đan Mạch gặp phải đối thủ quá yếu, bóng chỉ tập trung bên phần sân  đội bạn, thủ môn Bohr đã tranh thủ đứng ôm lấy cột gôn và hí hoáy viết những công thức lên đó, ông mải mê đến mức khi một đường bóng xa bay đến khung thành đội Đan Mạch, các cổ động viên đã phải hò hét rầm trời mới làm ông sực tỉnh để chạy ra bắt bóng. Không biết có ai nghi ngờ Bohr bán độ hay không nhưng có lẽ sau vụ ấy, người ta đã không mời ông làm thủ môn nữa.

P.V

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)